Nghị định số 01/2000/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13 tháng 01 năm 2000 về việc ban hành Quy chế phát hành trái phiếu Chính phủ.
NGHỊ ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 01/2000/NĐ-CP
BAN HÀNH QUY CHẾ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 13năm 1992;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nướcngày 20 tháng 3 năm 1996;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ngân sách Nhà nước số 06/1998/QH10 ngày 20 tháng 5 năm 1998;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,
NGHỊ ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị định này Quy chế phát hành trái phiếu Chính phủ.
Điều 2. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế Nghị định số 72/CP ngày 26 tháng 7 năm1994 của Chính phủ.
Bộ trưởng Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
QUY CHẾ PHÁT HÀNH TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Nghị định số 01/2000/NĐ-CP
ngày 13 tháng 01 năm 2000 của Chính phủ)
CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định việc phát hành trái phiếu Chính phủ và các vấn đề có liên quan đến trái phiếu Chính phủ trên lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều 2. Giải thích thuật ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Trái phiếu Chính phủ là một loại chứng khoán, do Bộ Tài chính phát hành, có thời hạn, có mệnh giá, có lãi, xác nhận nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ đối với người sở hữu trái phiếu.
2. Phát hành trái phiếu là việc bán trái phiếu Chính phủ cho các cá nhân, tổ chức.
3. Bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước là việc các đơn vị Kho bạc Nhà nước bán trái phiếu trực tiếp cho người mua.
4. Đấu thầu trái phiếu Chính phủ là việc bán trái phiếu cho các tổ chức, cá nhân tham gia đấu thầu, đáp ứng đủ các yêu cầu của Bộ Tài chính và có mức lãi suất đặt thầu thấp nhất.
5. Đại lý phát hành là việc các tổ chức được phép làm đại lý phát hành trái phiếu thoả thuận với Bộ Tài chính nhận bán trái phiếu Chính phủ. Trường hợp không bán hết, tổ chức đại lý được trả lại cho Bộ Tài chính số trái phiếu còn lại.
6. Bảo lãnh phát hành là việc tổ chức bảo lãnh giúp Bộ Tài chính thực hiện các thủ tục trước khi phát hành trái phiếu Chính phủ ra thị trường, nhận mua trái phiếu Chính phủ để bán lại hoặc mua số trái phiếu Chính phủ còn lại chưa được phân phối hết.
7. Lưu ký trái phiếu Chính phủ là việc tổ chức được phép lưu giữ, bảo quản trái phiếu Chính phủ của khách hàng và giúp khách hàng thực hiện các quyền đối với trái phiếu Chính phủ.
8. Đại lý thanh toán trái phiếu Chính phủ là việc các tổ chức được Bộ Tài chính ủy quyền thực hiện thanh toán gốc, lãi trái phiếu Chính phủ khi đến hạn.
9. Cầm cố là việc chủ sở hữu trái phiếu Chính phủ giao trái phiếu của mình cho một cá nhân hoặc tổ chức đểbảo đảmthực hiện nghĩa vụ dân sự.
Điều 3. Các loại trái phiếu Chính phủ
1. Tín phiếu kho bạc là loại trái phiếu Chính phủ có thời hạn dưới 1 năm, phát hành với mục đích bù đắp thiếu hụt tạm thời của ngân sách nhà nước và tạo thêm công cụ cho thị trường tiền tệ.
2. Trái phiếu kho bạc là loại trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 1 năm trở lên được phát hành với mục đích huy động vốn theo kế hoạch ngân sách nhà nước hàng năm đã được Quốc hội phê duyệt.
3. Trái phiếu đầu tư là loại trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 1 năm trở lên, bao gồm các loại sau:
a) Trái phiếu huy động vốn cho từng công trình cụ thể thuộc diện ngân sách nhà nước đầu tư, nằm trong kế hoạch đầu tư đã được Chính phủ phê duyệt nhưng chưa được bố trí vốn ngân sách trong năm kế hoạch;
b) Trái phiếu huy động vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển theo kế hoạch tín dụng đầu tư phát triển hàng năm được Chính phủ phê duyệt.
Điều 4. Phát hành trái phiếu
1. Trái phiếu Chính phủ được phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam hoặc ngoại tệ. Việc phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ chỉ áp dụng cho những dự án đầu tư có nhu cầu huy động vốn bằng ngoại tệ; Bộ Tài chínhxây dựng phương án phát hành cụ thể trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
2. Trái phiếu Chính phủ phát hành dưới dạng chứng chỉ hoặc bút toán ghi sổ, có ghi tên hoặc không ghi tên.
3. Mệnh giá trái phiếu Chính phủ được quy định như sau:
a) Đối với trái phiếu phát hành và thanh toán bằng đồng Việt Nam, mệnh giá tối thiểu là 100.000 đồng, các mệnh giá khác là bội số của 100.000 đồng, mệnh giá cụ thể do Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định;
b) Đối với trái phiếu phát hành và thanh toán bằng ngoại tệ, Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể cho từng đợt phát hành.
4. Việc phát hành các loại trái phiếu Chính phủ được thực hiện theo từng đợt. Bộ Tài chính quyết định phương thức phát hành, đối tượng phát hành, mức phát hành, mệnh giá, kỳ hạn, lãi suất, các quy định về thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Trước mỗi đợt phát hành trái phiếu, Bộ Tài chính công bố những quy định cụ thể trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Điều 5. Đối tượng được tham gia mua trái phiếu Chính phủ là các tổ chức, cá nhân Việt Nam, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, các tổ chức, cá nhân nước ngoài làm việc và sinh sống hợp pháp tại Việt Nam. Đối với các tổ chức của Việt Nam không được dùng nguồn kinh phí do ngân sách nhà nước cấp để mua trái phiếu Chính phủ.
Điều 6. Quyền lợi của người sở hữu trái phiếu Chính phủ
1. Được Chính phủ bảo đảm thanh toán đầy đủ, đúng hạn gốc và lãi trái phiếu khi đến hạn.
2. Được dùng trái phiếu để bán, tặng, cho, để lại thừa kế hoặc cầm cố.
3. Các đối tượng là cá nhân được miễn thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ trái phiếu.
Điều 7. Trái phiếu Chính phủ không được dùng để thay thế tiền trong lưu thông và thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với ngân sách nhà nước.
Điều 8. Chủ sở hữu trái phiếu Chính phủ được lưu ký trái phiếu tại các tổ chức được phép lưu ký chứng khoán theo quy định của pháp luật hiện hành hoặc được gửi tại Kho bạc Nhà nước để bảo quản.
Điều 9. Trái phiếu Chính phủ có thời hạn từ 1 năm trở lên được niêm yết, giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán tập trung (Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Sở Giao dịch chứng khoán). Việc niêm yết và giao dịch trái phiếu được thực hiện theo các quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Điều 10. Chủ sở hữu trái phiếu Chính phủ có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản tờ trái phiếu của mình. Những tờ trái phiếu làm giả hoặc bị rách nát, hư hỏng, không còn giữ được hình dạng, nội dung sẽ không được thanh toán.Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể các trường hợp trái phiếu Chính phủ không có giá trị thanh toán.
Điều 11. Mất, thất lạc trái phiếu Chính phủ
1. Trái phiếu không ghi tên bị mất hoặc thất lạc không được thanh toán.
2. Trái phiếu có ghi tên bị mất hoặc thất lạc, nếu người làm mất trái phiếu chứng minh được quyền sở hữu trái phiếu của mình và trái phiếu đó chưa bị lợi dụng thanh toán sẽ được cơ quan phát hành giải quyết thanh toán khi đến hạn.
Điều 12. Mọi hành vi lợi dụng, phá hoại trái phiếu hoặc làm giả trái phiếu đều bị xử lý theo pháp luật.
CHƯƠNG II
CÁC LOẠI TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
MỤC I.TÍN PHIẾU KHO BẠC
Điều 13. Tín phiếu kho bạc được phát hành dưới hình thức đấu thầu qua Ngân hàng Nhà nước.
Khối lượng và lãi suất tín phiếu kho bạc hình thành qua kết quả đấu thầu.
Ngân hàng Nhà nước làm đại lý cho Bộ Tài chính trong việc phát hành, thanh toán tín phiếu kho bạc trúng thầu và được hưởng phí do Bộ Tài chính quy định.
Điều 14. Các đối tượng được tham gia đấu thầu tín phiếu kho bạc
1. Các tổ chức ngân hàng hoạt động tại Việt Nam bao gồm ngân hàng thương mại, ngân hàng phát triển, ngân hàng đầu tư, ngân hàng chính sách, ngân hàng hợp tác, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các loại hình ngân hàng khác hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng.
2. Các công ty tài chính, công ty bảo hiểm, quỹ bảo hiểm, quỹ đầu tư hoạt động tại Việt Nam.
Điều 15. Tín phiếu kho bạc được mua, bán trên thị trường tiền tệ hoặc chiết khấu tại Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm tổ chức quản lý, điều hành thị trường tín phiếu kho bạc.
Điều 16. Toàn bộ khoản vay từ tín phiếu kho bạc được tập trung vào ngân sách Trung ương. Ngân sách Trung ương bảo đảm nguồn thanh toán tín phiếu kho bạc khi đến hạn.
Điều 17. Bộ Tài chính thoả thuận với Ngân hàng Nhà nước ban hành quy chế tổ chức đấu thầu tín phiếu kho bạc, các văn bản quy định việc điều hành thị trường tín phiếu kho bạc.
MỤC II. TRÁI PHIẾU KHO BẠC
Điều 18. Các phương thức phát hành trái phiếu kho bạc
1. Bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước:
a) Kho bạc Nhà nước bán trái phiếu trực tiếp cho các đối tượng;
b) Trái phiếu bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước được phát hành theo phương thức chiết khấu hoặc ngang mệnh giá.
2. Đấu thầu qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung:
Việc đấu thầu trái phiếu kho bạc qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính và ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Các đối tượng được tham gia đấu thầu trái phiếu kho bạc qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung bao gồm:
a) Các công ty chứng khoán;
b) Các đối tượng quy định tại Điều 14 Quy chế này;
c) Các Tổng công ty Nhà nước thành lập theo Quyết định số 90/TTg và Quyết định số 91/TTg ngày 07 tháng 3 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ;
d) Các đối tượng khác tham gia đấu thầu trái phiếu kho bạc phải đáp ứng các điều kiện do Bộ Tài chính và ủy ban Chứng khoán Nhà nước quy định.
3. Đại lý phát hành:
a) Các tổ chức được lựa chọn làm đại lý phát hành trái phiếu kho bạc bao gồm các công ty chứng khoán, công ty tài chính, các tổ chức ngân hàng hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng;
b) Tổ chức đại lý phát hành nhận bán trái phiếu kho bạc cho Bộ Tài chính và được hưởng một khoản phí theo mức thoả thuận với Bộ Tài chính.
4. Bảo lãnh phát hành:
a) Tổ chức được lựa chọn bảo lãnh phát hành trái phiếu kho bạc bao gồm các công ty chứng khoán, công ty tài chính, các tổ chức ngân hàng hoạt động theo Luật Các tổ chức tín dụng;
b) Tổ chức bảo lãnh phát hành nhận trái phiếu kho bạc để bán cho công chúng và được hưởng một khoản phí theo mức thoả thuận với Bộ Tài chính. Trường hợp không bán hết số trái phiếu đã nhận, tổ chức bảo lãnh có trách nhiệm mua số trái phiếu còn lại.
Điều 19. Thanh toán gốc, lãi trái phiếu kho bạc
1. Kho bạc Nhà nước tổ chức thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho chủ sở hữu khi đến hạn đối với trái phiếu phát hành qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.
2. Các đại lý thanh toán hoặc tổ chức lưu ký trái phiếu thực hiện nhận ủy thác thanh toán gốc, lãi trái phiếu cho chủ sở hữu trái phiếu khi đến hạn đối với trái phiếu kho bạc phát hành theo phương thức đấu thầu, đại lý hoặc bảo lãnh phát hành.
Điều 20. Chuyển giao trái phiếu kho bạc khi bán, tặng, cho hoặc để lại thừa kế
1. Đối với trái phiếu kho bạc không niêm yết và giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán tập trung, việc chuyển giao trái phiếu kho bạc được thực hiện như sau:
a) Trái phiếu không ghi tên khi chuyển giao không phải đăng ký với cơ quan phát hành;
b) Trái phiếu có ghi tên khi chuyển giao phải làm thủ tục tại Kho bạc Nhà nước nơi phát hành hoặc các tổ chức đại lý, bảo lãnh phát hành trái phiếu theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.
2. Đối với trái phiếu kho bạc niêm yết và giao dịch tại thị trường giao dịch chứng khoán tập trung, khi chuyển giao trái phiếu kho bạc thực hiện theo quy định của Nghị định số 48/1998/NĐ-CP ngày 11 tháng 7 năm 1998 về chứng khoán và thị trường chứng khoán.
Điều 21. Toàn bộ khoản vay từ trái phiếu kho bạc được tập trung vào ngân sách nhà nước để sử dụng cho các nhu cầu chi theo dự toán ngân sách nhà nước đã được Quốc hội phê duyệt.
Điều 22. Ngân sách Trung ương bảo đảm nguồn thanh toán gốc, lãi và phí cho việc tổ chức phát hành, thanh toán trái phiếu kho bạc.
MỤC III.TRÁI PHIẾU ĐẦU TƯ
Điều 23. Trái phiếu đầu tư huy động vốn cho công trình
Khi có nhu cầu huy động vốn cho các công trình thuộc diện ngân sách nhànước cấp phát, nằm trong kế hoạch đầu tư của Nhà nước nhưng chưa được bố trí vốn ngân sách trong năm kế hoạch, các Bộ, ngành (đối với các công trình thuộc Trung ương quản lý), ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với các công trình thuộc địa phương quản lý) lập phương án phát hành trái phiếu đầu tư, gửi Bộ Tài chính thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
Điều 24.Điều kiện phát hành trái phiếu đầu tư huy động vốn cho công trình
1. Công trình được ghi trong kế hoạch đầu tư hàng năm của Nhà nước.
2. Có phương án phát hành trái phiếu, kế hoạch sử dụng vốn vay và hoàn trả nợ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Nội dung phương án phải bảo đảm các điều kiện sau:
a) Có xác nhận của Bộ trưởng Bộ Tài chính (đối với các công trình thuộc Trung ương quản lý) hoặc Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (đối với các công trình thuộc địa phương quản lý) về việc bố trí nguồn trả nợ trái phiếu khi đến hạn trong kế hoạch ngân sách nhà nước;
b) Đối với các công trình thuộc địa phương quản lý, tổng số dư các nguồn vốn huy động tại thời điểm huy động không vượt quá 30% vốn đầu tư xây dựng cơ bản hàng năm của ngân sách cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là ngân sách cấp tỉnh).
Điều 25. Phương thức phát hành, thanh toán, chuyển giao trái phiếu đầu tư huy động vốn cho công trình được thực hiện như đối với trái phiếu kho bạc quy định tại các Điều 18, 19, 20 Quy chế này.
Điều 26. Các khoản vay từ trái phiếu đầu tư huy động vốn cho công trình được tập trung vào ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh) để cấp phát cho công trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệtphương án phát hành.
Điều 27. Nguồn thanh toán gốc, lãi và phí tổ chức phát hành, thanh toán trái phiếu đầu tư huy động vốn cho công trình do ngân sách nhà nước (ngân sách Trung ương và ngân sách cấp tỉnh) bảo đảm và được bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư phát triển hàng năm.
Trường hợp đến hạn thanh toán nhưng ngân sách cấp tỉnh chưa bố trí được nguồn, Bộ Tài chính sẽ khấu trừ từ nguồn bổ sung của ngân sách Trung ương trong năm cho ngân sách tỉnh hoặc trích tồn quỹ của ngân sách tỉnh đểthanh toán trái phiếu.
Điều 28. Việc phát hành trái phiếu đầu tư để huy động vốn cho Quỹ hỗ trợ phát triển theo kế hoạch tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước được thực hiện như sau:
1. Căn cứ kế hoạch tín dụng đầu tư phát triển đã được Chính phủ phê duyệt, Quỹ hỗ trợ phát triển xây dựng kế hoạch và phương án phát hành trái phiếu đầu tư, trình Bộ Tài chính quyết định.
2. Phương thức phát hành, thanh toán, chuyển giao trái phiếu được thực hiện như đối với trái phiếu kho bạc quy định tại các Điều 18, 19, 20Quy chế này.
3. Khoản vay từ trái phiếu được chuyển cho Quỹ hỗ trợ phát triển. Quỹ hỗ trợ phát triển có trách nhiệm quản lý, sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu theo đúng quy định của Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển và phải bảo đảm nguồn thanh toán gốc, lãi và phí phát hành trái phiếu đúng hạn.
CHƯƠNG III
TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN QUẢN LÝNHÀ NƯỚC
VỀ TRÁI PHIẾU CHÍNH PHỦ
Điều 29. Bộ Tài chính có trách nhiệm:
1. Ban hành các văn bản hướng dẫn chi tiết việc phát hành, thanh toán các loại trái phiếu Chính phủ.
2. Lập kế hoạch hàng năm về phát hành, thanh toán trái phiếu.
3. Thống nhất quản lý việc in các loại ấn chỉ trái phiếu Chính phủ.
4. Tổ chức phát hành và thanh toán trái phiếu Chính phủ.
5. Thẩm tra các phương án phát hành trái phiếu đầu tư.
6. Bảo đảm nguồn thanh toán trái phiếu đầu tư cho các công trình thuộc Trung ương quản lý.
7. Tổ chức hạch toán kế toán theo đúng chế độ Nhà nước quy định.
8. Phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức thị trường đấu thầu tín phiếu kho bạc.
9. Phối hợp với ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức thị trường đấu thầu trái phiếu Chính phủ, đại lý, bảo lãnh phát hành.
10. Kiểm tra, giám sát việc sử dụng nguồn vốn phát hành trái phiếu.
11. Quyết định đình chỉ phát hành trái phiếu.
Điều 30. Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm:
1. Phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức đấu thầu tín phiếu kho bạc qua Ngân hàng Nhà nước, tổ chức quản lý và điều hành thị trường tín phiếu kho bạc.
2. Phối hợp với ủy ban Chứng khoán Nhà nước quản lý các hoạt động đại lý, bảo lãnh phát hành, mua bán trái phiếu sau phát hành của các tổ chức ngân hàng.
3. Tham gia với Bộ Tài chínhtrong việc xác định lãi suất trái phiếu Chính phủ.
Điều 31. Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước có trách nhiệm:
1. Phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức thị trường phát hành trái phiếu Chính phủ thông qua hình thức đấu thầu tại thị trường giao dịch chứng khoán tập trung.
2. Quản lý và giám sát các hoạt động đại lý, bảo lãnh phát hành, niêm yết và giao dịch trái phiếu Chính phủ qua thị trường giao dịch chứng khoán tập trung.
Điều 32. Các Bộ, ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có dự án phát hành trái phiếu đầu tư có trách nhiệm:
1. Lập kế hoạch hàng năm về phát hành trái phiếu đầu tư gửi Bộ Tài chính.
2. Lập phương án phát hành trái phiếu đầu tư gửi Bộ Tài chính thẩm tra, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.
3. Phối hợp với Bộ Tài chính trong việc tổ chức phát hành, thanh toán trái phiếu; kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn và thu hồi vốn đầu tư.
4.Riêng đối với trái phiếu đầu tư cho các công trình thuộc địa phương quản lý, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm cân đối ngân sách cấp tỉnh để đảm bảo nguồn thanh toán trái phiếu khi đến hạn theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 33. Xử lý vi phạm
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định của Quy chế này, tuỳ theo hành vi và mức độ vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, xử lý kỷ luật, nếu gây thiệt hại về vật chất thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật. Trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự