Thông tư số 08/2008/TTLT-BTP-BNV ngày 07/11/2008


THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn về tổ chức và biên chế

của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước

 

Căn cứ Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý;

Căn cứ Nghị định số 93/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;

Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;

Căn cứ Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015”;

Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thống nhất hướng dẫn về tổ chức và biên chế của Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước trực thuộc Sở Tư pháp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Trung tâm) như sau:

 

I. CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRUNG TÂM

1. Lãnh đạo Trung tâm

Lãnh đạo Trung tâm gồm có Giám đốc và các Phó Giám đốc.

2. Các phòng của Trung tâm

a) Phòng Hành chính – Tổng hợp của Trung tâm được thành lập để thực hiện nhiệm vụ hành chính, tổng hợp, thực hiện chế độ thống kê, báo cáo, thi đua, văn thư, lưu trữ, quản lý tài sản, tài chính và các hoạt động chung khác phục vụ hoạt động của Trung tâm.

b) Các Phòng nghiệp vụ của Trung tâm được thành lập và tổ chức theo các lĩnh vực pháp luật như sau:

– Pháp luật Hình sự – Hành chính: thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc các lĩnh vực pháp luật hình sự, tố tụng hình sự, thi hành án hình sự, pháp luật hành chính, khiếu nại, tố cáo, tố tụng hành chính và các lĩnh vực có liên quan;

– Pháp luật Dân sự – Đất đai: thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc các lĩnh vực pháp luật dân sự, tố tụng dân sự, thi hành án dân sự, pháp luật hôn nhân và gia đình, pháp luật về trẻ em, pháp luật đất đai, nhà ở, môi trường, bảo vệ người tiêu dùng và các lĩnh vực có liên quan;

– Pháp luật Lao động – Xã hội: thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc các lĩnh vực pháp luật lao động, việc làm, bảo hiểm, pháp luật ưu đãi người có công với cách mạng, chính sách ưu đãi xã hội và các lĩnh vực khác liên quan đến các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo hoặc liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Số lượng và tên gọi các Phòng nghiệp vụ quy định tại điểm b, khoản 2, Mục I Thông tư liên tịch này do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) quyết định căn cứ vào khối lượng công việc, tính chất, đặc điểm hoạt động cụ thể và các lĩnh vực trợ giúp pháp lý quy định tại Điều 34 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trợ giúp pháp lý (sau đây gọi là Nghị định số 07/2007/NĐ-CP) nhưng tối đa không quá 04 phòng.

3. Chi nhánh của Trung tâm

Trung tâm có các Chi nhánh được thành lập tại một hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp huyện để thực hiện chức năng trợ giúp pháp lý trong phạm vi địa bàn được phân công. Ưu tiên thành lập Chi nhánh ở các huyện vùng sâu, vùng xa, hải đảo, biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi chưa có tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật đăng ký tham gia trợ giúp pháp lý.

Số lượng, địa điểm đặt Chi nhánh do Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định.

4. Thẩm quyền bổ nhiệm các chức danh lãnh đạo

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm được thực hiện theo Điều 9, Điều 10 Nghị định số 07/2007/NĐ-CP.

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và Trưởng Chi nhánh của Trung tâm được thực hiện theo phân cấp của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh.

Các chức danh lãnh đạo của Trung tâm và các Phòng, Chi nhánh được lựa chọn để bổ nhiệm trong số các Trợ giúp viên pháp lý.

 

II. BIÊN CHẾ CỦA TRUNG TÂM

1. Nguyên tắc chung

a) Biên chế của Trung tâm được xác định theo vị trí công tác của các chức danh nhưng phải phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức được hướng dẫn tại Thông tư liên tịch này.

b) Biên chế được xác định đối với Trung tâm phải sát với lộ trình thực hiện được quy định tại Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 23 tháng 6 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008 – 2010, định hướng đến năm 2015” và phù hợp với đặc điểm, nhu cầu thực tế công tác trợ giúp pháp lý ở địa phương trên cơ sở nhiệm vụ, quyền hạn được giao và khả năng ngân sách.

c) Định mức biên chế của Trung tâm không bao gồm các chức danh hợp đồng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp.

2. Định mức biên chế

a) Lãnh đạo Trung tâm gồm Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc.

b) Phòng Hành chính – Tổng hợp gồm Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng, 01 kế toán viên và 01 chuyên viên pháp lý kiêm văn thư, thủ quỹ.

c) Các Phòng nghiệp vụ gồm Trưởng phòng, không quá 02 Phó Trưởng phòng, tối thiểu 02 Trợ giúp viên pháp lý và 01 chuyên viên pháp lý. Số lượng Trợ giúp viên pháp lý của mỗi Phòng nghiệp vụ được xác định theo vị trí công tác và khối lượng công việc thực tế phải đảm nhiệm.

d) Chi nhánh của Trung tâm gồm Trưởng Chi nhánh, tối thiểu 01 Trợ giúp viên pháp lý và 01 chuyên viên pháp lý.

 

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Căn cứ hướng dẫn về tổ chức, biên chế tại Thông tư liên tịch này và Thông tư số 89/2003/TT-BNV ngày 24 tháng 12 năm 2003 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện về phân cấp quản lý biên chế hành chính, sự nghiệp nhà nước, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nhiệm vụ sau:

a) Chỉ đạo Giám đốc Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ:

– Xây dựng Đề án kiện toàn tổ chức bộ máy của Trung tâm trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt;

– Xây dựng kế hoạch biên chế hàng năm của Trung tâm để Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định.

b) Chỉ đạo Sở Tư pháp và các cơ quan có liên quan hướng dẫn, kiểm tra Trung tâm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về cơ chế quản lý biên chế, tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, viên chức, bảo đảm đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý có điều kiện chuyên môn hoá và tích luỹ kinh nghiệm, hạn chế điều chuyển không cần thiết; phân cấp cụ thể để Trung tâm thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Thông tư liên tịch này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo; các quy định trước đây trái với Thông tư liên tịch này đều bị bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh hoặc có khó khăn, vướng mắc, đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh về Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ NỘI VỤ

THỨ TRƯỞNG

 

(Đã ký)

Nguyễn Duy Thăng

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ TƯ PHÁP

THỨ TRƯỞNG

 

(Đã ký)

 Đinh Trung Tụng

Tags: , , ,

Comments are closed.