Về việc hướng dẫn việc cấp, quản lý và sử dụng Thẻ khám bệnh, chữa bệnh
cho trẻ em dưới 6 tuổi không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập
_______________________
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn việc cấp, quản lý và sử dụng Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập như sau:
I. QUY ĐỊNH CHUNG
1. Đối tượng trẻ em được Nhà nước cấp Thẻ khám bệnh, chữa bệnh không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập (sau đây gọi tắt là Thẻ khám chữa bệnh) là trẻ em dưới 6 tuổi (chưa đủ bảy mươi hai tháng tuổi tính đến ngày cấp Thẻ khám chữa bệnh), là công dân Việt Nam hiện cư trú trên lãnh thổ Việt Nam.
2. Thẻ khám chữa bệnh được sử dụng khi khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế công lập. Thẻ có giá trị sử dụng kể từ ngày cấp thẻ cho đến ngày trẻ đủ bảy mươi hai tháng tuổi.
3. Trẻ em thường trú tại địa phương nào thì được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi đó (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) cấp Thẻ khám chữa bệnh.
4. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thực hiện việc cấp (lần đầu), cấp lại, đổi Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi đúng đối tượng và báo cáo tình hình thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư này.
5. Cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm giữ gìn, bảo quản Thẻ khám chữa bệnh; không để mất, không tẩy xoá, viết lên mặt thẻ; chỉ sử dụng Thẻ để khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế công lập.
6. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi đang được hưởng chính sách khám chữa bệnh không phải trả tiền theo các quy định khác, được cấp và sử dụng Thẻ khám chữa bệnh theo quy định tại Thông tư này.
7. Nghiêm cấm việc mượn, cho mượn, làm Thẻ giả, sử dụng Thẻ giả để khám chữa bệnh; người nào mượn Thẻ, làm Thẻ giả, sử dụng Thẻ giả hoặc lợi dụng việc khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi để trục lợi thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
1. Thủ tục cấp Thẻ khám chữa bệnh
a. Cha, mẹ, người giám hộ xuất trình giấy khai sinh (bản chính hoặc bản sao có chứng thực) với Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi trẻ em thường trú để làm căn cứ cấp Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi.
b. Trường hợp trẻ em chưa có giấy khai sinh thì cha, mẹ, người giám hộ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em; Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho trẻ em cùng với việc cấp Thẻ khám chữa bệnh. Đối với những khu vực vùng sâu, vùng xa điều kiện đi lại khó khăn thì cán bộ Tư pháp hộ tịch có trách nhiệm phối hợp với cán bộ ngành Lao động – Thương binh và Xã hội hỗ trợ Uỷ ban nhân dân cấp xã làm thủ tục đăng ký khai sinh cho trẻ và cấp Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi.
c. Trường hợp trẻ em chưa có Thẻ khám chữa bệnh, nhưng cần đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập thì cần phải xuất trình giấy khai sinh hoặc giấy chứng sinh hoặc giấy chứng nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã làm căn cứ cho các cơ sở y tế công lập không thu tiền khám chữa bệnh của trẻ em.
d. Trường hợp trẻ em chưa có Thẻ khám chữa bệnh, chưa có giấy khai sinh, không có giấy chứng sinh, nhưng cần đi khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở y tế công lập thì Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xác nhận về họ, tên, ngày, tháng, năm sinh của trẻ em hiện đang thường trú tại địa bàn xã làm căn cứ cho các cơ sở y tế công lập không thu tiền khám chữa bệnh của trẻ em.
e. Đối với trẻ em dưới 6 tuổi không đăng ký thường trú tại xã/phường/thị trấn nhưng đang sinh sống trên địa bàn xã/phường/thị trấn thì ngoài giấy khai sinh phải có giấy xác nhận của thôn/xóm hoặc Ban quản lý khu dân cư hiện đang thường trú ở thôn/xóm hoặc khu dân cư để làm căn cứ cấp Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em.
f. Đối với trẻ em đang phải điều trị bệnh tại bệnh viện mà đến thời gian hết hạn sử dụng Thẻ thì trẻ vẫn được tiếp tục hưởng chế độ khám chữa bệnh không phải trả tiền cho đến hết đợt điều trị đó.
2. Cấp lại, đổi Thẻ khám chữa bệnh
a. Trường hợp bị mất Thẻ khám chữa bệnh thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã cấp lại Thẻ khám chữa bệnh, nêu lý do bị mất, nơi cấp và chịu trách nhiệm về việc khai báo của mình.
b. Trường hợp Thẻ khám chữa bệnh bị rách nát; thông tin ghi trên Thẻ không đọc được; thông tin hiện tại đã thay đổi so với thông tin ghi trên Thẻ thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã, nơi thường trú đổi Thẻ khám chữa bệnh kèm theo các thông tin hiện tại và Thẻ cũ.
c. Trường hợp trẻ em thay đổi nơi thường trú thì cha, mẹ, người giám hộ đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi đến đổi Thẻ khám chữa bệnh, có ghi rõ địa chỉ nơi đi và kèm theo Thẻ cũ.
d. Uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm tiếp nhận đề nghị của công dân và giải quyết từng trường hợp cụ thể, lập danh sách trẻ em được cấp lại, đổi Thẻ khám chữa bệnh và gửi Phòng Lao động-Thương binh và Xã hội. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội kiểm tra, xác định số Thẻ đúng với số Thẻ đã được cấp lần đầu, điền đầy đủ thông tin vào Thẻ khám chữa bệnh và chuyển đến Uỷ ban nhân dân cấp xã ký tên, đóng dấu để tiến hành cấp lại, đổi Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em.
e. Thời hạn cấp lại, đổi Thẻ khám chữa bệnh chậm nhất là 20 ngày, kể từ ngày Uỷ ban nhân dân cấp xã nhận được đề nghị.
3. Mẫu Thẻ, cách ghi thông tin vào Thẻ khám chữa bệnh
a. Hình thức của Thẻ khám chữa bệnh
Thẻ khám chữa bệnh có hình chữ nhật, kích thước 10 cm x 7 cm, giấy trắng cứng, nền in chìm biểu tượng của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
Mẫu Thẻ và các thông tin ghi trên Thẻ theo Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.
b. Cách ghi thông tin vào Thẻ khám chữa bệnh theo thứ tự từ trên xuống như sau:
– Ghi tên xã, phường, thị trấn bằng chữ in hoa (Ví dụ: Xã TÂN TIẾN, CẨM BÌNH, HẢI DƯƠNG)
– Số Thẻ khám chữa bệnh có dạng LnnnLnnnL, trong đó “L” là một chữ cái từ A đến Z, “n” là một chữ số từ 0 đến 9. Số Thẻ khám chữa bệnh không mang thông tin, chỉ là số để nhận biết chính xác, đúng về một cá nhân trong xã hội.
– Ghi họ, chữ đệm, tên trẻ em bằng chữ in hoa (ví dụ: NGUYỄN VĂN ANH).
– Ghi rõ số ngày, tháng, năm sinh (ví dụ: ngày 21 tháng 5 năm 2008).
– Ghi rõ giới tính trẻ em là nam hoặc là nữ.
– Nơi thường trú hoặc nơi đang sinh sống: Ghi địa chỉ đầy đủ nơi trẻ em đang thường trú/đang sinh sống (Ví dụ: Thôn Xuân Đại (nếu ở nông thôn) hoặc số nhà 73, đường Hùng Vương (nếu ở thành thị).
– Ghi họ, chữ đệm, tên mẹ (Ví dụ: Nguyễn Thị Minh)
– Trường hợp không ghi họ và tên mẹ thì ghi họ và tên cha; nếu không ghi họ và tên mẹ hoặc họ và tên cha thì ghi họ và tên người giám hộ.
– Thẻ có giá trị sử dụng đến ngày: ghi đúng ngày, tháng sinh của trẻ em nhưng số năm thì bằng năm sinh của trẻ em cộng thêm 6 (Ví dụ: sinh ngày 21/5/2008, thì Thẻ sẽ có giá trị sử dụng đến ngày 21/5/2014).
4. Quy trình in, cấp phát Thẻ như sau
– Uỷ ban nhân dân cấp xã lập danh sách trẻ em được cấp (lần đầu), cấp lại, đổi Thẻ khám chữa bệnh theo mẫu tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này. Trường hợp trẻ em đổi Thẻ do thay đổi nơi thường trú thì cần ghi rõ tên xã/phường/thị trấn, quận/huyện, tỉnh/thành phố nơi trẻ em đi.
– Uỷ ban nhân dân cấp xã gửi danh sách yêu cầu cấp (lần đầu), cấp lại, đổi Thẻ cho Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội. Trên cơ sở danh sách của xã gửi lên, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội có trách nhiệm nhập thông tin của trẻ em vào máy vi tính bằng chương trình phần mềm chuyên dụng, cấp số định danh cho mỗi trẻ em được cấp Thẻ lần đầu. Đối với trường hợp cấp lại Thẻ thì Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội phải tìm số Thẻ (số định danh) trong hệ cơ sở dữ liệu của huyện hoặc liên hệ với Sở Lao động- Thương binh và Xã hội để tìm số Thẻ trong hệ cơ sở dữ liệu của các huyện liên quan, bảo đảm số Thẻ được nhập vào máy vi tính đúng với số Thẻ của trẻ em đó đã được cấp lần đầu. Đối với trường hợp đổi Thẻ thì Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội nhập số Thẻ cũ vào máy vi tính, không được cấp số Thẻ mới.
– Sau khi nhập đủ các thông tin, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội in Thẻ và chuyển Thẻ đã in đến Uỷ ban nhân dân cấp xã. Khi đã nhận được Thẻ đã in, Uỷ ban nhân dân cấp xã kiểm tra các thông tin trên từng Thẻ, ký tên, đóng dấu, ép plastic, cấp phát Thẻ cho trẻ em và ghi vào sổ theo dõi, quản lý Thẻ khám chữa bệnh.
5. Báo cáo tình hình cấp (lần đầu), cấp lại, đổi Thẻ khám chữa bệnh
a. Hàng tháng, Uỷ ban nhân dân cấp xã lập báo cáo tình hình trẻ em dưới 6 tuổi được cấp (lần đầu), cấp lại, đổi Thẻ khám chữa bệnh gửi đến Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội theo mẫu báo cáo tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.
b. Hàng quý, Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội lập báo cáo về tình hình cấp (lần đầu), cấp lại, đổi Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới sáu tuổi của huyện gửi đến Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tổng hợp và báo cáo Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội theo mẫu báo cáo tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm: tổ chức việc in phôi Thẻ khám chữa bệnh đảm bảo tính thống nhất về nội dung, hình thức và chuyển đến Sở Lao động- Thương binh và Xã hội; hướng dẫn Sở Lao động- Thương binh và Xã hội sử dụng phần mềm quản lý Thẻ; phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, giám sát công tác cấp phát Thẻ và sử dụng Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế công lập; theo dõi và tổng hợp tình hình thực hiện công tác cấp phát và sử dụng Thẻ khám chữa bệnh trên toàn quốc.
2. Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm chỉ đạo triển khai công tác cấp phát, quản lý và sử dụng Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tại các cơ sở y tế công lập tại địa phương. Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm ký Thẻ và cấp phát Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em.
3. Sở Lao động- Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm: tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và triển khai công tác cấp phát, quản lý và sử dụng Thẻ khám chữa bệnh; hướng dẫn Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội triển khai công tác cấp phát, quản lý Thẻ khám chữa bệnh; phối hợp với các ngành liên quan giám sát tình hình cấp phát Thẻ khám chữa bệnh và sử dụng Thẻ khám chữa bệnh; báo cáo tình hình cấp phát, quản lý và sử dụng Thẻ khám chữa bệnh tại địa phương lên Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.
4. Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm: tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo và triển khai công tác cấp phát, quản lý và sử dụng Thẻ khám chữa bệnh; in các thông tin về trẻ em vào phôi Thẻ theo danh sách đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp xã gửi lên và chuyển Thẻ khám chữa bệnh về cho Ủy ban nhân dân cấp xã ký và cấp phát; theo dõi, tổng hợp báo cáo tình hình cấp phát và quản lý Thẻ khám chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi tại địa bàn quận/huyện/thị xã.
5. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.
6. Thông tư này thay thế Thông tư số 02/2005/TT-DSGĐTE ngày 10 tháng 6 năm 2005 về việc hướng dẫn việc cấp, quản lý và sử dụng Thẻ khám bệnh, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi không phải trả tiền tại các cơ sở y tế công lập.
Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Nơi nhận: – Ban Bí thư TƯ Đảng, Thủ tướng Chính phủ, các Phó TTgCP; – Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng; – VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước, VP Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – Tòa án nhân dân Tối cao; – Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao; – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Cơ quan Trung ương của các đoàn thể; – Sở Lao động -Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Cục kiểm tra văn bản QPPL- Bộ Tư pháp; – Công báo; – Website Chính phủ, Website Bộ LĐTBXH; – Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH; – Lưu: Văn thư, Cục BVCSTE (3). |
KT.BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Huỳnh Thị Nhân |