Thông tư 07/2008/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 18/12/2008

BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG

______________

Số:  07/2008/TT-BTTTT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

___________________________

Hà Nội,  ngày 18 tháng 12  năm 2008

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn một số nội dung về hoạt động cung cấp thông tin

 trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP

 ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp,

 sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet

  

Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;

Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Thông tin và Truyền thông;

Căn cứ Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet;

Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn một số nội dung về  hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân trong Nghị định số 97/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 08 năm 2008 của Chính phủ về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet (sau đây gọi tắt là Nghị định số 97) như sau:

1. Trang thông tin điện tử cá nhân (blog) quy định tại khoản 12 Điều 3 Nghị định số 97 được hiểu như sau:

Trang thông tin điện tử cá nhân được dùng để thể hiện những thông tin mang tính chất cá nhân phục vụ nhu cầu lưu trữ hoặc trao đổi,chia sẻ với một nhóm người hoặc với cộng đồng rộng rãi sử dụng dịch vụ Internet. Trang thông tin điện tử cá nhân được chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân đăng ký khởi tạo trên Internet.

2. Hướng dẫn khoản 3, 5, 6 Điều 4 Nghị định số 97 đối với hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân như sau:

2.1 Khuyến khích phát triển và sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân giúp cá nhân mở rộng khả năng tương tác trên môi trường Internet để trao đổi, chia sẻ các thông tin phù hợp với thuần phong mỹ tục và các quy định của pháp luật Việt Nam, làm phong phú thêm đời sống xã hội và tinh thần gắn kết cộng đồng.

2.2 Khuyến khích sử dụng tiếng Việt trong sáng, lành mạnh trên các trang thông tin điện tử cá nhân.

2.3 Khuyến khích việc sử dụng trang thông tin điện tử cá nhân trên các mạng xã hội trực tuyến đã đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam.

3. Các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 6 Nghị định số 97 đối với hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân được quy định cụ thể như sau:

3.1 Lợi dụng trang thông tin điện tử cá nhân để cung cấp, truyền đi hoặc đặt đường liên kết trực tiếp đến những thông tin vi phạm các quy định tại Điều 6 Nghị định số 97. 

3.2 Tạo trang thông tin điện tử cá nhân giả mạo cá nhân, tổ chức khác; sử dụng trái phép tài khoản trang thông tin điện tử cá nhân của cá nhân khác; thông tin sai sự thật xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.   

3.3 Truyền bá các tác phẩm báo chí, tác phẩm văn học, nghệ thuật, các xuất bản phẩm vi phạm các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản.

3.4 Sử dụng những thông tin, hình ảnh của cá nhân mà vi phạm các quy định tại Điều 31, Điều 38 Bộ Luật Dân sự.

3.5 Cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân mà vi phạm các quy định về sở hữu trí tuệ, về giao dịch thương mại điện tử và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Trách nhiệm của người sử dụng dịch vụ Internet quy định tại điểm c, d khoản 2 Điều 12 Nghị định số 97 được hướng dẫn như sau:

4.1 Chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân chịu trách nhiệm về nội dung thông tin được cung cấp, lưu trữ, truyền đi trên trang thông tin điện tử cá nhân của mình, bảo đảm không vi phạm quy định của pháp luật và các quy định tại mục 3 Thông tư này.

4.2 Chủ thể trang thông tin điện tử cá nhân có trách nhiệm bảo vệ mật khẩu, khóa mật mã, thông tin cá nhân.

5. Trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 97 trong hoạt động cung cấp thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân được hướng dẫn như sau:

5.1 Xây dựng và công khai quy chế cung cấp, trao đổi thông tin trên trang thông tin điện tử cá nhân tại trang thông tin điện tử cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp, bảo đảm không vi phạm các quy định của pháp luật và quy định tại mục 3 Thông tư này.

Có biện pháp xử lý thích hợp đối với các trang thông tin điện tử cá nhân vi phạm quy chế hoạt động cung cấp thông tin của doanh nghiệp.

5.2 Xây dựng quy trình quản lý thông tin phù hợp với quy mô cung cấp dịch vụ do doanh nghiệp quản lý.

5.3 Xây dựng cơ sở dữ liệu về trang thông tin điện tử cá nhân do doanh nghiệp quản lý và có trách nhiệm cung cấp thông tin với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khi được yêu cầu. 

5.4 Ngăn chặn và loại bỏ những nội dung thông tin vi phạm các quy định của pháp luật và các quy định tại mục 3 Thông tư này ngay khi phát hiện hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

5.5 Chịu sự thanh tra, kiểm tra của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định.

6. Thực hiện chế độ báo cáo về hoạt động cung cấp dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 11 Nghị định số 97 như sau:

6.1 Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng một lần và báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

6.2 Nội dung báo cáo định kỳ bao gồm:

a) Ngày, tháng, năm và ký hiệu văn bản xác nhận đăng ký cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến của Bộ Thông tin và Truyền thông;

b) Ngày, tháng, năm chính thức cung cấp dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân;

c) Địa chỉ trụ sở giao dịch;

d) Tên, số điện thoại và email của người đại diện có thẩm quyền;

đ) Số lượng các trang thông tin điện tử cá nhân mà doanh nghiệp đang quản lý và dữ liệu thống kê theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền;

e) Số liệu về các trang thông tin điện tử cá nhân vi phạm quy chế hoạt động cung cấp, trao đổi thông tin của doanh nghiệp.

6.3 Doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội trực tuyến có cung cấp dịch vụ tạo trang thông tin điện tử cá nhân có trách nhiệm gửi báo cáo trước ngày 15 tháng Một và trước ngày 15 tháng Bảy hàng năm.

6.4 Địa chỉ gửi báo cáo:

a) Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử).

Email: cucptth&ttđ[email protected]

b) Sở Thông tin và Truyền thông tại địa phương nơi doanh nghiệp đăng ký hoạt động.

7. Hiệu lực thi hành

7.1 Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo.

7.2 Trong quá trình thực hiện, các tổ chức, cá nhân nếu có vướng mắc thì phản ánh về Bộ Thông tin và Truyền thông để được xem xét, giải quyết./.

 

Nơi nhận:

– Thủ tướng, các PTT Chính phủ;

– VP Chính phủ;

– VP Trung ương Đảng;

– VP Quốc hội;

– VP Chủ tịch nước;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Toà án nhân dân tối cao;

– UBND các tỉnh thành phố trực thuộc TW;

– Cơ quan TW của các đoàn thể;

– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);

– Các Sở TTTT;

– Các doanh nghiệp viễn thông và Internet;

– TTĐT, Công báo;

– Bộ TTTT: BT, các TT, các đơn vị thuộc Bộ;

– Lưu: VT, Cục QL PTTH&TTĐT.

KT.BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

Đỗ Quý Doãn

 

Comments are closed.