BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI-BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 06/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC |
Hà Nội, ngày 27 tháng 02 năm 2009 |
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 30/2009/QĐ-TTG NGÀY 23 THÁNG 2 NĂM 2009 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC HỖ TRỢ ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG MẤT VIỆC LÀM TRONG DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ KHĂN DO SUY GIẢM KINH TẾ
Căn cứ Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg ngày 23 tháng 2 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc hỗ trợ đối với người lao động mất việc làm trong doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế (sau đây viết tắt là Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg), Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện như sau:
I. ĐỐI TƯỢNG ÁP DỤNG
Đối tượng áp dụng của Thông tư này là doanh nghiệp và người lao động quy định tại Điều 1, Điều 2 và Điều 3 của Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg.
II. DOANH NGHIỆP GẶP KHÓ KHĂN TRONG NĂM 2009 ĐƯỢC NHÀ NƯỚC CHO VAY ĐỂ THANH TOÁN CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG:
Trong năm 2009, doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thì được Nhà nước cho vay để thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động theo quy định tại Điều 1 của Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg, thực hiện như sau:
1. Đối tượng được vay là các doanh nghiệp có đủ các điều kiện sau:
a) Doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế thuộc các thành phần kinh tế chưa có khả năng thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động bị mất việc làm.
b) Doanh nghiệp có số lao động phải giảm từ 30% trở lên hoặc từ 100 lao động trở lên (không kể lao động thời vụ có thời hạn dưới 3 tháng).
Số lao động phải giảm của doanh nghiệp là số lao động trong danh sách trả lương của doanh nghiệp phải giảm trong năm 2009, bao gồm: số lao động là người Việt Nam đang thực hiện hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng trở lên.
Thời điểm tính số lao động phải giảm là thời điểm doanh nghiệp lập phương án sắp xếp lao động.
c) Doanh nghiệp đã sử dụng các nguồn của doanh nghiệp nhưng vẫn chưa đủ để thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc. Các nguồn của doanh nghiệp để thanh toán các khoản nêu trên bao gồm: Quỹ dự phòng về trợ cấp mất việc làm, các khoản tiền lương phải trả cho người lao động kể cả Quỹ dự phòng tiền lương, các nguồn đã trích để đóng bảo hiểm xã hội nhưng chưa đóng cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
2. Thời hạn vay: tối đa 12 tháng.
3. Mức vay: được xác định bằng nhu cầu chi trả nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và tiền trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động trừ đi các nguồn của doanh nghiệp đã được xác định tại tiết c điểm 1 của Mục này, nhưng mức vay tối đa bằng số kinh phí để thanh toán nợ tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội và trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc phải trả cho người lao động bị mất việc làm của doanh nghiệp.
4. Lãi suất vay: 0% (không phần trăm).
5. Trình tự, thủ tục vay: Thực hiện theo hướng dẫn của Ngân hàng Phát triển Việt Nam và kèm theo văn bản xác nhận về phương án sắp xếp lao động của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, văn bản xác nhận của Sở Tài chính về việc kê khai và sử dụng các nguồn nêu tại tiết c điểm 1 của Mục này.
Doanh nghiệp có trách nhiệm phối hợp với tổ chức công đoàn cơ sở xây dựng Phương án sắp xếp lao động, bao gồm số lao động hiện có, số lao động có nhu cầu sử dụng, số lao động giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội, hết hạn hợp đồng lao động, số lao động không bố trí được việc làm theo mẫu số 1 ban hành kèm theo Thông tư này và nộp cho Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính. Trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận phương án, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải có văn bản xác nhận gửi cho doanh nghiệp và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tại địa phương. Trong quá trình thực hiện phương án sắp xếp lao động đã được thẩm định mà có sự thay đổi thì phải có văn bản báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển về những nội dung thay đổi.
Doanh nghiệp có trách nhiệm nộp Báo cáo tài chính quý gần nhất của doanh nghiệp và báo cáo các nguồn của doanh nghiệp cho Sở Tài chính địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính; Trong thời hạn 5 ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị xác nhận báo cáo tài chính và báo cáo các nguồn nêu trên, Sở Tài chính phải có văn bản xác nhận gửi cho doanh nghiệp và Chi nhánh Ngân hàng Phát triển tại địa phương.
6. Ngân hàng Phát triển Việt Nam quyết định mức cho vay và thực hiện việc cho vay, thu nợ và xử lý nợ theo thẩm quyền.
7. Thanh toán tiền lương, đóng bảo hiểm xã hội, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho người lao động sau khi được vay:
a) Trong thời hạn 07 (bảy) ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được thông báo của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc cho vay, doanh nghiệp có trách nhiệm cùng với Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam thanh toán một lần tiền lương, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho từng người lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương án đã được thẩm định.
b) Trong thời hạn 14 (mười bốn) ngày (tính theo ngày làm việc) kể từ ngày nhận được thông báo của Chi nhánh Ngân hàng Phát triển Việt Nam về việc cho vay, doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội địa phương nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính về việc thanh toán cho người lao động theo mẫu số 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
III. GIẢI QUYẾT CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ MẤT VIỆC LÀM TẠI CÁC DOANH NGHIỆP MÀ CHỦ DOANH NGHIỆP BỎ TRỐN TRONG NĂM 2009
Giải quyết chính sách đối với người lao động bị mất việc làm tại doanh nghiệp mà chủ doanh nghiệp bỏ trốn theo quy định tại Điều 2 của Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg, thực hiện như sau:
1. Doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn là doanh nghiệp không có người đại diện hợp pháp đứng ra giải quyết quyền lợi của người lao động và được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cơ quan được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ủy quyền xác định.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với các cơ quan liên quan xác định doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn và lập hồ sơ về lao động, tiền lương và tài chính của doanh nghiệp.
2. Trả tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động:
a) Căn cứ hồ sơ về doanh nghiệp có chủ doanh nghiệp bỏ trốn, căn cứ vào sổ sách kế toán và các tài liệu có liên quan, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Sở Tài chính có trách nhiệm xác định người lao động có trong danh sách trả lương của doanh nghiệp, trong đó xác định cụ thể tiền lương còn nợ của từng người lao động.
b) Sở Lao động – Thương binh và Xã hội báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh số tiền cần ứng từ ngân sách địa phương để trả nợ lương của người lao động, kèm theo danh sách nợ tiền lương của từng người lao động để Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ứng ngân sách địa phương trả trước cho người lao động.
c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nhận tiền tạm ứng từ ngân sách địa phương để tổ chức chi trả nợ lương cho người lao động và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh. Giao Sở Kế hoạch – Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính thực hiện việc xử lý tài sản của doanh nghiệp để hoàn trả khoản tạm ứng từ ngân sách địa phương.
IV. VAY VỐN HỌC NGHỀ, TỰ TẠO VIỆC LÀM, XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ MẤT VIỆC LÀM TRONG NĂM 2009
Người lao động bị mất việc làm trong năm 2009 được vay vốn theo quy định tại Điều 3 của Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg, thực hiện như sau:
1. Đối tượng được vay vốn là người lao động bị mất việc làm trong năm 2009 theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Quyết định số 30/2009/QĐ-TTg (bao gồm cả người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn).
2. Chính sách vay vốn:
a) Được vay vốn từ Quỹ Quốc gia về việc làm thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.
b) Được vay vốn để học nghề theo Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27 tháng 9 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với học sinh, sinh viên trong thời gian 12 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm.
c) Được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội như đối với đối tượng chính sách quy định tại Quyết định số 365/2004/QĐ-NHNN ngày 13 tháng 4 năm 2004 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong thời gian 12 tháng kể từ ngày người lao động bị mất việc làm hoặc ngày người lao động về nước.
3. Trình tự, thủ tục; hồ sơ vay vốn:
– Trình tự, thủ tục vay vốn thực hiện theo quy định hiện hành;
– Hồ sơ vay vốn: theo quy định hiện hành và kèm theo bản sao hợp đồng lao động, bản sao thanh lý hợp đồng lao động; riêng đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng bị mất việc làm phải về nước trước thời hạn phải kèm theo bản sao Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc bản sao hợp đồng cá nhân và xác nhận của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài hoặc xác nhận của cơ quan, tổ chức nơi người lao động đăng ký hợp đồng cá nhân.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh:
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Tài chính và các cơ quan chức năng ở địa phương tổ chức thực hiện các quy định của Thông tư này.
2. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội:
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến các chính sách, chế độ đối với người lao động và thực hiện nhiệm vụ theo các quy định tại Thông tư này.
b) Tổ chức nắm số lao động thôi việc, mất việc làm trong các doanh nghiệp gặp khó khăn do suy giảm kinh tế và hằng quý vào báo cáo về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội theo mẫu số 3 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 05 của tháng đầu quý tiếp theo.
c) Kiểm tra, giám sát việc thanh toán tiền lương, trợ cấp mất việc làm hoặc trợ cấp thôi việc cho từng người lao động và đóng bảo hiểm xã hội cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo phương án đã được thẩm định.
d) Chỉ đạo các trung tâm giới thiệu việc làm, các cơ sở dạy nghề thực hiện tốt việc dạy nghề, tư vấn và giới thiệu việc làm cho người lao động bị mất việc làm.
đ) Hằng quý báo cáo tình hình thực hiện việc hỗ trợ đối với người lao động bị mất việc làm trong các doanh nghiệp do suy giảm kinh tế theo mẫu số 4 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 05 của tháng đầu quý tiếp theo.
3. Trách nhiệm của Sở Tài chính:
a) Hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện theo đúng các quy định tại Thông tư này.
b) Hằng quý báo cáo Bộ Tài chính về tình hình thực hiện việc cho doanh nghiệp vay, ứng ngân sách địa phương để trả cho người lao động khoản tiền lương mà doanh nghiệp còn nợ người lao động.
4. Trách nhiệm Ngân hàng Phát triển Việt Nam:
a) Hướng dẫn các doanh nghiệp về thủ tục vay; huy động và tổ chức thực hiện cho vay, thu nợ và xử lý theo quy định tại Thông tư này và quy chế cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam.
b) Hằng quý báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính về tình hình thực hiện cho vay theo mẫu số 5 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 05 của tháng đầu quý tiếp theo.
5. Trách nhiệm Ngân hàng Chính sách Xã hội:
a) Huy động và tổ chức thực hiện cho vay theo quy định tại Thông tư này.
b) Hướng dẫn về thủ tục vay.
c) Hằng quý báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Tài chính về tình hình thực hiện cho vay theo mẫu số 6 ban hành kèm theo Thông tư này trước ngày 05 của tháng đầu quý tiếp theo.
6. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết.
KT. BỘ TRƯỞNG Phạm Sỹ Danh |
KT. BỘ TRƯỞNG Nguyễn Thanh Hòa |
Nơi nhận: |
|