CHÍNH PHỦ |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 82/2010/NĐ-CP |
Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2010 |
NGHỊ ĐỊNH
QUY ĐỊNH VIỆC DẠY VÀ HỌC TIẾNG NÓI, CHỮ VIẾT CỦA DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG CÁC CƠ SỞ GIÁO DỤC PHỔ THÔNG VÀ TRUNG TÂM GIÁO DỤC THƯỜNG XUYÊN
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
NGHỊ ĐỊNH
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định việc dạy và học tiếng nói, chữ viết của dân tộc thiểu số (sau đây gọi chung là tiếng dân tộc thiểu số), bao gồm: điều kiện, nội dung, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên; chế độ, chính sách đối với người dạy và người học tiếng dân tộc thiểu số.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Nghị định này áp dụng cho người dạy tiếng dân tộc thiểu số và người dân tộc thiểu số học tiếng dân tộc thiểu số đã có chữ viết ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên trong hệ thống giáo dục quốc dân. Nhà nước tập trung đầu tư, ưu tiên việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số đối với các dân tộc thiểu số ít người.
Chương 2.
ĐIỀU KIỆN, NỘI DUNG, PHƯƠNG PHÁP VÀ HÌNH THỨC TỔ CHỨC DẠY HỌC
Điều 3. Điều kiện tổ chức dạy học
1. Người dân tộc thiểu số có nguyện vọng, nhu cầu học tiếng dân tộc thiểu số.
2. Bộ chữ tiếng dân tộc thiểu số được dạy và học trong nhà trường phải là bộ chữ cổ truyền được cộng đồng sử dụng, được cơ quan chuyên môn xác định hoặc bộ chữ đã được cấp có thẩm quyền phê chuẩn.
3. Chương trình và sách giáo khoa tiếng dân tộc thiểu số được biên soạn và thẩm định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
4. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số đạt trình độ chuẩn đào tạo của cấp học tương ứng, được đào tạo dạy tiếng dân tộc thiểu số tại các trường cao đẳng, đại học sư phạm, khoa sư phạm.
5. Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 4. Quy trình đưa tiếng dân tộc thiểu số vào dạy học
1. Trên cơ sở nguyện vọng của người dân tộc thiểu số và điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số của địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
2. Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét các điều kiện về dạy học tiếng dân tộc thiểu số theo đề nghị của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thông báo kết luận bằng văn bản cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong thời gian 30 ngày, kể từ khi nhận được hồ sơ đề nghị dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
3. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Điều 5. Nội dung, phương pháp dạy học
Nội dung, phương pháp, kế hoạch dạy học tiếng dân tộc thiểu số được quy định trong từng chương trình tiếng dân tộc thiểu số cụ thể do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định.
Điều 6. Hình thức tổ chức dạy học
1. Tiếng dân tộc thiểu số là môn học trong các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
2. Việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số được thực hiện theo các hình thức tổ chức dạy học ở các cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên.
Điều 7. Cấp chứng chỉ
Việc cấp chứng chỉ cho người hoàn thành chương trình tiếng dân tộc thiểu số do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định.
Chương 3.
ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG GIÁO VIÊN VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH
Điều 8. Đào tạo, bồi dưỡng giáo viên
1. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được đào tạo tại các cơ sở đào tạo được giao nhiệm vụ đào tạo giáo viên
2. Bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được tiến hành theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Điều 9. Chế độ chính sách
1. Giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc bằng 0,3 so với mức lương tối thiểu chung; không áp dụng chế độ phụ cấp này đối với những người đã được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 61/2006/NĐ-CP ngày 20 tháng 6 năm 2006 của Chính phủ về chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục đang công tác ở trường chuyên biệt, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
2. Người học được Nhà nước đảm bảo sách giáo khoa, tài liệu tham khảo tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với từng đối tượng. Người học là cán bộ, công chức, viên chức được hưởng chế độ đào tạo, bồi dưỡng của cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước theo quy định.
3. Hàng năm, cơ sở giáo dục phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên được giao nhiệm vụ dạy tiếng dân tộc thiểu số, được giao thêm biên chế giáo viên tương ứng với số tiết dạy tiếng dân tộc thiểu số theo quy định.
Chương 4.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Bộ Giáo dục và Đào tạo
1. Quản lý, chỉ đạo, kiểm tra việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
2. Quy định cụ thể các điều kiện, nội dung chương trình, phương pháp và hình thức tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
3. Chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành định mức biên chế sự nghiệp giáo dục, chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.
Điều 11. Bộ Nội vụ
Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan xây dựng và ban hành định mức biên chế sự nghiệp giáo dục, chế độ chính sách đối với đội ngũ giáo viên dạy tiếng dân tộc thiểu số.
Điều 12. Bộ Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn quản lý và sử dụng nguồn tài chính cho việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 13. Ủy ban Dân tộc
Phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và địa phương kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định, chế độ, chính sách về dạy và học tiếng dân tộc thiểu số.
Điều 14. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh
1. Lựa chọn bộ chữ và xác định điều kiện tổ chức dạy học tiếng dân tộc thiểu số, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương.
2. Quản lý, chỉ đạo việc dạy học tiếng dân tộc thiểu số ở địa phương.
3. Hàng năm bố trí, đảm bảo các điều kiện về nguồn lực, tài chính phục vụ cho việc dạy và học tiếng dân tộc thiểu số theo đúng quy định hiện hành về phân cấp ngân sách nhà nước.
Chương 5.
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 31 tháng 8 năm 2010. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều được bãi bỏ.
Điều 16. Trách nhiệm thi hành
1. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện quy định tại các Điều 3, 4, 5, 6, 7, 8 và Điều 9 Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận: |
TM. CHÍNH PHỦ Nguyễn Tấn Dũng |