BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI _______________ Số: 06/2009/TT-BGTVT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc __________________________________ Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 2009 |
THÔNG TƯ
Quy định về đào tạo, cấp, thu hồi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn
hoa tiêu hàng hải và giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải
__________________________
Căn cứ Bộ luật Hàng hải Việt Nam ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về đào tạo, cấp, thu hồi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải như sau:
CHƯƠNG I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định về đào tạo, cấp, thu hồi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải (sau đây viết tắt là GCNKNCMHTHH) và giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải (sau đây viết tắt là GCNVHĐ HTHH).
2. Thông tư này áp dụng đối với hoa tiêu hàng hải, tổ chức hoa tiêu hàng hải và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến đào tạo, cấp, thu hồi giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải.
Điều 2. Giấy chứng nhận khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải
1. GCNKNCMHTHH là chứng chỉ cấp cho hoa tiêu hàng hải đáp ứng các quy định tại Chương II của Thông tư này. Hoa tiêu hàng hải được cấp GCN KNCMHTHH hạng nào thì chỉ được phép dẫn tàu biển trong giới hạn của hạng đó.
2. GCNVHĐHTHH là chứng chỉ cấp cho hoa tiêu hàng hải, quy định vùng hoạt động mà hoa tiêu hàng hải được phép hành nghề. Hoa tiêu hàng hải chỉ được phép dẫn tàu ở vùng hoa tiêu hàng hải ghi trong GCNVHĐHTHH.
3. Mẫu GCNKNCMHTHH được quy định tại Phụ lục 1 và GCNVHĐ HTHH được quy định tại Phụ lục 2 của Thông tư này.
Điều 3. Hạng hoa tiêu hàng hải
1. Hoa tiêu hàng hải hạng Ba:
Hoa tiêu hàng hải hạng Ba được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích dưới 4000 GT hoặc có chiều dài tối đa đến 115 m.
2. Hoa tiêu hàng hải hạng Nhì:
Hoa tiêu hàng hải hạng Nhì được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích dưới 10.000 GT hoặc có chiều dài tối đa đến 145 m.
3. Hoa tiêu hàng hải hạng Nhất:
Hoa tiêu hàng hải hạng Nhất được phép dẫn các loại tàu biển có tổng dung tích dưới 20.000 GT hoặc có chiều dài tối đa đến 175 m.
4. Hoa tiêu hàng hải Ngoại hạng:
Hoa tiêu hàng hải Ngoại hạng được phép dẫn tất cả các loại tàu biển.
CHƯƠNG II
ĐÀO TẠO, THI, CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN KHẢ NĂNG
CHUYÊN MÔN HOA TIÊU HÀNG HẢI VÀ GIẤY CHỨNG NHẬN
VÙNG HOẠT ĐỘNG HOA TIÊU HÀNG HẢI
Điều 4. Chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải
1. Chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải bao gồm:
a) Chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải cơ bản là chương trình đào tạo áp dụng đối với những người tập sự hoa tiêu hàng hải;
b) Chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải nâng cao là chương trình đào tạo áp dụng để nâng hạng hoa tiêu từ hạng Nhì lên hạng Nhất;
c) Thực hiện xét nâng hạng hoa tiêu đối với hạng Ba lên hạng Nhì và hạng Nhất lên Ngoại hạng.
2. Chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải bao gồm những nội dung chính dưới đây:
a) Pháp luật Việt Nam, Điều ước quốc tế liên quan đến an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường;
b) Nghiệp vụ hoa tiêu hàng hải;
c) Kỹ năng điều động tàu biển;
d) Vùng hoa tiêu hàng hải bắt buộc của Việt Nam;
đ) Tiếng Anh nghiệp vụ hoa tiêu hàng hải.
Điều 5. Cơ sở đào tạo và việc thực tập hoa tiêu hàng hải
1. Cơ sở đào tạo hoa tiêu hàng hải (dưới đây gọi tắt là cơ sở đào tạo) là trường đại học hoặc cao đẳng hàng hải có đào tạo chuyên ngành Điều khiển tàu biển.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở đào tạo:
a) Tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải đã được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt;
b) Nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo; đề xuất cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải cho phù hợp;
c) Thu, sử dụng học phí theo quy định.
3. Hoa tiêu hàng hải và tập sự hoa tiêu hàng hải được thực tập tại các tổ chức hoa tiêu hàng hải.
4. Nhiệm vụ của tổ chức hoa tiêu hàng hải:
Tổ chức thực tập hoa tiêu hàng hải và xác nhận thời gian thực tế thực tập dẫn tàu và số lượt dẫn tàu an toàn cho các hoa tiêu hàng hải hoặc tập sự hoa tiêu hàng hải.
Điều 6. Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải
1. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định thành lập Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải.
2. Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải có từ 05 đến 07 thành viên, bao gồm: Chủ tịch Hội đồng là lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, các uỷ viên là đại diện Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Giao thông vận tải) và lãnh đạo các Phòng chức năng có liên quan của Cục Hàng hải Việt Nam, tổ chức hoa tiêu hàng hải và cơ sở đào tạo.
3. Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải có trách nhiệm tổ chức thi tốt nghiệp khóa đào tạo hoa tiêu hàng hải cơ bản và khóa đào tạo hoa tiêu hàng hải nâng cao.
4. Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải có nhiệm vụ dưới đây:
a) Xét duyệt danh sách thí sinh theo các điều kiện được quy định tại Chương II của Thông tư này;
b) Tư vấn cho Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trong việc lập ngân hàng đề thi cho từng hạng hoa tiêu hàng hải, vùng hoa tiêu hàng hải; đề nghị điều chỉnh, cập nhật đề thi cho sát với thực tế;
c) Điều hành và kiểm tra các kỳ thi;
d) Xử lý các vụ việc xảy ra trong các kỳ thi (nếu có);
đ) Thành lập Ban Giám khảo thi tốt nghiệp khoá đào tạo hoa tiêu hàng hải cơ bản, khoá đào tạo hoa tiêu hàng hải nâng cao (dưới đây gọi là Ban Giám khảo);
e) Tổng hợp kết quả kỳ thi, báo cáo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định công nhận học viên tốt nghiệp khoá đào tạo;
g) Tổng hợp ý kiến đóng góp của các cơ sở đào tạo, học viên, tổ chức hoa tiêu về việc tổ chức, chương trình, quy trình đào tạo các hạng hoa tiêu hàng hải báo cáo Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam.
Điều 7. Ban Giám khảo thi tốt nghiệp
1. Ban Giám khảo có từ 03 đến 05 thành viên, đáp ứng một trong các tiêu chuẩn chuyên môn dưới đây:
a) Là hoa tiêu hàng hải Ngoại hạng và có thời gian hành nghề hoa tiêu hàng hải ngoại hạng ít nhất là ba năm;
b) Là thuyền trưởng tàu biển có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên và có thời gian đảm nhiệm chức danh tương ứng ít nhất ba năm;
c) Là chuyên gia có uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ hàng hải.
2. Ban Giám khảo thi tốt nghiệp có nhiệm vụ dưới đây:
a) Tổ chức hỏi thi, chấm thi, tổng hợp báo cáo kết quả thi theo quy định;
b) Kiến nghị Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải điều chỉnh kịp thời những sai sót trong đề thi;
c) Xử lý những vi phạm quy chế thi theo thẩm quyền và báo cáo Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải.
Điều 8. Điều kiện tham dự khóa đào tạo hoa tiêu hàng hải
1. Học viên tham dự khóa đào tạo hoa tiêu hàng hải cơ bản phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
a) Tốt nghiệp chuyên ngành Điều khiển tàu biển ở các trường hàng hải từ bậc cao đẳng trở lên; hoàn thành khóa học bổ sung những môn học còn thiếu tại các trường hàng hải khi tốt nghiệp chuyên ngành Điều khiển tàu biển ở các trường khác hoặc cao đẳng nghề có giấy chứng nhận thuyền trưởng tàu biển có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên;
b) Đủ tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định;
c) Hoàn thành chương trình tiếng Anh trình độ B trở lên;
d) Hoàn thành khóa đào tạo nghiệp vụ ARPA.
2. Học viên tham dự khóa đào tạo hoa tiêu hàng hải nâng cao phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
a) Tốt nghiệp chuyên ngành Điều khiển tàu biển từ bậc đại học trở lên ở các trường hàng hải;
b) Đủ tiêu chuẩn sức khoẻ theo quy định;
c) Hoàn thành chương trình tiếng Anh trình độ C trở lên;
d) Có GCNKNCMHTHH hạng Nhì;
đ) Độc lập dẫn tàu an toàn ít nhất là 200 lượt với cương vị hoa tiêu hàng hải hạng Nhì hoặc có thời gian đảm nhiệm tốt công việc của hoa tiêu hàng hải hạng Nhì ít nhất là 24 tháng, được tổ chức hoa tiêu hàng hải, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận.
Điều 9. Công nhận kết quả thi
1. Thí sinh dự thi đạt yêu cầu tất cả các môn thi theo quy định (đạt điểm 5 trở lên theo thang điểm 10) thì được công nhận tốt nghiệp khoá đào tạo hoa tiêu hàng hải cơ bản hoặc khoá đào tạo hoa tiêu hàng hải nâng cao.
Trường hợp thí sinh thi chỉ đạt một số môn thì kết quả những môn này sẽ được bảo lưu trong thời hạn một năm kể từ ngày thông báo kết quả thi.
2. Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam quyết định công nhận tốt nghiệp khoá đào tạo hoa tiêu hàng hải cơ bản, khoá đào tạo hoa tiêu hàng hải nâng cao trên cơ sở đề nghị của Chủ tịch Hội đồng thi hoa tiêu hàng hải.
Điều 10. Điều kiện để được cấp GCNKNCMHTHH
Để được cấp GCNKNCMHTHH, hoa tiêu hàng hải phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
1. GCNKNCMHTHH hạng Ba:
a) Đã hoàn thành khoá đào tạo hoa tiêu hàng hải cơ bản;
b) Đã thực tập hoa tiêu hàng hải hạng Ba dưới sự hướng dẫn của hoa tiêu hàng hải đã có GCNKNCMHTHH với số lượt dẫn tàu an toàn là 300 lượt hoặc thời gian ít nhất là 36 tháng với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu là 150 lượt và được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận.
Đối với hoa tiêu hàng hải tập sự đã đảm nhiệm chức danh sỹ quan tàu biển hạng tàu từ 500 GT trở lên thì phải có số lượt thực tập dẫn tàu an toàn tối thiểu là 200 lượt hoặc thời gian ít nhất là 18 tháng với số lượt thực tập dẫn tàu an toàn tối thiểu là 100 lượt; trường hợp hoa tiêu tập sự đã đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng tàu biển có tổng dung tích từ 500 GT trở lên thì phải có số lượt thực tập dẫn tàu an toàn tối thiểu là 150 lượt hoặc thời gian ít nhất là 15 tháng với số lượt thực tập dẫn tàu an toàn tối thiểu là 75 lượt và được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận.
2. GCNKNCMHTHH hạng Nhì:
a) Đối với hoa tiêu hàng hải đã có GCNKNCMHTHH hạng Ba:
i. Đã độc lập dẫn tàu an toàn ít nhất là 200 lượt với cương vị hoa tiêu hàng hải hạng Ba hoặc có thời gian đảm nhiệm tốt công việc của hoa tiêu hàng hải hạng Ba ít nhất là 24 tháng với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu là 100 lượt và được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận;
ii. Có ít nhất là 30 lượt thực tập dẫn tàu an toàn đối với loại tàu có tổng dung tích từ 4000 GT hoặc chiều dài tối đa từ 115 mét trở lên hoặc có thời gian thực tập hoa tiêu hàng hải hạng Nhì ít nhất là 12 tháng với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu là 15 lượt và được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận.
b) Đối với người có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn thuyền trưởng tàu biển có tổng dung tích từ 3000 GT trở lên và đã có thời gian đảm nhiệm chức danh thuyền trưởng tương ứng ít nhất là 36 tháng thì được xét cấp GCNKNCM HTHH hạng Nhì, nhưng phải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
i. Đã hoàn thành khóa đào tạo hoa tiêu hàng hải cơ bản;
ii. Có ít nhất là 150 lượt thực tập dẫn tàu an toàn đối với loại tàu có tổng dung tích từ 4000 GT hoặc chiều dài tối đa từ 115 mét trở lên với chức danh thực tập hoa tiêu hàng hải hạng Nhì hoặc có thời gian thực tập hoa tiêu hàng hải hạng Nhì ít nhất là 12 tháng với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu là 75 lượt và được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận.
3. GCNKNCMHTHH hạng Nhất:
a) Đã hoàn thành khoá đào tạo hoa tiêu hàng hải nâng cao;
b) Có ít nhất 30 lượt thực tập dẫn tàu an toàn đối với loại tàu có tổng dung tích từ 10.000 GT hoặc chiều dài tối đa từ 145 mét trở lên hoặc thực tập hoa tiêu hàng hải hạng Nhất ít nhất sáu tháng với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu là 15 lượt dưới sự hướng dẫn của hoa tiêu hàng hải có GCNKNCMHTHH từ hạng Nhất trở lên và được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận.
4. GCNKNCMHTHH Ngoại hạng:
a) Có GCNKNCMHTHH hạng Nhất;
b) Đã độc lập dẫn tàu an toàn ít nhất là 300 lượt với cương vị hoa tiêu hàng hải hạng Nhất hoặc có thời gian đảm nhiệm tốt công việc của hoa tiêu hàng hải hạng Nhất ít nhất là 36 tháng với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu 150 lượt và được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận;
c) Có ít nhất 30 lượt thực tập dẫn tàu an toàn đối với loại tàu có tổng dung tích từ 20.000 GT hoặc sáu tháng với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu là 15 lượt dưới sự hướng dẫn của hoa tiêu hàng hải có GCNKHCMHTHH Ngoại hạng và được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận.
Điều 11. Cấp GCNVHĐHTHH
1. Hoa tiêu hàng hải đã qua thực tập dẫn tàu ở vùng hoa tiêu hàng hải nào thì được cấp GCNVHĐHTHH tại vùng đó. GCNVHĐHTHH có cùng thời hạn sử dụng như GCNKNCMHTHH.
2. Điều kiện cấp GCNVHĐHTHH:
Có GCNKNCMHTHH. Đối với hoa tiêu hàng hải dẫn tàu tại cảng dầu khí ngoài khơi để đuợc cấp GCNVHĐHTHH thì phải thực tập dẫn tàu an toàn ít nhất 05 lượt tại vùng hoa tiêu hàng hải đó và được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận.
3. Chuyển vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải:
Trường hợp hoa tiêu hàng hải chuyển vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải phải có thời gian thực tập dẫn tàu ít nhất là sáu tháng tại vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải nơi chuyển đến với số lượt dẫn tàu an toàn tối thiểu (được tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập, Cảng vụ hàng hải tại khu vực xác nhận) theo quy định dưới đây:
a) 100 lượt đối với các vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải: Quảng Ninh (trừ tuyến dẫn tàu vào khu chuyển tải Vạn Gia), Hải Phòng – Thái Bình – Nam Định (trừ tuyến dẫn tàu vào các cảng biển Thái Bình, Nam Định), thành phố Hồ Chí Minh – Đồng Nai – Bình Dương – Long An và Bà Rịa – Vũng Tàu – sông Tiền (trừ tuyến dẫn tàu qua sông Tiền);
b) 30 lượt đối với các vùng hoa tiêu hàng hải còn lại.
Điều 12. Gia hạn, đổi, cấp lại GCNKNCMHTHH và GCNVHĐHTHH
1. GCNKNCMHTHH có thời hạn sử dụng năm năm kể từ ngày cấp.
2. GCNKNCMHTHH và GCNVHĐHTHH được gia hạn, cấp lại khi hoa tiêu hàng hải đáp ứng các điều kiện dưới đây:
a) Có giấy chứng nhận sức khoẻ theo quy định;
b) Đã đảm nhiệm chức danh hoa tiêu hàng hải phù hợp với GCNKNCM HTHH được cấp từ 24 tháng trở lên trong vòng năm năm. Trường hợp không đủ 24 tháng thì phải qua thời gian thực tập lại ít nhất ba tháng.
3. GCNKNCMHTHH, GCNVHĐHTHH còn hạn sử dụng chỉ được đổi, cấp lại trong các trường hợp dưới đây:
a) Bị mất;
b) Bị hư hỏng.
GCNKNCMHTHH, GCNVHĐHTHH được đổi hoặc cấp lại phải có nội dung giống như GCNKNCMHTHH, GCNVHĐHTHH bị mất hoặc hư hỏng và có thời hạn sử dụng bằng với thời hạn sử dụng còn lại của GCNKNCMHTHH, GCNVHĐ HTHH bị mất, hư hỏng.
Điều 13. Hồ sơ tham dự các khóa đào tạo, đề nghị cấp GCNKNCM HTHH và GCNVHĐHTHH
1. Hồ sơ tham dự khóa đào tạo hoa tiêu hàng hải cơ bản bao gồm:
a) Đơn xin học (đối với người tự xin học) hoặc công văn đề nghị của cơ quan, tổ chức quản lý;
b) Bản sao hợp lệ bằng tốt nghiệp chuyên ngành;
c) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận hoàn thành các môn học bổ sung đối với những người tốt nghiệp chuyên ngành Điều khiển tàu biển ở các trường không phải là trường hàng hải;
d) Bản sao hợp lệ chứng chỉ Anh văn;
đ) Giấy chứng nhận sức khỏe;
e) Bản sao hợp lệ giấy chứng nhận huấn luyện nghiệp vụ ARPA;
g) Sơ yếu lý lịch có xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý hoặc chính quyền địa phương cấp xã nơi đăng ký hộ khẩu.
2. Hồ sơ tham dự khóa đào tạo hoa tiêu hàng hải nâng cao bao gồm các giấy tờ dưới đây:
Ngoài các giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này, người tham dự khoá học phải bổ sung các loại giấy tờ sau:
a) Bản sao hợp lệ GCNKNCMHTHH hạng Nhì;
b) Bản xác nhận về việc dẫn tàu theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 8 của Thông tư này.
3. Hồ sơ cấp GCNKNCMHTHH và GCNVHĐHTHH bao gồm:
a) Công văn kèm theo danh sách đề nghị của tổ chức hoa tiêu hàng hải hướng dẫn thực tập, trong đó nêu cụ thể vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải của hoa tiêu được đề nghị;
b) 03 phiếu sát hạch khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải đối với hoa tiêu hàng hải hạng Ba. 02 phiếu sát hạch đối với hoa tiêu hàng hải hạng Nhì, hạng Nhất và Ngoại hạng;
c) Bản kê khai thời gian hoặc số lượt thực tập dẫn tàu an toàn có xác nhận tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập và Cảng vụ hàng hải tại khu vực;
d) 03 ảnh 3 x 4 chụp trong vòng sáu tháng trở lại (mặt sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày sinh, nơi sinh).
4. Hồ sơ cấp GCNVHĐHTHH đối với hoa tiêu chuyển vùng hoạt động bao gồm:
a) GCNKNCMHTHH;
b) Công văn đề nghị của người đứng đầu tổ chức hoa tiêu hàng hải trong đó nêu rõ vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải đề nghị cấp GCNVHĐHTHH;
c) Xác nhận thời gian thực tập dẫn tàu an toàn và số lượt dẫn tàu an toàn tại vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải nơi chuyển đến của tổ chức hoa tiêu nơi hướng dẫn thực tập và Cảng vụ hàng hải tại khu vực;
d) 03 ảnh 3 x 4 chụp trong vòng sáu tháng trở lại (mặt sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày sinh, nơi sinh).
5. Hồ sơ xin gia hạn, đổi, cấp lại GCNKNCMHTHH, GCNVHĐHTHH bao gồm:
a) Đơn xin gia hạn, đổi, cấp lại GCNKNCMHTHH, GCNVHĐHTHH trong đó nêu rõ lý do và có xác nhận của người đứng đầu tổ chức hoa tiêu hàng hải hoặc cơ quan có thẩm quyền;
b) GCNKNCMHTHH, GCNVHĐHTHH cần gia hạn hoặc đổi;
c) 03 ảnh 3 x 4 chụp trong vòng sáu tháng trở lại (mặt sau ảnh ghi rõ họ tên, ngày sinh, nơi sinh).
Điều 14. Trách nhiệm của Cục Hàng hải Việt Nam
1. Chủ trì biên soạn chương trình đào tạo hoa tiêu hàng hải trình Bộ Giao thông vận tải phê duyệt; xây dựng và ban hành chương trình thực tập hoa tiêu hàng hải.
2. Hàng năm, căn cứ quy hoạch, nhu cầu đào tạo và thực tập hoa tiêu hàng hải, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam giao cho các cơ sở đào tạo, tổ chức hoa tiêu hàng hải tổ chức việc đào tạo, thực tập cho hoa tiêu hàng hải.
3. Cấp, thu hồi GCNKNCMHTHH, GCNVHĐHTHH theo quy định của Thông tư này và quy định khác có liên quan của pháp luật.
CHƯƠNG III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 52/2005/QĐ-BGTVT ngày 27 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về tiêu chuẩn đào tạo, cấp, thu hồi chứng chỉ khả năng chuyên môn hoa tiêu hàng hải và giấy chứng nhận vùng hoạt động hoa tiêu hàng hải.
2. GCNKNCMHTHH và GCNVHĐHTHH được cấp theo Quyết định số 52/2005/QĐ-BGTVT ngày 27 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vẫn tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết thời hạn ghi trong giấy chứng nhận đó.
3. Các chương trình đào tạo được ban hành theo Quyết định số 52/2005/QĐ-BGTVT ngày 27 tháng 10 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng đến khi Bộ Giao thông vận tải phê duyệt chương trình đào tạo mới theo quy định tại Thông tư này.
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Cục Hàng hải Việt Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ thuộc Bộ, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận: – Như Điều 16; – Văn phòng Quốc hội; – Văn phòng Chính phủ; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; – UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; – Các Thứ trưởng Bộ GTVT; – Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); – Công báo; – Website Chính phủ; – Website Bộ GTVT; – Lưu: VT, TCCB. |
BỘ TRƯỞNG (đã ký) Hồ Nghĩa Dũng |