Thông tư số 34/2010/TT-BLĐTBXH ngày 08/11/2010

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——————-
Số: 34/2010/TT-BLĐTBXH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————
Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2010
 
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU CHUẨN NGHIỆP VỤ CÁC NGẠCH VIÊN CHỨC CÔNG TÁC XÃ HỘI
 
 
Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 116/2003/NĐ-CP ngày 10/10/2003 của Chính phủ về việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý cán bộ, công chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước; Nghị định số 121/2006/NĐ-CP ngày 23/10/2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 116/2003/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010-2020;
Căn cứ Thông tư số 08/2010/TT-BNV ngày 25/8/2010 của Bộ Nội vụ ban hành chức danh, mã số các ngạch viên chức công tác xã hội;
Sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Nội vụ tại công văn số 2912/BNV-CCVC ngày 25/8/2010 về việc thẩm định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội như sau:
Điều 1. Một số quy định chung
1. Đối tượng áp dụng và phạm vi áp dụng
Thông tư này quy định tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội làm việc trong các loại hình đơn vị sự nghiệp công lập, bao gồm: Cơ sở bảo trợ xã hội, Trung tâm Chữa bệnh – Giáo dục – Lao động xã hội, Trung tâm điều dưỡng người có công, nhà xã hội, cơ sở trợ giúp trẻ em và cơ sở trợ giúp khác có liên quan đến cung cấp dịch vụ công tác xã hội (sau đây gọi chung là cơ sở trợ giúp xã hội công lập).
2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội là căn cứ để thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý đội ngũ viên chức công tác xã hội làm việc trong các cơ sở trợ giúp xã hội công lập.
3. Đối tượng phục vụ của viên chức công tác xã hội gồm: Người cao tuổi, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; đối tượng xã hội cần sự bảo vệ khẩn cấp quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội; người nghiện ma túy, người bán dâm; đối tượng khác có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội (sau đây gọi chung là đối tượng).
Điều 2. Tiêu chuẩn nghiệp vụ các ngạch viên chức công tác xã hội
1. Công tác xã hội viên chính (Mã số 24.291).
a) Chức trách
Công tác xã hội viên chính là viên chức chuyên môn nghiệp vụ làm công tác xã hội, giúp lãnh đạo đơn vị chủ trì tổ chức, chỉ đạo và thực hiện các nghiệp vụ công tác xã hội có yêu cầu phức tạp về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành.
b) Nhiệm vụ cụ thể
– Tổ chức việc sàng lọc, phân loại và tiếp nhận đối tượng;
– Chủ trì đánh giá tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe, nhân thân và các nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội của đối tượng;
– Chủ trì xây dựng kế hoạch chăm sóc cho đối tượng trong cơ sở;
– Chủ trì cung cấp các dịch vụ công tác xã hội đòi hỏi sử dụng ở mức độ phức tạp các lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội như: tham vấn, trị liệu, tư vấn, giáo dục, đàm phán, hòa giải, tuyên truyền;
– Chủ trì giám sát và rà soát lại các hoạt động can thiệp; điều chỉnh kế hoạch chăm sóc nếu cần thiết;
– Chủ trì việc thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và dự báo sự tiến triển của đối tượng;
– Tổ chức xây dựng kế hoạch ngừng chăm sóc và hòa nhập cộng đồng đối với đối tượng;
– Chủ trì tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác xã hội thuộc lĩnh vực được phân công; đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn và quy trình nghiệp vụ công tác xã hội;
– Chủ trì hoặc tham gia nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học về công tác xã hội;
– Tham mưu xây dựng chiến lược, kế hoạch ngắn hạn, dài hạn, đề án, phương án tổ chức phát triển dịch vụ công tác xã hội;
– Tham gia biên soạn nội dung, chương trình, giáo trình đào tạo công tác xã hội và tập huấn nghiệp vụ công tác xã hội cho viên chức và cộng tác viên công tác xã hội.
c) Năng lực
– Có năng lực chủ trì tổ chức và triển khai các hoạt động nghiệp vụ công tác xã hội;
– Có năng lực tổ chức phối hợp hiệu quả với các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình thực hiện nhiệm vụ về công tác xã hội;
– Có năng lực tổng hợp, khái quát các hoạt động liên quan đến nghiệp vụ chuyên môn, để có những đề xuất giải pháp nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện các hoạt động công tác xã hội;
– Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ về lĩnh vực công tác xã hội phù hợp với chuyên ngành được đào tạo;
d) Trình độ
– Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học hoặc các chuyên ngành khoa học xã hội phù hợp với nhiệm vụ công tác xã hội;
– Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ B trở lên trong hoạt động chuyên môn.
– Có trình độ B tin học văn phòng (sử dụng thành thạo các kỹ năng của Microsoft Word, Microsoft Excel, Internet);
– Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch công tác xã hội viên chính theo chương trình do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
– Có thời gian ở ngạch Công tác xã hội viên và tương đương từ 09 năm trở lên;
2. Công tác xã hội viên (Mã số 24.292)
a) Chức trách
Công tác xã hội viên là viên chức chuyên môn nghiệp vụ làm công tác xã hội, chịu trách nhiệm trực tiếp hoặc chỉ đạo thực hiện các nghiệp vụ công tác xã hội có yêu cầu cơ bản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành.
b) Nhiệm vụ cụ thể
– Sàng lọc, phân loại và tiếp nhận đối tượng;
– Đánh giá tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe, nhân thân và các nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội của đối tượng;
– Xây dựng kế hoạch chăm sóc cho đối tượng;
– Trực tiếp cung cấp, thực hiện các dịch vụ công tác xã hội đòi hỏi sử dụng ở mức độ cơ bản các lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội như: tham vấn, trị liệu, tư vấn, giáo dục, đàm phán, hòa giải, tuyên truyền;
– Giám sát, rà soát lại hoạt động can thiệp theo sự phân công và đề xuất điều chỉnh kế hoạch chăm sóc nếu cần thiết;
– Xây dựng kế hoạch ngừng chăm sóc và hòa nhập cộng đồng đối với đối tượng;
– Thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và dự báo sự tiến triển của đối tượng;
– Đánh giá, rút kinh nghiệm về công tác xã hội trong phạm vi công việc được giao; đề xuất sửa đổi tiêu chuẩn và quy trình nghiệp vụ công tác xã hội;
– Tham gia nghiên cứu các đề án, đề tài khoa học về công tác xã hội trong phạm vi được phân công;
– Tham gia biên soạn giáo trình tập huấn, hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên công tác xã hội trong các cơ sở phù hợp với chuyên ngành đào tạo.
c) Năng lực
– Có khả năng độc lập, thực hiện thành thạo các nghiệp vụ công tác xã hội trong phạm vi được phân công phù hợp với chuyên ngành đào tạo;
– Có khả năng nắm bắt các lý thuyết và phương pháp thực hành trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác xã hội phù hợp với chuyên ngành được đào tạo.
– Có khả năng chủ trì phối hợp với các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác xã hội; chịu trách nhiệm cá nhân về kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao.
– Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ, phổ biến kinh nghiệm và tham gia nghiên cứu khoa học phục vụ công tác xã hội;
– Nhận biết được nhu cầu trợ giúp của đối tượng và thiết lập các biện pháp giải quyết nhu cầu trợ giúp;
d) Trình độ
– Tốt nghiệp đại học trở lên thuộc các chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học hoặc các chuyên ngành khoa học xã hội khác phù hợp với nhiệm vụ công tác xã hội;
– Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ B trở lên trong hoạt động chuyên môn;
– Có trình độ B tin học văn phòng (sử dụng thành thạo các kỹ năng của Microsoft Word, Microsoft  Excel, Internet);
– Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ ngạch công tác xã hội viên theo chương trình do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
3. Nhân viên công tác xã hội (Mã số 24.293)
a) Chức trách
Nhân viên công tác xã hội là viên chức chuyên môn nghiệp vụ làm công tác xã hội, chịu trách nhiệm thực hiện một số nghiệp vụ cụ thể trong quy trình công tác xã hội có yêu cầu đơn giản về lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành theo sự phân công.
b) Nhiệm vụ cụ thể
– Tham gia việc sàng lọc, phân loại và tiếp nhận đối tượng theo sự phân công;
– Thực hiện đánh giá tâm sinh lý, tình trạng sức khỏe, nhân thân và các nhu cầu của đối tượng theo sự phân công;
– Đề xuất kế hoạch và trực tiếp thực hiện kế hoạch chăm sóc cho đối tượng, nhóm đối tượng trong phạm vi cụ thể được giao;
– Tham gia cung cấp, thực hiện các dịch vụ công tác xã hội trên cơ sở sử dụng ở mức độ đơn giản các lý thuyết, phương pháp và kỹ năng thực hành công tác xã hội như: tham vấn, trị liệu, tư vấn, giáo dục, đàm phán, hòa giải, tuyên truyền trong phạm vi được phân công;
– Tham gia thực hiện vụ giám sát, rà soát lại hoạt động can thiệp và đề xuất điều chỉnh kế hoạch hành động nếu cần thiết theo sự phân công;
– Tham gia xây dựng kế hoạch ngừng chăm sóc đối với từng đối tượng trong phạm vi được phân công;
– Tham gia thu thập dữ liệu, tổng hợp, phân tích và dự báo sự tiến triển của đối tượng; tham gia đánh giá các hoạt động chăm sóc, trợ giúp và đề xuất các biện pháp phù hợp trong phạm vi cụ thể được giao.
– Chịu trách nhiệm trực tiếp về việc thực hiện một số nghiệp vụ công tác xã hội được phân công.
c) Năng lực
– Có khả năng độc lập, chủ động, sử dụng thành thạo kỹ năng, nghiệp vụ công tác xã hội theo sự phân công;
– Có khả năng làm việc theo nhóm trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao về công tác xã hội;
– Có kỹ năng giao tiếp đối với các nhóm đối tượng;
– Có khả năng phát hiện nhu cầu trợ giúp của đối tượng.
d) Trình độ
– Tốt nghiệp trung cấp thuộc các chuyên ngành công tác xã hội, xã hội học, tâm lý học hoặc các chuyên ngành khoa học xã hội khác phù hợp với nhiệm vụ công tác xã hội;
– Có trình độ A tin học văn phòng (sử dụng thành thạo các kỹ năng của Microsoft Word, Microsoft  Excel, Internet);
– Có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xã hội theo chương trình, nội dung do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành;
– Biết một ngoại ngữ thông dụng ở trình độ A.
Điều 3. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành các quy định tại Thông tư này.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để kịp thời xem xét, giải quyết.
 

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội: HĐDT và các UB của QH;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
– Ủy ban Giám sát tài chính QG;
– Ngân hàng Chính sách Xã hội;
– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Sở Nội Vụ, Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Công báo; Website Chính phủ;
– Bộ LĐTBXH: Bộ trưởng, Thứ trưởng và các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Bộ;
– Trang thông tin điện tử của Bộ LĐTBXH;
– Lưu: VT, BTXH.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Trọng Đàm

 

Tags: , , , , , , , ,

Comments are closed.