Quyết định số 51/2009/QĐ-TTg ngày 08/04/2009

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

__________

Số:  51/2009/QĐ-TTg

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

______________________________________

Hà Nội, ngày  08  tháng 4  năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức

của Phái đoàn đại diện thường trực

nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam

bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới

và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ

__________

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài ngày 02 tháng 12 năm 1993;

Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 183-CP ngày 18 tháng 11 năm 1994 quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh về Cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài;

Căn cứ Nghị định số 15/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Ngoại giao;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

 

QUYẾT ĐỊNH

 

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Phái đoàn đại diện thường trực nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, Thụy Sỹ (sau đây gọi tắt là Phái đoàn) là cơ quan đại diện chính thức của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong quan hệ với Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan mà Việt Nam tham gia.

2. Tên giao dịch tiếng Anh của Phái đoàn là Permanent Mission of the Socialist Republic of Viet Nam to the United Nations, the World Trade Organization and other International Organizations at Geneva (gọi tắt là Vietnam Mission to the UN and the WTO at Geneva).

3. Phái đoàn có trụ sở riêng tại Giơ-ne-vơ; có tài khoản và con dấu mang hình Quốc huy. Phái đoàn hoạt động trên cơ sở kinh phí chung được cấp từ ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

1. Đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.

2. Bảo vệ quyền và lợi ích của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.

3. Thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ, cũng như với các nước thành viên của các tổ chức quốc tế đó; tranh thủ sự trợ giúp và hợp tác kỹ thuật của các tổ chức quốc tế đối với sự nghiệp phát triển đất nước.

4. Thực hiện các nhiệm vụ lãnh sự nhằm bảo hộ quyền và lợi ích Nhà nước, pháp nhân và công dân Việt Nam phù hợp với các quy định của pháp luật Việt Nam và nước sở tại.

5. Tham gia ký kết, gia nhập các điều ước quốc tế theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện quản lý nhà nước đối với các hoạt động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ.

7. Tổ chức thực hiện công tác cải cách hành chính theo chương trình, kế hoạch và hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao; thực hiện việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm theo quy định của pháp luật.

8. Thực hiện các quy định của Nhà nước và của Bộ Ngoại giao về công tác hành chính, kế toán, tài chính, văn thư, lưu trữ, bảo vệ bí mật Nhà nước, bảo đảm an toàn cơ quan và kỷ luật lao động.

9. Quản lý, sử dụng và bảo vệ tài sản, cơ sở vật chất của Phái đoàn và sử dụng kinh phí do ngân sách nhà nước cấp một cách tiết kiệm, hiệu quả theo quy định của pháp luật. 

10. Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo sự chỉ đạo, phân công hoặc ủy quyền của Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và theo quy định của pháp luật; thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương về các nhiệm vụ liên quan đến WTO.  

Điều 3. Cơ cấu tổ chức và biên chế

1. Phòng Liên hợp quốc và các Tổ chức quốc tế khác, gọi tắt là Phòng Liên hợp quốc, tên giao dịch tiếng Anh là UN and International Organizations Affairs Office (gọi tắt là UN Affairs Office).

Phòng Liên hợp quốc có trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến hoạt động của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại các Tổ chức của Liên hợp quốc đặt tại Giơ-ne-vơ, trong đó có Hội đồng Nhân quyền, Hội nghị Giải trừ Quân bị và các vấn đề kinh tế chính trị đối ngoại, hợp tác quốc tế đa phương và chuyên môn khác theo phân công của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn, phù hợp với các quy định hiện hành.

2. Phòng WTO và các vấn đề hợp tác thương mại đa phương, gọi tắt là Phòng WTO, tên giao dịch tiếng Anh là WTO and Multilateral Trade Affairs Office (gọi tắt là WTO Affairs Office).

Phòng WTO chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề liên quan đến sự tham gia của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại WTO và các vấn đề hợp tác kinh tế – thương mại đa phương cũng như một số công việc khác theo sự phân công của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn.

Phòng WTO là đầu mối tiếp nhận và xử lý các văn thư tài liệu liên quan đến các vấn đề WTO và kinh tế – thương mại đa phương khác theo phân công của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn, trên cơ sở bảo đảm tuân thủ các quy định hành chính và văn thư lưu trữ; được sử dụng con dấu của Phái đoàn cho các văn bản giao dịch liên quan đến WTO và các vấn đề kinh tế – thương mại đa phương và có nhiệm vụ báo cáo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn khi được yêu cầu.  

3. Văn phòng Phái đoàn, tên giao dịch tiếng Anh là The Chancery; phụ trách công tác hành chính, văn thư, quản trị, tài vụ, cộng đồng, lãnh sự, lễ tân, và một số vấn đề đối nội, đối ngoại và chuyên môn khác do Đại sứ, Trưởng Phái đoàn phân công. 

4. Biên chế cán bộ, công chức, viên chức của Phái đoàn do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Biên chế của Phòng WTO do Bộ Công Thương đề xuất và thống nhất với Bộ Ngoại giao, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong biên chế chung của Phái đoàn, gồm công chức của các Bộ, cơ quan liên quan do Thủ tướng Chính phủ quy định.

Căn cứ vào tính chất công việc của từng thời điểm và trong trường hợp cần thiết, Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đề nghị Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan trình Thủ tướng Chính phủ quyết định điều chỉnh biên chế phù hợp.

Điều 4. Lãnh đạo Phái đoàn

1. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn là đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam trong quan hệ với Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ; Phái đoàn hoạt động theo chế độ thủ trưởng, trên nguyên tắc tập trung, dân chủ. 

2. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn do Chủ tịch nước bổ nhiệm, là người đứng đầu, trực tiếp chỉ đạo, điều hành và quản lý toàn diện đối với mọi hoạt động của Phái đoàn; được cử và triệu hồi theo quy định của pháp luật. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn là Ủy viên ngoài nước của Ủy ban Quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế.

3. Các Phó Trưởng Phái đoàn do Bộ trưởng Bộ Ngoại giao bổ nhiệm chức vụ ngoại giao phù hợp theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm giúp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn chỉ đạo về chuyên môn và quản lý hành chính các đơn vị trực thuộc nêu tại các điểm 1, 2, 3 Điều 3 của Quyết định này và các công việc khác theo sự phân công của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn. Phó Trưởng Phái đoàn phụ trách Phòng WTO được bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công Thương.

4. Trong trường hợp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn bị khuyết, tạm thời vắng mặt hoặc vì lý do khác không thực hiện được nhiệm vụ của mình thì viên chức ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao của Phái đoàn có chức vụ kế tiếp được cử tạm thời giữ chức Quyền Trưởng Phái đoàn thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn.

Điều 5. Nhiệm vụ và quyền hạn của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn đại diện; Phó Trưởng Phái đoàn đại diện và các thành viên

1. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn có nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện các hoạt động đại diện của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ phù hợp với các thỏa thuận của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các tổ chức quốc tế đó theo đúng đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước ta trong quan hệ với các tổ chức quốc tế liên quan;

b) Chỉ đạo, quản lý và tổ chức thực hiện và chịu trách nhiệm về các mặt công tác của Phái đoàn; ban hành Quy định về lề lối làm việc và phối hợp công tác và các quy định nội bộ khác nhằm bảo đảm hoạt động hiệu quả của Phái đoàn theo quy định của pháp luật;

c) Chỉ đạo chương trình, kế hoạch công tác của Phái đoàn; phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan chỉ đạo về chuyên môn hoạt động của các bộ phận nghiệp vụ liên quan;

d) Chỉ đạo cán bộ, công chức, viên chức của Phái đoàn thực hiện nghiêm chỉnh đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước và quản lý kỷ luật lao động của cán bộ, công chức, viên chức của Phái đoàn nhằm tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, công chức, viên chức thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, phù hợp với chỉ đạo chuyên môn của cơ quan chủ quản, Đoàn đàm phán Chính phủ và các cơ quan hữu quan;

đ) Quản lý cơ sở vật chất và toàn bộ ngân sách liên quan đến duy trì hoạt động của Phái đoàn và các khoản ngân sách khác theo quy định của pháp luật;

e) Kịp thời báo cáo Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong nước những chủ trương, quyết sách có ý nghĩa chiến lược của Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ có ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, kinh tế, thương mại và các vấn đề khác của Việt Nam;

g) Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao tình hình tổ chức và hoạt động của Phái đoàn; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và các cơ quan hữu quan trong nước về định hướng hoạt động và hoàn thiện tổ chức bộ máy, biên chế và chế độ chính sách đối với cán bộ, viên chức công tác tại Phái đoàn.

2. Các Phó trưởng Phái đoàn có nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Thực hiện và chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được Đại sứ, Trưởng Phái đoàn phân công phụ trách;

b) Tổ chức điều hành và chịu trách nhiệm trước Đại sứ, Trưởng Phái đoàn về các hoạt động của đơn vị được giao và phân công phụ trách;

c) Thường xuyên báo cáo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn về việc thực hiện công tác được phân công phụ trách;

d) Phó Trưởng Phái đoàn phụ trách Phòng WTO, đồng thời là Phó Đại diện thường trực của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại WTO chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức và điều hành các hoạt động của Phòng theo chỉ đạo chung của Đại sứ; có trách nhiệm báo cáo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn về việc thực hiện công tác thường xuyên của Phòng.

Phó Trưởng Phái đoàn phụ trách Phòng WTO theo ủy quyền của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn, được phép ký, gửi trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Công Thương và Trưởng Đoàn đàm phán Chính phủ về kinh tế và thương mại quốc tế các công điện giao dịch liên quan đến WTO; báo cáo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn và chịu trách nhiệm về nội dung các văn bản giao dịch theo quy định hiện hành.

Phó Trưởng Phái đoàn phụ trách Phòng WTO có trách nhiệm lập dự trù kinh phí hàng năm dành cho các hoạt động liên quan trình Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thông qua để tổng hợp cùng dự trù ngân sách chung của Phái đoàn và chịu trách nhiệm tổ chức sử dụng phần ngân sách được phê duyệt theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp cần có điều chỉnh, Phó Trưởng Phái đoàn phụ trách Phòng WTO báo cáo Đại sứ, Trưởng Phái đoàn quyết định;

3. Các thành viên của Phái đoàn có nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Thực hiện đầy đủ và chịu trách nhiệm về các nhiệm vụ được Đại sứ, Trưởng Phái đoàn phân công;

b) Tích cực góp phần tăng cường quan hệ hợp tác giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các tổ chức của Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ;

c) Tuân thủ pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Hiến chương và các điều lệ của Tổ chức Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ; tôn trọng và thực hiện pháp luật và tập quán quốc tế, pháp luật của nước sở tại.

Điều 6. Khen thưởng và kỷ luật

1. Các hình thức, chế độ khen thưởng được áp dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước và Bộ Ngoại giao.

2. Những hành vi vi phạm pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Thụy Sỹ; Hiến chương và các Điều lệ của Tổ chức Liên hợp quốc, WTO và các tổ chức quốc tế khác tại Giơ ne vơ và những quy định của Quyết định này, căn cứ vào các mức độ vi phạm, có thể bị xử lý bằng các hình thức kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

3. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công Thương và các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền trong nước quyết định các hình thức kỷ luật đối với cán bộ, viên chức công tác tại Phái đoàn theo đề nghị của Đại sứ, Trưởng Phái đoàn.

4. Đại sứ, Trưởng Phái đoàn có quyền quyết định đưa về nước thành viên Phái đoàn trong trường hợp có hành vi vi phạm các quy định nêu tại Điều này, gây hậu quả nghiêm trọng và kịp thời báo cáo Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thủ trưởng các cơ quan có thẩm quyền trong nước xem xét, giải quyết. Trong trường hợp người vi phạm là Đại sứ, Trưởng Phái đoàn thì Bộ trưởng Bộ Ngoại giao có quyền quyết định đưa về nước và quyết định này phải được báo cáo ngay Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ.

Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 6 năm 2009 và bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh Liên hợp quốc, WTO và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ và các cơ quan, tổ chức liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:

– Ban Bí thư Trung ương Đảng;

– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

– VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

– HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;

– Văn phòng Quốc hội;

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– UB Giám sát tài chính QG;

– Kiểm toán Nhà nước;

– Ngân hàng Chính sách Xã hội;

– Ngân hàng Phát triển Việt Nam;

– Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– Phái đoàn ĐDTTVN bên cạnh LHQ, WTO

  và các Tổ chức quốc tế khác tại Giơ-ne-vơ;

– VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT,

  các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;

– Lưu: Văn thư, QHQT (5b).M

KT. THỦ TƯỚNG

PHÓ THỦ TƯỚNG  

 

(đã ký)

  Phạm Gia Khiêm

 

Tags: , , , , ,

Comments are closed.