Thông tư liên tịch số 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29/02/2008

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO – VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO – BỘ CÔNG AN – BỘ TƯ PHÁP SỐ 01/2008/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP NGÀY 29 THÁNG 02 NĂM 2008

HƯỚNG DẪN VIỆC TRUY CỨU TRÁCH NHIỆM HÌNH SỰ ĐỐI VỚI CÁC HÀNH VI XÂM PHẠM QUYỀN SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Để việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được đúng và thống nhất, góp phần bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam; Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an và Bộ Tư pháp thống nhất hướng dẫn như sau:

1. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền tác giả và quyền liên quan

1.1. Người nào cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Điều 28 hoặc Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm thì bị truy cứư trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền tác giả” theo khoản 1 Điều 131 của Bộ luật hình sự:

a) Với quy mô và mục đích thương mại;

b) Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng (bao gồm thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và thiệt hại mà chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan phải chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra);

c) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.

1.2. Người nào cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Điều 28 hoặc Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền tác giả” theo khoản 2 Điều 131 của Bộ luật hình sự:

a) Với quy mô và mục đích thương mại và đã thu được lợi nhuận từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan từ 150.000.000 đồng đến dưới 450.000.000 đồng (bao gồm thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và thiệt hại mà chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan phải chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra);

c) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

1.3. Người nào cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Điều 28 hoặc Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và nếu có đủ các yếu tố khác cấu thành tội phạm thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền tác giả” theo khoản 2 Điều 131 của Bộ luật hình sự:

a) Với quy mô và mục đích thương mại và đã thu được lợi nhuận từ 100.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại vật chất cho chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan từ 450.000.000 đồng trở lên (bao gồm thiệt hại do xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan và thiệt hại mà chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan phải chi phí cho việc khắc phục hậu quả do hành vi xâm phạm gây ra);

c) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.

1.4. Trường hợp người nào cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền tác giả hoặc quyền liên quan quy định tại Điều 28 hoặc Điều 35 của Luật Sở hữu trí tuệ mà không có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại Điều 131 của Bộ luật Hình sự, nhưng có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm quy định tại điều luật khác của Bộ luật Hình sự thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm tương ứng quy định tại điều luật đó của Bộ luật Hình sự.

2. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp

2.1. Người nào vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là “gây hậu quả nghiêm trọng” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo khoản 1 Điều 171 của Bộ luật Hình sự:

a) Đã thu được lợi nhuận từ 10.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng;

c) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng.

2.2. Người nào vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là “gây hậu quả rất nghiêm trọng” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Hình sự:

a) Đã thu được lợi nhuận từ 50.000.000 đồng đến dưới 150.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 150.000.000 đồng đến dưới 450.000.000 đồng;

c) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 150.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

2.3. Người nào vì mục đích kinh doanh mà cố ý thực hiện một trong các hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp có đối tượng là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu quy định tại khoản 2 Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ và thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị coi là “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” và bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo khoản 2 Điều 171 của Bộ luật Hình sự:

a) Đã thu được lợi nhuận từ 150.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về vật chất cho chủ sở hữu nhãn hiệu từ 450.000.000 đồng trở lên;

c) Hàng hóa vi phạm có giá trị từ 500.000.000 đồng trở lên.

3. Điều kiện truy cứu trách nhiệm hình

Theo quy định tại khoản 1 Điều 105 của Bộ luật tố tụng hình sự thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự khi:

a) Có yêu cầu của chủ thể quyền tác giả hoặc quyền liên quan đối với trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 1.1 mục 1 Thông tư này (khoản 1 Điều 131 của BLHS);

b) Có yêu cầu của chủ sở hữu nhãn hiệu hoặc tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý đối với trường hợp được hướng dẫn tại tiểu mục 2.1 mục 2 Thông tư này (khoản 1 Điều 171 của BLHS).

4. Việc xử lý vật chứng

4.1. Khi xử lý vật chứng theo quy định tại Điều 41 của Bộ luật Hình sự và Điều 76 của Bộ luật Tố tụng hình sự trong các vụ án về các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải căn cứ vào khoản 5 Điều 202 của Luật sở hữu trí tuệ và hướng dẫn tại Chương IV Nghị định số l05/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

4.2. Trong trường hợp pháp luật của Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định là vật chứng đó phải bị tiêu hủy thì cơ quan tiến hành tố tụng phải quyết định tiêu hủy theo các quy định đó, cho dù vật chứng đó có thể có giá trị sử dụng.

5. Hiệu lực thi hành

5.1. Thông tư này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

5.2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc chưa được hướng dẫn, cần phải giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung thì đề nghị phản ánh cho Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp để có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời./.

KT. CHÁNH ÁN

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ CHÁNH AN

Đặng Quang Phương

KT. VIỆN TRƯỞNG

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO

PHÓ VIỆN TRƯỞNG

Hoàng Nghĩa Mai

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG AN

THỨ TRƯỞNG

Trung tướng Lê Thế Tiệm

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP

THỨ TRƯỞNG

Đinh Trung Tụng

Tags: , ,

Comments are closed.