Quyết định số 115/2008/QĐ-TTg ngày 27/8/2008

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 115/2008/QĐ-TTg NGÀY 27 THÁNG 08 NĂM 2008  

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ CÔNG KHAI QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN

NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP

VÀ TỔ CHỨC ĐƯỢC GIAO QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC


THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 29 tháng 11 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng ngày 04 tháng 8 năm 2007;
Căn cứ Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước ngày 03 tháng 6 năm 2008;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

QUYẾT ĐỊNH:


Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ; các cơ quan khác ở Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

                                                                                              THỦ TƯỚNG
 
 
 
    
                                                                                             Nguyễn Tấn Dũng

 


QUY ĐỊNH

VỀ CÔNG KHAI QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN

NHÀ NƯỚC, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP VÀ TỔ CHỨC

ĐƯỢC GIAO QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

(Ban hành kèm theo Quyết định số 115/2008/QĐ-TTg
ngày 27 tháng 8 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ)

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG


Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
1. Đối tượng áp dụng: Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức chính trị xã hội – nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp (sau đây gọi chung là cơ quan, đơn vị, tổ chức) được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Việc công khai đối với tài sản nhà nước thuộc phạm vi bí mật nhà nước, tài sản nhà nước tại các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và tài sản của cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện theo quy định riêng của Thủ tướng Chính phủ.
2. Phạm vi áp dụng: Việc công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo Quy định này thực hiện đối với các loại tài sản sau: nhà, vật kiến trúc, công trình xây dựng, phương tiện đi lại, tài sản được quy định là tài sản cố định (hữu hình) theo quy định của nhà nước về chế độ quản lý tài sản cố định được hình thành từ nguồn ngân sách, có nguồn gốc ngân sách; tài sản là hàng viện trợ, quà biếu, tặng cho của các công tác, cá nhân trong và ngoài nước; tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước theo quy định của pháp luật, được Nhà nước giao cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức quản lý, sử dụng.
Điều 2. Nguyên tắc công khai
Cung cấp đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về quản lý, sử dụng tài sản công khai, phù hợp với từng đối tượng cung cấp và tiếp nhận thông tin thông qua những hình thức quy định tại Điều 3 của Quy định này.
Điều 3. Hình thức công khai
1. Việc công khai quản lý, sử dụng tài sản theo Quy định này được thực hiện thông qua các hình thức sau:
a) Công bố trong các kỳ họp thường niên của cơ quan, đơn vị, tổ chức;
b) Phát hành ấn phẩm;
c) Niêm yết công khai tại trụ sở làm việc của cơ quan, đơn vị, tổ chức;
d) Thông báo bằng văn bản đến các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan;
đ) Đưa lên trang thông tin điện tử;
e) Thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
2. Căn cứ vào nội dung công khai, đối tượng công khai, mục đích công khai, thời điểm công khai và điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức ở Trung ương (dưới đây gọi chung là Bộ, cơ quan Trung ương) và Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định hình thức công khai đối với các nội dung thực hiện công khai theo quy định tại Điều 4, Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo hiệu quả, tiết kiệm.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ NỘI DUNG CÔNG KHAI QUẢN LÝ SỬ DỤNG

TÀI SẢN NHÀ NƯỚC


Điều 4. Công khai chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức xây dựng và công bố công khai quy chế về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước áp dụng trong phạm vi cơ quan, đơn vị, tổ chức.
2. Thời điểm công khai các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này chậm nhất 30 ngày kể từ ngày các quy chế nói trên có hiệu lực thi hành.
Điều 5. Công khai kinh phí, kế hoạch đầu tư, mua sắm, trang bị tài sản nhà nước
1. Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được giao, các Bộ, cơ quan Trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp công khai việc phân bổ dự toán kinh phí đầu tư, mua sắm, trang bị tài sản nhà nước đối với các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
2. Căn cứ vào dự toán ngân sách được giao, cơ quan, đơn vị, tổ chức công khai dự toán, số lượng, chủng loại, kế hoạch và phương thức đầu tư, mua sắm, trang bị tài sản nhà nước và kết quả thực hiện của đơn vị mình.
3. Thời điểm công khai các quy định tại khoản 1 Điều này chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày dự toán kinh phí đầu tư mua sắm tài sản được cấp có thẩm quyền phê duyệt; thời điểm công khai các quy định tại khoản 2 Điều này chậm nhất là 30 ngày kể từ ngày việc mua sắm, trang bị tài sản nhà nước hoàn thành.
Điều 6. Công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
1. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thực hiện công khai: số lượng, giá trị tài sản nhà nước (bao gồm nguyên giá và giá trị còn lại) được giao, hình thức sử dụng, mục đích sử dụng đối với những loại tài sản thuộc phạm vi quy định tại khoản 2 Điều 1 của Quy định này.
2. Các đơn vị, tổ chức được phép cho thuê tài sản nhà nước phải thực hiện công khai số lượng, chủng loại tài sản, phương thức cho thuê và việc quản lý, sử dụng các khoản thu từ việc cho thuê tài sản nhà nước.
3. Trường hợp được người bán, người cung cấp trả hoa hồng, chiết khấu hàng bán hoặc khuyến mãi thì phải thực hiện thông báo công khai việc nhận và xử lý các khoản này theo quy định của pháp luật.
4. Các nội dung công khai quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này phải được công khai định kỳ hàng năm, chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
Điều 7. Công khai việc điều chuyển, thanh lý, bán, chuyển nhượng và các hình thức chuyển đổi sở hữu khác đối với tài sản nhà nước.
Định kỳ hàng năm, chậm nhất sau 30 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch, cơ quan, đơn vị, tổ chức được giao trực tiếp quản lý sử dụng tài sản phải thông báo công khai số lượng, chủng loại và giá trị tài sản điều chuyển, nhận điều chuyển, tài sản thanh lý, tài sản bán, chuyển nhượng, tài sản tiêu hủy, tài sản phải chuyển đổi hình thức sở hữu cũng như công khai các khoản thu và các chi phí liên quan theo chế độ quy định.
Điều 8. Công khai việc quản lý, sử dụng các tài sản được viện trợ, quà biếu, tặng cho.
Trong thời gian 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận tài sản từ nguồn viện trợ, biếu, tặng cho; cơ quan, đơn vị được nhận viện trợ, quà biếu, tặng cho phải công khai quyết định xử lý của cơ quan có thẩm quyền và phương án sử dụng tài sản tại đơn vị mình và báo cáo cơ quan quản lý cấp trên theo quy định.

Chương III

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ BÁO CÁO CÔNG KHAI QUẢN LÝ SỬ DỤNG

TÀI SẢN NHÀ NƯỚC


Điều 9. Chế độ báo cáo tình hình thực hiện công khai và tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
1. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc trung ương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo thực hiện tổng hợp và công bố số liệu về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước thuộc phạm vi quản lý và báo cáo tình hình thực hiện công khai về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gửi Bộ Tài chính trong thời gian chậm nhất 60 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
2. Bộ trưởng Bộ Tài chính tổng hợp và công bố số liệu quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các Bộ, ngành, tổ chức thuộc trung ương và địa phương trong cả nước báo cáo Chính phủ để trình Quốc Hội trong thời gian chậm nhất 90 ngày kể từ ngày kết thúc năm dương lịch.
3. Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định cụ thể mẫu biểu về tình hình thực hiện quy định về công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước và tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
Điều 10. Kiểm tra và giám sát thực hiện
1. Các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các cấp chịu trách nhiệm thường xuyên kiểm tra việc thực hiện công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước của các đơn vị thuộc phạm vi quản lý.
2. Ủy ban Mặt trận tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức đoàn thể trong cơ quan, đơn vị và nhân dân tham gia giám sát việc thực hiện công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo các quy định tại Quy định này.
Điều 11. Chất vấn
1. Các tổ chức, đơn vị, cá nhân thuộc đối tượng được tiếp nhận thông tin công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo các quy định của Quy định này có quyền chất vấn cơ quan, tổ chức, đơn vị về các nội dung công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.
2. Việc chất vấn được thực hiện theo quy chế công khai, dân chủ ở cơ sở; quy định của pháp luật khiếu nại, tố cáo và các quy định pháp luật khác có liên quan.
Điều 12. Trả lời chất vấn
Người có trách nhiệm thực hiện công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định của Quy định này phải trả lời chất vấn về các nội dung công khai cho người chất vấn chậm nhất không quá 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận nội dung chất vấn.
Trường hợp nội dung chất vấn phức tạp, cần nhiều thời gian để chuẩn bị trả lời được gia hạn thêm 15 ngày song phải thông báo đến người chất vấn trong vòng 5 ngày kể từ khi hết hạn lần đầu.
Việc trả lời chất vấn phải được thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc văn bản và gửi tới người chất vấn.

Chương IV

TRÁCH NHIỆM TỔ CHỨC THỰC HIỆN


Điều 13. Xử lý vi phạm
Cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không thực hiện đúng những quy định về công khai quản lý, sử dụng tài sản nhà nước quy định tại Quy định này thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị và các cá nhân có liên quan tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra các Bộ, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức thi hành Quy định này.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy định này.

                                                                                                THỦ TƯỚNG

 
 
 
                                                                                                 Nguyễn Tấn Dũng

 

Tags: , , , ,

Comments are closed.