Sáng 23/8, sau 2 ngày xét xử sơ thẩm vụ án Công ty TNHH Tư vấn Đầu tư Khải Thái (Công ty Khải Thái) lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội đã quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung vì xét thấy vụ án còn nhiều tình tiết mới chưa được làm rõ. Trong vụ án này, Luật sư Công ty TNHH Luật Gia Phạm tham gia với tư cách là người bảo chữa cho bị cáo Đoàn Thị Luyến (nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Charmvit Công ty Khải Thái).
Ngày 21/8, TAND TP. Hà Nội mở Phiên tòa sơ thẩm xét xử 07 bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Chủ mưu là Hsu Minh Jung (tức Saga, SN 1975, quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc, người trực tiếp chỉ đạo và quyết định toàn bộ công việc công ty Khải Thái).
Phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Công ty Khải Thái lừa đảo chiếm đoạt
tài sản. Nguồn: TTXVN
Công ty Khải Thái được thành lập tại Việt Nam do Hsu Ming Jung (Saga) đứng ra thành lập nhưng lại thuê các cá nhân người Việt Nam làm giám đốc công ty, giám đốc chi nhánh, kế toán trưởng. Quá trình hoạt động cho đến ngày 01/10/2014, công ty đã 7 lần thay đổi bổ sung đăng ký kinh doanh
Theo hồ sơ vụ án: Từ tháng 12/2012 đến tháng 9/2014, Saga chỉ đạo cho nhân viên của mình là các bị cáo còn lại tư vấn cho khách hàng nộp tiền vào Công ty Khải Thái bằng hình thức ký hợp đồng ủy thác đầu tư. Để chiếm lòng tin khách hàng, Saga tung hàng loạt các thông tin gian dối với những lời quảng cáo khủng như công ty kinh doanh vàng tài khoản tại Hồng Kông, Quảng Châu; kinh doanh ngoại tệ, khách sạn, ô tô; khách hàng tham gia hưởng lãi suất từ 3-3,5%/tháng; nếu đầu tư vào kênh Forex, khách hàng sẽ có lợi ích an toàn và hiệu quả…Cùng với đó, Saga đưa ra các chính sách hậu hĩnh với khách hàng và nhân viên như trả thưởng cao, tổ chức hội thảo tại các tòa nhà lớn, tổ chức khách hàng và nhân viên sang Đài Loan, Hồng Kông, Quảng Châu,… tham quan.
Bị cáo Hsu Minh Jung (Saga). Nguồn: TTXVN
Quá trình làm việc, các bị cáo là người Việt Nam được Saga thuê làm giám đốc hoặc giám đốc phụ trách, nhân viên kinh doanh. Các bị cáo trực tiếp giao dịch, tư vấn cho khách hàng gửi tiền vào công ty.
Công ty Khải Thái đã thu được tổng số tiền 501,1 tỷ đồng của 1.586 khách hàng. Trong đó có 10,4 tỷ đồng khách hàng chơi vàng tài khoản và 490,6 tỷ đồng là ủy thác đầu tư. Công ty đã trả cho khách hàng 177,9 tỷ đồng; còn lại 323,1 tỷ đồng.
Tháng 10/2014, Cơ quan cảnh sát điều tra (Bộ Công an) đã bắt Saga và những nhân sự chủ chốt của công ty Khải Thái. Đối với 18 đối tượng là trưởng phòng phụ trách kinh doanh, cơ quan điều tra tách rút hồ sơ để xử lý sau. Quá trình khám xét các trụ sở công ty và nơi ở của Saga, cảnh sát đã thu giữ hơn 35 tỷ đồng cùng một số tài sản khác.
Khi vụ việc bị phát giác chỉ có 717 người đến trình báo. Do đó, cơ quan điều tra chỉ xác định được số tiền ủy thác là 280 tỷ đồng. Những người này đã được nhận lãi 17,5 tỷ đồng. Như vậy, số tiền công ty còn chiếm đoạt là 264 tỷ đồng.
Các bị cáo tại phiên tòa. Nguồn: Cafef.vn
Trong vụ án này, bị cáo Saga (trú tại quận Trung Lịch, thành phố Đào Viên, Đài Loan) cùng 6 bị cáo khác gồm:
- Phan Kiện Trung (sinh năm 1984, ở tại phường Ngọc Lâm, Long Biên, Hà Nội, phiên dịch của Saga);
- Nguyễn Mạnh Linh (sinh năm 1987, trú tại huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình, nguyên Giám đốc Công ty Khải Thái);
- Đoàn Thị Luyến (sinh năm 1987, trú tại huyện Thanh Trì, Hà Nội, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Charmvit Công ty Khải Thái);
- Tăng Hải Nam (sinh năm 1975, trú tại quận Hà Đông, Hà Nội, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Lotte, Công ty Khải Thái);
- Đinh Thị Hồng Vinh (năm 1985, trú tại phường Đại Kim, quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Plaschem Công ty Khải Thái);
- Trịnh Hoàng Bình (sinh năm 1975, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội, nguyên Kế toán trưởng Công ty Khải Thái)
đã bị Viện Kiểm sát Nhân dân Thành phố Hà Nội truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 139 khoản 4 điểm a – Bộ luật Hình sự.
Trong vụ án này, Luật sư Công ty TNHH Luật Gia Phạm tham gia với tư cách là người bào chữa cho bị cáo Đoàn Thị Luyến (nguyên Giám đốc phụ trách chi nhánh Charmvit Công ty Khải Thái). Nhận định về việc bảo chữa cho bị cáo Đoàn Thị Luyến trong vụ án này Luật sư Luật Gia Phạm trao đổi một số quan điểm chính như sau:
- Theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 và Luật Chứng khoán sửa đổi, bổ sung, thì chỉ có ngân hàng thương mại, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty đầu tư chứng khoán và công ty quản lý quỹ là những định chế tài chính trung gian được nhận ủy thác vốn của tổ chức, cá nhân để thực hiện các họạt động đầu tư. Như vậy, việc một doanh nghiệp nhận ủy thác đầu tư mà chưa đáp ứng các điều kiện, hoặc không được tổ chức và hoạt động theo những mô hình nêu trên, là chưa phù hợp với quy định của pháp luật. Công ty Khải Thái không đáp ứng các quy định đó, vì vậy hoạt động nhận ủy thác đầu tư của công ty này là trái pháp luật.
- Công ty Khải Thái nhận tiền của người gửi mà không đầu tư vào một hoạt động kinh doanh sinh lời nào, chỉ lấy tiền người sau trả lãi cho người trước và rút tiền ra để cá nhân chi tiêu, hưởng thụ, chuyển tiền ra nước ngoài là hành vi lừa đảo
- Tuy nhiên, căn cứ theo tài liệu của hồ sơ vụ án, cũng như theo Cáo trạng số 19/VKSTC-V2 ngày 29 tháng 06 năm 2017 của Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao và tại Bản kết luận điều tra, Bản kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan An ninh Điều tra Công an Thành phố Hà Nội. Nhận thấy, những tài liệu hiện tại của Cơ quan tiến hành tố tụng đã không thể hiện hết tính chính xác, khách quan, đầy đủ những căn cứ xác định bị cáo Đoàn Thị Luyến phạm tội hay không phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cụ thể:
- Thứ nhất:Theo Điều 20 Bộ luật Hình sự năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009 quy định về đồng phạm như sau: “1. Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm. 2. Người tổ chức, người thực hành, người xúi giục, người giúp sức đều là những người đồng phạm. Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm. Người tổ chức là người chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy việc thực hiện tội phạm. Người xúi giục là người kích động, dụ dỗ, thúc đẩy người khác thực hiện tội phạm. Người giúp sức là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm. Phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm có sự câu kết chặt chẽ giữa những người cùng thực hiện tội phạm”.
Về mặt khách quan: Những người này phải cùng nhau thực hiện tội phạm một cách cố ý và hành vi của những người tham gia phải có sự liên kết thống nhất với nhau mới được coi là đồng phạm, biểu hiện qua:
- Hành vi của người này phải là tiền đề cho hành vi của người khác.
- Hành vi của mỗi người phải có mối quan hệ nhân quả với việc thực hiện tội phạm chung và hậu quả của tội phạm chung đó.
Về mặt chủ quan: Tất cả những người tham gia đều có lỗi cố ý, cùng mục đích phạm tội.
Song theo hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa sơ thẩm bị cáo Luyến và các bị cáo khác đều khẳng hoàn toàn không biết Saga thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, không biết được mục đích lừa đảo của Saga, không được Saga bàn bạc, thống nhất gì về việc tổ chức đồng phạm, giữa các bị cáo cũng không có sự câu kết cùng thực hiện tội phạm. Saga cũng xác nhận không tham gia bàn bạc thống nhất với bất kỳ ai, cũng không ai biết được mục đích lừa đảo của Saga.
- Thứ hai: Bị cáo Luyến không phải là người cố tình đưa ra các thông tin gian dối, càng không có mục đích chiếm đoạt và hưởng lợi riêng từ những tài sản của người bị hại bởi lẽ: Những hợp đồng ủy thác bị cáo Luyến ký và thực hiện thì Bị cáo đã thanh lý và hoàn trả lại hết cho khách hàng. Chính bị cáo là người đã gọi điện, yêu cầu, tư vấn cho khách hàng đến rút tiền và thanh lý hợp đồng.
- Thứ ba: Trongtổng số tiền 914.000.000 đồng là tiền lương và thưởng Luyến nhận được từ công ty không phải là khoản tiền ăn chia (chiếm đoạt) mà đây là khoản tiền lương công ty chi trả theo Quy chế lương thưởng được công bố công khai, đó cũng là phần lương chi trả cho công sức lao động của Luyến như bất kỳ nhân viên nào khác trong công ty. Hơn nữa trong tổng số tiền này, Luyến không được hưởng hết mà Luyến đã gửi lại: 1.700.000.000 đồng cho Saga. Trong các ngày diễn ra phiên tòa sơ thẩm vụ án từ 21/08/2017 đến ngày 23/08/2017, tại phần xét hỏi và đối chất giữa các bị cáo, Bị cáo Đoàn Thị Luyến cũng đã khẳng định và chứng minh số tiền khoảng 1.700.000.000 đồng Luyến đã chuyển trực tiếp cho Saga vì đây là số tiền thưởng cho khách hàng của Công ty chứ không phải là khách hàng của Luyến. Bản thân Saga cũng đã thừa nhận đã nhận số tiền này từ Luyến.
Như vậy, tổng số tiền lương và thưởng Luyến nhận được trọng thời gian làm việc tại Công ty Khải Thái chỉ khoảng: 1.214.430.000 đồng (thấp hơn nhiều so với số tiền được ghi nhận trong Kết luận Điều tra và Cáo Trạng của Viện kiểm sát nhân dân tối cao).
- Thứ tư: Theo nội dung Cáo Trạng kết luận Luyến tham gia soạn thảo “10 câu hỏi và trả lời tình huống cho nhân viên kinh doanh”và những câu hỏi nhân viên kinh doanh thường gặp. Về nội dung này đã có sự mâu thuẫn giữa Kết Luận của Cơ quan điều tra và Cáo trạng của Viện Kiểm Sát. Cụ thể: Trong Bản cáo Trạng Viện kiểm sát kết luận Bị cáo Luyến là người soạn thảo: “các câu hỏi nhân viên kinh doanh thường gặp” với 32 câu hỏi cụ thể. Nội dung này hoàn toàn không có trong kết luận Điều tra của Cơ quan điều tra. Tại Bút lục số 566 vào Ngày 12/08/2015, bị cáo Luyến có làm việc với điều tra viên về nội dung này, trên văn bản “Những câu hỏi nhân viên kinh doanh thường gặp” bị cáo Luyến đã xác nhận rất rõ nội dung “Tôi Đoàn Thị Luyến không xây dựng 32 câu hỏi này và cũng không biết ai xây dựng”. Vậy mà không hiểu không hiểu sao Viện Kiểm Sát lại đưa nội dung này vào Cáo Trạng để quy kết cho bị cáo Luyến là người thực hiện.
Ngoài ra còn rất nhiều các nội dung thiếu sót khác của cơ quan tiến hành tố tụng chưa được điều tra làm rõ trước khi diễn ra phiên tòa. Do vậy Hội đồng Xét xử sơ thẩm vụ án Quyết định hoàn phiên tòa, trả hồ sơ để điều tra bổ sung là phù hợp với quy định tại Điều 179 Bộ luật tố tụng hình sự. Luật sư Phạm Thị Hường-LGP