Nghị định số 38/1998/NĐ-CP của Chính Phủ

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 09 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ngày 26 tháng 02 năm 1998;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH:

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Đối tượng thực hành tiết kiệm, chống lãng phí bao gồm:

1. Các tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước:

a) Cơ quan hành chính sự nghiệp;

b) Đơn vị lực lượng vũ trang.

2. Các tổ chức được ngân sách nhà nước đảm bảo cân đối kinh phí hoạt động:

a) Đảng Cộng sản Việt Nam;

b) Tổ chức chính trị – xã hội bao gồm: Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Liên đoàn Lao động Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam.

3. Các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp được ngân sách nhà nước tài trợ một phần kinh phí hoạt động theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.

4. Các doanh nghiệp nhà nước.

5. Các tổ chức kinh tế của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội – nghề nghiệp, đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan hành chính, sự nghiệp có sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

6. Mọi công dân có nghĩa vụ thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng để dành vốn cho đầu tư phát triển vì lợi ích của mình và của đất nước.

 

Điều 2.

1. Hệ thống định mức, tiêu chuẩn, chế độ làm cơ sở thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải bảo đảm các yêu cầu sau:

a) Đầy đủ, đồng bộ và cụ thể trong tất cả các lĩnh vực theo quy định tại Điều 1 của Pháp lệnh Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí;

b) Được ban hành theo đúng thẩm quyền quy định.

2. Nghiêm cấm việc ban hành, thực hiện các định mức, tiêu chuẩn, chế độ trái quy định.

 

Điều 3. Các cơ quan quản lý nhà nước trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình phải xây dựng, ban hành và công bố công khai các quy trình, thủ tục giải quyết công việc; quy chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy trình, thủ tục trong việc quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Các tổ chức căn cứ vào các quy chế, quy trình quản lý do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, có trách nhiệm xây dựng, ban hành các quy trình quản lý, quy chế kiểm tra, giám sát trong nội bộ tổ chức để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo đảm phù hợp với điều kiện và yêu cầu của công việc.

 

Điều 4.

1. Các tổ chức phải thực hiện đúng quy chế công khai tài chính do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Việc công khai tài chính phải bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, của cán bộ, công chức, viên chức, quyền giám sát của tổ chức và đoàn thể quần chúng theo thẩm quyền được pháp luật quy định.

Nội dung, phạm vi và mức độ công khai tài chính phải bảo đảm chính xác, rõ ràng, kịp thời, đúng nội dung và đúng đối tượng.

2. Các quy chế công khai tài chính bao gồm:

a) Quy chế công khai ngân sách nhà nước các cấp;

b) Quy chế công khai tài chính đối với các đơn vị dự toán ngân sách nhà nước;

c) Quy chế công khai tài chính đối với các doanh nghiệp nhà nước;

d) Quy chế công khai tài chính đối với các quỹ có nguồn thu từ sự đóng góp của nhân dân.

CHƯƠNG II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LàNG PHÍ

MỤC 1
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LàNG PHÍ TRONG VIỆC
SỬ DỤNG CÁC KHOẢN CHI THƯỜNG XUYÊN CỦA
NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC

 

Điều 5.

1. Việc thành lập mới, sáp nhập, chia, tách tổ chức, việc điều chỉnh địa giới các đơn vị hành chính phải gắn với nhu cầu thực tế, bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định và khi thực hiện phải triệt để tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Các quyết định thành lập mới, sáp nhập, chia, tách tổ chức trái với quy định hiện hành thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải ra quyết định đình chỉ ngay; đồng thời, cơ quan tài chính đình chỉ việc cấp kinh phí ngân sách để thực hiện các quyết định kể trên.

Người ra quyết định sai quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Việc chia, tách tổ chức không được làm tăng biên chế, quỹ tiền lương của đơn vị, trường hợp thực sự cần thiết phải tăng biên chế và quỹ tiền lương thì phải được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

 

Điều 6.

1. Các tổ chức được ngân sách nhà nước cấp kinh phí tiền lương phải thực hiện đúng những quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về biên chế và tiền lương.

Việc tuyển dụng lao động phải được công khai về nhu cầu tuyển dụng, tiêu chuẩn, điều kiện của người cần được tuyển dụng.

2. Thực hiện khoán chi tiền lương đối với các tổ chức có đủ các điều kiện sau đây:

a) Có chức năng, nhiệm vụ ổn định được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định;

b) Đã xây dựng chức danh và quy chế, tiêu chuẩn cán bộ, công chức trong đơn vị;

c) Được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao và duyệt chỉ tiêu biên chế ổn định.

Trên cơ sở đảm bảo hoàn thành công việc được giao, tổ chức thực hiện khoán chi tiền lương được quyền sử dụng khoản tiền tiết kiệm quỹ tiền lương để bổ sung thu nhập cho cán bộ, công chức trong đơn vị mình.

Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện việc khoán chi tiền lương đối với tổ chức đáp ứng đủ các điều kiện quy định.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng lao động, quỹ tiền lương vượt quá chỉ tiêu được duyệt.

4. Người ra quyết định tuyển dụng, sử dụng lao động, nâng bậc, chuyển ngạch, nâng ngạch không đúng theo yêu cầu công việc, sai quy định thì phải huỷ bỏ quyết định đó và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật; bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây lãng phí thì phải bồi thường. Các khoản bồi thường thiệt hại bao gồm:

a) Tiền lương chi trả cho người lao động đã được tuyển dụng;

b) Chi phí đào tạo lại để chuyển sang làm công việc khác;

c)Tiền thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (nếu có);

d) Các chi phí khác có liên quan.

 

Điều 7. Việc mua, trang bị phương tiện đi lại, phương tiện, thiết bị và các tài sản khác (gọi chung là thiết bị) trong tổ chức quy định như sau:

1. Việc mua, trang bị thiết bị trong các tổ chức phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Giá cả làm căn cứ kiểm soát mức chi mua thiết bị là giá bình quân phổ biến trên thị trường tại thời điểm mua.

3. Thiết bị được mua, trang bị phải là sản phẩm sản xuất trong nước, trừ những trường hợp sau đây:

a) Thiết bị trong nước chưa sản xuất được;

b) Thiết bị sản xuất ở trong nước có cùng chất lượng, chủng loại và tính năng sử dụng so với thiết bị sản xuất ở nước ngoài nhưng giá cao hơn. Mức cao hơn do Bộ Tài chính quy định cụ thể phù hợp với từng thời kỳ.

c) Thiết bị sản xuất ở trong nước có cùng mức giá với hàng sản xuất ở nước ngoài cùng chủng loại, nhưng chất lượng thấp hơn, tính năng sử dụng kém hơn.

4. Việc mua thiết bị thuộc diện phải đấu thầu thì phải thực hiện theo quy chế đấu thầu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

5. Thủ tướng Chính phủ quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ sử dụng xe ôtô con.

6. Bộ Tài chính quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ mua, trang bị thiết bị khác.

 

Điều 8.

1. Các tổ chức phải bố trí sử dụng, điều hoà phương tiện đi lại trong nội bộ theo đúng mục đích, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định, bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

2. Bộ Tài chính tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình phương tiện đi lại trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp, tổ chức chính trị – xã hội để điều chuyển từ nơi thừa sang nơi thiếu theo quy định của pháp luật.

 

Điều 9. Cá nhân vi phạm quy định tại Điều 7, Điều 8 của Nghị định này thì tuỳ theo tính chất và mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật theo những hình thức: khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, hạ ngạch, cách chức, buộc thôi việc; bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Việc bồi thường được thực hiện bằng cách hoàn trả một lần bằng tài sản riêng trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày có quyết định phải hoàn trả, nếu không có khả năng hoàn trả một lần thì trừ dần vào thu nhập hàng tháng nhưng không dưới 10% và không vượt quá 30% tổng thu nhập từ tiền lương và phụ cấp hàng tháng (nếu có).

 

Điều 10.

1. Việc cử cán bộ, công chức đi công tác phải có kế hoạch và phải thực hiện theo yêu cầu của công việc, đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả.

Việc chi công tác phí phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định và phải nằm trong dự toán ngân sách được duyệt hàng năm.

2. Người được cử đi công tác không đến nơi công tác, không thực hiện các công việc được giao phải tự chịu mọi chi phí. Trường hợp giả mạo hoá đơn, chứng từ để thanh toán tiền công tác phí thì phải bị xử lý kỷ luật và phải hoàn trả số tiền đã nhận.

3. Định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi công tác phí trong nước phải bảo đảm cho người đi công tác có khả năng thanh toán những chi phí cần thiết về ăn, nghỉ trọ, đi lại theo mức bình quân của mặt bằng về chi phí xã hội trong những ngày đi công tác và phải tính đến đặc thù khu vực của miền núi, hải đảo, vùng sâu, vùng xa.

Bộ Tài chính quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi công tác phí trong nước, ngoài nước và hướng dẫn việc khoán chi công tác phí cho các tổ chức.

 

Điều 11.

1. Việc tổ chức hội nghị phải xác định rõ nội dung, số lượng đại biểu, thời gian và địa điểm phù hợp, không tổ chức những hội nghị có nội dung không thiết thực.

2. Các hội nghị tổ chức toàn ngành trong phạm vi cả nước (trừ các cuộc họp tập huấn nghiệp vụ) phải được phép của Thủ tướng Chính phủ; trong phạm vi toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải được phép của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố.

Thời gian tổ chức hội nghị không quá 3 ngày, cuộc họp tập huấn nghiệp vụ không quá 7 ngày.

3. Chi phí tổ chức hội nghị bao gồm: chi phí thuê hội trường, in ấn tài liệu, chi phí nước uống, chi phí cho phương tiện đưa đón đại biểu từ nơi nghỉ tới nơi tổ chức hội nghị, chi hỗ trợ tiền ăn của đại biểu và các khoản chi cần thiết khác.

Kinh phí tổ chức hội nghị phải nằm trong dự toán ngân sách được duyệt hàng năm.

Nghiêm cấm việc sử dụng kinh phí hội nghị để tổ chức liên hoan, chiêu đãi, tặng quà dưới mọi hình thức hoặc chi phí cho các mục đích khác trái quy định.

4. Bộ Tài chính quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi hội nghị.

 

Điều 12. Căn cứ vào dự toán ngân sách nhà nước được duyệt hàng năm, thực hiện khoán chi công tác phí, hội nghị phí để các tổ chức chủ động trong quản lý và sử dụng tiết kiệm ngân sách nhà nước.

Khoản tiền tiết kiệm do thực hiện khoán chi công tác phí, hội nghị phí, tổ chức được dự toán, sử dụng cho nhu cầu chi thiết thực khác nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý. Việc sử dụng khoản tiết kiệm này phải phù hợp với các tiêu chuẩn, định mức hiện hành và phải báo cáo cơ quan tài chính cùng cấp.

 

Điều 13.

1. Các khoản chi tiếp khách, khánh tiết phải nằm trong dự toán ngân sách được duyệt hàng năm.

2. Không được dùng rượu, bia, thuốc lá để tiếp khách (trừ một số trường hợp tiếp khách nước ngoài có quy định riêng).

3. Việc chi tiếp khách, tặng quà đối với khách trong nước và khách nước ngoài phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiếp khách do Bộ Tài chính quy định.

Điều 14.

1. Việc tổ chức kỷ niệm ngày thành lập ngành phải triệt để tiết kiệm, có ý nghĩa thiết thực, nhưng không phô trương, hình thức.

2. Kỷ niệm ngày thành lập ngành trong phạm vi toàn quốc hoặc toàn tỉnh chỉ được tổ chức theo chu kỳ 5 năm một lần nếu thấy thực sự cần thiết và phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ và Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Bộ Tài chính quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tổ chức kỷ niệm ngày thành lập ngành.

Điều 15.

1. Lễ đón nhận danh hiệu thi đua, huân chương, huy chương phải được kết hợp vào dịp tổ chức ngày lễ, ngày kỷ niệm hoặc hội nghị của đơn vị, tổ chức và phải đơn giản, tiết kiệm, không phô trương, hình thức.

2. Định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tổ chức lễ đón nhận danh hiệu thi đua, huân chương, huy chương áp dụng theo chế độ chi cho hội nghị.

3. Nghiêm cấm việc sử dụng công quỹ, kinh phí ngân sách nhà nước để tổ chức chiêu đãi khách tham dự.

 

Điều 16.

1. Căn cứ vào tính đặc thù của từng ngành, từng lĩnh vực công việc, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an ban hành quy chế thực hành tiết kiệm các khoản chi đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh.

2. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hành tiết kiệm trong nội bộ ngành và định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ đối với các khoản chi đặc biệt.

 

MỤC 2
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LàNG PHÍ TRONG ĐẦU TƯ XÂY DỰNG

 

Điều 17. Việc duyệt quy hoạch, kế hoạch đầu tư và bố trí vốn đầu tư phải bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội và phù hợp với khả năng của nền kinh tế.

Các dự án đầu tư được duyệt phải nằm trong quy hoạch do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Mọi quyết định đầu tư không nằm trong quy hoạch và không được cấp có thẩm quyền phê duyệt, không bảo đảm các điều kiện theo quy định, không thực hiện đúng quy trình, thủ tục đầu tư thì phải bị đình chỉ và không được quyết toán.

 

Điều 18.

1.Việc quyết định đầu tư có sử dụng vốn của Nhà nước phải được xem xét toàn diện về quy hoạch xây dựng, các phương án kiến trúc, công nghệ, sử dụng đất đai, tài nguyên, hiệu quả kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, nhu cầu tài chính và các khía cạnh xã hội khác, bảo đảm dự án có tính khả thi, đáp ứng yêu cầu đặt ra.

2. Người quyết định đầu tư sai, đầu tư không mang lại hiệu quả kinh tế – xã hội theo yêu cầu đề ra, gây lãng phí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Tổ chức, cá nhân thẩm định dự án đầu tư sai dẫn đến quyết định đầu tư sai thì phải liên đới chịu trách nhiệm và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Điều 19.

1. Việc lập thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình của dự án đầu tư phải theo tiêu chuẩn xây dựng và định mức kinh tế – kỹ thuật do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định, bảo đảm hiệu quả kinh tế – xã hội, môi trường sinh thái.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật công trình của dự án đầu tư, gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 20.

1.Việc thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình của dự án đầu tư phải theo đúng thiết kế kỹ thuật được duyệt, định mức, tiêu chuẩn kinh tế – kỹ thuật, đơn giá do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về thẩm định, phê duyệt tổng dự toán, dự toán công trình của dự án đầu tư, gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Điều 21.

1. Các dự án đầu tư thuộc diện phải đấu thầu thì phải tổ chức đấu thầu. Việc đấu thầu xây dựng công trình phải thực hiện theo đúng quy chế đấu thầu do Chính phủ quy định.

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đấu thầu xây dựng công trình, gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Điều 22.

1. Tổ chức, cá nhân nhận thầu phải thực hiện theo đúng thiết kế kỹ thuật, đúng định mức, tiêu chuẩn kinh tế – kỹ thuật, tiến độ thi công, tổng dự toán, dự toán hoặc giá trúng thầu được duyệt.

2. Các chủ đầu tư, chủ dự án phải tiến hành giám sát thi công, nghiệm thu hạng mục công trình và toàn bộ công trình bảo đảm đúng thiết kế kỹ thuật, đúng định mức, đúng dự toán được duyệt và phải chịu trách nhiệm về khối lượng, chất lượng đã nghiệm thu.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về thi công, giám sát thi công, nghiệm thu công trình, gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Điều 23.

1. Tổ chức, cá nhân cấp phát vốn cho dự án đầu tư phải bảo đảm đúng tiến độ thời gian, khối lượng hoàn thành, phù hợp với thiết kế, dự toán được duyệt và phải kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn đã cấp phát.

2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cấp phát vốn không đúng quy định về quản lý vốn đầu tư xây dựng, gây lãng phí, thất thoát vốn và tài sản nhà nước thì phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Điều 24.

1. Công trình, hạng mục công trình, dự án đầu tư khi hoàn thành phải được quyết toán vốn đầu tư xây dựng theo quy định. Trường hợp công trình được thực hiện trong nhiều năm thì hàng năm phải quyết toán vốn đầu tư xây dựng phần khối lượng đã thực hiện.

2. Tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng chế độ thanh toán khối lượng hoàn thành, quyết toán vốn đầu tư xây dựng, gây lãng phí thì phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

MỤC 3
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LàNG PHÍ TRONG VIỆC QUẢN LÝ, SỬ DỤNG ĐẤT ĐAI, TRỤ SỞ LÀM VIỆC,
NHÀ CÔNG VỤ VÀ TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN

 

Điều 25.

1. Việc giao đất, cho thuê đất phải tuân theo đúng pháp luật về đất đai, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Tổ chức, cá nhân giao đất, cho thuê đất không đúng thẩm quyền, vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định, gây lãng phí phải bồi thường và bị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Tổ chức, cá nhân được thuê hoặc được giao đất mà sử dụng không đúng mục đích quy định hoặc không sử dụng thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Điều 26.

1.Trụ sở làm việc, nhà công vụ và các công trình kiến trúc khác thuộc tài sản công phải được sử dụng đúng mục đích, đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định.

2. Không được sử dụng trụ sở làm việc để cho thuê, chuyển làm cơ sở kinh doanh, dịch vụ, làm nhà ở hoặc sử dụng vào mục đích khác trái quy định.

3. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, sử dụng trụ sở làm việc, nhà công vụ và các công trình kiến trúc khác thì phải bị xử lý theo quy định của pháp luật; các khoản tiền thu được do sử dụng các tài sản đó trái quy định phải nộp toàn bộ vào ngân sách nhà nước.

4. Thủ tướng Chính phủ quy định định mức, tiêu chuẩn, chế độ sử dụng trụ sở làm việc và các công trình kiến trúc khác trong các tổ chức.

 

Điều 27.

1. Việc quản lý, khai thác tài nguyên thiên nhiên phải tuân theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình phải có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện; đình chỉ kịp thời những trường hợp thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên trái quy định, gây lãng phí và gây ô nhiễm môi trường sinh thái .

2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định về quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, gây lãng phí thì phải bồi thường và phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

MỤC 4

THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LàNG PHÍ TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG VỐN VÀ TÀI SẢN TẠI DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

 

Điều 28.

1. Doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện đúng chế độ tài chính trong việc quản lý và sử dụng vốn, tài sản, quản lý chi phí, doanh thu, thực hiện chế độ phân phối thu nhập, chế độ hạch toán kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật.

2. Căn cứ vào hệ thống định mức kinh tế – kỹ thuật, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành, doanh nghiệp nhà nước ban hành định mức, tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu hành chính, tiếp khách, hội họp, giao dịch trong doanh nghiệp và báo cáo cho cơ quan tài chính nhà nước.

 

Điều 29. Doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện chế độ tiền lương và chế độ phân phối thu nhập theo đúng quy định của Nhà nước.

Người quyết định tuyển dụng lao động, chi trả tiền lương và phân phối thu nhập không đúng quy định thì phải bồi thường. Các khoản bồi thường được thực hiện theo quy định tại khoản 4, Điều 6 của Nghị định này.

 

Điều 30.

1. Việc mua, sử dụng phương tiện đi lại và các phương tiện, thiết bị, tài sản khác phục vụ cho công tác quản lý điều hành trong doanh nghiệp nhà nước phải theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quy định của nhà nước

Trường hợp mua, trang bị vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Tổng giám đốc, Giám đốc hoặc người được uỷ quyền quyết định mua, trang bị phương tiện đi lại, các phương tiện quản lý hành chính của doanh nghiệp, thực hiện chi tiêu tài chính không đúng quy định, gây lãng phí thì phải bồi thường và tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

Điều 31. Việc lập và sử dụng các quỹ trong doanh nghiệp nhà nước phải thực hiện theo đúng quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc lập quỹ trái phép. Trường hợp phát hiện quỹ trái phép thì phải thu nộp vào ngân sách nhà nước.

Người quyết định lập quỹ trái phép thì bị xử lý theo quy định của pháp luật.

 

MỤC 5
THỰC HÀNH TIẾT KIỆM, CHỐNG LàNG PHÍ TRONG SẢN XUẤT
VÀ TIÊU DÙNG CỦA NHÂN DÂN

 

Điều 32.

1. Bộ Văn hoá Thông tin xây dựng mô hình mẫu về việc tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hoá khác, bảo đảm triệt để tiết kiệm, lành mạnh, văn minh và giữ gìn thuần phong mỹ tục, bản sắc văn hoá dân tộc để vận động toàn dân thực hiện, tạo dư luận xã hội hưởng ứng các mô hình mẫu, phê phán các hiện tượng lãng phí, trái thuần phong mỹ tục.

2. Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp căn cứ vào mô hình mẫu, điều kiện, hoàn cảnh từng địa phương, hướng dẫn chính quyền cơ sở phối hợp với các đoàn thể vận động nhân dân xây dựng và thực hiện quy ước về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hoá khác; theo dõi và chỉ đạo sát sao cuộc vận động này ở địa phương.

 

Điều 33.

1. Các cơ quan nhà nước có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức, vận động cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo mô hình mẫu, các quy chế, quy ước tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hoá khác đã được xây dựng.

2. Cán bộ lãnh đạo, công chức, viên chức nhà nước phải gương mẫu thực hiện theo những mô hình mẫu, quy chế, quy ước về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hoá khác đã hướng dẫn và vận động nhân dân cùng thực hiện, tạo thành phong trào quần chúng rộng khắp trong cả nước.

 

CHƯƠNG III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 34.

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân các cấp, doanh nghiệp nhà nước và các tổ chức khác có sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước có trách nhiệm thực hiện các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và hướng dẫn các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng quy chế công khai tài chính. Người đứng đầu tổ chức được giao quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước có trách nhiệm trực tiếp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Các tổ chức sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước, quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước có trách nhiệm xây dựng chương trình, biện pháp thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đơn vị.

3. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm kiểm tra, giám sát phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm các quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí theo quy định của pháp luật.

 

Điều 35.

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên tổ chức, giáo dục vận động nhân dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; giám sát các tổ chức, cá nhân thực hiện các quy định của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

2. Cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của Nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; thực hiện theo mô hình mẫu, quy chế, quy ước về tổ chức lễ hội, đám cưới, đám tang và các hoạt động văn hoá khác; nêu gương người tốt, việc tốt trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và đấu tranh, phê phán những hành vi gây lãng phí trong sản xuất và tiêu dùng.

 

Điều 36. Tổ chức, cá nhân không thực hiện hoặc thực hiện không đúng những quy định của nhà nước về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm phải bị xử lý kỷ luật, xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật; nếu gây lãng phí thì phải bồi thường.

Tổ chức có cá nhân vi phạm quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì thủ trưởng của tổ chức đó phải liên đới chịu trách nhiệm.

 

Điều 37. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thì được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.

CHƯƠNG IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 38. Nghị định này có hiệu lực từ ngày ký.

Điều 39. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và Thủ trưởng các tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tags: 

Comments are closed.