Luật thuế giá trị gia tăng số 57-L/CTN của QH/09 thông qua ngày 10/05/1997

LUẬT

THUẾ GIÁ TRỊ GIA TĂNG

Để góp phần thúc đẩy sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa và dịch vụ, khuyến khích phát triển nền kinh tế quốc dân, động viên một phần thu nhập của người tiêu dùng vào ngân sách Nhà nước;

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;

Luật này quy định thuế giá trị gia tăng.


CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng là thuế tính trên khoản giá trị tăng thêm của hàng hoá, dịch vụ phát sinh trong quá trình từ sản xuất, lưu thông đến tiêu dùng.

Điều 2. Đối tượng chịu thuế

Hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng ở Việt Nam là đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng, trừ các đối tượng quy định tại Điều 4 của Luật này.

Điều 3. Đối tượng nộp thuế

Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế (gọi chung là cơ sở kinh doanh) và tổ chức, cá nhân khác nhập khẩu hàng hóa chịu thuế (gọi chung là người nhập khẩu) là đối tượng nộp thuế giá trị gia tăng.

Điều 4. Đối tượng không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng

Hàng hóa, dịch vụ dưới đây không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng:

1. Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của các tổ chức, cá nhân tự sản xuất và bán ra;

2. Sản phẩm muối;

3. Hàng hóa, dịch vụ thuộc diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt không phải nộp thuế giá trị gia tăng ở khâu đã chịu thuế tiêu thụ đặc biệt;

4. Thiết bị, máy móc, phương tiện vận tải chuyên dùng thuộc loại trong nước chưa sản xuất được mà cơ sở có dự án đầu tư nhập khẩu để làm tài sản cố định theo dự án đó;

5. Chuyển quyền sử dụng đất thuộc diện chịu thuế chuyển quyền sử dụng đất;

6. Nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước do Nhà nước bán cho người đang thuê;

7. Dịch vụ tín dụng, quỹ đầu tư;

8. Bảo hiểm nhân thọ; bảo hiểm học sinh; bảo hiểm vật nuôi, cây trồng và các loại bảo hiểm không nhằm mục đích kinh doanh;

9. Dịch vụ y tế;

10. Hoạt động văn hoá, triển lãm và thể dục thể thao không nhằm mục đích kinh doanh; biểu diễn nghệ thuật; sản xuất phim; phát hành và chiếu phim nhựa, phim vi-đi-ô tài liệu;

11. Dạy học, dạy nghề;

12. Phát sóng truyền thanh, truyền hình theo chương trình bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước;

13. In, xuất bản và phát hành: báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách chính trị, sách giáo khoa, giáo trình, sách văn bản pháp luật, sách in bằng tiếng dân tộc thiểu số; tranh, ảnh, áp phích tuyên truyền cổ động; in tiền;

14. Dịch vụ phục vụ công cộng về vệ sinh, thoát nước đường phố và khu dân cư; duy trì vườn thú, vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, chiếu sáng công cộng; dịch vụ tang lễ;

15. Duy tu, sửa chữa, xây dựng các công trình văn hóa, nghệ thuật, công trình phục vụ công cộng, cơ sở hạ tầng và nhà tình nghĩa bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân và vốn viện trợ nhân đạo;

16. Vận chuyển hành khách công cộng bằng xe buýt;

17. Điều tra, thăm dò địa chất, đo đạc, lập bản đồ thuộc loại điều tra cơ bản của Nhà nước;

18. Tưới, tiêu nước phục vụ sản xuất nông nghiệp; nước sạch do tổ chức, cá nhân tự khai thác để phục vụ cho sinh hoạt ở nông thôn, miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa;

19. Vũ khí, khí tài chuyên dùng phục vụ quốc phòng, an ninh;

20. Hàng nhập khẩu trong các trường hợp sau: hàng viện trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại; quà tặng cho các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân; đồ dùng của các tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy chế miễn trừ ngoại giao; hàng mang theo người trong tiêu chuẩn hành lý miễn thuế;

21. Hàng hoá chuyển khẩu, quá cảnh, mượn đường qua Việt Nam; hàng tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu và tạm xuất khẩu, tái nhập khẩu;

22. Hàng hóa, dịch vụ cung ứng trực tiếp cho vận tải quốc tế và các đối tượng tiêu dùng ngoài Việt Nam;

23. Chuyển giao công nghệ;

24. Vàng nhập khẩu dạng thỏi, miếng chưa được chế tác thành các sản phẩm mỹ nghệ, đồ trang sức hay sản phẩm khác;

25. Một số sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên khoáng sản khai thác chưa qua chế biến do Chính phủ quy định cụ thể;

26. Hàng hóa, dịch vụ của những cá nhân kinh doanh có mức thu nhập thấp. Mức thu nhập thấp do Chính phủ quy định.

Hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều này không được khấu trừ và hoàn thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Trong trường hợp cần thiết, ủy ban thường vụ Quốc hội có thể sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ thuộc đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng quy định tại Điều này và báo cáo để Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất.

Điều 5. Nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng

1. Cơ sở kinh doanh và người nhập khẩu có nghĩa vụ nộp thuế đầy đủ, đúng hạn theo quy định của Luật này.

2. Cơ quan thuế trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của Luật này.

3. Các cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát, phối hợp với cơ quan thuế trong việc thi hành Luật thuế giá trị gia tăng.

4. Công dân Việt Nam có trách nhiệm giúp cơ quan thuế, cán bộ thuế trong việc thi hành Luật này.


CHƯƠNG II
CĂN CỨ VÀ PHƯƠNG PHÁP TÍNH THUẾ

Điều 6. Căn cứ tính thuế

Căn cứ tính thuế giá trị gia tăng là giá tính thuế và thuế suất.

Điều 7. Giá tính thuế

Giá tính thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

1. Đối với hàng hoá, dịch vụ là giá bán chưa có thuế giá trị gia tăng;

2. Đối với hàng hóa nhập khẩu là giá nhập tại cửa khẩu, cộng với thuế nhập khẩu;

3. Đối với hàng hóa, dịch vụ dùng để trao đổi, sử dụng nội bộ, biếu, tặng là giá tính thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ cùng loại hoặc tương đương tại thời điểm phát sinh các hoạt động này;

4. Đối với hoạt động cho thuê tài sản là số tiền thuê thu từng kỳ;

5. Đối với hàng hóa bán theo phương thức trả góp là giá bán của hàng hóa, tính theo giá bán trả một lần, không tính theo số tiền trả từng kỳ;

6. Đối với gia công hàng hóa là giá gia công;

7. Đối với hàng hóa, dịch vụ khác là giá do Chính phủ quy định;

Giá tính thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa, dịch vụ quy định tại Điều này bao gồm cả khoản phụ thu và phí thu thêm mà cơ sở kinh doanh được hưởng.

Trường hợp đối tượng nộp thuế có doanh số mua, bán bằng ngoại tệ thì phải quy đổi ngoại tệ ra đồng Việt Nam theo tỷ giá chính thức do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm phát sinh doanh số để xác định giá tính thuế.

Điều 8. Thuế suất

Mức thuế suất thuế giá trị gia tăng được quy định như sau:

1. Mức thuế suất 0% đối với hàng hóa xuất khẩu;

2. Mức thuế suất 5% đối với hàng hoá, dịch vụ:

a) Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt;

b) Phân bón, quặng để sản xuất phân bón; thuốc trừ sâu bệnh và chất kích thích tăng trưởng vật nuôi, cây trồng;

c) Thiết bị và dụng cụ y tế; bông và băng vệ sinh y tế;

d) Thuốc chữa bệnh, phòng bệnh;

đ) Giáo cụ dùng để giảng dạy và học tập;

e) Đồ chơi cho trẻ em; sách khoa học – kỹ thuật, sách văn học nghệ thuật, sách phục vụ thiếu nhi, sách pháp luật, trừ sách văn bản pháp luật quy định tại khoản 13 Điều 4 của Luật này;

g) Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản chưa qua chế biến gồm cả con giống, cây giống, hạt giống, trừ đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 4 của Luật này;

h) Lâm sản (trừ gỗ, măng) chưa qua chế biến; thực phẩm tươi sống;

i) Sản phẩm bằng đay, cói, tre, nứa, lá;

k) Bông sơ chế từ bông trồng ở trong nước;

l) Thức ăn gia súc, gia cầm và thức ăn cho vật nuôi khác;

m) Dịch vụ khoa học, kỹ thuật;

n) Dịch vụ trực tiếp phục vụ sản xuất nông nghiệp;

3. Mức thuế suất 10% đối với hàng hoá, dịch vụ:

a) Dầu mỏ, khí đốt, than đá, quặng và sản phẩm khai khoáng khác;

b) Điện thương phẩm;

c) Sản phẩm điện tử, cơ khí, đồ điện;

d) Hóa chất, mỹ phẩm;

đ) Sợi, vải, sản phẩm may mặc, thêu ren;

e) Giấy và sản phẩm bằng giấy;

g) Đường, sữa, bánh, kẹo, nước giải khát và các loại thực phẩm chế biến khác;

h) Sản phẩm gốm, sứ, thủy tinh, cao su, nhựa, gỗ và sản phẩm bằng gỗ; xi măng, gạch, ngói và vật liệu xây dựng khác;

i) Xây dựng, lắp đặt;

k) Vận tải, bốc xếp;

l) Dịch vụ bưu điện, bưu chính, viễn thông;

m) Cho thuê nhà, kho tàng, bến bãi, nhà xưởng, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải;

n) Dịch vụ tư vấn pháp luật;

o) Chụp, in, phóng ảnh; in băng, sang băng, cho thuê băng; quay vi-đi-ô, chiếu vi-đi-ô; sao chụp;

p) Uốn tóc, may đo quần áo, nhuộm, giặt là, tẩy hấp;

q) Các loại hàng hóa, dịch vụ khác không quy định tại khoản 1, khoản 2, khoản 4 Điều này, trừ hàng hoá chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ở khâu sản xuất, khâu nhập khẩu;

4. Mức thuế suất 20% đối với hàng hoá, dịch vụ:

a) Vàng, bạc, đá quý do cơ sở kinh doanh mua vào,bán ra;

b) Khách sạn, du lịch, ăn uống;

c) Xổ số kiến thiết và các loại hình xổ số khác;

d) Đại lý tàu biển;

đ) Dịch vụ môi giới.

Trong trường hợp cần thiết, ủy ban thường vụ Quốc hội có thể sửa đổi, bổ sung danh mục hàng hóa, dịch vụ theo các mức thuế suất quy định tại Điều này và phải báo cáo để Quốc hội phê chuẩn trong kỳ họp gần nhất.

Điều 9. Phương pháp tính thuế

Thuế giá trị gia tăng phải nộp được tính theo phương pháp khấu trừ thuế hoặc phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng.

1. Phương pháp khấu trừ thuế

Số thuế phải nộp bằng thuế giá trị gia tăng đầu ra trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào.

Thuế giá trị gia tăng đầu ra bằng giá tính thuế của hàng hóa, dịch vụ bán ra nhân với thuế suất.

Thuế giá trị gia tăng đầu vào bằng tổng số thuế giá trị gia tăng đã thanh toán được ghi trên hóa đơn giá trị gia tăng mua hàng hóa, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng hàng hóa nhập khẩu.

2. Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng

Số thuế phải nộp bằng giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng.

Giá trị gia tăng bằng giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ bán ra trừ giá thanh toán của hàng hóa, dịch vụ mua vào tương ứng.

Phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng chỉ áp dụng đối với các đối tượng sau:

a) Cá nhân sản xuất, kinh doanh và tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh ở Việt Nam không theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam chưa thực hiện đầy đủ các điều kiện về kế toán, hoá đơn, chứng từ để làm căn cứ tính thuế theo phương pháp khấu trừ thuế;

b) Cơ sở kinh doanh mua, bán vàng, bạc, đá quý.

Điều 10. Khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào

1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào (gọi là thuế đầu vào) như sau:

a) Thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng thì được khấu trừ toàn bộ;

b) Thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng đồng thời cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng và không chịu thuế giá trị gia tăng thì chỉ được khấu trừ số thuế đầu vào của hàng hoá, dịch vụ dùng cho sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế giá trị gia tăng;

c) Thuế đầu vào phát sinh trong tháng nào được kê khai, khấu trừ khi xác định số thuế phải nộp của tháng đó;

Riêng đối với tài sản cố định, nếu có số thuế đầu vào được khấu trừ lớn thì được khấu trừ dần hoặc được hoàn thuế theo quy định của Chính phủ;

d) Trong trường hợp cơ sở sản xuất, chế biến mua nông sản, lâm sản, thủy sản chưa qua chế biến của người sản xuất mà không có hóa đơn giá trị gia tăng thì được khấu trừ thuế đầu vào từ 1% đến 5% tính trên giá nông sản, lâm sản, thủy sản mua vào; tỷ lệ khấu trừ đối với từng loại hàng hóa do Chính phủ quy định;

Việc khấu trừ thuế quy định tại điểm này không áp dụng đối với trường hợp xuất khẩu;

đ) Việc khấu trừ thuế đầu vào đối với một số trường hợp đặc biệt khác do Chính phủ quy định.

2. Căn cứ để xác định số thuế đầu vào được khấu trừ là:

a) Số thuế giá trị gia tăng ghi trên hoá đơn giá trị gia tăng khi mua hàng hoá, dịch vụ hoặc chứng từ nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hóa nhập khẩu; đối với hàng hóa, dịch vụ mua vào không có hóa đơn giá trị gia tăng hoặc hóa đơn không ghi khoản thuế giá trị gia tăng thì không được khấu trừ thuế;

b) Bản kê hàng hóa mua vào theo mẫu của cơ quan thuế đối với loại hàng hóa quy định tại điểm d khoản 1 Điều này.

Điều 11. Hóa đơn, chứng từ

1. Việc mua, bán hàng hóa, dịch vụ đều phải có hóa đơn, chứng từ theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế phải sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng và phải ghi đầy đủ, đúng các yếu tố quy định, trong đó ghi rõ giá bán, khoản phụ thu, phí thu thêm, khoản thuế giá trị gia tăng, giá thanh toán.

Trong trường hợp hóa đơn không ghi khoản thuế giá trị gia tăng thì thuế giá trị gia tăng được xác định bằng giá thanh toán theo hóa đơn nhân với thuế suất thuế giá trị gia tăng.

3. Đối với các loại tem, vé được coi là chứng từ thanh toán đã in sẵn giá thanh toán thì giá thanh toán tem, vé đó đã bao gồm thuế giá trị gia tăng.


CHƯƠNG III
ĐĂNG KÝ, KÊ KHAI, NỘP THUẾ, QUYẾT TOÁN THUẾ

Điều 12. Đăng ký nộp thuế

1. Cơ sở kinh doanh kể cả các cơ sở trực thuộc của cơ sở đó phải đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng với cơ quan thuế trực tiếp quản lý theo hướng dẫn của cơ quan thuế. Đối với cơ sở kinh doanh mới thành lập, thời gian đăng ký nộp thuế giá trị gia tăng chậm nhất là mười ngày, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản hoặc thay đổi kinh doanh, cơ sở kinh doanh phải khai báo với cơ quan thuế chậm nhất là năm ngày trước khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản hoặc thay đổi kinh doanh.

2. Cơ sở kinh doanh nộp thuế theo phương pháp tính trực tiếp trên giá trị gia tăng nếu thực hiện đầy đủ chế độ chứng từ, hóa đơn, sổ kế toán, tự nguyện đăng ký áp dụng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế thì cơ quan thuế xem xét để thực hiện.

Điều 13. Kê khai thuế

1. Cơ sở kinh doanh phải kê khai thuế giá trị gia tăng từng tháng và nộp tờ khai thuế cho cơ quan thuế trong mười ngày đầu của tháng tiếp theo. Trong trường hợp không phát sinh thuế đầu vào, thuế đầu ra, cơ sở kinh doanh vẫn phải kê khai và nộp tờ khai thuế cho cơ quan thuế. Cơ sở kinh doanh phải kê khai đầy đủ, đúng mẫu tờ khai thuế và chịu trách nhiệm về tính chính xác của việc kê khai.

2. Cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu hàng hoá phải kê khai và nộp tờ khai thuế giá trị gia tăng theo từng lần nhập khẩu cùng với việc kê khai thuế nhập khẩu với cơ quan thu thuế nơi có cửa khẩu nhập hàng hóa.

3. Cơ sở kinh doanh buôn chuyến phải kê khai và nộp thuế theo từng chuyến hàng với cơ quan thuế nơi mua hàng, trước khi vận chuyển hàng đi.

4. Cơ sở kinh doanh nhiều loại hàng hóa, dịch vụ có mức thuế suất thuế giá trị gia tăng khác nhau phải kê khai thuế giá trị gia tăng theo từng mức thuế suất quy định đối với từng loại hàng hóa, dịch vụ; nếu cơ sở kinh doanh không xác định được theo từng mức thuế suất thì phải tính và nộp thuế theo mức thuế suất cao nhất của hàng hóa, dịch vụ mà cơ sở có sản xuất, kinh doanh.

Bộ tài chính quy định mẫu tờ khai thuế và hướng dẫn việc kê khai.

Điều 14. Nộp thuế

Thuế giá trị gia tăng được nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định sau:

1. Cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng đầy đủ, đúng hạn vào ngân sách Nhà nước theo thông báo nộp thuế của cơ quan thuế.

Thời hạn nộp thuế của tháng được ghi trong thông báo chậm nhất không quá ngày 25 của tháng tiếp theo;

2. Cơ sở kinh doanh, người nhập khẩu hàng hóa phải nộp thuế giá trị gia tăng theo từng lần nhập khẩu.

Thời hạn thông báo và thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng đối với hàng hoá nhập khẩu thực hiện theo thời hạn thông báo và thời hạn nộp thuế nhập khẩu;

3. Trong kỳ tính thuế, cơ sở kinh doanh nộp thuế giá trị gia tăng theo phương pháp khấu trừ thuế, nếu có số thuế đầu vào lớn hơn số thuế đầu ra thì được khấu trừ vào kỳ tính thuế tiếp theo.

Trong trường hợp cơ sở kinh doanh đầu tư mới tài sản cố định, có số thuế đầu vào được khấu trừ lớn thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 của Luật này;

4. Thuế giá trị gia tăng nộp vào ngân sách Nhà nước bằng đồng Việt Nam.

Điều 15. Quyết toán thuế

Cơ sở kinh doanh phải thực hiện quyết toán thuế hàng năm với cơ quan thuế. Năm quyết toán thuế được tính theo năm dương lịch. Trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày kết thúc năm, cơ sở kinh doanh phải nộp báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế và phải nộp đủ số thuế còn thiếu vào ngân sách Nhà nước trong thời hạn mười ngày, kể từ ngày nộp báo cáo quyết toán, nếu nộp thừa thì được trừ vào số thuế phải nộp kỳ tiếp theo.

Trong trường hợp sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản, cơ sở kinh doanh phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế và gửi báo cáo quyết toán thuế cho cơ quan thuế trong thời hạn bốn mươi lăm ngày, kể từ ngày có quyết định sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản.

Điều 16. Hoàn thuế

Việc hoàn thuế giá trị gia tăng chỉ thực hiện trong các trường hợp sau:

1. Cơ sở kinh doanh thuộc đối tượng nộp thuế theo phương pháp khấu trừ thuế được xét hoàn thuế hàng quý nếu số thuế đầu vào được khấu trừ của các tháng trong quý lớn hơn số thuế đầu ra hoặc được hoàn thuế đầu vào của tài sản cố định theo điểm c khoản 1 Điều 10 của Luật này;

2. Quyết toán thuế khi sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, giải thể, phá sản có số thuế nộp thừa;

3. Quyết định xử lý hoàn thuế của cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Bộ tài chính quy định cụ thể thủ tục và thẩm quyền giải quyết hoàn thuế theo quy định tại Điều này.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan thuế

Cơ quan thuế có những nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm sau đây:

1. Hướng dẫn các cơ sở đã đăng ký kinh doanh thực hiện chế độ đăng ký, kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của Luật này;

2. Thông báo cho cơ sở kinh doanh về số thuế phải nộp và thời hạn nộp thuế theo đúng quy định; nếu quá thời hạn nộp thuế ghi trên thông báo mà cơ sở kinh doanh chưa nộp thì tiếp tục ra thông báo về số thuế phải nộp và số tiền phạt chậm nộp theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này; nếu cơ sở kinh doanh vẫn không nộp đủ số thuế, số tiền phạt theo thông báo thì có quyền áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt; nếu đã thực hiện các biện pháp xử lý trên mà cơ sở kinh doanh vẫn không nộp đủ số thuế, số tiền phạt thì chuyển hồ sơ sang cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật;

3. Kiểm tra, thanh tra việc kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế của cơ sở kinh doanh bảo đảm thực hiện đúng quy định của pháp luật;

4. Xử lý vi phạm hành chính về thuế và giải quyết khiếu nại về thuế;

5. Yêu cầu đối tượng nộp thuế cung cấp sổ kế toán, hóa đơn, chứng từ và hồ sơ tài liệu khác có liên quan tới việc tính thuế, nộp thuế; yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng và tổ chức, cá nhân có liên quan khác cung cấp tài liệu có liên quan đến việc tính thuế và nộp thuế;

6. Lưu giữ và sử dụng số liệu, tài liệu mà cơ sở kinh doanh và đối tượng khác cung cấp theo chế độ quy định.

Điều 18. Quyền ấn định thuế

1. Cơ quan thuế ấn định số thuế giá trị gia tăng phải nộp đối với đối tượng nộp thuế trong các trường hợp sau:

a) Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ;

b) Không kê khai hoặc quá thời hạn quy định nộp tờ khai đã được thông báo nhưng vẫn không thực hiện đúng; đã nộp tờ khai thuế nhưng kê khai không đúng các căn cứ để xác định số thuế giá trị gia tăng;

c) Từ chối việc xuất trình sổ kế toán, hoá đơn, chứng từ và các tài liệu cần thiết liên quan tới việc tính thuế giá trị gia tăng;

d) Kinh doanh không có đăng ký kinh doanh mà bị phát hiện.

2. Cơ quan thuế căn cứ vào tài liệu điều tra về tình hình hoạt động kinh doanh của cơ sở kinh doanh hoặc căn cứ vào số thuế phải nộp của cơ sở kinh doanh cùng ngành nghề, có quy mô kinh doanh tương đương để ấn định số thuế phải nộp.

Trong trường hợp không đồng ý với số thuế phải nộp được ấn định thì cơ sở kinh doanh có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp; trong khi chờ giải quyết, cơ sở kinh doanh vẫn phải nộp thuế theo mức đã ấn định.


CHƯƠNG IV
XỬ LÝ VI PHẠM, KHEN THƯỞNG

Điều 19. Xử lý vi phạm về thuế đối với đối tượng nộp thuế

Đối tượng nộp thuế vi phạm Luật thuế giá trị gia tăng thì bị xử lý như sau:

1. Không thực hiện đúng những quy định về đăng ký, kê khai, nộp thuế, quyết toán thuế, chế độ kế toán và lưu giữ chứng từ, hoá đơn theo quy định tại các điều 11, 12, 13, 14 và 15 của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế;

2. Nộp chậm tiền thuế, tiền phạt so với ngày quy định phải nộp hoặc quyết định xử lý về thuế thì ngoài việc nộp đủ số thuế, số tiền phạt, mỗi ngày nộp chậm còn phải nộp phạt bằng 0,1% (một phần nghìn) số tiền nộp chậm;

3. Khai man thuế, trốn thuế thì ngoài việc phải nộp đủ số thuế theo quy định của Luật này, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm còn bị phạt tiền từ một đến năm lần số tiền thuế gian lận; trốn thuế với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế mà còn vi phạm hoặc có hành vi vi phạm nghiêm trọng khác thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

4. Không nộp thuế, nộp phạt theo thông báo hoặc quyết định xử lý về thuế thì bị xử lý như sau:

a) Trích tiền gửi của đối tượng nộp thuế tại ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng để nộp thuế, nộp phạt;

Ngân hàng, kho bạc, tổ chức tín dụng có trách nhiệm trích tiền từ tài khoản tiền gửi của đối tượng nộp thuế để nộp thuế, nộp phạt vào ngân sách Nhà nước theo quyết định xử lý về thuế của cơ quan thuế hoặc cơ quan có thẩm quyền trước khi thu nợ;

b) Giữ hàng hoá, tang vật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt;

c) Kê biên tài sản theo quy định của pháp luật để bảo đảm thu đủ số thuế, số tiền phạt còn thiếu.

Điều 20. Thẩm quyền của cơ quan thuế trong việc xử lý vi phạm về thuế

1. Thủ trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được quyền xử lý đối với các vi phạm của đối tượng nộp thuế quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 19 của Luật này.

2. Cục trưởng, Chi cục trưởng cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế được áp dụng các biện pháp xử lý quy định tại khoản 4 Điều 19 của Luật này và chuyển hồ sơ sang cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định của pháp luật đối với trường hợp vi phạm quy định tại khoản 3 Điều 19 của Luật này.

Điều 21. Xử lý vi phạm đối với cán bộ thuế và cá nhân khác

1. Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sử dụng trái phép, chiếm đoạt tiền thuế, tiền phạt thì phải bồi hoàn cho Nhà nước toàn bộ số tiền thuế, số tiền phạt đã sử dụng trái phép, chiếm đoạt và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

2. Cán bộ thuế, cá nhân khác thiếu tinh thần trách nhiệm hoặc xử lý sai gây thiệt hại cho người nộp thuế thì phải bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật và tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Cán bộ thuế, cá nhân khác lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thông đồng, bao che cho người vi phạm Luật thuế giá trị gia tăng hoặc có hành vi khác vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

4. Người cản trở hoặc xúi giục người khác cản trở việc thi hành Luật thuế giá trị gia tăng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 22. Khen thưởng

Cơ quan thuế, cán bộ thuế hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng; đối tượng nộp thuế thực hiện tốt nghĩa vụ nộp thuế thì được khen thưởng.

Chính phủ quy định cụ thể việc khen thưởng.


CHƯƠNG V
KHIẾU NẠI VÀ THỜI HIỆU

Điều 23. Quyền và trách nhiệm của đối tượng nộp thuế trong việc khiếu nại về thuế

1. Đối tượng nộp thuế có quyền khiếu nại việc cán bộ thuế, cơ quan thuế thi hành không đúng Luật thuế giá trị gia tăng.

Đơn khiếu nại được gửi đến cơ quan thuế trực tiếp quản lý thu thuế trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo hoặc quyết định xử lý của cán bộ thuế, cơ quan thuế.

Trong khi chờ giải quyết, đối tượng nộp thuế vẫn phải thực hiện theo thông báo hoặc quyết định xử lý của cơ quan thuế.

2. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định của cơ quan giải quyết khiếu nại hoặc quá thời hạn quy định tại Điều 24 của Luật này mà chưa được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên cơ quan thuế cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện đến Tòa án theo quy định của pháp luật.

Điều 24. Trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan thuế trong việc giải quyết khiếu nại về thuế

1. Cơ quan thuế khi nhận được khiếu nại về thuế phải xem xét giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, đối với những vụ việc phức tạp thì thời hạn đó có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày; nếu vụ việc không thuộc thẩm quyền giải quyết của mình thì phải chuyển hồ sơ hoặc báo cáo cơ quan có thẩm quyền giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại.

2. Cơ quan thuế nhận khiếu nại có quyền yêu cầu người khiếu nại cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc khiếu nại; nếu người khiếu nại từ chối cung cấp hồ sơ, tài liệu thì có quyền từ chối xem xét giải quyết khiếu nại.

3. Cơ quan thuế phải hoàn trả số tiền thuế, số tiền phạt thu không đúng cho đối tượng nộp thuế trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định của cơ quan thuế cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Nếu phát hiện và kết luận có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế, cơ quan thuế có trách nhiệm truy thu tiền thuế, tiền phạt hoặc hoàn trả tiền thuế trong thời hạn 05 năm trở về trước, kể từ ngày kiểm tra phát hiện có sự khai man, trốn thuế hoặc nhầm lẫn về thuế. Trường hợp cơ sở kinh doanh không đăng ký kê khai, nộp thuế thì thời hạn truy thu tiền thuế, tiền phạt kể từ khi cơ sở kinh doanh bắt đầu hoạt động.

5. Thủ trưởng cơ quan thuế cấp trên có trách nhiệm giải quyết các khiếu nại về thuế của đối tượng nộp thuế đối với cơ quan thuế cấp dưới.

Quyết định của Bộ trưởng Bộ tài chính giải quyết khiếu nại về thuế là quyết định cuối cùng.



CHƯƠNG VI
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25.

Chính phủ chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng trong cả nước.

Điều 26.

Bộ trưởng Bộ tài chính có trách nhiệm tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện Luật thuế giá trị gia tăng trong cả nước.

Điều 27.

Ủy ban nhân dân các cấp, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chỉ đạo việc thực hiện và kiểm tra việc chấp hành Luật thuế giá trị gia tăng ở địa phương mình.


CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 28.

Luật thuế giá trị gia tăng có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 1999.

Bãi bỏ Luật thuế doanh thu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu và các quy định về thuế doanh thu trong các văn bản quy phạm pháp luật khác, kể từ ngày Luật thuế giá trị gia tăng có hiệu lực thi hành.

Việc giải quyết những tồn tại về thuế, quyết toán thuế, miễn giảm thuế và xử lý các vi phạm về thuế doanh thu trước ngày 01 tháng 01 năm 1999 được thực hiện theo các quy định tương ứng của Luật thuế doanh thu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế doanh thu và các quy định về thuế doanh thu trong các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Đối với những cơ sở sản xuất, xây dựng, vận tải trong những năm đầu áp dụng thuế giá trị gia tăng mà bị lỗ do số thuế giá trị gia tăng phải nộp lớn hơn số thuế tính theo mức thuế doanh thu trước đây thì được xét giảm thuế giá trị gia tăng phải nộp. Mức được xét giảm thuế giá trị gia tăng tương ứng với số lỗ được xác định do nguyên nhân này nhưng tối đa không quá 50% số thuế phải nộp. Thời gian giảm thuế được xét từng năm và tính theo năm dương lịch nhưng tối đa không quá 03 năm, kể từ ngày Luật thuế giá trị gia tăng có hiệu lực thi hành.

Chính phủ quy định cụ thể việc xét giảm thuế giá trị gia tăng theo quy định tại Điều này.

Điều 29.

Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác với Luật này thì thuế giá trị gia tăng được thực hiện theo những quy định tại điều ước quốc tế đó.

Điều 30.

Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa IX, kỳ họp thứ 11 thông qua ngày 10 tháng 5 năm 1997.

Tags: , , ,

Comments are closed.