Điều ước Quốc tế Subscribe to Điều ước Quốc tế
Thỏa ước Madrid về Đăng ký Quốc tế Nhãn hiệu hàng hóa
Thỏa ước Madrid được ký tại Madrid năm 1891, trong đó quy định việc đăng ký quốc tế nhãn hiệu tại Văn phòng quốc tế của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) ở Geneva. Thỏa ước áp dụng nguyên tắc bảo hộ như công dân giữa các nước là thành viên của Liên hiệp đặc biệt của Thỏa ước. Theo Thoả ước này thì công dân của một nước thành viên của Thoả ước muốn bảo hộ một nhãn hiệu của mình tại nhiều nước thành viên khác, trước tiên phải đăng ký nhãn hiệu của mình tại Cơ quan Sở hữu công nghiệp quốc gia, sau đó thông qua Cơ quan Sở hữu công nghiệp quốc gia có thể nộp đơn đăng ký quốc tế cho Văn phòng quốc tế của WIPO. Văn phòng quốc tế sẽ công bố đơn đăng ký quốc tế và chỉ rõ những nước thành viên mà người nộp đơn yêu cầu bảo hộ nhãn hiệu của mình (nước được chỉ định). Nước được chỉ định có thời gian 1 năm để xem xét chấp nhận hoặc từ chối bảo hộ nhãn hiệu trên lãnh thổ của mình. Nếu sau 1 năm nước được chỉ định không có ý kiến thì nhãn hiệu coi như được chấp nhận bảo hộ ở nước đó. Thời hạn bảo hộ của nhãn hiệu theo thỏa ước là 20 năm và có thể gia hạn thêm 20 năm. Phần cuối của Thỏa ước quy định chi tiết về quyền hạn, trách nhiệm, tổ chức hoạt động của Hội đồng liên hiệp đặc biệt, Văn phòng quốc tế cũng như các điều kiện để gia nhập, phê chuẩn và bãi ước đối với Thỏa ước của các quốc gia. Nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam gia nhập thỏa ước từ năm 1981.
Công ước Berne quy định về bảo hộ các tác phẩm văn học, khoa học, nghệ thuật.
Công ước quy định các hình thức tác phẩm được bảo hộ theo Công ước: sách; kịch; tác phẩm điện ảnh; tác phẩm điêu khắc; hội họa; kiến trúc…Nhưng công ước cũng trao cho các quốc gia thành viên quyền tự chủ trong việc quyết định các hình thức tác phẩm cụ thể được bảo hộ tại nước mình. Đối tượng được bảo hộ theo Công ước Berne là các tác phẩm của các tác giả là công dân của các nước thành viên Công ước, tác phẩm của tác giả không phải là Công dân của các nước thành viên của Công ước nhưng công bố lần đầu tiên ở một nước thành viên hoặc công bố đồng thời tại một nước thành viên và một nước không phải là thành viên và tác phẩm của các tác giả không phải là công dân nhưng cư trú thường xuyên tại một nước là thành viên của Công ước. Công ước Berne còn quy định về các quyền tinh thần, quyền kinh tế của tác giả; thời hạn bảo hộ quyền tác giả; các hoạt động liên quan tới sử dụng, chuyển nhượng quyền tác giả; quy định về bảo vệ quyền tác giả. Công ước cũng đưa ra các quy định về chính sách liên quan tới các thành viên của Công ước, liên quan tới các nước đang phát triển; các quy định về thành lập, tổ chức, hoạt động, trách nhiệm và mục đích hoạt động của hội đồng Liên Hiệp các nước thành viên Công ước Berne. Công ước Bern có hiệu lực ở Việt Nam từ ngày 26 tháng 10 năm 2004.