Thông tư số 02/2009/TT-BTNMT ngày 19/03/2009

BỘ TÀI NGUYÊN

VÀ MÔI TRƯỜNG

________________

Số: 02/2009/TT-BTNMT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

_________________

Hà Nội, ngày 19 tháng 03  năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG TIẾP NHẬN NƯỚC THẢI CỦA NGUỒN NƯỚC

_____________________

 

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Căn cứ điểm b khoản 2 Điều 5 Nghị định số 149/2004/NĐ-CP ngày 27 tháng 7 năm 2004 của Chính phủ quy định việc cấp phép thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, xả nước thải vào nguồn nước;

Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước và Vụ trưởng Vụ Pháp chế.

 

QUY ĐỊNH

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định việc đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước là các sông, suối, kênh, rạch tự nhiên (sau đây gọi chung là sông)

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng cho các cơ quan quản lý tài nguyên nước; các tổ chức, cá nhân có hoạt động xả nước thải, tư vấn lập hồ sơ đề nghị cấp phép xả nước thải vào nguồn nước.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước là khả năng nguồn nước có thể tiếp nhận được thêm một tải lượng ô nhiễm nhất định mà vẫn bảo đảm nồng độ các chất ô nhiễm trong nguồn nước không vượt quá giá trị giới hạn được quy định trong các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng nước cho mục đích sử dụng của nguồn nước tiếp nhận.

2. Mục tiêu chất lượng nước là mức độ chất lượng nước của nguồn nước tiếp nhận cần phải duy trì để bảo đảm mục đích sử dụng của nguồn nước tiếp nhận.

3. Tải trọng ô nhiễm là khối lượng chất ô nhiễm có trong nước thải hoặc nguồn nước trong một đơn vị thời gian xác định.

4. Tải lượng ô nhiễm tối đa là khối lượng lớn nhất của chất ô nhiễm có thể có trong nguồn nước tiếp nhận mà không làm ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng mục tiêu chất lượng nước của nguồn nước tiếp nhận.

5. Hệ số an toàn là hệ số dùng để bảo đảm mục tiêu chất lượng nước của nguồn nước tiếp nhận và việc sử dụng nước dưới hạ lưu khi đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước mà do nhiều yếu tố tác động không chắc chắn trong quá trình tính toán.

Điều 4. Các nguyên tắc chung

1. Quá trình đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước tại đoạn sông có điểm xả nước thải phải xem xét tổng thể các yếu tố sau:

a. Mục đích sử dụng nguồn nước cho các hoạt động kinh tế – xã hội và môi trường;

b. Đặc điểm của nguồn nước, bao gồm các đặc điểm về dòng chảy và chất lượng nước;

c. Đặc điểm của nguồn xả thải, bao gồm lưu lượng, phương thức, chế độ xả nước thải và nồng độ các chất ô nhiễm trong nước thải;

d. Ảnh hưởng do nước thải từ các nguồn thải thượng lưu đến đoạn sông được đánh giá;

đ. Việc sử dụng nước và đặc điểm các nguồn xả nước thải phía hạ lưu đoạn sông được đánh giá;

e. Các quá trình xảy ra trong dòng chảy, bao gồm quá trình pha loãng lắng đọng và biến đổi các chất trong dòng chảy.

2. Trong quá trình đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước cần xem xét, cân nhắc đầy đủ các tác động tiêu cực ở mức độ cao nhất mà việc xả thải có thể gây ra đối với các mục đích sử dụng nguồn nước ở đoạn sông được đánh giá; việc sử dụng nước và các rủi ro do việc xả nước thải ở hạ lưu đoạn sông được đánh giá.

3. Khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước phải được đánh giá trong điều kiện nguồn nước mùa kiệt.

4. Các số liệu sử dụng để đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước phải do các cơ quan có thẩm quyền cung cấp.

 

Chương 2.

TRÌNH TỰ, PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ KHẢ NĂNG TIẾP NHẬN NƯỚC THẢI CỦA NGUỒN NƯỚC

Điều 5. Trình tự đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước

Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước tại đoạn sông có điểm xả nước thải được thực hiện theo trình tự sau: đánh giá sơ bộ và đánh giá chi tiết.

1. Đánh giá sơ bộ được thực hiện theo trình tự quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này.

2. Đánh giá chi tiết được thực hiện theo trình tự quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Thông tư này.

Điều 6. Phương pháp đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước

1. Đánh giá khả năng tiếp nhận nước thải của nguồn nước phải xem xét, tính toán tổng thể các quá trình diễn ra trong dòng chảy: quá trình gia nhập dòng chảy của các chất; quá trình truyền tải chất; quá trình biến đổi chất.

2. Phương pháp bảo toàn khối lượng

Phương pháp bảo toàn khối lượng thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 3 kèm theo Thông tư này.

 

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2009

2. Cục trưởng Cục Quản lý tài nguyên nước có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để nghiên cứu sửa đổi, bổ sung.

 

Nơi nhận:
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Kiểm toán Nhà nước;
– UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
– Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
– Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản);
– Công báo;
– Cổng thông tin điện tử Chính phủ;
– Các đơn vị trực thuộc Bộ;
– Lưu: VT, TNN, PC.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
 

(đã ký)

Nguyễn Mạnh Hiển

 

 

Tags: , , , ,

Comments are closed.