Thông tư 22/2009/TT- BGTVT ngày 06/10/2009

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI 
__________

Số: 22/2009/TT-BGTVT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
________________________

Hà Nội, ngày 06 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG TƯ

Quy định về thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường

phương tiện giao thông cơ giới đường bộ

 

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ như sau:

 

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Thông tư này quy định về thủ tục kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi chung là xe cơ giới).

2. Thông tư này không áp dụng đối với:

a) Xe mô tô, xe gắn máy;

b) Xe cơ giới của quân đội, công an sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh.  

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Kiểm định là việc tiến hành kiểm tra định kỳ, đánh giá tình trạng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới để chứng nhận xe cơ giới có đủ điều kiện tham gia giao thông.

2. Chu kỳ kiểm định là khoảng thời gian tính bằng tháng giữa hai lần kiểm định.

3. Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) là chứng chỉ xác nhận xe cơ giới đã được kiểm tra theo quy định, đủ điều kiện tham gia giao thông trong lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các nước mà Việt Nam đã ký điều ước quốc tế công nhận lẫn nhau về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới.

4. Tem kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường của xe cơ giới (sau đây gọi chung là Tem kiểm định) là biểu trưng để lực lượng tuần tra, kiểm soát biết xe cơ giới đã kiểm định và được phép tham gia giao thông đường bộ theo thời hạn ghi trên Tem.

5. Sổ kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới (sau đây gọi chung là Sổ kiểm định) là lý lịch xe cơ giới để quản lý về kỹ thuật, hành chính và quá trình sử dụng xe.

6. Ấn chỉ kiểm định là phôi của các loại Giấy chứng nhận, Tem kiểm định, Sổ kiểm định.

7. Chứng chỉ kiểm định là các loại ấn chỉ kiểm định đã được đơn vị đăng kiểm xác nhận và cấp cho xe cơ giới.

8. Phiếu kiểm định là bản kết quả kiểm tra xe cơ giới khi tiến hành kiểm định.


Chương II

KIỂM ĐỊNH XE CƠ GIỚI

 

Điều 4. Địa điểm kiểm định

1. Xe cơ giới được đăng ký và cấp biển số tại địa phương nào thì làm thủ tục kiểm tra lần đầu để cấp Sổ kiểm định tại một trong số các đơn vị đăng kiểm ở địa phương đó.

2. Đối với các lần kiểm định tiếp theo, xe cơ giới có thể được đưa đến bất kỳ đơn vị đăng kiểm nào để kiểm định.

3. Khi xe cơ giới chuyển vùng, chủ xe phải làm thủ tục chuyển Hồ sơ phương tiện về một trong số các đơn vị đăng kiểm tại địa phương đăng ký biển số mới để quản lý kiểm định.

Điều 5. Hồ sơ kiểm định

1. Hồ sơ kiểm tra lần đầu để cấp Sổ kiểm định bao gồm:

a) Giấy Đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

c) Giấy chứng nhận chất lượng ô tô nhập khẩu hoặc Thông báo miễn kiểm tra chất lượng ô tô nhập khẩu (chỉ áp dụng với xe nhập khẩu);

d) Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo (chỉ áp dụng với xe cơ giới cải tạo);

đ) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải (chỉ áp dụng với xe cơ giới có kinh doanh vận tải).

2. Hồ sơ kiểm định lần tiếp theo gồm:

a) Giấy Đăng ký xe do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp;

b) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

c) Sổ kiểm định; Giấy chứng nhận và Tem kiểm định của lần kiểm định trước đó;

d) Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh vận tải (chỉ áp dụng với xe cơ giới có kinh doanh vận tải).

Điều 6. Nội dung kiểm định

1. Xe cơ giới phải được kiểm định trên dây chuyền kiểm định. Trường hợp xe cơ giới quá khổ, quá tải, có kết cấu đặc biệt không kiểm tra được trên dây chuyền kiểm định hoặc xe hoạt động tại các vùng đảo, các địa phương thuộc vùng sâu, vùng xa không có điều kiện đưa xe tới đơn vị đăng kiểm thì thực hiện theo hướng dẫn của Cục Đăng kiểm Việt Nam.

2. Nội dung kiểm định được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 10/2009/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về kiểm tra an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Điều 7. Hành vi bị nghiêm cấm trong kiểm định xe cơ giới

1. Kiểm định không tuân thủ nội dung, quy trình, quy định.

2. Kiểm định khi thiết bị kiểm tra không bảo đảm độ chính xác; khi mạng máy tính nội bộ hư hỏng; kiểm định ngoài dây chuyền khi chưa được phép.

3. Bố trí người thực hiện công việc kiểm định không đúng với tiêu chuẩn quy định.

4. Ép buộc chủ phương tiện đưa xe đi sửa chữa, bảo dưỡng tại các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng chỉ định.

5. Thu phí hoặc lệ phí sai quy định; có hành vi tiêu cực, sách nhiễu và nhận tiền hoặc quà biếu dưới mọi hình thức.

6. Kiểm định và cấp Giấy chứng nhận kiểm định cho xe cơ giới hết niên hạn sử dụng hoặc khi đã có văn bản đề nghị không kiểm định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

7. Sử dụng ấn chỉ kiểm định không phải do Cục Đăng kiểm Việt Nam phát hành. Lập hồ sơ giả, cấp chứng chỉ kiểm định không đúng đối tượng.


Chương III

QUẢN LÝ, CẤP, ĐỔI VÀ THU HỒI CHỨNG CHỈ KIỂM ĐỊNH

Điều 8. Sổ kiểm định

1. Mỗi xe cơ giới chỉ được cấp một Sổ kiểm định (mẫu quy định tại phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này).

2. Nội dung ghi trong Sổ kiểm định phải phù hợp với xe cơ giới được cấp Sổ, hồ sơ lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm và dữ liệu lưu trữ tại Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Điều 9. Cấp Sổ kiểm định lần đầu

1. Hồ sơ cấp Sổ được quy định tại khoản 1 Điều 5 của Thông tư này;

2. Chỉ những xe cơ giới kiểm tra đạt yêu cầu theo khoản 2 Điều 6 của Thông tư này thì được cấp Sổ kiểm định.

Điều 10. Cấp lại Sổ kiểm định

1. Cấp lại Sổ kiểm định khi mất: Hồ sơ cấp lại bao gồm các giấy tờ quy định tại điểm a, b, đ khoản 1 Điều 5 của Thông tư này và đơn báo mất có xác nhận của Cơ quan công an.

2. Cấp lại khi Sổ kiểm định hết trang ghi: hồ sơ cấp lại bao gồm các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này.

3. Cấp lại Sổ kiểm định khi bị rách, mất trang, sửa chữa: hồ sơ cấp lại bao gồm các giấy tờ quy định tại khoản 2 Điều 5 của Thông tư này và bản giải trình lý do của chủ phương tiện.

4. Việc cấp lại Sổ kiểm định được thực hiện bởi đơn vị đăng kiểm đang quản lý Sổ sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu theo khoản 2 Điều 6 của Thông tư này và tình trạng phương tiện phù hợp với hồ sơ gốc đang lưu trữ.

Điều 11. Sửa đổi, bổ sung nội dung trong Sổ kiểm định

1. Sửa đổi, bổ sung nội dung trong Sổ kiểm định được thực hiện khi xe cơ giới chuyển vùng hoặc sang tên chuyển chủ hoặc cải tạo sau khi có kết quả kiểm tra đạt yêu cầu theo khoản 2 Điều 6 của Thông tư này và tình trạng phương tiện phù hợp với hồ sơ nêu tại khoản 2 Điều 11 của Thông tư này.

2. Hồ sơ sửa đổi, bổ sung Sổ kiểm định bao gồm:

a) Hồ sơ quy định tại điểm a và c khoản 2 Điều 5 của Thông tư này;

b) Hồ sơ phương tiện chuyển vùng đối với xe cơ giới chuyển vùng hoặc Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới cải tạo đối với xe cơ giới cải tạo.

3. Việc bổ sung, sửa đổi nội dung trong Sổ kiểm định được thực hiện:

a) Bởi đơn vị đăng kiểm đang quản lý Sổ đối với trường hợp sửa đổi bổ sung nội dung.

b) Bởi đơn vị đăng kiểm tại địa phương nơi xe cơ giới chuyển đến.

Điều 12. Cấp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định

1. Xe cơ giới sau khi kiểm định có kết quả kiểm định đạt tiêu chuẩn quy định sẽ được cấp Giấy chứng nhận (mẫu quy định tại phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này) và Tem kiểm định (mẫu quy định tại phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này) đủ điều kiện tham gia giao thông đường bộ.

Giấy chứng nhận, Tem kiểm định phải có cùng một seri và có nội dung phù hợp với nhau.

2. Giấy chứng nhận được dán trong Sổ kiểm định và được đóng dấu giáp lai với Sổ kiểm định.

3. Tem kiểm định được dán tại góc trên bên phải, mặt trong kính chắn gió phía trước xe cơ giới. Trường hợp xe cơ giới không có kính chắn gió phía trước, Tem kiểm định được dán phía sau thùng xe cùng phía với biển số đăng ký.

4. Trường hợp Giấy chứng nhận, Tem kiểm định bị mất, hư hỏng, rách nát thì chủ xe cơ giới hoặc lái xe phải đưa xe cơ giới và các giấy tờ theo quy định khoản 2 Điều 5 của Thông tư này tới đơn vị đăng kiểm để kiểm định và cấp lại.

5. Giấy chứng nhận và Tem kiểm định cũ hết hiệu lực khi xe cơ giới được cấp Giấy chứng nhận và Tem kiểm định mới.

Điều 13. Thu hồi chứng chỉ kiểm định

1. Chứng chỉ kiểm định bị thu hồi trong các trường hợp sau:

a) Khi phát hiện hồ sơ do chủ phương tiện hoặc lái xe cung cấp bị làm giả hoặc sửa chữa, tẩy xoá;

b) Khi phát hiện các chứng chỉ đã cấp không phù hợp với xe cơ giới được kiểm định;

c) Xe cơ giới hết niên hạn sử dụng.

2. Việc thu hồi do các đơn vị đăng kiểm thực hiện. Trường hợp đơn vị thu hồi không phải là đơn vị quản lý Sổ, thì đơn vị thu hồi phải thông báo ngay cho đơn vị quản lý Sổ và báo cáo về Cục Đăng kiểm Việt Nam.

Điều 14. Lưu trữ hồ sơ và dữ liệu kiểm định

1. Phiếu kiểm định quy định tại khoản 8 Điều 3 của Thông tư này được lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm trong thời hạn 03 năm kể từ ngày kiểm tra và cấp chứng chỉ kiểm định.

2. Hồ sơ phương tiện được lưu trữ tại đơn vị quản lý Sổ kiểm định trong suốt quá trình xe cơ giới được sử dụng, bao gồm:

a) Các giấy tờ liên quan sử dụng để lập, cấp lại Sổ kiểm định;

b) Các giấy tờ liên quan đến việc bổ sung, sửa đổi nội dung trong Sổ kiểm định;

c) Biên bản kiểm tra lập Sổ và Phiếu lập Sổ kiểm định.

3. Dữ liệu kiểm định phải được lưu trữ tại đơn vị đăng kiểm.


Chương IV

TRÁCH NHIỆM CỦA CHỦ XE CƠ GIỚI HOẶC LÁI XE

 

Điều 15. Trách nhiệm của chủ xe cơ giới hoặc lái xe

Ngoài việc thực hiện các nội dung trong Thông tư này chủ xe cơ giới hoặc lái xe có trách nhiệm thực hiện các quy định sau đây:

1. Thực hiện kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới theo quy định của Bộ Giao thông vận tải.

2. Cung cấp chính xác các thông tin cần thiết có liên quan tới nội dung kiểm định, nội dung quản lý hành chính, quản lý kỹ thuật của xe cơ giới kể cả việc cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan cho các đơn vị đăng kiểm quản lý và cấp Sổ kiểm định.

3. Thực hiện đúng chế độ bảo dưỡng kỹ thuật và sửa chữa nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật của xe cơ giới giữa hai kỳ kiểm định theo quy định.

4. Không được tự ý thay đổi kết cấu, tổng thành, hệ thống của xe cơ giới không đúng với thiết kế của nhà chế tạo hoặc thiết kế cải tạo đã được Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

5. Khi chuyển vùng, sang tên chuyển chủ hoặc cải tạo xe cơ giới, chủ xe hoặc lái xe phải đưa phương tiện đến đơn vị đăng kiểm quản lý Sổ kiểm định cùng các giấy tờ liên quan theo quy định để làm thủ tục kiểm định xác nhận nội dung thay đổi.

6. Không được tạm thời thay đổi tổng thành, linh kiện, phụ kiện xe cơ giới để đạt tiêu chuẩn kỹ thuật khi đi kiểm định hoặc làm giả, tự bóc, dán, tẩy xoá, sửa đổi các nội dung của chứng chỉ kiểm định.

7. Mang theo Giấy chứng nhận và Sổ kiểm định khi tham gia giao thông và xuất trình khi có yêu cầu của người thi hành công vụ có thẩm quyền.

8. Nộp lại Sổ kiểm định cho đơn vị đăng kiểm quản lý Sổ khi xe cơ giới xoá đăng ký, hết niên hạn sử dụng hoặc khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.


 Chương V

TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

 

Điều 16. Cục Đăng kiểm Việt Nam

1. Xây dựng và trình Bộ Giao thông vận tải công bố quy hoạch hệ thống mạng lưới các đơn vị đăng kiểm xe cơ giới phù hợp với tốc độ tăng trưởng xe cơ giới và sự phát triển mạng lưới giao thông đường bộ.

2. Tổ chức chỉ đạo và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ đối với các đơn vị đăng kiểm trong cả nước.

3. Thực hiện việc kiểm tra, đánh giá điều kiện, tiêu chuẩn và cấp Giấy chứng nhận hoạt động kiểm định xe cơ giới cho các đơn vị đăng kiểm.

4. Đào tạo, bổ nhiệm, miễn nhiệm và quản lý về chuyên môn nghiệp vụ đối với đăng kiểm viên.

5. Hướng dẫn nội dung, quy trình kiểm định.

6. Thống nhất phát hành, quản lý, in ấn các loại ấn chỉ, chứng chỉ kiểm định; quy định các biểu mẫu và chế độ lưu trữ, báo cáo nghiệp vụ trong mạng lưới đăng kiểm xe cơ giới. Hướng dẫn cụ thể trình tự, thủ tục việc cấp phát, sử dụng và thu hồi ấn chỉ, chứng chỉ kiểm định.

7. Hướng dẫn cụ thể việc cấp, sửa đổi, bổ sung nội dung trong Sổ kiểm định.

8. Quy định thống nhất các phần mềm sử dụng, nối mạng truyền số liệu trong công tác đăng kiểm xe cơ giới.

9. Quy định thống nhất về kiểu loại, các chế độ sửa chữa, bảo dưỡng kỹ thuật định kỳ nhằm đảm bảo chất lượng hoạt động của các thiết bị kiểm định trang bị trong các đơn vị đăng kiểm.

10. Thực hiện kiểm tra, giám sát thường xuyên, định kỳ và đột xuất hoạt động kiểm định của các đơn vị đăng kiểm. Xử lý sai phạm của cá nhân và đơn vị đăng kiểm xe cơ giới theo quy định.

11. Định kỳ hàng năm báo cáo Bộ Giao thông vận tải kết quả thực hiện công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Điều 17. Sở Giao thông vận tải

1. Phối hợp với Cục Đăng kiểm Việt Nam chỉ đạo, kiểm tra, giám sát hoạt động và xử lý sai phạm của các cá nhân, đơn vị đăng kiểm xe cơ giới trực thuộc Sở.

2. Đề nghị Uỷ ban nhân dân cấp Tỉnh bổ nhiệm hoặc bổ nhiệm theo uỷ quyền giám đốc, phó giám đốc các đơn vị đăng kiểm trực thuộc Sở theo quy định tại Thông tư số 11/2009/TT-BGTVT ngày 24 tháng 6 năm 2009 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện đối với Trung tâm đăng kiểm phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.

Điều 18. Đơn vị đăng kiểm xe cơ giới              

1. Thực hiện việc kiểm định và cấp Giấy chứng nhận cho xe cơ giới tham gia giao thông đường bộ theo quy định. Người đứng đầu đơn vị đăng kiểm và đăng kiểm viên trực tiếp thực hiện kiểm định phải chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định.

2. Kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa để duy trì độ chính xác, tình trạng hoạt động của thiết bị, dụng cụ kiểm định theo quy định. Báo cáo Cục Đăng kiểm Việt Nam và Sở Giao thông vận tải địa phương khi dây chuyền kiểm định ngừng hoạt động.

3. Thực hiện chế độ lưu trữ, báo cáo theo quy định.

4. Chấp hành và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động kiểm định của cơ quan chức năng.

5. Công khai nội dung, quy trình, tiêu chuẩn, quy định, phí, lệ phí và thời gian làm việc.


Chương VI

HIỆU LỰC THI HÀNH VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành và thay thế các Quyết định số 4105/2001/QĐ-BGTVT ngày 04 tháng 12 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành “Quy định về việc kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông đường bộ”, Quyết định số 39/2007/QĐ-BGTVT ngày 22 tháng 8 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của “Quy định về việc kiểm tra định kỳ an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ”.

2. Các loại Giấy chứng nhận và Tem kiểm định do các đơn vị đăng kiểm cấp cho xe cơ giới trước ngày Thông tư này có hiệu lực vẫn có giá trị cho đến khi hết thời hạn ghi trên Giấy chứng nhận và Tem kiểm định.

Điều 20. Tổ chức thực hiện

Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng các Vụ, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG

 

Hồ Nghĩa Dũng

 


 

 

 

Tags: , ,

Comments are closed.