THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn chế độ hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước
đối với các cơ sở giáo dục đào tạo trong kỳ thi tuyển sinh đại học,
cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề
hệ chính quy năm học 2008 – 2009
––––––
Căn cứ Luật Giáo dục và Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02/08/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Quyết định số 390/QĐ-TTg ngày 17/04/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc điều hành kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản và chi tiêu ngân sách năm 2008 thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát;
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn số 1701/VPCP-KTTH ngày 18/03/2008 của Văn phòng Chính phủ.
Liên tịch Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề năm học 2008-2009 như sau:
I. Đối tượng áp dụng:
Các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề công lập và ngoài công lập (dưới đây gọi tắt là các cơ sở giáo dục đào tạo) có tổ chức thi tuyển sinh hệ chính quy năm học 2008-2009 theo đúng quy chế tuyển sinh do Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quy định.
II. Nội dung hướng dẫn:
1. Các cơ sở giáo dục đào tạo cần chủ động sử dụng nguồn thu lệ phí tuyển sinh được thu theo quy định hiện hành của nhà nước và nguồn dự toán kinh phí đã được giao để tổ chức kỳ thi tuyển sinh đảm bảo chất lượng theo quy chế tuyển sinh do các cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
2. Để giảm bớt khó khăn cho các cơ sở giáo dục đào tạo trong điều kiện giá cả và chi phí tổ chức thi tuyển sinh tăng, nhưng không thực hiện điều chỉnh tăng mức thu lệ phí tuyển sinh, Nhà nước có chính sách hỗ trợ một phần chi phí tổ chức kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề năm học 2008-2009.
3. Căn cứ để xác định số kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước đối với từng cơ sở giáo dục đào tạo là số lượng học sinh thực tế dự thi tuyển sinh hệ chính quy tại các Hội đồng thi tuyển sinh do cơ sở giáo dục đào tạo tổ chức.
– Mức hỗ trợ là 10.000 đồng/học sinh thực tế dự thi tuyển sinh.
Riêng đối với các cơ sở giáo dục đào tạo có tổ chức thi tuyển sinh hệ năng khiếu (văn hoá, nghệ thuật, kiến trúc,…), mức hỗ trợ là 50.000 đồng/học sinh thực tế dự thi tuyển năng khiếu.
4. Việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các cơ sở giáo dục đào tạo được thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.
Cụ thể như sau:
– Ngân sách trung ương hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ở trung ương thông qua cơ quan chủ quản các cơ sở giáo dục đào tạo ở trung ương.
– Ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ở địa phương thông qua cơ quan chủ quản các cơ sở giáo dục đào tạo ở địa phương theo nguyên tắc:
+ Đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều tiết nguồn thu về ngân sách trung ương do ngân sách địa phương tự đảm bảo.
+ Đối với các tỉnh nhận số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương được ngân sách trung ương hỗ trợ 100%.
– Ngân sách trung ương hỗ trợ trực tiếp đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập căn cứ vào đề nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
5. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan:
5.1 Trách nhiệm của các cơ sở giáo dục đào tạo:
– Căn cứ các nội dung quy định tại Thông tư này, sau khi kết thúc kỳ thi tuyển sinh, các cơ sở giáo dục đào tạo công lập có trách nhiệm tổng hợp đầy đủ, chính xác số lượng học sinh thực tế dự thi và xây dựng dự toán kinh phí đề nghị được hỗ trợ một phần kinh phí tổ chức thi tuyển sinh từ ngân sách nhà nước gửi cơ quan chủ quản xem xét, thẩm định, tổng hợp báo cáo cơ quan tài chính.
Đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo ngoài công lập có trách nhiệm tổng hợp số lượng học sinh thực tế dự thi, xây dựng dự toán kinh phí đề nghị được hỗ trợ gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính.
– Sử dụng nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đúng mục đích, đúng chế độ tài chính quy định và thực hiện quyết toán theo quy định.
5.2 Trách nhiệm của cơ quan chủ quản:
– Thẩm định dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ của các cơ sở giáo dục trực thuộc, tổng hợp gửi cơ quan tài chính cùng cấp.
– Hướng dẫn, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và phê duyệt quyết toán nguồn kinh phí ngân sách nhà nước hỗ trợ đúng quy định.
5.3 Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo:
– Thẩm định dự toán kinh phí đề nghị hỗ trợ của các cơ sở giáo dục đào tạo trực thuộc và các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập, tổng hợp gửi Bộ Tài chính làm căn cứ xem xét hỗ trợ kinh phí.
5.4 Trách nhiệm của cơ quan tài chính:
– Bộ Tài chính có tránh nhiệm:
Tổng hợp và cân đối nguồn kinh phí đáp ứng nhu cầu kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước cho công tác tuyển sinh đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề năm học 2008-2009 đối với các Bộ, cơ quan trung ương, các địa phương có nhận số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương và các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập.
Thông báo mức kinh phí hỗ trợ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho các cơ quan chủ quản để chuyển cho các cơ sở giáo dục đào tạo;
Thẩm định nhu cầu đề nghị hỗ trợ kinh phí và cấp trực tiếp kinh phí hỗ trợ đối với các cơ sở giáo dục đào tạo ngoài công lập.
– Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có điều tiết nguồn thu về ngân sách trung ương có tránh nhiệm tổng hợp nhu cầu kinh phí và trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh bổ sung kinh phí cho các cơ sở giáo dục đào tạo công lập trực thuộc.
– Sở Tài chính các tỉnh nhận số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương có tránh nhiệm thẩm định, tổng hợp nhu cầu hỗ trợ kinh phí tuyển sinh của cơ sở giáo dục đào tạo công lập trực thuộc trình Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Bộ Tài chính bổ sung có mục tiêu hỗ trợ kinh phí tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục và đào tạo công lập trực thuộc.
III. Tổ chức thực hiện:
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo để nghiên cứu, hướng dẫn bổ sung./.
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Bành Tiến Long |
KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH THỨ TRƯỞNG
(Đã ký)
Phạm Sỹ Danh |
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng (để b/c);
– Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân, Sở Tài chính,
Sở Giáo dục và Đào tạo, Cục Thuế, Kho bạc nhà nước
các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
– Công báo;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Website Chính phủ;
– Trang Website Bộ Tài chính;
– Website Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo;
– Lưu VT: BTC, Bộ GD&ĐT.