Quyết định số 636/CT-TTg ngày 20/05/2009

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
______

Số: 636/CT-TTg

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
__________

Hà Nội, ngày 20 tháng 5 năm 2009

 

CHỈ THỊ

Về triển khai thực hiện Luật Ban hành văn bản

quy phạm pháp luật và các biện pháp thi hành Luật

_____________

 

Trong những năm qua, công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ đã góp phần tích cực trong công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tuy nhiên, công tác xây dựng pháp luật của một số Bộ, ngành vẫn còn nhiều yếu kém: việc xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh chưa thật sự có hiệu quả; quá trình soạn thảo luật, pháp lệnh thiếu sự định hướng về chính sách, dẫn đến lúng túng và gây lãng phí các nguồn lực; trách nhiệm của các Bộ, ngành chủ trì và tham gia soạn thảo chưa cao; chất lượng một số dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ (sau đây gọi là dự án, dự thảo) chưa bảo đảm, còn thiếu tính khả thi, chậm đi vào cuộc sống; quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật chưa thực sự thu hút sự tham gia của nhân dân.

Khắc phục những bất cập nêu trên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội thông qua ngày 03 tháng 6 năm 2008, Nghị định số 24/2009/NĐ-CP ngày 05 tháng 3 năm 2009 Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sau đây gọi là Nghị định quy định biện pháp thi hành Luật) đã đổi mới một bước quy trình lập pháp, lập quy nhằm nâng cao chất lượng của văn bản quy phạm pháp luật.

Để thực hiện các mục tiêu đổi mới và yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị định quy định biện pháp thi hành Luật, Thủ tướng Chính phủ chỉ thị:

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ có trách nhiệm:

a) Tổ chức tốt việc quán triệt tinh thần và nội dung các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị định quy định biện pháp thi hành Luật bằng các hình thức, biện pháp phù hợp đối với cán bộ, công chức trong Bộ, ngành;

b) Xác định công tác lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và xây dựng pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu trong chương trình công tác của Bộ, ngành mình, từ đó, tập trung thích đáng các nguồn lực để nâng cao chất lượng đề xuất xây dựng dự án, dự thảo; chất lượng soạn thảo, ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Kiên quyết đưa ra khỏi chương trình những dự án, dự thảo chưa cần thiết hoặc không bảo đảm chất lượng; mặt khác, cần bổ sung kịp thời vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật những dự án, dự thảo đáp ứng yêu cầu bức xúc của xã hội;

c) Trực tiếp chỉ đạo công tác soạn thảo văn bản và chịu trách nhiệm về chất lượng và thời gian trình các dự án, dự thảo. Các dự án, dự thảo phải thể hiện rõ và nhất quán tư tưởng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Nếu có ý kiến khác nhau hoặc khó khăn, vướng mắc trong quá trình soạn thảo, phải kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng; soạn thảo, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hoặc ban hành theo thẩm quyền kịp thời các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh; chịu trách nhiệm ký ban hành các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của mình, việc ủy quyền ký chỉ thực hiện trong trường hợp vắng mặt;

d) Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành đánh giá tác động của luật, pháp lệnh, nghị định sau khi văn bản có hiệu lực và đối chiếu với kết quả đánh giá tác động trong từng giai đoạn soạn thảo để xác định tính hợp lý, tính khả thi của các quy định để kịp thời kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền giải pháp nâng cao hiệu quả của văn bản hoặc hoàn thiện văn bản trong trường hợp cần thiết.

Khi đề nghị xây dựng, soạn thảo, ban hành dự án, dự thảo, cần quan tâm áp dụng có hiệu quả kỹ thuật dùng “một văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ nội dung nhiều văn bản” nhằm tiết kiệm các nguồn lực và bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật;

đ) Tổ chức lập chuyên mục lấy ý kiến trên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình để tiếp nhận ý kiến đóng góp của cơ quan, tổ chức, cá nhân về sáng kiến pháp luật, về dự án, dự thảo. Tổ chức lấy ý kiến cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học và các đối tượng chịu sự điều chỉnh trực tiếp của dự án, dự thảo dưới các hình thức phù hợp, nhất là đối với những dự án, dự thảo liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của công dân và doanh nghiệp; ý kiến của các Bộ, ngành liên quan, đặc biệt là Bộ Tài chính về nguồn tài chính dự kiến, Bộ Nội vụ về nguồn nhân lực dự kiến;

e) Bảo đảm các điều kiện cần thiết cho công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật trong Bộ, ngành mình; trang bị các phương tiện kỹ thuật, công nghệ thông tin để đáp ứng kịp thời và hiệu quả các yêu cầu tiếp cận, nghiên cứu và xử lý thông tin nhằm phục vụ tốt công tác xây dựng, thẩm định, thẩm tra, rà soát, hệ thống hóa, pháp điển và kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, ngành mình;

g) Kiện toàn tổ chức pháp chế và đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác xây dựng pháp luật theo hướng chuyên nghiệp, đủ về biên chế và bảo đảm chất lượng cao. Căn cứ vào điều kiện thực tế của cơ quan mình, ít nhất mỗi năm một lần tổ chức bồi dưỡng, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết cho đội ngũ cán bộ, công chức tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật. Ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực phân tích chính sách, đánh giá tác động của dự án, dự thảo, kỹ năng soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế của Bộ, ngành;

h) Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ, ngành tổ chức việc rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật, để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ các văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành; đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ việc thi hành, sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ, hủy bỏ các văn bản, quy định trái pháp luật hoặc không còn hiệu lực thi hành.

Lập và gửi đăng Công báo danh mục các văn bản quy phạm pháp luật và quy định đã hết hiệu lực thi hành.

2. Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Xây dựng hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản sau đây:

– Trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 135/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 về kiểm tra, xử lý văn bản quy phạm pháp luật (quý III năm 2009);

– Quy chế thẩm định dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật (quý III năm 2009);

– Hướng dẫn về quy trình, phương pháp đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật (quý III năm 2009);

– Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn thể thức, kỹ thuật trình bày văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ và văn bản quy phạm pháp luật liên tịch (quý III năm 2009);

– Hướng dẫn nghiệp vụ lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, kỹ thuật soạn thảo, thẩm định, rà soát, hệ thống hóa, kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật và đánh giá việc thi hành văn bản.

b) Đôn đốc, kiểm tra cơ quan chủ trì soạn thảo để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án luật, pháp lệnh;

c) Thẩm định dự án, dự thảo văn bản đúng thời hạn và bảo đảm chất lượng;

d) Đề xuất việc tổ chức các phiên họp chuyên đề của Chính phủ để tập trung thảo luận một số dự án, dự thảo khi trình Chính phủ dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm;

đ) Chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài chính và Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng dẫn định mức chi cho hoạt động lập dự kiến chương trình, soạn thảo, hoàn thiện hệ thống pháp luật, hoạt động theo dõi chung về thi hành pháp luật được quy định tại Nghị định quy định biện pháp thi hành Luật (quý III năm 2009);

e) Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ lập kế hoạch của Chính phủ về việc thực hiện chương trình xây dựng luật; pháp lệnh; dự kiến cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan phối hợp soạn thảo và thời hạn trình dự án luật, pháp lệnh và theo dõi việc thực hiện chương trình;

g) Thành lập Tổ Công tác hỗ trợ, tăng cường năng lực cho các Bộ, ngành trong việc đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật; hướng dẫn các Bộ, ngành tuân thủ quy trình, phương pháp đánh giá tác động của văn bản quy phạm pháp luật, bảo đảm chất lượng của các báo cáo đánh giá tác động. Thành phần Tổ công tác do một lãnh đạo Bộ Tư pháp làm Tổ trưởng và các thành viên gồm đại diện Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan, tổ chức liên quan.

3. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ, ngành liên quan trong việc lập chương trình xây dựng nghị định; phối hợp với Bộ Tư pháp thường xuyên theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tiến độ, những khó khăn, vướng mắc trong việc xây dựng và thực hiện chương trình xây dựng Nghị định của Chính phủ;

b) Tăng cường công tác thẩm tra việc tuân thủ quy trình soạn thảo và hồ sơ dự án, dự thảo trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; không sắp xếp đưa vào chương trình làm việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đối với dự án, dự thảo không tuân thủ trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật hoặc chưa bảo đảm chất lượng;

c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tập trung giải quyết những vấn đề còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, ngành thuộc nội dung của dự án, dự thảo trước khi trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ;

d) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 104/2004/NĐ-CP ngày 23 tháng 3 năm 2004 của Chính phủ về Công báo nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (tháng 8 năm 2009) và Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 179/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với các quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật;

đ) Kiến nghị hình thức xử lý trách nhiệm đối với các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ trong trường hợp không bảo đảm quy trình, tiến độ và chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tham gia ý kiến về nguồn nhân lực đối với đề xuất xây dựng văn bản quy phạm pháp luật; đối với dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật theo quy định của pháp luật;

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành bố trí đủ nguồn nhân lực có chất lượng nhằm bảo đảm thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, đánh giá và theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

5. Bộ trưởng Bộ Tài chính có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ lập dự toán kinh phí theo hướng tăng cường kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật cho năm 2009 và những năm tiếp theo, bảo đảm nguồn kinh phí xây dựng pháp luật phù hợp với tầm quan trọng của từng loại văn bản quy phạm pháp luật;

b) Phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ hướng dẫn về kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

c) Kịp thời cấp đầy đủ kinh phí xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật;

d) Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tham gia ý kiến về nguồn tài chính, nhằm bảo đảm thực hiện công tác xây dựng, thẩm định, thẩm tra, kiểm tra, đánh giá và theo dõi việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật.

6. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có trách nhiệm:

Chỉ đạo các đơn vị thuộc Bộ tham gia ý kiến về sự tương thích của dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với Điều ước quốc tế liên quan mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên theo quy định của pháp luật.

7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Thủ trưởng các cơ quan liên quan có trách nhiệm thực hiện Chỉ thị này. Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện Chỉ thị này, kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

 

 

Nơi nhận:
Ban Bí thư Trung ương Đảng;
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
– Văn phòng Quốc hội;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
– Lưu Văn thư, PL (5b).

THỦ TƯỚNG

(Đã ký)

Nguyễn Tấn Dũng

 

Tags: , , , , ,

Comments are closed.