Thỏa ước Madrid về Đăng ký Quốc tế Nhãn hiệu hàng hóa

THỎA ƯỚC MADRID VỀ ĐĂNG KÝ QUỐC TẾ NHÃN HIỆU HÀNG HÓA

Điều 1. Thành lập Liên hiệp đặc biệt, nộp đơn đăng ký tại Văn phòng quốc tế, Xác định nước xuất xứ

  1. Các nước mà Thoả ước này áp dụng thành lập Liên hiệp đặc biệt về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá.
  2. Công dân của tất cả các nước thành viên có thể đạt được sự bảo hộ tại các nước khác cho nhãn hiệu của mình đối với các hàng hoá và dịch vụ, đã được đăng ký tại nước xuất xứ , bằng việc nộp đơn đăng ký nhãn hiệu đó tại Văn phòng quốc tế về Sở hữu trí tuệ ( sau đây gọi tắt là ” Văn phòng quốc tế “) được quy định tại Công ước thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (sau đây gọi là ” Tổ chức”) thông qua sự trung gian của Cơ quan tại nước xuất xứ.
  3. Nước được coi là nước xuất xứ là nước thành viên Liên hiệp đặc biệt mà người nộp đơn có cơ sở sản xuất hoặc kinh doanh thực thụ và nghiêm túc , hoặc nếu không có các cơ sở đó trong phạm vi Liên hiệp đặc biệt thì nước thành viên của Liên hiệp đặc biệt mà người nộp đơn có chỗ ở cố định , hoặc nếu không có chỗ ở cố định trong phạm vi Liên hiệp đặc biệt mà là công dân của một nước thành viên của Liên hiệp, thì nước thành viên mà người nộp đơn là công dân .

Điều 2. Áp dụng Điều 3 của Công ước Pari ” đối xử với một số người như là công dân của nước là thành viên của Liên hiệp đặc biệt”.

Công dân của các nước không tham gia Liên hiệp đặc biệt , mà thoả mãn các quy định tại Điều 3 của Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp trên lãnh thổ của Liên hiệp đặc biệt được thành lập theo Thoả ước này, thì được hưởng sự đối xử như là công dân của nước là thành viên .

Điều 3. Nội dung của đơn đăng ký quốc tế

  1. Tất cả các đơn đăng ký quốc tế đều phải trình bày theo hình thức đã được đề ra trong Quy định; Cơ quan tại nước xuất xứ phải chứng nhận rằng các chi tiết trong đơn đăng ký đó tương ứng với các chi tiết ghi trong đăng bạ quốc gia, và phải thông báo ngày nộp đơn, ngày đăng ký cũng như số đơn, số đăng ký và cả ngày nộp đơn đăng ký quốc tế.
  2. Người nộp đơn phải chỉ ra hàng hoá hoặc dịch vụ mà theo đó nhãn hiệu được yêu cầu bảo hộ, và nếu có thể, thì cả nhóm hàng hoá hoặc các nhóm hàng hoá tương ứng theo phân loại hàng hoá được thiết lập theo Thoả ước Nice về phân loại quốc tế hàng hoá và dịch vụ nhằm mục đích đăng ký nhãn hiệu. Nếu người nộp đơn không thực hiện việc chỉ dẫn phân loại này thì Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện việc phân loại hàng hoá theo các nhóm sản phẩm tương ứng với phân loại hàng hoá nêu trong phân loại nêu trên. Việc chỉ dẫn các nhóm hàng hoá của người nộp đơn sẽ được Văn phòng quốc tế kiểm tra, Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện việc kiểm tra trong sự phối hợp với Cơ quan quốc gia. Trong trường hợp có sự bất đồng ý kiến giữa Văn phòng quốc tế và Cơ quan quốc gia, thì quan điểm của Văn phòng này sẽ được ưu tiên.
  3. Nếu người nộp đơn đề nghị mầu sắc như là dấu hiệu phân biệt của nhãn hiệu, thì người đó phải:
    1. Trình bày về điều đó, và nộp cùng với đơn đăng ký thông báo chỉ rõ màu hoặc tập hợp màu có yêu cầu;
    2. Gửi kèm đơn đăng ký mẫu có mầu sắc của nhãn hiệu đó, mẫu này sẽ được gắn với thông báo do Văn phòng quốc tế thực hiện. Số lượng mẫu nhãn hiệu được ấn định bởi Quy định.
  4. Văn phòng quốc tế sẽ đăng ký ngay những nhãn hiệu nộp theo Điều 1. Ngày đăng ký sẽ là ngày nộp đơn đăng ký quốc tế tại nước xuất xứ, nếu đơn đăng ký được Văn phòng quốc tế nhận được trong vòng hai tháng kể từ ngày đó. Nếu Văn phòng quốc tế không nhận được đơn đăng ký trong thời hạn trên, thì Văn phòng sẽ đăng ký theo ngày nhận được đơn đó. Văn phòng quốc tế sẽ thông báo không chậm trễ cho Cơ quan có liên quan.Nhãn hiệu được đăng ký sẽ được công bố trên tạp chí thường kỳ do Văn phòng quốc tế phát hành, dựa vào những chi tiết trong đơn đăng ký. Trong trường hợp nhãn hiệu có chứa các yếu tố hình hoặc các chữ có dạng đặc biệt thì quy định sẽ xác định khả năng phải nộp các bản in của người nộp đơn.
  5. Nhằm mục đích công bố các nhãn hiệu đã được đăng ký cho các nước thành viên, tất cả các Cơ quan sẽ nhận được một số bản tạp chí không mất tiền và một số bản tạp chí được giảm giá , tỷ lệ với số lượng đơn vị được quy định tại Điều 16(4) của Công ước Pari về Bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp, theo những điều kiện trong quy định. Công bố này được coi là đầy đủ tại các nước thành viên và người nộp đơn không có quyền yêu cầu một hình thức công bố nào khác.

Điều 3bis “Sự hạn chế về lãnh thổ”

  1. Tất cả các nước thành viên, vào bất cứ thời điểm nào cũng có thể thông báo cho Tổng giám đốc Tổ chức ( sau đây gọi là ” Tổng giám đốc”) bằng văn bản về việc bảo hộ nảy sinh từ đăng ký quốc tế sẽ có hiệu lực tại lãnh thổ nước đó chỉ theo đề nghị được biểu thị của chủ nhãn hiệu.
  2. Thông báo trên không có hiệu lực trong vòng sáu tháng sau ngày Tổng giám đốc thông báo về điều đó cho các nước thành viên.

Điều 3ter. Đề nghị “được bảo hộ”

  1. Mọi đề nghị được bảo hộ nảy sinh từ đăng ký quốc tế đối với nước đã dành cho mình quyền được quy định tại Điều 3 bis phải được đề cập riêng tại đơn đăng ký được quy định tại Điều 3(1).
  2. Mọi đề nghị được bảo hộ được thực hiện tiếp theo việc đăng ký quốc tế phải được thực hiện thông qua Cơ quan của nước xuất xứ theo hình thức được quy định tại Quy chế. Văn phòng quốc tế sẽ đăng ký không chậm trễ việc mở rộng này và sẽ thông báo cho Cơ quan hoặc các Cơ quan của các nước có liên quan.Việc mở rông này cũng được công bố trên tạp chí thường kỳ do Văn phòng quốc tế phát hành.Việc mở rộng này có hiệu lực kể từ ngày được đăng ký trong đăng bạ quốc tế; việc mở rộng này sẽ mất hiệu lực nếu nhãn hiệu đăng ký quốc tế có liên quan hết hiệu lực.

Điều 4. Hiệu lực của việc đăng ký quốc tế

  1. Kể từ ngày việc đăng ký quốc tế được thực hiện tại Văn phòng quốc tế theo các quy định tại Điều 3 và 3 ter, việc bảo hộ đối với nhãn hiệu tại tất cả các nước các nước có liên quan phải được thực hiện như đối với nhãn hiệu được nộp đơn trực tiếp.Việc chỉ dẫn nhóm của các sản phẩm và dịch vụ được quy định tại Điều 3 không hạn chế các nước thành viên trong việc xác định phạm vi bảo hộ của nhãn hiệu,
  2. Tất cả các nhãn hiệu là đối tượng của việc đăng ký quốc tế đều được hưởng quyền ưu tiên theo quy định tại Điều 4 Công ước Pari về Bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp mà không bị yêu cầu phải tuân thủ theo hình thức quy định tại khoản D của Điều đó.

Điều 4 bis. Nhãn hiệu đăng ký quốc tế thay thế nhãn hiệu quốc gia đăng ký trước

  1. Khi một nhãn hiệu đã được nộp đơn tại một hoặc nhiều nước thành viên lại được đăng ký bởi Văn phòng quốc tế cho cùng một người chủ hoặc người thừa kế hợp pháp của người đó , thì việc đăng ký quốc tế sẽ thay thế đăng ký quốc gia trước đó, mà không làm thiệt hại đến bất cứ quyền đã có được bởi việc đăng ký trước .
  2. Cơ quan quốc gia , khi có yêu cầu, phải thực hiện việc ghi nhận vào sổ đăng bạ việc đăng ký quốc tế.

Điều 5. Từ chối bởi Cơ quan quốc gia

  1. Tại nước mà luật pháp của nước đó cho phép, Cơ quan quốc gia khi được Văn phòng quốc tế thông báo về việc đăng ký nhãn hiệu hoặc về đề nghị được bảo hộ thực hiện theo quy định của Điều 3ter sẽ có quyền tuyên bố về việc từ chối bảo hộ các nhãn hiệu đó trên lãnh thổ của mình.Tất cả việc từ chối trên phải dựa trên các cơ sở được áp dụng trong trường hợp đăng ký quốc gia theo các quy định của Công ước Pari về Bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp .Tuy vậy, việc bảo hộ không thể bị từ chối, thậm chí là từng phần , chỉ với lý do là luật quốc gia không cho phép trừ trường hợp có giới hạn số lượng nhóm sản phẩm hoặc giới hạn về số lượng hàng hoá, dịch vụ.
  2. Cơ quan muốn thực hiện quyền trên phải thông báo cho Văn phòng quốc tế về việc từ chối của họ có nêu rõ lý do, trong thời hạn được quy định bởi luật pháp nước đó và , muộn nhất là trước khi hết thời hạn một năm kể từ ngày đăng ký quốc tế của nhãn hiệu hoặc từ ngày có đề nghị được bảo hộ được thực hiện theo quy định tại Điều 3ter.
  3. Văn phòng quốc tế sẽ chuyển ngay một bản của quyết định từ chối vừa được thông báo, cho Cơ quan của nước xuất xứ và chủ sở hữu của nhãn hiệu , hoặc cho người đại diện của chủ nhãn hiệu nếu người đại diện được Cơ quan đó thông báo cho Văn phòng quốc tế. Những người có liên quan cũng có cùng quyền lợi giống như trường hợp nhãn hiệu được họ nộp đơn trực tiếp vào nước đã có quyết định từ chối.
  4. Lý do từ chối sẽ được Văn phòng quốc tế thông báo cho bất cứ người nào quan tâm nếu họ có yêu cầu.
  5. Cơ quan mà không thông báo cho Văn phòng quốc tế về quyết định từ chối tạm thời hoặc cuối cùng về việc đăng ký nhãn hiệu hoặc đề nghị được bảo hộ trong thời hạn tối đa là một năm nêu trên thì sẽ mất quyền được quy định tại khoản 1 của Điều này đối với nhãn hiệu có liên quan.
  6. Cơ quan có thẩm quyền không được tuyên bố huỷ bỏ hiệu lực của nhãn hiệu quốc tế mà không cho phép chủ nhãn hiệu có điều kiện để bảo vệ quyền của mình, trong một thời hạn thích hợp. Việc huỷ bỏ này phải thông báo cho Văn phòng quốc tế.

Điều 5bis. Tài liệu chứng minh về việc sử dụng hợp pháp một số dấu hiệu cụ thể của nhãn hiệu

Tài liệu chứng minh về việc sử dụng hợp pháp một số dấu hiệu cụ thể tạo thành nhãn hiệu, như là quốc huy, huy hiệu, chân dung, danh hiệu vinh dự, tên của người không phải là người nộp đơn, hoặc các chữ đề tặng khác như vậy có thể được yêu cầu bởi Cơ quan của các nước thành viên thì được miễn sự xác nhận hoặc chứng nhận của cơ quan nào khác ngoài Cơ quan của nước xuất xứ.

Điều 5ter. Bản sao bản đăng bạ quốc tế. Tra cứu trước. Trích lục đăng bạ quốc tế.

  1. Văn phòng quốc tế sẽ cấp cho bất cứ người nào có nhu cầu mà đã nộp phí được đề ra trong Quy định, bản sao bản đăng bạ quốc tế có liên quan đến một nhãn hiệu riêng biệt.
  2. Văn phòng quốc tế cũng có thể , theo phí đã được trả, thực hiện việc tra cứu trước đối với các nhãn hiệu đăng ký quốc tế.
  3. Trích lục đăng bạ quốc tế được yêu cầu nhằm mục đích công bố tại một trong các nước thành viên thì được miễn khỏi mọi sự xác nhận.

Điều 6. Thời hạn hiệu lực của nhãn hiệu đăng ký quốc tế. Tính độc lập của đăng ký quốc tế. Kết thúc việc bảo hộ tại nước xuất xứ .

  1. Đăng ký nhãn hiệu tại Văn phòng quốc tế có hiệu lực trong vòng 20 năm với khả năng gia hạn theo điều kiện quy định tại Điều 7.
  2. Sau khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký quốc tế , việc đăng ký này sẽ trở nên không phụ thuộc vào nhãn hiệu đăng ký quốc gia trước đó tại nước xuất xứ theo các điều kiện dưới đây.
  3. Việc bảo hộ nảy sinh từ đăng ký quốc tế, dù có là đối tượng được chuyển giao hay không cũng không còn hiệu lực, một phần hoặc toàn bộ , nếu trong vòng 5 năm kể từ ngày đang ký quốc tế, nhãn hiệu quốc gia đăng ký trước đó tại nước xuất xứ không còn được bảo hộ pháp lý, một phần hoặc toàn bộ tại nước đó. Điều này còn áp dụng cả trong trường hợp việc bảo hộ pháp lý sau này bị kết thúc do kết quả của việc khiếu nại được bắt đầu trước khi hết thời hạn 5 năm.
  4. Trong trường hợp đình chỉ hiệu lực do tự nguyện hoặc đương nhiên Cơ quan của nước xuất xứ sẽ yêu cầu đình chỉ nhãn hiệu tại Văn phòng quốc tế, và Văn phòng này sẽ thực hiện việc đình chỉ hiệu lực. Trong trường hợp việc huỷ bỏ là kết luận của Toà án, Cơ quan đó sẽ gửi cho Văn phòng quốc tế một cách đương nhiên hoặc theo yêu cầu của nguyên đơn gửi bản sao của đơn kiện hoặc bất cứ tài liệu nào khác chứng tỏ vụ kiện đã bắt đầu , và cả quyết định cuối cùng của Toà án; Văn phòng sẽ đưa thông báo về vấn đề đó vào đăng bạ.

Điều 7. Gia hạn hiệu lực đăng ký quốc tế

  1. Bất cứ nhãn hiệu nào cũng có thể gia hạn thêm 20 năm kể từ khi hết hạn thời hạn trước đó, bằng cách trả phí cơ bản, và trong trường hợp cần thiết phụ phí và phí bổ sung theo quy định tại Điều 8(2).
  2. Việc gia hạn không được bao gồm bất cứ sự thay đổi nào liên quan đến đăng ký trước đó theo hình thức gần nhất.
  3. Lần gia hạn đầu tiên theo quy định của Hiệp ước Nice 15.6.1957 hoặc theo hiệu lực của Điều này , phải bao gồm chỉ dẫn về phân loại hàng hoá theo phân loại hàng hoá quốc tế mà đăng ký nhãn hiệu có liên quan.
  4. Sáu tháng trước khi hết thời hạn hiệu lực, Văn phòng quốc tế sẽ gửi một thông báo không chính thức để nhắc nhở chủ nhãn hiệu hoặc người đại diện của họ về ngày hết hạn hiệu lực.

Điều 8. Phí quốc gia, phí quốc tế. Phân chia số thu, Phụ phí, và Phí bổ sung

  1. Cơ quan của nước xuất xứ có thể quy định, theo quan điểm của mình và thu , theo lợi ích của riêng mình phí quốc gia đối với chủ nhãn hiệu mà căn cứ vào nhãn hiệu đó việc đăng ký quốc tế hoặc gia hạn được thực hiện.
  2. Để đăng ký nhãn hiệu tại Văn phòng quốc tế thì sẽ phải trả trước phí quốc tế bao gồm:
    1. Phí cơ bản;
    2. Phụ phí cho mỗi các nhóm sản phẩm theo phân loại hàng hoá quốc tế mà theo đó có hàng hoá , dịch vụ sẽ áp dụng nhãn hiệu tính nhóm thứ trở đi;
    3. Phí bổ sung đối với yêu cầu mở rộng phạm vi bảo hộ theo quy định tại Điều 3 ter.
  3. Tuy vậy phụ phí theo quy định tại khoản 2(b) có thể được nộp trong thời hạn đề ra trong Quy chế mà không ảnh hưởng đến ngày đăng ký , nếu phân loại hàng hoá , dịch vụ được phân loại hoặc sửa lại bởi Văn phòng quốc tế.Nếu hết thời hạn nêu trên, người nộp đơn không nộp phụ phí hoặc không giảm danh mục hàng hoá, dịch vụ, thì đơn đăng ký quốc tế coi như bị rút bỏ.
  4. Thu nhập hàng năm từ các nguồn thu khác nhau trong đăng ký nhãn hiệu hàng hoá quốc tế, không kể các khoản thu theo quy định tại các phần (b) và (c) khoản (2) sẽ được Văn phòng quốc tế chia đều cho các nước thành viên của Thoả ước này , sau khi đã trừ các khoản chi và trả cần thiết để áp dụng Thoả ước.Nếu vào thời điểm Thoả ước này có hiệu lực, nước nào chưa phê chuẩn hoặc tham gia vào Thoả ước này, thì nước đó trong thời gian cho đến khi phê chuẩn hoặc tham gia Thoả ước sẽ có quyền được chia phần từ nguồn thu có được trên cơ sở Thoả ước trước đây áp dụng cho nước đó.
  5. Thu nhập có được từ phụ phí theo quy định tại khoản (2)(b) sẽ được chia cho các nước thành viên của Thoả ước này hoặc Thoả ước Nice ngày 15.6.1957 sau khi kết thúc năm, tỷ lệ với số lượng nhãn hiệu đăng ký bảo hộ tại các nước đó trong năm, số lượng này sẽ được nhân lên với hệ số được quy định trong Quy định đối với các nước có xét nghiệm sơ bộ.Nếu vào thời điểm Thoả ước này có hiệu lực, nước nào chưa phê chuẩn hoăc tham gia Thoả ước này, thì nước đó trong thời điểm cho đến khi phê chuẩn hoặc tham gia Thoả ước sẽ có quyền được chia phần từ tổng số được tính trên cơ sở Thoả ước Nice.
  6. ) Tổng số tiền có được từ phí bổ sung quy định tại khoản 2(c) sẽ được chia theo quy định tại khoản (5) cho các nước dành cho mình quyền quy định tại Điều 3bis. Nếu vào thời điểm Thoả ước này có hiệu lực, nước nào chưa phê chuẩn hoăc tham gia Thoả ước này , thì nước đó trong thời gian cho đến khi phê chuẩn hoặc tham gia Thoả ước sẽ có quyền được chia phần từ tổng số được tính trên cơ sở Thoả ước Nice.

Điều 9. Thay đổi trong đăng bạ quốc gia ảnh hưởng đến đăng ký quốc tế. Giảm danh mục hàng hoá, dịch vụ ghi trong đăng ký quốc tế. Bổ sung vào danh mục đó. Thay thế trong danh mục

  1. Cơ quan của nước của người có tên trong đăng ký quốc tế phải thông báo cho Văn phòng quốc tế về mọi việc huỷ bỏ, đình chỉ hiệu lực, chuyển nhượng và các thay đổi khác đối với nhãn hiệu tại đăng bạ quốc gia, nếu việc thay đổi đó có ảnh hưởng đến đăng ký quốc tế.
  2. Văn phòng sẽ ghi nhận những thay đổi đó vào Đăng bạ quốc tế, và thông báo cho Cơ quan của nước thành viên, và công bố trên tạp chí của mình.
  3. Quy trình như vậy cũng được áp dụng khi người người có tên trong đăng ký quốc tế đề nghị giảm danh mục hàng hoá , dịch vụ ghi trong đăng ký.
  4. Tất cả các công việc này đều phải trả phí ,được ấn định tại Quy chế.
  5. Việc bổ sung sau này các hàng hoá hoặc dịch vụ mới vào danh mục hàng hoá đó chỉ được thực hiện bằng cách nộp đơn đăng ký mới theo quy định tại Điều 3.
  6. Việc thay thế hàng hoá, dịch vụ này bằng hàng hoá, dịch vụ khác cũng được coi như là bổ sung.

Điều 9bis. Chuyển giao nhãn hiệu quốc tế, kế thừa thay đổi tại nước của chủ sở hữu

  1. Trong trường hợp nhãn hiệu được đăng ký quốc tế được chuyển giao cho người tại một nước thành viên khác với nước của người có tên trong đăng ký quốc tế , thì việc chuyển giao này phải phải được Cơ quan của nước của người có tên trong đăng ký quốc tế thông báo cho Văn phòng quốc tế. Văn phòng sẽ ghi nhận việc chuyển giao đó vào Đăng bạ quốc tế, và thông báo cho Cơ quan của nước thành viên, và công bố trên tạp chí của mình.Nếu việc chuyển giao có hiệu lực trước khi hết thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký quốc tế, Văn phòng quốc tế sẽ yêu cầu sự đồng ý của nước của người chủ mới và công bố, nếu có thể , ngày và số nhãn hiệu tại nước của người chủ mới.
  2. Việc chuyển giao nhãn hiệu được đăng ký quốc tế vì lợi ích của những người không được hưởng quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế sẽ không được ghi nhận.
  3. Trong trường hợp không có khả năng ghi nhận việc chuyển giao nhãn hiệu tại đăng bạ quốc tế, hoặc bởi vì nước của người chủ mới không đồng ý hoặc bởi vì việc chuyển giao đó được thực hiện vì lợi ích của những người không được hưởng quyền nộp đơn đăng ký nhãn hiệu quốc tế, thì Cơ quan của người chủ trước đây có quyền đề nghị Văn phòng quốc tế huỷ bỏ nhãn hiệu ghi trong đăng bạ.

Điều 9ter. Chuyển giao nhãn hiệu đăng ký quốc tế đối với một phần hàng hoá, dịch vụ hoặc tại một số nước thành viên cụ thể

  1. Nếu việc chuyển giao nhãn hiệu đăng ký quốc tế đối với một một phần hàng hoá, dịch vụ được thông báo cho Văn phòng quốc tế, , thì Văn phòng sẽ ghi nhận vào đăng bạ.Tất cả các nước thành viên có quyền từ chối công nhận hiệu lực của việc chuyển giao đó nếu như hàng hoá , dịch vụ được chuyển giao tương tự với hàng hoá, dịch vụ với hàng hoá, dịch vụ,vẫn còn được đăng ký cho người chuyển giao.
  2. Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện việc ghi nhận như trên đối với nhãn hiệu đăng ký quốc tế trong trường hợp việc chuyển giao chỉ thực hiện trong một hoặc vài nước thành viên.
  3. Trong trường hợp trên, nếu sự thay đổi xảy ra tại nước của chủ sở hữu, Cơ quan tại nước có chủ sở hữu mới có quyền, nếu việc chuyển giao nhãn hiệu được thực hiện trong thời hạn 5 năm kể từ ngày đăng ký quốc tế, đưa ra sự đồng ý như quy định tại Điều 9 bis.
  4. Các quy định của các khoản trên sẽ được áp dụng theo quy định của Điều 6 quater của Công ước Pari về Bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp.

Điều 9quarter. Cơ quan chung cho một số nước thành viên.Yêu cầu của một số nước thành viên đề nghị được đối xử như một nước thống nhất

  1. Nếu một số nước thành viên của Liên hiệp đặc biệt đồng ý thực hiện việc việc đồng nhất luật về nhãn hiệu , họ có thể thông báo cho Tổng giám đốc:
    1. Một Cơ quan chung sẽ thay thế cho tất cả các Cơ quan của các nước đó, và
    2. Toàn bộ lãnh thổ của họ sẽ được coi như là một nước để áp dụng một phần hoặc toàn bộ các quy định trước Điều này.
  2. Thông báo trên không có hiệu lực trong vòng sáu tháng sau ngày Tổng giám đốc thông báo về điều đó cho các nước thành viên.

Điều 10. Hội đồng của Liên hiệp đặc biệt

    1. Liên hiệp đặc biệt sẽ có Hội đồng bao gồm các nước đã phê chuẩn hoặc tán thành Văn bản này.
    2. Chính phủ của tất cả các nước sẽ được đại diện bởi một đại biểu, người đó có thể được sự giúp đỡ của các đại biểu không thường trực, cố vấn, chuyên gia.
    3. Các Chính phủ sẽ chịu mọi chi phí của đoàn đại biểu do họ cử ra, trừ chi chi phí về đi lại và chi tiêu cho một đại biểu của mỗi nước thành viên sẽ được trích từ quỹ của Liên hiệp đặc biệt.
    1. Hội đồng sẽ:
      1. Giải quyết tất cả các vấn đề liên quan đến việc duy trì và phát triển Liên hiệp đặc biệt và áp dụng Thoả ước này;
      2. Hướng dẫn Văn phòng quốc tế về việc chuẩn bị cho các hội nghị sửa đổi, có tính đến các ý kiến của các nước chưa phê chuẩn hoặc tán thành Văn bản này;
      3. Sửa đổi Quy định, bao gồm phí quy định tại Điều 8(2) và các phí khác liên quan đến đăng ký quốc tế.
      4. Duyệt và chấp nhận báo cáo và hoạt động của Tổng giám đốc liên quan đến hoạt động của Hiệp hội đặc biệt và kiến nghị với Tổng giám đốc các chỉ dẫn cần thiết về các vấn đề thuộc thẩm quyền của Liên hiệp đặc biệt;
      5. Xác định chương trình và thông qua ngân sách 2 năm của Liên hiệp đặc biệt, và phê chuẩn bản kê khai tài chính của ngân sách;
      6. Thông qua quy định về tài chính của Liên hiệp đặc biệt;
      7. Thành lâp các ban của các chuyên gia và các nhóm làm việc nếu điều đó là cần thiết để đạt được mục tiêu của Liên hiệp đặc biệt;
      8. Xác định các nước không phải là thành viên của Liên hiệp đặc biệt và các Tổ chức quốc tế phi chính phủ có thể chấp nhận tham gia Hội nghị như là quan sát viên;
      9. Chấp thuận sự thay đổi từ Điều 10 đến Điều 13;
      10. Thực hiện các hành động thoả đáng để xác định mục đích tiếp theo của Liên hiệp đặc biệt;
      11. Thực hiện các nhiệm vụ khác phù hợp theo quy định của Thoả thuận này;
    2. Đối với các vấn đề còn là lợi ich của Hiệp hội khác được chỉ đạo bởi Tổ chức, Hội đồng sẽ ra quyết định sau khi nghe hướng dẫn của Hội đồng phối hợp của Tổ chức;
    1. Mỗi nước thành viên của Hội đồng có một phiếu bầu;
    2. Một nửa các nước thành viên của Hội đồng là đủ để tạo thành phiên họp.
    3. Dù có quy định tại phần (b), nếu như tại bất kỳ khoá hợp nào, số lượng các nước tham dự ít hơn một nửa nhưng bằng hoặc nhiều hơn một phần ba các nước thành viên của Hội đồng thì Hội đồng cũng có thể đưa ra quyết định, nhưng trừ quyết định liên quan đến trình tự, tất cả các quyết định chỉ có hiệu lực nếu các điều kiện đề ra dưới đây được đáp ứng.Văn phòng quốc tế sẽ thông báo về các quyết định đó cho các nước thành viên không tham dự và đề nghị họ trong vòng ba tháng kể từ ngày thông báo trình bày ý kiến bằng văn bản về việc bỏ phiếu hoặc không tham gia bỏ phiếu.Nếu vào lúc kết thúc thời hạn đó, các nước thành viên đã trình bày ý kiến của họ về việc bỏ phiếu hoặc không tham gia bỏ phiếu đạt bằng số nước còn thiếu để tạo thành phiên họp tại chính khoá họp đó , thì các quyết định đó sẽ có hiệu lực nếu đạt được đa số cần thiết vào thời điểm đó .
    4. Theo quy định tại Điều 13(2), quyết định của Hội đồng cần phải có hai phần ba số phiếu được kiểm.
    5. Việc không tham gia bỏ phiếu không được tính là bỏ phiếu.
    6. Các nước thuộc Liên hiệp đặc biệt không phải là thành viên của Hội đồng sẽ được chấp nhận tham dự kỳ họp như là quan sát viên.
    1. Hội đồng họp hai năm một kỳ họp thông thường theo triệu tập của Tổng giám đốc , nếu không có các trường hợp ngoại lệ, tại cùng một địa điểm và cùng thời gian như là Đại Hội đồng của Tổ chức.
    2. Hội đồng cũng có thể có kỳ họp bất thường theo triệu tập của Tổng giám đốc, nếu có yêu cầu của một phần tư các nước thành viên của Hội đồng.
    3. Chương trình nghị sự của tất cả các kỳ họp do Tổng giám đốc chuẩn bị.
  1. Hội đồng sẽ chấp nhận quy định về thủ tục.

Điều 11. Văn phòng quốc tế

    1. Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện việc đăng ký quốc tế và các trách nhiệm có liên quan , cũng như là các nhiệm vụ hành chính khác liên quan đến công việc của Liên hiệp đặc biệt.
    2. Đặc biệt, Văn phòng quốc tế sẽ chuẩn bị các cuộc họp và đảm bảo nhiệm vụ thư ký của Hội đồng và của các ban chuyên gia và các nhóm làm việc được thiết lập bởi Hội đồng.
    3. Tổng giám đốc là người phụ trách điều hành của Liên hiệp đặc biệt và đại diện cho Liên hiệp đặc biệt.
  1. Tổng giám đốc và bất cứ nhân viên nào được Ông chỉ định, cũng có thể tham dự mà không được quyền bỏ phiếu vào các buổi họp của Hội đồng và của các ban chuyên gia hoặc các nhóm làm việc được Hội đồng thành lập. Tổng giám đốc hoặc nhân viên nào được Ông chỉ định đương nhiên là thư ký của các tổ chức đó.
    1. Văn phòng quốc tế theo hướng dẫn của Hội đồng , sẽ thực hiện việc chuẩn bị cho các Hội nghị sửa đổi các Điều khoản của Thoả ước ngoài các Điều từ 10 đến Điều 13.
    2. Văn phòng quốc tế cũng có thể thảo luận với các tổ chức liên chính phủ hoặc các tổ chức quốc tế phi chính phủ liên quan đến việc chuẩn bị cho các hội nghị sửa đổi.
    3. Tổng giám đốc và bất cứ người nào được Tổng giám đốc chỉ định sẽ tham dự mà không được quyền bỏ phiếu vào các buổi thảo luận trong các phiên họp đó.
  2. Văn phòng quốc tế sẽ thực hiện các nhiệm vụ khác được chỉ định.

Điều 12. Tài chính

    1. Liên hiệp đặc biệt có ngân sách.
    2. Ngân sách của Liên hiệp đặc biệt bao gồm các khoản thu và khoản chi của chính Liên hiệp đặc biệt, những khoản đóng góp vào các khoản chi chung của các Hội, và trong các trường hợp có thể thì cả khoản đóng vào ngân sách Đại hội của Tổ chức.
    3. Những khoản chi không chỉ quy riêng cho Liên hiệp đặc biệt mà còn cho cả một hoặc nhiều hiệp hội khác dưới sự điều hành của Tổ chức được coi là khoản chi chung của các Hội.Phần đóng góp của Liên hiệp đặc biệt trong khoản chi chung đó sẽ tỷ lệ với lợi ích của Liên hiệp đặc biệt trong đó.
  1. Ngân sách của Liên hiệp đặc biệt được thiết lập trên cơ sở xem xét các yêu cầu phối hợp với ngân sách của các Liên hiệp khác dưới sự điều hành của Tổ chức .
  2. Ngân sách của Liên hiệp đặc biệt có vốn từ các nguồn sau:

i. Phí đăng ký quốc tế , các khoản phí và các khoản tiền khác từ các dịch vụ được thực hiện bởi Văn phòng quốc tế có liên quan đến Liên hiệp đặc biệt;

ii. Tiền thu được do việc bán hoặc chuyển giao quyền đối với các ấn phẩm của Văn phòng quốc tế liên quan đến Liên hiệp đặc biệt;

iii. Quà tặng, tiền để lại theo chúc thư, tiền trợ cấp;

iv. Tiền cho thuê, lợi tức;

. Mức phí theo quy định tại Điều 8(2) và các phí khác liên quan đến việc đăng ký quốc tế sẽ được ấn định bởi Hội đồng theo đề nghị của Tổng giám đốc;

a. Mức phí được ấn định như vậy với tính toán rằng các nguồn thu hàng năm của Liên hiệp đặc biệt từ phí khác với phụ phí và phí bổ sung ít nhất cũng phải trang trải được chi phí của Văn phòng quốc tế liên quan đến Liên hiệp đặc biệt;

b. Nếu ngân sách không được chấp nhận trước khi bắt đầu giai đoạn tài chính mới, thì cũng có mức như ngân sách năm trước , như đã được định ra tại các quy định tài chính;

  1. Tuân theo các quy định tại Điều 4(a), số tiền từ các khoản phí và các khoản tiền khác từ các dịch vụ được thực hiện bởi Văn phòng quốc tế có liên quan đến Hiệp hội đặc biệt sẽ được Tổng giám đốc thông kê và báo cáo cho Hội đồng;

. Hiệp hội đặc biệt có quỹ hoạt động tài chính được thành lập bởi đóng góp không định kỳ của tất cả các nước thành viên của Liên hiệp đặc biệt, trong trường hợp quỹ trở nên không đầy đủ, Hội đồng sẽ quyết định mở rộng quỹ.

a. Số tiền đóng góp ban đầu của tất cả các nước cho quỹ này, hoặc sự đóng góp của họ trong trường hợp mở rộng tỷ lệ với phần đóng góp của nước đó như là thành viên của Công ước Paris về Bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cho ngân sách của tổ chức này trong năm khi thiết lập quỹ hoặc khi có quyết định mở rộng;

b. Phần đóng góp và điều kiện sẽ được ấn định bởi Hội đồng theo đề nghị của Tổng giám đốc và sau khi nghe ý kiến của Uỷ ban phối hợp của Tổ chức;

c. Cho đến khi mà Hội đồng còn cho phép sử dụng quỹ dự trữ của Liên hiệp đặc biệt như là quỹ hoạt động tài chính, Hội đồng có thể hoãn việc áp dụng các quy định tại các khoản (a), (b), (c).

7.

. Trong thoả thuận về trụ sở chính giữa nước mà trên lãnh thổ nước đó Tổ chức đóng trụ sở và Tổ chức có trụ sở, quy định rằng, trong trường hợp mà quỹ hoạt động tài chính bị thiếu, thì các nước đó sẽ phải ứng trước.Tổng số tiền ứng trước và điều kiện là nội dung của các thoả thuận riêng trong từng trường hợp, giữa nước đó và Tổ chức.

a. Các nước được nhắc tới tại phần (a) và tổ chức đều có quyền tuyên bố bãi bỏ trách nhiệm trả trước bằng văn bản. Việc bãi bỏ này có hiệu lực sau ba năm kể từ kết thúc năm mà việc bãi bỏ đó được thông báo.

  1. Việc kiểm tra tài chính được thực hiện theo các quy định về tài chính bởi một hoặc nhiều nước của Hiệp hội đặc biệt hoặc do người kiểm tra từ bên ngoài .Họ được chỉ định bởi Hội đồng với sự chấp nhận của họ.

Điều 13. Thay đổi từ Điều 10 đến 13

  1. Đề nghị sửa đổi các Điều 10, 11, 12 và Điều này có thể được khởi xướng bởi bất cứ nước thành viên nào của Hội đồng, hoặc bởi Tổng giám đốc. Những đề nghị này sẽ được Tổng giám đốc thông báo cho các nước thành viên của Hội đông ít nhất là sáu tháng trước khi được Hội đồng xem xét.
  2. Sự thay đổi đối với các Điều được quy định tại khoản (1) phải được sự chấp nhận của Hội đồng. Sự chấp nhận này phải được thể hiện bằng ba phần tư số phiếu được kiểm, nếu sự thay đổi liên quan đến Điều 10 và Điều này thì cần phải có bốn phần năm số phiếu được kiểm.
  3. Bất cứ sự thay đổi nào đối với các Điều được nhắc tới tại khoản (1) sẽ có hiệu lực sau một tháng, kể từ khi Tổng giám đốc nhận được từ ba phần tư các nước thành viên của Hội đồng vào thời điểm chấp nhận các thông báo chấp nhận bằng văn bản được thực hiện theo đúng thủ tục luật pháp của nước họ. Bất cứ sự thay đổi nào được chấp nhận như trên sẽ là trách nhiệm cho các nước thành viên của Hội đông vào thời điểm sự thay đổi đó có hiệu lực, hoặc trở thành thành viên của Hội đồng sau thời điểm đó.

Điều 14. Phê chuẩn và tán thành. Có hiệu lực. Tán thành các văn bản trước đó. Áp dụng Điều 24 của Công ước Paris

  1. Bất cứ nước thành viên nào của Hiệp hội đã ký vào văn bản này cũng có thể phê chuẩn văn bản,và nếu không ký, thì cũng có thể tán thành văn bản.
    1. Bất cứ nước nào không phải là thành viên của Hiệp hội đặc biệt mà tham gia Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp cũng có thể tán thành văn bản này và do đó trở thành thành viên của Liên hiệp đặc biệt.
    2. Ngay sau khi Văn phòng quốc tế được thông báo rằng các nước đó tán thành văn bản , thì Văn phòng sẽ gửi cho Cơ quan của nước đó , theo quy định của Điều 3, các thông báo về các nhãn hiệu đang được bảo hộ quốc tế.
    3. Việc thông báo này , về thực chất đã đảm bảo cho các nhãn hiệu đó các lợi ích đã được quy định tại các Điều trước trên lãnh thổ nước đó , và sẽ xác định sự bắt đầu thời hạn một năm mà theo đó Cơ quan có liên quan có thể đưa ra ý kiến theo quy định tại Điều 5.
    4. Tuy vậy, bất cứ nước nào trong các nước trên, khi chấp nhận Văn bản này, cũng có thể tuyên bố rằng, trừ trường hợp các nhãn hiệu đăng ký quốc tế là đối tượng tại nước này vì giống với nhãn hiệu đã đăng ký quốc gia đang có hiệu lực tại nước đó và sẽ được công nhận ngay nếu có yêu cầu của các bên có liên quan ,việc áp dụng Văn bản này chỉ giới hạn cho các nhãn hiệu được đăng ký kể từ ngày việc chấp nhận Văn bản có hiệu lực .
    5. Việc tuyên bố này sẽ làm cho Văn phòng quốc tế không còn trách nhiệm phải thông báo như đã nêu trên.Văn phòng quốc tế chỉ thông báo, trong thời hạn một năm kể từ ngày chấp nhận nước thành viên mới, các nhãn hiệu với các chi tiết cần thiết có yêu cầu được hưởng sự ngoại lệ đã được quy định tại phần (d).
    6. Văn phòng quốc tế sẽ không thực hiện việc thông báo cho các nước tuyên bố dành cho mình quyền được quy định tại Điều 3 bis, khi tán thành văn bản này. Các nước này còn có quyền tuyên bố vào thời điểm đó rằng, việc áp dụng Văn bản này chỉ giới hạn cho các nhãn hiệu được đăng ký kể từ ngày việc chấp nhận Văn bản có hiệu lực; Tuy vậy việc hạn chế này không ảnh hưởng tới các nhãn hiệu ký quốc tế là đối tượng giống với nhãn hiệu đã đăng ký quốc gia trước đó tại nước này, và điều đó là cơ sở để đưa ra và thông báo yêu cầu dành sự bảo hộ theo quy định tại Điều 3 ter và 8(2)(c).
    7. Đăng ký nhãn hiệu là đối tượng của một trong các thông báo được quy định tại khoản này sẽ được coi là thay thế việc đăng ký trực tiếp tại nước thành viên mới đó, trước khi việc tán thành văn bản có hiệu lực.
  2. Văn bản về việc phê chuẩn và tán thành sẽ do Tổng giám đốc lưu trữ.
    1. Đối với năm nước đầu tiên nộp văn bản phê chuẩn hoặc tán thành , Văn bản này có hiệu lực sau ba tháng kể từ khi nước thứ năm nộp văn bản.
    2. Đối với bất cứ nước nào khác Văn bản này có hiệu lực sau ba tháng kể từ khi việc phê chuẩn hoặc tán thành được thông báo cho Tổng giám đốc, trừ khi thời điểm muộn hơn được chỉ ra trong Văn bản về việc phê chuẩn và tán thành .Trong trường hợp này, Văn bản này có hiệu lực tại nước đó vào thời điểm đã được chỉ ra.
  3. Việc phê chuẩn hoặc tán thành sẽ dẫn đến việc công nhận toàn bộ hiệu lực và chấp nhận toàn bộ quyền lợi tại Văn bản này.
  4. Sau khi văn bản này có hiệu lực, các nước chỉ có thể tán thành Thoả ước Nice 15.6.1957 cùng với việc phê duyệt hoặc tán thành Văn bản này. Tán thành các văn bản trước Thoả ước Nice không được phép dù có phê duyệt hoặc tán thành Văn bản này.
  5. Các quy định tại Điều 24 của Công ước Pari về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp sẽ được áp dụng cho Thoả ước này.

Điều 15. Bãi ước

  1. Thoả ước này sẽ duy trì hiệu lực mà không bị hạn chế về thời gian.
  2. Bất cứ nước nào cũng có thể bãi ước Văn bản này bằng thông báo gởi cho Tổng giám đốc.Việc bãi ước này sẽ tạo thành việc bãi ước cả các Văn bản trước đó và sẽ có hiệu lực tại nước bãi ước, Văn bản này vẫn duy trì toàn bộ hiệu lực và được thi hành tại các nước khác của Liên hiệp đặc biệt. (3) Việc bãi ước có hiệu lực sau một năm kể từ ngày Tổng giám đốc nhận được thông báo.
  3. Quyền bãi ước được quy định bởi Điều này không được thực hiện bởi bất cứ nước thành viên nào trước khi hết 5 năm kể từ ngày nước đó trở thành thành viên của Liên hiệp đặc biệt.
  4. Nhãn hiệu đăng ký quốc tế đã được đăng ký cho đến ngày việc bãi ước trở nên có hiệu lực và không bị từ chối trong thời hạn một năm theo quy định tại Điều 5, vẫn tiếp tục trong thời hạn được bảo hộ quốc tế, được hưởng sự bảo hộ như được nộp đơn trực tiếp tại nước đã bãi ước.

Điều 16. Áp dụng các văn bản sớm hơn

    1. Đối với các nước là thành viên của Liên hiệp đặc biệt đã phê chuẩn hoặc tán thành Văn bản , thì kể từ ngày có hiệu lực đối với các nước đó, văn bản này sẽ thay thế Thoả ước Madrid 1891 với tất cả các văn bản trước văn bản này.
    2. Tuy vậy, bất cứ nước thành viên của Liên hiệp đặc biệt đã phê chuẩn hoặc tán thành văn bản , thì trong quan hệ đối với các nước không phê chuẩn hoặc tán thành văn bản này vẫn còn trách nhiệm tuân thủ các văn bản trước đây mà chưa bị bãi bỏ bởi Điều 12(4) của thoả ước Nice 15.5.1957.
  1. Các nước ngoài Liên hiệp đặc biệt mà là thành viên của Văn bản này có thể áp dụng Văn bản này đối với các đơn đăng ký quốc tế được thực hiện tại văn phòng quốc tế thông qua Cơ quan của các nước thành viên của Liên hiệp đặc biệt không chấp nhận Văn bản , nếu việc đăng ký đối với nước đó đáp ứng các yêu cầu của Văn bản này.Còn đối với các đơn đăng ký quốc tế được thực hiện tại Văn phòng quốc tế thông qua Cơ quan của các nước ngoài Liên hiệp là thành viên của Văn bản này như đã nêu trên, các nước đó phải đồng ý rằng các nước thành viên của Liên hiệp không chấp nhận Văn bản có quyền đề nghị đáp ứng yêu cầu của Văn bản gần nhất mà nước đó là thành viên.

Điều 17. Chữ ký, Ngôn ngữ, Nhiệm vụ lưu giữ

    1. Văn bản này được ký một bản bằng tiếng Pháp và gửi lưu giữ cho Chính phủ Thuỵ điển.
    2. Các bản chính thức do Tổng giám đốc soạn thảo sau khi thảo luận với các Chính phủ có liên quan, bằng các ngôn ngữ do Hội đồng chỉ định.
  1. Việc ký kết văn bản này được cho phép tại Thuỵ điển cho đến ngày 13.1.1968.
  2. Tổng giám đốc gửi hai bản đã ký của Văn bản này, được Chính phủ Thuỵ điển chứng nhận cho Chính phủ các nước là thành viên của Hiệp hội đặc biệt và các Chính phủ của nước khác , nếu đươc yêu cầu.
  3. Tổng giám đốc phải đăng ký Văn bản này với ban thư ký của Liên hợp quốc.
  4. Tổng giám đốc phải thông báo cho Chính phủ các nước là thành viên của Liên hiệp đặc biệt về chữ ký, gửi lưu giữ các văn bản phê chuẩn hoặc tán thành và bất cứ các tuyên bố nào trong các văn bản đó, việc có hiệu lực của bất cứ quy định nào của Văn bản này, thông báo về việc bãi ước hoặc các thông báo khác theo quy định Điều 3 bis, 9 quater, 13, 14(7), 15(2).

Điều 18. Điều khoản chuyển tiếp

  1. Cho đến khi Tổng giám đốc đầu tiên nhận chức, Văn phòng quốc tế của tổ chức hoặc Tổng giám đốc được nhắc tới tại Văn bản này sẽ coi như là nhắc tới Văn phòng của Hội được thiết lập bởi Công ước Pari về bảo hộ quyền Sở hữu công nghiệp và giám đốc của Văn phòng đó.
  2. Nước là thành viên của Liên hiệp đặc biệt không phê chuẩn hoặc tán thành Văn bản này , có thể trong vòng 5 năm sau khi Công ước thành lập Tổ chức có hiệu lực, thực hiện quyền các quy định từ Điều 10 đến 13 như là họ bị ràng buộc bởi các quy định đó, nếu họ muốn.Bất cứ nước nào muốn thực hiện các quyền đó phải thông báo bằng văn bản về hiệu lực đó cho Tổng giám đốc; Việc thông báo này có hiệu lực kể từ ngày nhận được.Các nước này sẽ được coi là thành viên của Hội đồng cho đến khi hết thời hạn trên.

Tags: ,

Comments are closed.