Thông tư 169/2009/TT-BTC ngày 20/08/2009

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———

Số: 169/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 20 tháng 8 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT TOÁN BÙ LỖ KINH DOANH CÁC MẶT HÀNG DẦU NĂM 2008

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 172/TB-VPCP ngày 07/6/2009 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ về điều hành giá xăng dầu;

Để xử lý dứt điểm lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu năm 2008 đối với các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quyết toán bù lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu năm 2008 như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Đối tượng áp dụng:

Những doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu xăng dầu theo chỉ tiêu được Bộ Công Thương giao năm 2008, tiêu thụ các mặt hàng dầu nhập khẩu (diesel, dầu hoả, mazut) với giá nhà nước quy định mà kết quả hoạt động kinh doanh của các mặt hàng dầu bị lỗ.

2. Phạm vi, thời gian áp dụng chính sách bù lỗ:

– Lỗ kinh doanh tiêu thụ các mặt hàng dầu do doanh nghiệp nhập khẩu phát sinh từ ngày 01/01/2008 đến hết ngày 31/12/2008.

– Thực hiện bù trừ lãi lỗ giữa các mặt hàng dầu và giữa các thời điểm kinh doanh trong năm (kể cả lãi tạm nhập tái xuất).

– Không bao gồm việc tiêu thụ các mặt hàng dầu sản xuất, chế biến trong nước.

II. NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

1. Xác định mức bù lỗ:

1.1 Mức bù lỗ các mặt hàng dầu nhập khẩu xuất bán trong năm 2008 tại từng doanh nghiệp được xác định như sau:

Mức bù lỗ

=

Trị giá vốn các mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ

+

Chi phí kinh doanh các mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ

Doanh thu các mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ

* Trị giá vốn các mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ = Lượng dầu xuất bán trong kỳ x Đơn giá vốn bình quân của các mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ.

– Lượng dầu xuất bán trong kỳ: phải phù hợp với báo cáo cân đối xuất nhập tồn của doanh nghiệp.

– Đơn giá vốn bình quân của các mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ: được xác định phù hợp với phương pháp hạch toán xuất nhập tồn đã đăng ký với cơ quan thuế.

Giá vốn các mặt hàng dầu bán ra trong kỳ được xác định đã bao gồm mức hao hụt theo quy định. Việc hạch toán hao hụt trong giá vốn theo chế độ quy định hiện hành.

* Chi phí kinh doanh các mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ bao gồm: chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp và kết quả hoạt động tài chính phân bổ cho mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ.

– Nguyên tắc phân bổ chi phí cho các mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ được thực hiện theo tiêu thức sản lượng sau khi trừ đi các chi phí đích danh.

– Kết quả hoạt động tài chính là chênh lệch giữa doanh thu tài chính so với chi phí tài chính của hoạt động kinh doanh mặt hàng dầu.

* Doanh thu các mặt hàng dầu xuất bán trong kỳ = Lượng dầu xuất bán trong kỳ x Đơn giá bán quy định của các mặt hàng dầu trong kỳ (không bao gồm thuế giá trị gia tăng và phí dầu diesel).

– Đơn giá bán quy định của các mặt hàng dầu trong kỳ: là giá bán do nhà nước quy định theo từng thời kỳ trong năm.

– Trường hợp xuất bán qua tổng đại lý hoặc đại lý thì mức hoa hồng áp dụng như sau:

+ Giai đoạn 1: Từ 1/1/2008 đến 21/7/2008 (đối với mazút và dầu hoả); Từ 1/1/2008 đến 16/9/2008 (đối với diesel) thực hiện theo Quyết định số 0676/2004/QĐ-BTM ngày 31/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại về mức thù lao đại lý bán xăng dầu.

+ Giai đoạn 2: Từ sau giai đoạn 1 đến hết 31/12/2008 thực hiện như mức áp dụng đối với giai đoạn 1.

1.2 Mức tạm ứng cấp bù:          

Mức tạm ứng cấp bù các mặt hàng nhập khẩu bằng 95% lỗ phát sinh năm 2008 do tiêu thụ các mặt hàng dầu nhập khẩu.

2. Hồ sơ thủ tục:

Những doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối có đủ điều kiện tại mục I nêu trên, lập hồ sơ cấp bù gửi về Bộ Tài chính (Cục Tài chính doanh nghiệp). Hồ sơ bao gồm:

– Công văn đề nghị cấp bù (kèm theo bảng tính toán cụ thể cho từng chủng loại mặt hàng dầu).

– Báo cáo tài chính năm (trong đó có báo cáo lỗ dầu nhập khẩu phát sinh trong năm 2008).

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của Hồ sơ.

3. Quyết toán cấp bù lỗ:

3.1 Hạch toán khoản lỗ dầu được ngân sách nhà nước cấp bù: Doanh nghiệp thực hiện hạch toán số tiền ngân sách nhà nước cấp bù lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu năm 2008 vào doanh thu trợ cấp trợ giá.

3.2 Căn cứ báo cáo quyết toán bù lỗ các mặt hàng dầu năm 2008 đã được Kiểm toán Nhà nước thẩm tra, Bộ Tài chính xác định chính thức số tiền bù lỗ theo quy định tại Thông tư này trên cơ sở tiết giảm 5% chi phí quản lý doanh nghiệp tính trên doanh thu phân bổ cho các mặt hàng dầu của năm 2008 so với năm 2007 và thực hiện cấp tiếp số tiền bù lỗ còn thiếu.

Trường hợp số tiền đã tạm ứng lớn hơn số tiền quyết toán bù lỗ, ngay sau khi quyết toán với Bộ Tài chính, doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối có nghĩa vụ hoàn trả kịp thời ngân sách nhà nước, doanh nghiệp phải chịu lãi phạt bằng 150% lãi suất cơ bản của ngân hàng cho số tiền chậm trả ngân sách nhà nước.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Thông tư này thay thế Thông tư số 26/2009/TT-BTC ngày 06/02/2009 hướng dẫn thực hiện quyết toán bù lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu năm 2008. Các văn bản hướng dẫn bù lỗ kinh doanh các mặt hàng dầu trước đây trái với Thông tư này đều bãi bỏ.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị doanh nghiệp phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời xử lý./.

 

 

 Nơi nhận:
– Thủ tướng CP, các Phó TTCP;
– Văn phòng TW;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chính phủ;
– Viện KSND tối cao;
– Toà án ND tối cao;
– Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp)
– Kiểm toán Nhà nước;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các Bộ: Công Thương, KHĐT;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website Bộ Tài chính;
– Sở Tài chính các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối;
– Các đơn vị thuộc BTC;
– Lưu: VT, TCDN (5b).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trần Văn Hiếu

 

 

Tags: 

Comments are closed.