BỘ TÀI CHÍNH ________________ Số: 16/2009/TT-BTC |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc _________________ Hà Nội, ngày 22 tháng 01 năm 2009 |
THÔNG TƯ
Hướng dẫn sửa đổi Thông tư số 69/2007/TT-BTC ngày 25/6/2007
của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP
ngày 20/12/2006 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước
Thi hành Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước (sau đây gọi tắt là Nghị định số 106/2008/NĐ-CP), Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi một số điều của Thông tư số 69/2007/TT-BTC ngày 25/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số điều của Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ như sau:
1. Sửa đổi khoản 1, Mục I như sau:
“1. Thông tư này áp dụng đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp có thu bảo đảm chi phí hoạt động hoặc tự bảo đảm một phần chi phí hoạt động có dự án thuộc diện vay vốn đầu tư, bảo lãnh tín dụng đầu tư, hỗ trợ sau đầu tư (sau đây gọi là chủ đầu tư); các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trong nước có hợp đồng xuất khẩu hoặc các tổ chức nước ngoài nhập khẩu hàng hóa thuộc diện có vay vốn, bảo lãnh tín dụng xuất khẩu; Ngân hàng Phát triển Việt Nam và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trong quá trình thực hiện tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.”
2. Sửa đổi khoản 1, Mục II như sau:
“1. Ngân hàng Phát triển Việt Nam lập và báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về kế hoạch tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước hàng năm và kế hoạch dài hạn. Bộ Tài chính chủ trì thẩm định kế hoạch tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước do Ngân hàng Phát triển lập và gửi Bộ Kế hoạch và đầu tư để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định trong kế hoạch phát triển kinh tế xã hội.”
3. Sửa đổi khoản 4, Mục II như sau:
“4. Trường hợp nhu cầu tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước trong năm có sự thay đổi, Ngân hàng Phát triển Việt Nam báo cáo Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ xem xét điều chỉnh cho phù hợp.”
4. Sửa đổi điểm 3.1, khoản 3, Phần A, Mục III như sau:
“3.1. Đồng tiền cho vay thực hiện theo quy định tại khoản 1, Điều 10 Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư và tín dụng xuất khẩu của Nhà nước.
Lãi suất cho vay thực hiện theo quy định tại khoản 3, Điều 1 Nghị định số 106/2008/NĐ-CP và khoản 4, khoản 5, khoản 6 và khoản 7, Điều 10 Nghị định số 151/2006/NĐ-CP.”
5. Sửa đổi điểm 1.2, khoản 1, phần B, Mục III như sau:
“1.2. Những dự án đã được các Quỹ có nguồn vốn hoạt động có nguồn gốc từ Ngân sách nhà nước hoặc Ngân sách nhà nước các cấp hỗ trợ tài chính (chi phí vay vốn) dưới mọi hình thức thì không thuộc đối tượng hưởng hỗ trợ sau đầu tư theo quy định của Thông tư này.”
6. Bỏ cụm từ “có biên bản nghiệm thu” tại điểm 2.3 khoản 2 phần B, mục III.
7. Sửa đổi điểm 4.1, khoản 4, phần B, mục III như sau:
“4.1. Công thức xác định mức hỗ trợ sau đầu tư:
Mức hỗ trợ sau đầu tư |
= Tổng của (1x2x3) |
(1) Số nợ thực trả được tính HTSĐT |
x |
(2) Mức chênh lệch lãi suất được tính HTSĐT do Bộ tài chính công bố |
x |
( 3)Thời gian thực vay của số nợ gốc thực trả được HTSĐT |
8. Sửa đổi tiết b, c điểm 4.2, khoản 4, phần B, Mục III như sau:
“b) Mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư (HTSĐT) do Bộ Tài chính công bố được tính toán trên cơ sở chênh lệch lãi suất bình quân cho vay đầu tư của một số Ngân hàng thương mại lớn và lãi suất vay vốn tín dụng đầu tư của Nhà nước.
Dự án được hưởng hỗ trợ sau đầu tư theo mức chênh lệch lãi suất do Bộ Tài chính công bố tại thời điểm ký kết hợp đồng hỗ trợ sau đầu tư và được giữ nguyên trong suốt thời hạn thực hiện hợp đồng”
c) Thời hạn thực vay được tính hỗ trợ sau đầu tư là khoảng thời gian (được quy đổi theo năm) từ ngày chủ đầu tư nhận vốn vay (ghi trên khế ước) đến ngày nợ gốc trong hạn được trả (ghi trên chứng từ trả nợ) cho tổ chức tín dụng theo hợp đồng tín dụng đã ký.
Thời hạn thực vay được tính hỗ trợ sau đầu tư được xác định cho các trường hợp: số vốn giải ngân 1 lần được hoàn trả vào 1 lần; số vốn giải ngân 1 lần được trả vào nhiều lần; số vốn giải ngân nhiều lần được hoàn trả vào 1 lần; số vốn giải ngân nhiều lần được hoàn trả vào nhiều lần.”
9. Sửa đổi điểm 2.1, khoản 2, Mục VI như sau:
“2.1. Định kỳ trước ngày 06 hàng tháng, Ngân hàng Phát triển Việt Nam lập và gửi Bộ Tài chính báo cáo nhanh về tình hình hoạt động tháng trước của toàn hệ thống theo mẫu số 01/BC-VDB đính kèm Thông tư này.”
10. Thay thế các mẫu biểu báo cáo số 01/BC-VDB, 02/BC-VDB, 03/BC-VDB, 05/BC-VDB, 08/BC-VDB, 09/BC-VDB theo các mẫu biểu báo cáo ban hành kèm theo Thông tư này.
11. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày đăng Công báo và được áp dụng cho các dự án ký hợp đồng tín dụng lần đầu (bao gồm hợp đồng tín dụng đầu tư, hợp đồng hỗ trợ sau đầu tư, hợp đồng bảo lãnh tín dụng đầu tư, hợp đồng xuất khẩu, hợp đồng nhập khẩu, bảo lãnh dự thầu và bảo lãnh thực hiện hợp đồng) kể từ ngày Nghị định số 106/2008/NĐ-CP ngày 19/9/2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung Nghị định số 151/2006/NĐ-CP ngày 20/12/2006 của Chính phủ về tín dụng đầu tư, tín dụng xuất khẩu của Nhà nước có hiệu lực thi hành./.
Nơi nhận:– Văn phòng Quốc hội,– Văn phòng Chủ tịch nước, – Văn phòng TW và các Ban của Đảng, – Các Bộ, CQ ngang bộ, CQ thuộc CP, – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, – Toà án nhân dân tối cao, – Kiểm toán Nhà nước, – Cơ quan TW của các đoàn thể, – Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp), – HĐND, UBND tỉnh, TP trực thuộc TW, – Sở TC, KBNN các tỉnh, thành phố, – Các đơn vị trực thuộc Bộ TC, – Công báo, – Website Chính phủ, – Website Bộ Tài chính – Lưu: VT, Vụ TCNH. |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Trần Xuân Hà |