Thông tư 03/2010/TT-BLĐTB&XH ngày 19/01/2010

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
——

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————–

Số: 03/2010/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 19 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH DANH MỤC SẢN PHẨM HÀNG HÓA NHÓM 2 VÀ HƯỚNG DẪN TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ NỘI DUNG KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA TRONG SẢN XUẤT

Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội;
Sau khi có ý kiến của Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 và hướng dẫn trình tự, thủ tục và nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, như sau:

MỤC I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Ban hành Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định tại điểm e, khoản 2 Điều 32 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP, bao gồm: các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, công trình vui chơi công cộng và các loại phương tiện bảo vệ cá nhân có khả năng gây mất an toàn trong quá trình sử dụng. Sau đây gọi tắt là Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (Phụ lục I kèm theo Thông tư này).

2. Hướng dẫn về nội dung, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 trong quá trình sản xuất.

3. Quy định trách nhiệm của các bên liên quan trong việc kiểm tra nhà nước về chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 trong sản xuất.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 quy định tại Phụ lục I của Thông tư này.

2. Các cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa và các cơ quan, tổ chức khác có liên quan.

3. Các tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định kiểm tra, kiểm định, thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 (sau đây gọi tắt là tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định).

MỤC II. CĂN CỨ, PHƯƠNG THỨC VÀ CÁCH THỨC KIỂM TRA NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG

Điều 3. Căn cứ kiểm tra

1. Căn cứ để kiểm tra chất lượng các sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 trong sản xuất là các quy chuẩn đánh giá sự phù hợp tương ứng, tiêu chuẩn công bố áp dụng, các quy định của pháp luật liên quan đến các yêu cầu về đảm bảo chất lượng, an toàn, vệ sinh, sức khỏe con người, môi trường tương ứng với từng loại sản phẩm, hàng hóa (theo Phụ lục XII).

2. Khi các sản phẩm, hàng hóa chưa có quy chuẩn đánh giá sự phù hợp tương ứng, thì căn cứ kiểm tra là các tiêu chuẩn quốc gia và quy định kỹ thuật đánh giá sự phù hợp thay thế được quy định tại Phụ lục XII của Thông tư này.

Điều 4. Điều kiện để đảm bảo chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 trước khi đưa ra thị trường

1. Các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 phải được chứng nhận hợp quy theo quy định tại các quy chuẩn đánh giá sự phù hợp tương ứng.

2. Đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 chưa có quy chuẩn đánh giá sự phù hợp quốc gia tương ứng thì phải được chứng nhận hợp chuẩn theo các tiêu chuẩn quốc gia tương ứng được quy định tại Phụ lục XII ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Đối với các sản phẩm, hàng hóa thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 chưa có quy chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc gia tương ứng, trước khi đưa ra thị trường và đưa vào sử dụng phải có chứng nhận kết quả kiểm định, thử nghiệm đạt yêu cầu so với một tiêu chuẩn tương ứng của quốc tế, nước ngoài hoặc của nhà sản xuất và được sự chấp thuận của cơ quan kiểm tra.

4. Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động và các công trình vui chơi công cộng thuộc Danh mục sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 được chứng nhận hợp quy khi xuất xưởng phải được kiểm định đánh giá sự phù hợp an toàn đạt yêu cầu mới được đưa vào sử dụng.

Điều 5. Phương thức kiểm tra nhà nước chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2

Phương thức kiểm tra nhà nước chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 trong sản xuất, kinh doanh như sau:

1. Kiểm tra theo kế hoạch hằng năm đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

1.1. Căn cứ để xây dựng kế hoạch hằng năm.

a) Thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa xuất khẩu không đảm bảo chất lượng so với các điều kiện quy định tại Điều 32 của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

b) Thông tin về chất lượng sản phẩm, hàng hóa không đảm bảo chất lượng trong lưu thông trên thị trường và trong quá trình sử dụng;

1.2. Nội dung kế hoạch kiểm tra phải thể hiện được các nội dung chủ yếu như sau:

a) Đối tượng sản phẩm, hàng hóa kiểm tra;

b) Địa bàn kiểm tra;

c) Thời gian kiểm tra (theo tháng);

d) Kinh phí tổ chức thực hiện kiểm tra;

e) Tổ chức thực hiện.

2. Kiểm tra đột xuất về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

Căn cứ để kiểm tra đột xuất về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh như sau:

a) Theo yêu cầu của cơ quan thanh tra lao động và cơ quan quản lý chất lượng.

b) Khiếu nại, tố cáo về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

c) Thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng về sản phẩm, hàng hóa không bảo đảm chất lượng.

d) Thông tin cảnh báo trong nước, ngoài nước, khu vực, quốc tế về chất lượng hàng hóa.

Điều 6. Cách thức kiểm tra

1. Đối với sản phẩm, hàng hóa là các máy, thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động, công trình vui chơi công cộng, cách thức kiểm tra gồm: kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất và chỉ định tổ chức đánh giá sự phù hợp tiến hành kiểm định đánh giá sự phù hợp về an toàn đối với loại sản phẩm, hàng hóa có nghi ngờ về chất lượng, an toàn.

2. Đối với các sản phẩm, hàng hóa là phương tiện bảo vệ cá nhân: kiểm tra hệ thống quản lý chất lượng trong sản xuất và lấy mẫu hàng hóa để thử nghiệm chất lượng đối với loại sản phẩm, hàng hóa có nghi ngờ về chất lượng, an toàn.

Điều 7. Mẫu để thử nghiệm phục vụ kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa

1. Mẫu hàng hóa được lấy ngẫu nhiên tại các đơn vị sản xuất hoặc mua ngẫu nhiên trên thị trường để thử nghiệm tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định phục vụ việc theo dõi tình hình chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất.

2. Trình tự, thủ tục lấy mẫu thử nghiệm được quy định cụ thể như sau:

a) Căn cứ tiêu chuẩn về phương pháp thử hoặc quy chuẩn đánh giá sự phù hợp đối với hàng hóa, đoàn kiểm tra lấy mẫu sản phẩm, hàng hóa theo phương pháp lấy mẫu ngẫu nhiên, số lượng sao cho đủ để thử nghiệm các chỉ tiêu cần kiểm tra;

b) Mẫu sản phẩm, hàng hóa sau khi lấy phải được niêm phong có chữ ký của người lấy mẫu, đại diện cơ sở được lấy mẫu;

c) Lập biên bản lấy mẫu sản phẩm, hàng hóa theo mẫu quy định tại Phụ lục IV ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp đại diện cơ sở được lấy mẫu không ký biên bản thì biên bản có chữ ký của người lấy mẫu và trưởng đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý;

d) Mẫu sản phẩm, hàng hóa phải được gửi đến tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định để kiểm định, thử nghiệm.

Kết quả kiểm định, thử nghiệm của tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý tiếp trong quá trình kiểm tra.

3. Chi phí lấy mẫu sản phẩm, hàng hóa và thử nghiệm theo quy định tại Điều 41 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

MỤC III. NỘI DUNG, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VÀ XỬ LÝ KẾT QUẢ KIỂM TRA

Điều 8. Nội dung kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất

1. Kiểm tra việc thực hiện các yêu cầu quy định trong quy chuẩn kỹ thuật tương ứng liên quan đến điều kiện của quá trình sản xuất và các biện pháp quản lý chất lượng trong quá trình sản xuất các sản phẩm, hàng hóa;

2. Kiểm tra việc thể hiện tiêu chuẩn công bố áp dụng; việc thể hiện và kết quả đánh giá sự phù hợp, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy;

3. Kiểm tra kết quả kiểm định, thử nghiệm;

4. Kiểm tra nội dung và việc thể hiện thông tin cảnh báo về khả năng gây mất an toàn của sản phẩm, hàng hóa;

5. Kiểm tra sự phù hợp của sản phẩm, hàng hóa với tài liệu kèm theo;

6. Kiểm định, thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hóa được lấy theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Mục II của Thông tư này tại tổ chức đánh giá sự phù hợp được chỉ định.

Điều 9. Trình tự và thủ tục kiểm tra

Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra theo trình tự, thủ tục sau đây:

1. Công bố quyết định kiểm tra trước khi kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Tiến hành kiểm tra theo nội dung quy định tại Điều 8 Mục này;

3. Lập biên bản kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục III ban hành kèm theo Thông tư này. Biên bản lập xong phải có chữ ký của đại diện cơ sở được kiểm tra, đoàn kiểm tra. Trường hợp đại diện cơ sở được kiểm tra không ký biên bản thì biên bản có chữ ký của trưởng đoàn kiểm tra và các thành viên đoàn kiểm tra vẫn có giá trị pháp lý.

Trong trường hợp cần lấy mẫu hàng hóa, đoàn kiểm tra lấy mẫu theo quy định tại Điều 7 Mục II Thông tư này;

4. Báo cáo cơ quan kiểm tra về kết quả kiểm tra và kiến nghị về việc thông báo kết quả thử nghiệm mẫu hàng hóa không bảo đảm chất lượng cho tổ chức, cá nhân có hàng hóa được kiểm tra trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được kết quả thử nghiệm mẫu theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

5. Xử lý kết quả kiểm tra theo quy định tại các Điều 10, 11 Mục này.

Điều 10. Biện pháp xử lý trong trường hợp sản phẩm, hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, áp dụng các quy chuẩn đánh giá sự phù hợp tương ứng liên quan đến quá trình sản xuất

1. Đoàn kiểm tra chất lượng khi thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất nếu phát hiện sản phẩm, hàng hóa không đáp ứng yêu cầu về chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, áp dụng các quy chuẩn đánh giá sự phù hợp tương ứng liên quan đến quá trình sản xuất thì xử lý theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cụ thể như sau:

a) Đoàn kiểm tra chất lượng lập biên bản, yêu cầu đơn vị tạm dừng việc sản xuất sản phẩm, hàng hóa. Trong thời hạn không quá 24 giờ phải báo cáo với cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa để cơ quan kiểm tra ra thông báo tạm dừng sản xuất sản phẩm, hàng hóa theo mẫu quy định tại Phụ lục X ban hành kèm theo Thông tư này và xử lý theo thẩm quyền;

b) Khi đơn vị sản xuất đã khắc phục đạt yêu cầu và báo cáo bằng văn bản cho cơ quan kiểm tra thì cơ quan kiểm tra ra thông báo để cơ sở được tiếp tục sản xuất theo mẫu quy định tại Phụ lục IX ban hành kèm theo Thông tư này.

c) Trường hợp sản phẩm, hàng hóa có nguy cơ gây mất an toàn cho người sử dụng hoặc người sản xuất vẫn tiếp tục vi phạm, không chấp hành các yêu cầu của cơ quan kiểm tra thì trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày có kết luận về vi phạm của người sản xuất, cơ quan kiểm tra tiến hành xử lý theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp Đoàn kiểm tra có thành viên là Thanh tra viên thì thanh tra viên được xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Biện pháp xử lý trong trường hợp hàng hóa có kết quả kiểm định, thử nghiệm mẫu không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng hoặc quy chuẩn đánh giá sự phù hợp tương ứng.

Cơ quan kiểm tra xử lý theo quy định tại các khoản 2, 3 Điều 40 Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa, cụ thể như sau:

1. Đoàn kiểm tra phải báo cáo với cơ quan kiểm tra về kết quả thử nghiệm mẫu để cơ quan kiểm tra thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng cho cơ sở sản xuất, người bán hàng và người sử dụng theo mẫu quy định tại Phụ lục V ban hành kèm theo Thông tư này;

2. Yêu cầu người sản xuất, kinh doanh cung cấp thông tin liên quan đối với sản phẩm, hàng hóa cùng loại như số lượng hàng hóa còn tồn, đã xuất xưởng và liên hệ với người bán hàng, sử dụng biết để khắc phục, xử lý, sửa chữa và thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật;

3. Thông báo tạm dừng sản xuất, lưu thông và sử dụng đối với loại sản phẩm, hàng hóa vi phạm về chất lượng, niêm phong hàng hóa còn tồn ở cơ sở đã kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục VII, Phụ lục VIII ban hành kèm theo Thông tư này;

4. Trường hợp không nhất trí với kết quả thử nghiệm mẫu của tổ chức đánh giá sự phù hợp do cơ quan kiểm tra chỉ định, thì trong thời gian 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo kết quả thử nghiệm mẫu không đạt yêu cầu chất lượng, người sản xuất có thể đề nghị chỉ định một tổ chức đánh giá sự phù hợp đủ điều kiện thực hiện đánh giá chất lượng đối với sản phẩm, hàng hóa còn tồn đó. Kết quả đánh giá sự phù hợp này là căn cứ để cơ quan kiểm tra xử lý, kết luận cuối cùng. Chi phí đánh giá sự phù hợp do người sản xuất chi trả.

Trường hợp kết quả đánh giá sự phù hợp của tổ chức đánh giá sự phù hợp được cơ quan kiểm tra chỉ định có vi phạm mà gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa thì tổ chức đánh giá sự phù hợp phải bồi thường theo quy định của pháp luật;

5. Trường hợp sản phẩm, hàng hóa có đầy đủ bằng chứng không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn đánh giá sự phù hợp tương ứng hoặc người sản xuất không thực hiện các yêu cầu trong thông báo tạm dừng sản xuất thì cơ quan kiểm tra kiến nghị cơ quan Thanh tra chuyên ngành xử lý theo quy định của pháp luật;

6. Cơ quan kiểm tra chỉ thông báo để cơ sở được tiếp tục sản xuất khi cơ sở đã khắc phục đạt yêu cầu và báo cáo bằng văn bản cho Cơ quan kiểm tra;

7. Sau khi phát hiện sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất không phù hợp với tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn đánh giá sự phù hợp tương ứng thì Đoàn kiểm tra có trách nhiệm thông báo cho cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong lưu thông và trong sử dụng tương ứng để xem xét việc tiến hành kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên thị trường và tại cơ sở sử dụng theo nội dung quy định tại Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

MỤC IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng

1. Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 ở Trung ương là Cục An toàn lao động;

2. Cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhóm 2 ở địa phương là các Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan kiểm tra trong việc xây dựng kế hoạch kiểm tra

1. Căn cứ các quy định tại Thông tư này, cơ quan kiểm tra nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa có trách nhiệm xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa hằng năm trình cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt;

2. Hàng năm, cơ quan kiểm tra phải hoàn thành việc xây dựng kế hoạch kiểm tra chất lượng hàng hóa trong sản xuất của năm sau theo hướng dẫn của Bộ Khoa học và Công nghệ;

3. Kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa của các cơ quan kiểm tra ở địa phương, sau khi được phê duyệt phải được báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục An toàn lao động);

4. Cục An toàn lao động có trách nhiệm tổng hợp các kế hoạch kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa và báo cáo Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng) theo quy định.

Điều 14. Báo cáo tình hình, kết quả kiểm tra

1. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm tổng hợp báo cáo tình hình và kết quả kiểm tra định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 7), hằng năm (trước ngày 20 tháng 1 năm sau), đột xuất theo yêu cầu hoặc khi kiểm tra đột xuất. Nội dung báo cáo theo mẫu quy định tại Phụ lục VI ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Cục An toàn lao động tổng hợp tình hình kết quả kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa trong sản xuất, kinh doanh và báo cáo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Bộ Khoa học và Công nghệ (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng)

MỤC V. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 3 năm 2010.

Điều 16. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

2. Cục An toàn lao động chịu trách nhiệm đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này.

3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để nghiên cứu, giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
– Văn phòng Quốc hội; Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Trung ương Đảng;
– Các Bộ, các cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Công báo; Website Chính phủ;
– Bộ LĐTBXH: BT, các TT, các đơn vị trực thuộc;
– Lưu VT, Cục ATLĐ (07).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Bùi Hồng Lĩnh  

Tags: , ,

Comments are closed.