Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH ngày 19/5/2011 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
——————-
Số: 17/2011/TT-BLĐTBXH
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————————-
Hà Nội, ngày 19 tháng 05 năm 2011
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH HỒ SƠ, THỦ TỤC THỰC HIỆN TRỢ CẤP XÃ HỘI HẰNG THÁNG,
HỖ TRỢ CHI PHÍ MAI TÁNG VÀ TIẾP NHẬN NGƯỜI CAO TUỔI VÀO CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI

Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 06/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật người cao tuổi;
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định hồ sơ, thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ chi phí mai táng và tiếp nhận người cao tuổi vào cơ sở bảo trợ xã hội như sau:


Chương 1.
HỒ SƠ, THỦ TỤC THỰC HIỆN TRỢ CẤP XÃ HỘI HẰNG THÁNG VÀ HỖ TRỢ CHI PHÍ MAI TÁNG

Điều 1. Hồ sơ thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng
1. Tờ khai thông tin của người cao tuổi có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao sổ hộ khẩu.
3. Biên bản của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã.
4. Bản sao Quyết định của cơ sở bảo trợ xã hội về việc chuyển người cao tuổi về gia đình hoặc nhà xã hội đối với trường hợp người cao tuổi sống trong cơ sở bảo trợ xã hội được chuyển về địa phương.
Điều 2. Thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng
1. Để được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng, người cao tuổi hoặc gia đình, người thân, người giám hộ người cao tuổi kê khai đầy đủ thông tin vào Tờ khai thông tin của người cao tuổi và có bản sao chứng minh thư nhân dân hoặc bản sao sổ hộ khẩu theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 1 Thông tư này gửi Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là cấp xã).
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận Tờ khai thông tin của người cao tuổi, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ của người cao tuổi và niêm yết công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong địa bàn xã. Thời gian niêm yết là 03 ngày làm việc, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã hoàn thiện hồ sơ theo quy định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã văn bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong thời hạn 10 ngày, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã có trách nhiệm xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và công khai trước nhân dân.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là cấp huyện) Quyết định trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ký Quyết định trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.
Điều 3. Thủ tục quyết định điều chỉnh mức trợ cấp xã hội hằng tháng
1. Khi người cao tuổi có thay đổi về hoàn cảnh dẫn đến thay đổi mức trợ cấp hằng tháng, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã có trách nhiệm xác minh, thẩm tra, kết luận và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã văn bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị của cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện Quyết định điều chỉnh mức trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.
3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ký Quyết định điều chỉnh mức trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.
Điều 4. Thủ tục quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng
1. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng khi người cao tuổi bị chết hoặc không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng theo quy định của Luật người cao tuổi.
2. Thủ tục quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trường hợp người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng bị chết thực hiện theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.
3. Thủ tục quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trường hợp không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thực hiện như sau:
a) Định kỳ hằng tháng Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã có trách nhiệm rà soát danh sách người cao tuổi đang nhận trợ cấp và nếu có trường hợp không còn đủ điều kiện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng thì xác minh, thẩm tra, kết luận và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã văn bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, quyết định.
b) Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận văn bản đề nghị của cấp xã, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện Quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ký Quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi.
4. Thời gian thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng của người cao tuổi từ tháng sau tháng Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ký Quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
Điều 5. Thủ tục hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng khi người cao tuổi thay đổi nơi cư trú
1. Khi người cao tuổi đang nhận trợ cấp xã hội hằng tháng chuyển từ xã, phường, thị trấn này sang xã, phường, thị trấn khác trong cùng cấp huyện thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện Quyết định chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng từ nơi ở cũ sang nơi ở mới.
2. Khi người cao tuổi đang nhận trợ cấp xã hội hằng tháng chuyển từ quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh sang quận, huyện, thị xã, thành phố khác trong cùng tỉnh, thành phố thuộc trung ương thực hiện như sau:
a) Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng Quyết định thôi hưởng trợ cấp và có giấy gới thiệu, kèm theo hồ sơ để người cao tuổi đến làm thủ tục nhận trợ cấp xã hội hằng tháng tại nơi ở mới;
b) Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được giấy giới thiệu và hồ sơ hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng của người cao tuổi, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội cấp huyện tại nơi ở mới của người cao tuổi tiếp nhận, xem xét hồ sơ trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra Quyết định trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi theo mức của địa phương mình.
3. Trường hợp người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng từ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương này sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì thủ tục thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Thời gian hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng tại nơi ở mới từ tháng tiếp theo của tháng thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng ghi trong Quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi ở cũ của người cao tuổi.
Điều 6. Hồ sơ, thủ tục hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi đủ điều kiện tiếp nhận vào sống trong cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng
1. Hồ sơ bao gồm:
a) Văn bản, giấy tờ theo quy định tại Điều 1 Thông tư này;
b) Đơn của người nhận chăm sóc người cao tuổi có ý kiến đồng ý của người cao tuổi hoặc người giám hộ người cao tuổi và xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã có đủ điều kiện chăm sóc người cao tuổi theo quy định tại Điều 7 Thông tư này theo Mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư này;
c) Sơ yếu lý lịch của người nhận chăm sóc có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng đối với trường hợp người cao tuổi đủ điều kiện tiếp nhận vào sống trong cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng theo quy định tại Điều 2 Thông tư này.
3. Thủ tục quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi đủ điều kiện tiếp nhận vào sống trong cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người nhận chăm sóc theo quy định tại Điều 4 Thông tư này.
Điều 7. Điều kiện đối với người nhận chăm sóc người cao tuổi tại cộng đồng
Người nhận chăm sóc người cao tuổi đủ điều kiện tiếp nhận vào sống trong cơ sở bảo trợ xã hội phải đủ điều kiện sau:
1. Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;
2. Có phẩm chất đạo đức tốt, không mắc tệ nạn xã hội và không thuộc đối tượng bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích;
3. Có sức khoẻ và kỹ năng để chăm sóc người cao tuổi;
4. Có chỗ ở ổn định;
5. Không thuộc diện hộ nghèo.
Điều 8. Hồ sơ, thủ tục hỗ trợ chi phí mai táng đối với người cao tuổi đang hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng.
1. Hồ sơ đề nghị hỗ trợ chi phí mai táng gồm:
a) Đơn của gia đình, cá nhân hoặc văn bản đề nghị của tổ chức thực hiện mai táng người cao tuổi bị chết;
b) Bản sao giấy chứng tử;
2. Thủ tục thực hiện hỗ trợ chi phí mai táng:
a) Gia đình, cá nhân, tổ chức thực hiện mai táng người cao tuổi làm hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã;
b) Trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ quy định tại khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm xem xét và có văn bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, giải quyết;
c) Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do cấp xã gửi, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện Quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hỗ trợ chi phí mai táng đối với người cao tuổi;
d) Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ký Quyết định thôi hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng và hỗ trợ chi phí mai táng đối với người cao tuổi.


Chương 2.
HỒ SƠ, THỦ TỤC TIẾP NHẬN NGƯỜI CAO TUỔI VÀO NUÔI DƯỠNG, CHĂM SÓC
TRONG CƠ SỞ BẢO TRỢ XÃ HỘI
Điều 9. Hồ sơ, thủ tục tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi trong cơ sở bảo trợ xã hội
1. Hồ sơ, thủ tục đối với trường hợp tiếp nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi theo hợp đồng dịch vụ chăm sóc người cao tuổi thực hiện theo quy định tại Điều 27, Điều 28 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.
2. Hồ sơ, thủ tục đối với trường hợp người cao tuổi thuộc diện được nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật người cao tuổi thực hiện theo quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 của Thông tư này.
Điều 10. Hồ sơ tiếp nhận người cao tuổi vào nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội
1. Đơn của người cao tuổi hoặc gia đình, người thân, người giám hộ.
2. Sơ yếu lý lịch của người cao tuổi có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã.
3. Biên bản kết luận của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã.
4. Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.
5. Quyết định của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện đối với trường hợp tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thuộc cấp huyện quản lý.
6. Văn bản đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đối với trường hợp đề nghị tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thuộc cấp tỉnh quản lý.
7. Quyết định tiếp nhận của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đối với trường hợp tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thuộc cấp tỉnh quản lý.
8. Giấy tờ liên quan khác (nếu có).
Điều 11. Thủ tục tiếp nhận nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội
1. Để được tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội, người cao tuổi hoặc gia đình, người thân, người giám hộ phải làm đơn, sơ yếu lý lịch của người cao tuổi theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Thông tư này gửi Ủy ban nhân dân cấp xã.
2. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn và sơ yếu lý lịch của người cao tuổi, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã tổ chức họp, xét duyệt hồ sơ của người cao tuổi và niêm yết công khai kết quả xét duyệt tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng trong địa bàn xã. Thời gian niêm yết là 03 ngày làm việc, nếu không có ý kiến thắc mắc, khiếu nại thì Hội đồng xét duyệt hoàn thiện hồ sơ theo quy định và trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã văn bản gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét, giải quyết.
Trường hợp có khiếu nại, tố cáo của công dân thì trong thời hạn 10 ngày, Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã tiến hành xác minh, thẩm tra, kết luận cụ thể và công khai trước nhân dân.
3. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do cấp xã gửi, Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm thẩm định, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện Quyết định tiếp nhận người cao tuổi vào cơ sở bảo trợ xã hội đối với trường hợp cơ sở bảo trợ xã hội thuộc cấp huyện quản lý, hoặc văn bản đề nghị Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội do cấp tỉnh quản lý.
Trường hợp không đủ điều kiện tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thì Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội phải trả lời bằng văn bản về lý do không tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội.
4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ do Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội trình, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm ký Quyết định tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội đối với trường hợp tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thuộc cấp huyện quản lý, hoặc ký văn bản đề nghị Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội do cấp tỉnh quản lý.
5. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được đề nghị của cấp huyện, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét và quyết định tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội; trường hợp không tiếp nhận vào cơ sở bảo trợ xã hội thì phải trả lời bằng văn bản nêu rõ lý do.
Điều 12. Đưa người cao tuổi từ cơ sở bảo trợ xã hội về sống tại gia đình, cộng đồng
1. Người cao tuổi đang sống trong cơ sở bảo trợ xã hội có một trong các điều kiện sau thì được đưa về sống tại gia đình, cộng đồng:
a) Người cao tuổi tự nguyện đề nghị được sống ở cộng đồng;
b) Có người nhận chăm sóc, nuôi dưỡng tại cộng đồng;
c) Không đủ điều kiện nuôi dưỡng chăm sóc trong cơ sở bảo trợ xã hội theo quy định.
2. Thẩm quyền quyết định đưa người cao tuổi ra khỏi cơ sở bảo trợ xã hội thực hiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 68/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về quy định điều kiện, thủ tục thành lập, tổ chức, hoạt động và giải thể cơ sở bảo trợ xã hội.


Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 13. Kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội
Kinh phí thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi thực hiện theo quy định tại Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 8 năm 2010 hướng dẫn thực hiện Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội.
Điều 14. Trách nhiệm của các cơ quan
1. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm:
a) Quản lý người cao tuổi trên địa bàn bằng sổ cái hoặc phần mềm vi tính; theo dõi sự biến động người cao tuổi trên địa bàn để kịp thời bổ sung hoặc đưa ra khỏi danh sách những trường hợp người cao tuổi không còn đủ điều kiện hưởng chính sách bảo trợ xã hội;
c) Thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hằng tháng kịp thời, đúng đối tượng và thanh quyết toán theo quy định;
d) Cập nhật danh sách người cao tuổi thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng (nếu có biến động, bổ sung đối tượng mới hoặc giảm đối tượng do chết hoặc không còn đủ điều kiện hưởng) gửi Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội để trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định trợ cấp, thôi hưởng trợ cấp;
đ) Định kỳ báo cáo về tình hình thực hiện chính sách đối với người cao tuổi về Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội và gửi kèm theo Bảng số liệu về tình hình thực hiện chính sách đối với người cao tuổi theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai và thực hiện công việc sau:
a) Quản lý người cao tuổi trên địa bàn bằng hồ sơ, sổ cái hoặc phần mềm vi tính;
b) Hướng dẫn, kiểm tra và giám sát cấp xã trong việc xác định, quản lý người cao tuổi; tổ chức thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn;
c) Tiếp nhận và thẩm định hồ sơ đề nghị trợ cấp xã hội hằng tháng của cấp xã, tổng hợp trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định;
d) Lập dự toán ngân sách chi trợ cấp, trợ giúp xã hội trình Ủy ban nhân dân cấp huyện và thanh quyết toán kinh phí theo quy định hiện hành;
đ) Định kỳ báo cáo về tình hình thực hiện chính sách đối với người cao tuổi về Sở Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 25 tháng 6 và 25 tháng 12 hàng năm và gửi kèm theo Bảng số liệu về tình hình thực hiện chính sách đối với người cao tuổi theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
3. Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan thực hiện một số công việc sau:
a) Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương xây dựng mức trợ cấp, trợ giúp cho người cao tuổi trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định;
b) Quản lý người cao tuổi trên địa bàn;
c) Hướng dẫn và kiểm tra, giám sát cấp huyện tổ chức quản lý, thực hiện chính sách đối với người cao tuổi;
d) Lập dự toán và dự kiến phân bổ kinh phí bảo đảm xã hội đối với cấp huyện và các đơn vị trên địa bàn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định;
đ) Định kỳ báo cáo về tình hình thực hiện chính sách đối với người cao tuổi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trước ngày 30 tháng 6 và 31 tháng 12 hàng năm và gửi kèm theo Bảng số liệu về tình hình thực hiện chính sách đối với người cao tuổi theo Mẫu số 03 ban hành kèm theo Thông tư này.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 7 năm 2011.
2. Thời gian tính hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi từ đủ 80 tuổi quy định tại khoản 2 Điều 17 Luật người cao tuổi như sau:
a) Trường hợp người đủ 80 tuổi từ ngày 01 tháng 01 năm 2011 trở về trước, thì được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng từ ngày 01 tháng 01 năm 2011;
b) Các trường hợp không thuộc quy định tại điểm a, khoản 2 Điều này, thì được hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng từ thời điểm người đó đủ 80 tuổi;
3. Thông tư số 36/2005/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 12 năm 2005 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 30/2002/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2002 và Nghị định số 120/2003/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ về quy định và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh người cao tuổi hết hiệu lực thi hành từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
4. Những quy định về hồ sơ, thủ tục thực hiện chính sách bảo trợ xã hội đối với người cao tuổi tại Thông tư liên tịch số 24/2010/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 18 tháng 8 năm 2010 của Liên bộ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội và Nghị định số 13/2010/NĐ-CP ngày 27 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 67/2007/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về chính sách trợ giúp các đối tượng bảo trợ xã hội hết hiệu lực thi hành từ ngày Thông tư này có hiệu lực.
5. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, xem xét, giải quyết.

 

Nơi nhận:
– Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– VP Quốc hội;
– VP Chủ tịch nước;
– VP Chính phủ;
– Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
– Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
– Công báo;
– Website Chính phủ, Website Bộ LĐTBXH;
– Các đơn vị thuộc Bộ LĐTBXH;
– Lưu VT, Cục BTXH.
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Nguyễn Trọng Đàm


MẪU SỐ 01
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH ngày 19 tháng 5 năm 2011)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–
TỜ KHAI THÔNG TIN CỦA NGƯỜI CAO TUỔI

Phần I
CÁ NHÂN NGƯỜI CAO TUỔI VÀ GIA ĐÌNH
1. Họ và tên (Viết chữ in hoa):…………………………………………………………………………………….
2. Sinh ngày … tháng … năm …………………       3. Giới tính: …………………………………………
4. Nơi đăng ký thường trú hiện nay:…………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………………………………………..
5. Nơi sinh: ………………………………………………………… 6. Dân tộc:…………………………….
6. Đang hưởng chế độ nào sau đây:

 

Loại hình
Mức/tháng (1000đ)
6.1. Đang hưởng lương hưu hằng tháng
6.2. Trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng
6.3. Trợ cấp ưu đãi người có công hằng tháng
6.4. Trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng
6.5. Các khoản trợ cấp, phụ cấp hằng tháng khác
7. Thuộc hộ gia đình nghèo hay không nghèo:………………………………………………………………..
8. Quá trình hoạt động của bản thân:

 

Từ tháng/năm đến tháng/năm
Làm gì
Ở đâu
9. Họ và tên vợ hoặc chồng và người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng (Ghi rõ họ và tên, tuổi, chỗ ở, nghề nghiệp, sức khoẻ, điều kiện kinh tế của từng người):
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
10. Các loại giấy tờ kèm theo Tờ khai này (nếu có, ghi cụ thể):
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
Tôi xin cam đoan những lời khai trên là đúng sự thực, nếu có điều gì khai man tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn.

 

Ngày … tháng … năm 20…
(Người khai ký, ghi rõ họ tên)
Phần II
KẾT LUẬN CỦA HỘI ĐỒNG XÉT DUYỆT TRỢ CẤP XÃ HỘI CẤP XÃ

Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội xã/phường thị trấn:……………………………………………………… đã xem xét hồ sơ, xác minh thông tin cá nhân của ………………………………………………………………………………………………  và họp ngày … tháng … năm … thống nhất kết luận về thông tin của Ông (bà) khai như sau:
1. Về kê khai thông tin của người cao tuổi: (đầy đủ, chính xác, còn thiếu, giấy tờ bổ sung…):…..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..
2. Kết luận ông (bà) …………………………………….. thuộc diện hưởng trợ cấp xã hội hằng tháng đối với người cao tuổi là người ………………………………………………………………………………………………………………….
…………………………………………………………………………………………………………………………..
…………………………………………………………………………………………………………………………..

 

Xác nhận của Hội đồng xét duyệt trợ cấp xã hội cấp xã
Ngày … tháng … năm 20…
Xác nhận của
Chủ tịch UBND xã, phường


MẪU SỐ 02
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH ngày 19 tháng 5 năm 2011)
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–
ĐƠN NHẬN CHĂM SÓC NGƯỜI CAO TUỔI

 

Kính gửi:
– Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) ………………………..
– Ủy ban nhân dân huyện (quận, thị xã, thành phố) ……………
Tên tôi là: ……………………………………………………… sinh năm……………………………………
hiện đang cư trú tại (ghi rõ địa chỉ)………………………………………………………………………………
…………………………………………………………………………………………………………………………..
Bản thân và gia đình có đủ điều kiện nhận chăm sóc người cao tuổi theo quy định tại Điều 7 Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH ngày 19 tháng 5 năm 2011 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội về quy định hồ sơ, thủ tục thực hiện trợ cấp xã hội hằng tháng, hỗ trợ chi phí mai táng và tiếp nhận người cao tuổi vào cơ sở bảo trợ xã hội và các quy định của pháp luật có liên quan khác. Đồng thời ông (bà) ………………………. là người cao tuổi thuộc diện nuôi được nuôi dưỡng trong cơ sở bảo trợ xã hội, nhưng có nguyện vọng được sống tại cộng đồng do tôi chăm sóc.
Vậy tôi làm đơn này đề nghị cho tôi được nhận nuôi dưỡng, chăm sóc ông (bà) ………………….. và đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện/thị xã/thành phố ……………………………. xem xét trợ cấp xã hội hằng tháng cho ông (bà) ………………………….. theo quy định.
Tôi xin cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ chăm sóc nuôi dưỡng người cao tuổi theo quy định hiện hành của Nhà nước.

 

Ngày … tháng … năm 20…
Người viết đơn
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

Ngày … tháng … năm 20…
Ý kiến của người cao tuổi
(Ghi rõ ý kiến đồng ý, ký và ghi họ tên)
Ngày … tháng … năm 20…
Xác nhận của UBND cấp xã
Ủy ban nhân dân ………… xác nhận đơn trên là đúng và ông/bà ……………. có đầy đủ điều kiện để nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người cao tuổi theo quy định, đề nghị Chủ tịch UBND huyện xem xét đơn để trợ cấp xã hội cho đối tượng theo quy định.
TM. UBND xã
(ký tên, đóng dấu)


MẪU SỐ 03
(Ban hành kèm theo Thông tư số 17/2011/TT-BLĐTBXH ngày 19 tháng 5 năm 2011)

 

Tên cơ quan
——-
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————
Số: …
…., ngày … tháng … năm 20…
BẢNG SỐ LIỆU
Tình hình thực hiện chính sách đối với người cao tuổi

 

STT
Chỉ tiêu
Đơn vị tính
Số liệu
1
Tổng số người cao tuổi (NCT)
Người
1.1
Số người từ đủ 60 tuổi đến 80 tuổi
Người
Trong đó: Có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng
Người
1.2
Số người từ đủ 80 tuổi trở lên
Người
Trong đó: Có lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng
Người
2
Tổng số NCT không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng
Người
Trong đó: Thuộc diện nghèo
Người
3
Chăm sóc đời sống NCT
3.1
Số NCT đang hưởng lương hưu
Người
3.2
Số NCT đang hưởng trợ cấp BHXH
Người
3.3
Số NCT đang hưởng trợ cấp người có công với cách mạng
Người
3.4
Số NCT đang hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hằng tháng ở cộng đồng theo quy định của Luật người cao tuổi:
Người
3.4.1
NCT thuộc hộ gia đình nghèo không có người có nghĩa vụ và quyền phụng dưỡng
Người
Trong đó: Số người từ đủ 80 tuổi trở lên
Người
3.4.2
Người từ đủ 80 tuổi không có lương hưu hoặc trợ cấp BHXH
Người
3.4.3
Số người cao tuổi đủ điều kiện tiếp nhận vào sống trong cơ sở bảo trợ xã hội nhưng có người nhận chăm sóc tại cộng đồng
Người
3.5
Số NCT đang sống trong cơ sở BTXH
Người
4
Tổng số cơ sở chăm sóc NCT
Cơ sở
Trong đó: Cơ sở BTXH
Cơ sở
5
Số NCT được trợ giúp đột xuất trong năm
Người
6
Số người cao tuổi được chúc thọ, mừng thọ trong năm
Người
6.1
Người cao tuổi thọ trên 100 tuổi
Người
6.2
Người cao tuổi thọ 100 tuổi
Người
6.3
Người cao tuổi thọ 90 tuổi
Người
6.4
Người cao tuổi thọ 70, 75, 80, 85, 95
Người
6.5
Kinh phí thực hiện chúc thọ, mừng thọ
1000đ
7
Chăm sóc sức khoẻ
Người
7.1
Số NCT có thẻ BHYT
Người
Bảo hiểm y tế bắt buộc
Người
Bảo hiểm y tế tự nguyện
Người
7.2
Số bệnh viện lão khoa
Bệnh viện
7.3
Số bệnh viện có khoa lão khoa
Bệnh viện
7.4
Lượt NCT được tư vấn chăm sóc sức khoẻ trong năm
Người
7.5
Lượt NCT được hỗ trợ phục hồi sức khoẻ trong năm
Người
7.6
Số người cao tuổi được khám định kỳ và lập hồ sơ quản lý sức khoẻ
Người
8
Nhà ở của NCT
8.1
Tổng số hộ gia đình có NCT
Hộ
Trong đó: Thuộc diện hộ nghèo
Hộ
8.2
Số hộ có NCT được hỗ trợ về nhà ở trong năm
Hộ
8.3
Số NCT đang ở nhà tạm
Người
9
Giáo dục, văn hóa, thể thao và giải trí
9.1
Tổng số xã, phường, thị trấn
9.2
Số xã, phường, thị trấn có câu lạc bộ của NCT
9.2.1
Câu lạc bộ sức khoẻ
CLB
9.2.2
Câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ, giải trí
CLB
9.2.3
Câu lạc bộ thể dục, thể thao
CLB
9.2.4
Câu lạc bộ khác
CLB
9.3
Số NCT tham gia các câu lạc bộ văn hóa, thể thao và giải trí
Người
9.4
Số NCT tham gia các khóa tập huấn, đào tạo trong năm
Người
10
Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi
10.1
Số xã phường thị trấn có quỹ
10.2
Lượt NCT được hỗ trợ từ quỹ
Người
10.3
Tổng số dư của Quỹ
1000đ
11
Hội người cao tuổi và Ban đại diện NCT
11.1
Tổng số huyện, thị
Huyện
11.2
Số huyện thị thành lập hội NCT
Huyện
11.3
Số huyện, thị thành lập Ban đại diện NCT
Huyện
11.4
Số xã, phường, thị trấn thành lập Hội NCT
12
Tổng kinh phí thực hiện chương trình, chính sách đối với người cao tuổi
1000đ

 

Thủ trưởng cơ quan/đơn vị
(Ký tên, đóng dấu)
Tags: , , , ,

Comments are closed.