Quyết định 94/2008/QĐ-TTg ngày 10/07/2008

QUYẾT ĐỊNH

Về tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2009

_________ 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Thống kê ngày 26 tháng 6 năm 2003;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 

 

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Tổ chức Tổng điều tra dân số và nhà ở (viết tắt là Tổng điều tra) vào thời điểm 0 giờ ngày 01 tháng 4 năm 2009 nhằm thu thập số liệu cơ bản về dân số và nhà ở trên toàn bộ lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích quá trình phát triển dân số và nhà ở trên phạm vi cả nước và từng địa phương, đáp ứng nhu cầu thông tin đánh giá tình hình thực hiện các kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ từ năm 2000 đến năm 2009 và xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội thời kỳ từ năm 2010 đến năm 2020, phục vụ công tác giám sát thực hiện mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc mà Chính phủ Việt Nam đã cam kết.

Điều 2. Nội dung điều tra, bao gồm:

1. Dân số chia theo giới tính, độ tuổi, dân tộc, tôn giáo, thành thị, nông thôn.

2. Tình trạng di cư.

3. Trình độ học vấn.

4. Tình trạng khuyết tật.

5. Tình hình lao động – việc làm.

6. Tình trạng hôn nhân.

7. Mức độ sinh, chết và phát triển dân số.

8. Thực trạng về nhà ở.

9. Một số tiện nghi sinh hoạt cơ bản của các hộ dân cư.

Các nội dung 1, 3 và 8 được điều tra toàn bộ dân số cả nước; các nội dung từ 1 đến 9 được điều tra trên phạm vi 15% tổng số dân cả nước.

Điều 3. Thời gian thu thập số liệu của cuộc Tổng điều tra là 15 ngày, bắt đầu từ ngày 01 tháng 4 năm 2009; số liệu sơ bộ sẽ được công bố vào tháng 7 năm 2009, số liệu điều tra chọn mẫu được công bố vào quý IV năm 2009, số liệu điều tra toàn bộ sẽ được công bố vào quý III năm 2010.

Điều 4. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án, kế hoạch và nội dung Tổng điều tra; phối hợp với Bộ Tài chính hoàn chỉnh dự toán kinh phí Tổng điều tra, trình Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương.

2. Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Ngoại giao có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện phương án, kế hoạch và dự trù kinh phí điều tra của mình; đồng thời, tổ chức điều tra số nhân khẩu do Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương phân công theo yêu cầu, kế hoạch chung của cuộc Tổng điều tra.

Ngoài nhiệm vụ trên, Bộ Công an còn có nhiệm vụ lập kế hoạch bảo vệ an toàn cho cuộc Tổng điều tra.

3. Bộ Xây dựng có trách nhiệm tham gia, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư chuẩn bị, hướng dẫn nội dung điều tra và nội dung tổng hợp kết quả phần điều tra nhà ở.

4. Bộ Y tế có nhiệm vụ phối hợp với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở của địa phương trong việc xác định dân số sinh sống trên các địa bàn thuộc vùng ranh giới lãnh thổ để phục vụ công tác điều tra.

5. Bộ Tài chính có nhiệm vụ hướng dẫn Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp, các ngành trong việc quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí.

6. Bộ Tài nguyên và Môi trường cung cấp bản đồ hành chính đã số hoá đến cấp xã, phường để làm căn cứ phân chia địa bàn điều tra trong cả nước.

7. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương phối hợp chặt chẽ với Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương mở đợt tuyên truyền sâu rộng phục vụ cuộc Tổng điều tra.

Ngoài công tác tuyên truyền, Bộ Thông tin và Truyền thông còn có nhiệm vụ lập kế hoạch bảo đảm hệ thống thông tin liên lạc thông suốt giữa các cấp để phục vụ công tác chỉ đạo Tổng điều tra.

Điều 5. Thành lập Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở các cấp như sau:

1. Ở Trung ương:

a) Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương có nhiệm vụ:

– Xem xét và quyết định phương án, kế hoạch và nội dung Tổng điều tra;

– Hoàn thiện dự toán kinh phí Tổng điều tra, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

– Tổ chức điều tra tổng duyệt để rút kinh nghiệm về nghiệp vụ và công tác tổ chức chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra;

– Chỉ đạo thực hiện Tổng điều tra theo đúng phương án, kế hoạch và nội dung Tổng điều tra;

b) Thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương gồm:

– Đồng chí Nguyễn Sinh Hùng, Phó Thủ tướng Chính phủ – Trưởng ban;

– Đồng chí Nguyễn Đức Hoà, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – Phó Trưởng ban;

– Đồng chí Nguyễn Văn Được, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng – Ủy viên;

– Đồng chí Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an – Ủy viên;

– Đồng chí Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng – Ủy viên;

– Đồng chí Nguyễn Bá Thủy, Thứ trưởng Bộ Y tế – Ủy viên;

– Đồng chí Nguyễn Thanh Hoà, Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội – Ủy viên;

– Đồng chí Phạm Sỹ Danh, Thứ trưởng Bộ Tài chính – Ủy viên;

– Đồng chí Trần Thế Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường – Ủy viên;

– Đồng chí Đỗ Thức, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê – Ủy viên thường trực.

2. Ở địa phương:

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở cấp tỉnh (tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương), cấp huyện (huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh) và cấp xã (xã, phường, thị trấn) có nhiệm vụ tổ chức và chỉ đạo thực hiện cuộc Tổng điều tra tại địa phương mình.

Thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở cấp tỉnh, cấp huyện gồm: Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, Thủ trưởng cơ quan Thống kê cùng cấp làm Phó Ban thường trực; Thủ trưởng các cơ quan: Công an, Kế hoạch, Xây dựng, Y tế, Lao động, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường cùng cấp làm Ủy viên.

Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở từ cấp huyện trở lên được thành lập Văn phòng giúp việc do cơ quan Thống kê cùng cấp chịu trách nhiệm tổ chức, thực hiện.

Thành phần Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở cấp xã gồm Chủ tịch (hoặc Phó Chủ tịch) Ủy ban nhân dân làm Trưởng ban, Trưởng Công an và cán bộ phụ trách Thống kê làm Ủy viên.

Điều 6. Kinh phí thực hiện cuộc Tổng điều tra do ngân sách trung ương bảo đảm. Căn cứ phương án, kế hoạch và nội dung của cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra dân số và nhà ở Trung ương hoàn thiện dự toán kinh phí Tổng điều tra theo đúng quy định pháp luật hiện hành, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 8. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân nêu ở Điều 4 và Điều 5 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:  

– Như Điều 5;

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ; 

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Chủ tịch nước; 

– Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Toà án nhân dân tối cao; 

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Kiểm toán Nhà nước;

– BQL KKTCKQT Bờ Y;

– Ngân hàng Chính sách Xã hội;

– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

– UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– VPCP: BTCN, các PCN, 

  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

– Lưu: Văn thư, KTTH (5b). XH

THỦ TƯỚNG

 

(Đã ký)

 

 

    Nguyễn Tấn Dũng

Tags: ,

Comments are closed.