Thông tư liên tịch 122/2008/TTLT-BTC-BQP ngày 16/12/2008

 

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

122/2008/TTLT-BTC-BQP NGÀY 16/12/2008 CỦA BỘ TÀI CHÍNH VÀ BỘ QUỐC PHÒNG

HƯỚNG DẪN CHẾ ĐỘ THU NỘP THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN ĐỐI VỚI CÁC ĐỐI TƯỢNG

HƯỞNG LƯƠNG THUỘC BỘ QUỐC PHÒNG

 

 

Căn cứ Luật thuế Thu nhập cá nhân số 04/2007/QH XII ngày 21 tháng 11 năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 100/2008/NĐ-CP ngày 08 tháng 09 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật thuế Thu nhập cá nhân;

Căn cứ Nghị định số 85/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Nghị định số 104/2008/NĐ-CP ngày 16 tháng 9 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;

Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính,
Để phù hợp với đặc thù hoạt động của các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, liên Bộ Tài chính và Quốc phòng hướng dẫn việc thu nộp thuế Thu nhập cá nhân trong Quân đội cụ thể như sau:

 

I. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI ÁP DỤNG

1. Thông tư này hướng dẫn việc thu và nộp thuế Thu nhập cá nhân đối với các đối tượng hưởng lương là sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức quốc phòng, lao động hợp đồng (sau đây gọi tắt là đối tượng hưởng lương) trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng có thu nhập từ tiền lương, tiền công và các khoản thu nhập có tính chất tiền lương, tiền công dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền nhận được từ các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng (sau đây gọi tắt là đơn vị chi trả thu nhập).

2. Thông tư này không áp dụng đối với các đối tượng quy định tại khoản 1 Mục này có các khoản thu nhập chịu thuế khác (ngoài thu nhập từ tiền lương, tiền công). Việc kê khai, nộp thuế đối với các khoản thu nhập chịu thuế khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Luật thuế Thu nhập cá nhân và Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật thuế Thu nhập cá nhân (sau đây gọi tắt là Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính).

II. THU NHẬP CHỊU THUẾ VÀ KHÔNG CHỊU THUẾ TỪ TIỀN LƯƠNG, TIỀN CÔNG

1. Thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công là khoản thu nhập mà đối tượng hưởng lương nhận được từ đơn vị chi trả thu nhập dưới các hình thức bằng tiền hoặc không bằng tiền bao gồm:

1.1. Tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công ghi trong quyết định tuyển dụng, quyết định nâng lương, nâng ngạch, chuyển ngạch; phong, thăng quân hàm hoặc trong hợp đồng lao động;

1.2. Các khoản phụ cấp, trợ cấp và sinh hoạt phí mà đối tượng hưởng lương nhận được, trừ các khoản phụ cấp, trợ cấp theo quy định tại khoản 2 Mục này;

1.3. Các khoản tiền thù lao, tiền thưởng và các khoản lợi ích khác bằng tiền hoặc không bằng tiền, bao gồm:

a) Tiền tham gia các đề tài khoa học, kỹ thuật; tiền tham gia các dự án, đề án; tiền nhuận bút do viết sách, báo, dịch tài liệu; tiền tham gia các hoạt động giảng dạy, biểu diễn văn nghệ, thể dục thể thao, các dịch vụ quảng cáo và từ các dịch vụ khác;

b) Các khoản thưởng bằng tiền hoặc không bằng tiền trừ các khoản thưởng sau đây:

– Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu được nhà nước phong tặng bao gồm cả tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua, các hình thức khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng, cụ thể:

+ Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu thi đua gồm: Chiến sỹ thi đua toàn quốc; Chiến sỹ thi đua cấp Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chiến sỹ thi đua cơ sở, Lao động tiên tiến, Chiến sỹ tiên tiến;

+ Tiền thưởng kèm theo các hình thức khen thưởng gồm: Huân chương, Huy chương các loại;

+ Tiền thưởng kèm theo các danh hiệu vinh dự Nhà nước như danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng, danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, danh hiệu Anh hùng, danh hiệu Nhà giáo, Thầy thuốc, Nghệ sĩ Nhân dân, …;

+ Tiền thưởng kèm theo giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng Nhà nước;

+ Tiền thưởng kèm theo Kỷ niệm chương, Huy hiệu;

+ Tiền thưởng kèm theo Bằng, Giấy khen;

– Tiền thưởng kèm theo các giải thưởng quốc gia, giải thưởng quốc tế được nhà nước Việt Nam thừa nhận;

– Tiền thưởng về cải tiến kỹ thuật, sáng chế, phát minh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận;

– Tiền thưởng về phát hiện, khai báo hành vi vi phạm pháp luật với cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

c) Các khoản lợi ích khác mà đối tượng hưởng lương nhận được từ đơn vị chi trả thu nhập.

2. Các khoản phụ cấp, trợ cấp không tính vào thu nhập chịu thuế bao gồm:

2.1. Trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng và trợ cấp một lần, bao gồm:

a) Phụ cấp, trợ cấp cho thương binh, bệnh binh; thân nhân liệt sĩ; phụ cấp, trợ cấp cho cán bộ hoạt động cách mạng; phụ cấp, trợ cấp cho các anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động và các đối tượng được hưởng phụ cấp, trợ cấp theo Pháp lệnh ưu đãi đối với người có công;

b) Trợ cấp khó khăn đột xuất, trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

c) Trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi;

d) Trợ cấp một lần do suy giảm khả năng lao động;

đ) Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu;

e) Trợ cấp tuất một lần, trợ cấp tuất hàng tháng;

g) Các khoản trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thất nghiệp, trợ cấp BHXH một lần đối với người không đủ điều kiện hưởng lương hưu;

h) Trợ cấp để giải quyết tệ nạn xã hội theo quy định của pháp luật;

i) Trợ cấp phục viên một lần, trợ cấp xuất ngũ, trợ cấp tạo việc làm; trợ cấp một lần khi sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ;

k) Các khoản trợ cấp khác do Bảo hiểm xã hội chi trả;

2.2. Phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với những ngành, nghề hoặc công việc ở nơi làm việc có yếu tố độc hại, nguy hiểm;

2.3. Phụ cấp thu hút đối với vùng kinh tế mới, cơ sở kinh tế và đảo xa đất liền có điều kiện sinh hoạt đặc biệt khó khăn;

2.4. Phụ cấp khu vực theo quy định của pháp luật đối với người làm việc ở vùng xa xôi, hẻo lánh và khí hậu xấu;

2.5. Phụ cấp Quốc phòng – An ninh, bao gồm:

a) Phụ cấp đặc biệt;

b) Phụ cấp thâm niên đối với sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp;

c) Phụ cấp phục vụ Quốc phòng – An ninh đối với công nhân viên chức quốc phòng;

d) Phụ cấp đặc thù quân sự gồm:

– Chế độ, chính sách đối với Bộ đội Biên phòng;

– Chế độ, chính sách đối với lực lượng trực tiếp tham gia các đội công tác tăng cường cơ sở địa bàn Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Tây Bắc và các tỉnh biên giới Việt – Lào;

– Chế độ, chính sách đối với cán bộ, chiến sĩ phục vụ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh;

– Chế độ, chính sách đối với bộ đội tàu ngầm P thuộc quân chủng Hải quân;

– Phụ cấp đi biển của quân chủng Hải quân;

– Phụ cấp đối với lực lượng biên chế trên tàu Hải quân;

– Chế độ đặc thù đối với phi công quân sự, thành viên tổ bay và các đối tượng trực tiếp phục vụ bay tại các sân bay quân sự thuộc Bộ Quốc phòng;

– Chế độ phụ cấp quản lý trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ thuộc Bộ Quốc phòng;

– Chế độ phụ cấp đặc thù đối với một số chức danh tư pháp và thanh tra trong Quân đội;

– Chế độ, chính sách đối với lực lượng chống khủng bố chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng;

– Chế độ, chính sách đối với quân nhân, công nhân viên Quốc phòng làm nhiệm vụ báo vụ trong quân đội;

– Chế độ, chính sách đối với lực lượng Cảnh sát biển;

– Chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ C;

– Các khoản phụ cấp đặc thù quân sự khác theo quy định của pháp luật.

III. CĂN CỨ TÍNH THUẾ

1. Căn cứ tính thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công là thu nhập tính thuế và thuế suất.

2. Thu nhập tính thuế được xác định bằng thu nhập chịu thuế, trừ các khoản sau:

a) Các khoản đóng góp bảo hiểm bắt buộc như:

– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;

– Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp đối với một số ngành, nghề phải tham gia bảo hiểm bắt buộc và các khoản bảo hiểm bắt buộc khác theo quy định của pháp luật;

b) Các khoản giảm trừ gia cảnh;

c) Các khoản đóng góp vào quỹ từ thiện, quỹ nhân đạo, quỹ khuyến học.

IV. GIẢM THUẾ

1. Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo ảnh hưởng đến khả năng nộp thuế thì được xét giảm thuế tương ứng với mức độ thiệt hại nhưng không vượt quá số thuế phải nộp.

2. Căn cứ để xác định mức độ thiệt hại được giảm thuế là tổng chi phí thực tế để khắc phục thiệt hại trừ đi các khoản bồi thường nhận được từ cơ quan bảo hiểm (nếu có), hoặc từ tổ chức, cá nhân gây ra tai nạn (nếu có).

3. Số thuế giảm được xác định như sau:

3.1. Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế lớn hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm sẽ bằng mức độ thiệt hại;

3.2. Trường hợp số thuế phải nộp trong năm tính thuế nhỏ hơn mức độ thiệt hại thì số thuế giảm sẽ bằng số thuế phải nộp;

3.3. Việc xét giảm thuế được thực hiện theo năm dương lịch. Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo trong năm nào thì được xét giảm số thuế phải nộp của năm đó.

4. Hồ sơ, thủ tục xét giảm thuế

Đối tượng nộp thuế gặp khó khăn được xét giảm thuế phải gửi cho cơ quan, đơn vị chi trả thu nhập hồ sơ giảm thuế cụ thể như sau:

4.1. Đối với đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn

– Văn bản đề nghị giảm thuế có xác nhận của thủ trưởng đơn vị cấp Trung đoàn trở lên;

4.2. Đối với đối tượng nộp thuế gặp khó khăn do bị tai nạn

– Văn bản hoặc biên bản xác nhận tai nạn có xác nhận của cơ quan công an hoặc xác nhận mức độ thương tật của cơ quan y tế;

– Giấy tờ xác định việc bồi thường của cơ quan bảo hiểm hoặc thỏa thuận bồi thường của người gây tai nạn (nếu có);

– Các chứng từ chi liên quan trực tiếp đến việc khắc phục tai nạn;

4.3. Đối với đối tượng nộp thuế mắc bệnh hiểm nghèo

– Bản sao hồ sơ bệnh án hoặc sổ khám bệnh;

– Các chứng từ chứng minh chi phí khám chữa bệnh do cơ quan y tế cấp; hoặc hóa đơn mua thuốc chữa bệnh kèm theo đơn thuốc của bác sỹ.

5. Thẩm quyền ban hành quyết định giảm thuế

Thủ trưởng cấp trung đoàn và tương đương trở lên quyết định giảm thuế cho đối tượng được giảm thuế nhưng không vượt quá số thuế phải nộp trong năm và chịu trách nhiệm với quyết định của mình.

V. ĐĂNG KÝ THUẾ, KHẤU TRỪ THUẾ, KHAI THUẾ, NỘP THUẾ, QUYẾT TOÁN THUẾ

Việc đăng ký, khấu trừ thuế, khai thuế, nộp thuế và quyết toán thuế Thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của các đối tượng nộp thuế thuộc Bộ Quốc phòng áp dụng đối với từng trường hợp cụ thể như sau:

1. Đối với đối tượng hưởng lương trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng

1.1. Đăng ký thuế

Đối tượng nộp thuế trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng không phải đăng ký thuế;

1.2. Khai thuế

– Đầu năm, từng đối tượng hưởng lương kê khai, đăng ký số người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh và nộp Tờ khai đăng ký cho đơn vị trực tiếp quản lý và chi trả thu nhập để đơn vị chi trả thu nhập làm căn cứ tính giảm trừ người phụ thuộc. Trong năm nếu có sự thay đổi về người phụ thuộc thì phải khai báo lại;

– Trường hợp đối tượng hưởng lương có chung người phụ thuộc với đối tượng nộp thuế khác như vợ hoặc chồng, anh, chị, em ruột … thì phải thỏa thuận để khai người phụ thuộc theo nguyên tắc mỗi người phụ thuộc được tính giảm trừ gia cảnh chỉ được tính một lần vào một đối tượng nộp thuế trong năm tính thuế; nếu đối tượng hưởng lương và các đối tượng nộp thuế khác có chung người phụ thuộc phải nuôi dưỡng đều khai giảm trừ gia cảnh thì sẽ bị xử phạt vi phạm theo quy định của Luật Quản lý thuế;

– Đối tượng hưởng lương chỉ phải nộp Tờ khai đăng ký người phụ thuộc, có xác nhận của cơ quan quản lý cán bộ, quân lực và thủ trưởng đơn vị mà không phải nộp hồ sơ chứng minh người phụ thuộc, đồng thời chịu trách nhiệm về tính trung thực khi kê khai giảm trừ;

1.3. Khấu trừ thuế

– Việc khấu trừ thuế đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công được thực hiện hàng tháng; các cơ quan, đơn vị hưởng lương từ ngân sách trực tiếp chi trả thu nhập có trách nhiệm khấu trừ thuế thu nhập cá nhân và nộp về đơn vị cấp trên;

– Căn cứ vào thu nhập tính thuế từ tiền lương, tiền công và các khoản có tính chất tiền lương, tiền công của đối tượng hưởng lương; đơn vị chi trả thu nhập thực hiện tạm tính số thuế phải nộp theo biểu thuế lũy tiến từng phần của đối tượng nộp thuế để nộp lên cấp trên;

– Trường hợp cơ quan, đơn vị có phát sinh việc chi trả thu nhập cho các cá nhân bên ngoài cơ quan đơn vị mình thì phải có nghĩa vụ khấu trừ thuế tại nguồn cụ thể như sau:

+ Khấu trừ 10% trên thu nhập đối với đối tượng hưởng lương quy định tại khoản 1 mục I Thông tư này;

+ Các đối tượng khác thực hiện theo hướng dẫn tại Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính;

1.4. Nộp thuế

– Hàng tháng, đơn vị chi trả thu nhập phải nộp số thuế đã khấu trừ lên cơ quan tài chính cấp trên đến tài khoản của Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng mở tại Kho bạc Nhà nước Trung ương;

– Hàng quý, chậm nhất ngày 30 của tháng đầu quý tiếp theo Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng chuyển số thuế Thu nhập cá nhân của các đơn vị chi trả thu nhập đã nộp về vào Ngân sách Nhà nước;

– Hết năm, chậm nhất là ngày 30 tháng 6 của năm tiếp theo, trên cơ sở quyết toán của các đơn vị chi trả thu nhập, Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng có trách nhiệm xác định tổng số thuế Thu nhập cá nhân phải nộp, số đã nộp và nộp hết số còn phải nộp vào Ngân sách Trung ương;

1.5. Quyết toán thuế

– Đối tượng nộp thuế không phải lập Hồ sơ quyết toán thuế;

– Các đơn vị chi trả thu nhập thực hiện quyết toán thuế thay cho từng cá nhân và báo cáo quyết toán chung với quyết toán ngân sách hàng năm với cơ quan cấp trên;

– Cuối kỳ khi quyết toán thuế Thu nhập cá nhân đối với từng trường hợp cụ thể, nếu cá nhân có số thuế đã khấu trừ trong năm lớn hơn số thuế phải nộp thì đơn vị chi trả bù trừ số chênh lệch vào số thuế phát sinh của cá nhân đó ở kỳ tiếp theo, Nếu đối tượng nộp thuế có yêu cầu hoàn lại số thuế đã tạm nộp quá thì đơn vị chi trả phải hoàn trả cho cá nhân đó. Đối tượng nộp thuế phải làm đơn đề nghị hoàn thuế gửi cho cơ quan, đơn vị chi trả thu nhập để làm căn cứ hoàn thuế; đơn vị chi trả lấy số thuế Thu nhập cá nhân đã khấu trừ chung trong tháng để hoàn trả, số còn lại nộp lên cấp trên;

– Hồ sơ quyết toán thuế Thu nhập cá nhân đơn vị chi trả thu nhập nộp cho cơ quan tài chính cấp trên.

2. Đối với các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng:

2.1. Thực hiện khai thuế, khấu trừ thuế, nộp thuế, quyết toán thuế Thu nhập cá nhân theo hướng dẫn tại Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính;

2.2. Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức và lao động hợp đồng làm việc trong các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng phải thực hiện đăng ký thuế, kê khai giảm trừ gia cảnh, quyết toán thuế, hoàn thuế như đối với các cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, đoàn thể, các cơ sở kinh doanh khác theo hướng dẫn tại Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính;

2.3. Việc xác định thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công của sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân viên chức và lao động hợp đồng làm việc trong các doanh nghiệp thuộc Bộ Quốc phòng thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 2 mục II phần A Thông tư số 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính. Riêng phụ cấp Quốc phòng – An ninh được trừ vào thu nhập chịu thuế và thực hiện thống nhất theo điểm 2.5 khoản 2 mục II Thông tư này.

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2009. Các nội dung khác liên quan đến thu nhập từ tiền lương, tiền công không nêu trong Thông tư này thì được thực hiện theo Thông tư 84/2008/TT-BTC ngày 30/9/2008 của Bộ Tài chính.

2. Trách nhiệm tổ chức thực hiện:

2.1. Cục Tài chính/Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Thông tư này;

2.2. Chỉ huy các cơ quan, đơn vị và cá nhân có thu nhập chịu thuế chịu trách nhiệm chấp hành và thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng để nghiên cứu, giải quyết.

 

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
THỨ TRƯỞNG
THƯỢNG TƯỚNG Nguyễn Văn Được

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI CHÍNH
THỨ TRƯỞNG
Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

Comments are closed.