Nghị định số 171/1999/NĐ-CP ngày 03-12-1999

QUYẾT ĐỊNH
CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 171/1999/NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 12 NĂM 1999
QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH PHÁP LỆNH BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐỐI VỚI CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG SÔNG

 

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;

Căn cứ Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông ngày 02 tháng 12 năm 1994;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 20 tháng 3 năm 1996;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải,

NGHỊ ĐỊNH:

 

CHƯƠNG I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1.

1. Nghị định này quy định phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường sông, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong việc bảo vệ công trình giao thông đường sông.

2. Công trình giao thông đường sông bao gồm luồng chạy tàu thuyền, âu thuyền, kè, đập, cảng, bến, kho bãi, phao tiêu báo hiệu và các công trình thiết bị phụ trợ khác trên các sông, kênh, rạch, cửa sông, hồ, vịnh, ven bờ biển, đường ra đảo, đường nối liền các đảo thuộc nội thuỷ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trong Nghị định này gọi chung là công trình giao thông đường thuỷ nội địa.

 

Điều 2. Đối tượng áp dụng các quy định của Nghị định này bao gồm các hệ thống công trình giao thông đường thuỷ nội địa Trung ương, địa phương, chuyên dùng, kể cả công trình giao thông đường thuỷ nội địa do các tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài đầu tư xây dựng, tự hoàn vốn trên lãnh thổ Việt Nam để phục vụ giao thông công cộng.

 

Điều 3. Công trình giao thông đường thuỷ nội địa được bảo vệ bao gồm:

1. Luồng chạy tàu, thuyền được công bố quản lý, khai thác;

2. Kè, đập phục vụ giao thông đường thuỷ nội địa;

3. Cảng, bến thuỷ nội địa, khu nước phục vụ khai thác cảng, bến thuỷ nội địa, âu thuyền, triền kéo tầu qua đập, công trình nâng tàu vượt thác;

 

4. Báo hiệu đường thuỷ nội địa, trụ neo, cọc neo, mốc thuỷ chí, mốc đo đạc và các công trình thiết bị phụ trợ khác.

 

Điều 4. Phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa bao gồm phần công trình, hành lang bảo vệ công trình, phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước, phần dưới đáy sông có liên quan đến an toàn công trình và an toàn cho hoạt động giao thông vận tải đường thuỷ nội địa.

 

CHƯƠNG II
GIỚI HẠN PHẠM VI BẢO VỆ CÔNG TRÌNH
GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

 

Điều 5. Giới hạn phạm vi bảo vệ đối với luồng chạy tầu, thuyền quy định như sau:

1. Luồng chạy tàu, thuyền:

a) Theo chiều dài: là độ dài luồng chạy tàu, thuyền đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công bố đưa vào quản lý khai thác giao thông vận tải đường thuỷ nội địa;

b) Theo chiều rộng:

– Đối với sông, kênh: theo cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa;

– Đối với hồ, đàm, phá, cửa sông, vịnh: giới hạn bởi báo hiệu đặt tại hai phía của luồng chạy tàu, thuyền.

2. Hàng lang bảo vệ luồng:

a) Trường hợp luồng chạy tầu, thuyền không sát bờ, từ mép luồng trở ra mỗi phía:

– 25 m (hai mươi lăm mét) đối với sông, kênh cấp I, II và hồ vịnh,

– 15 m (mười lăm mét) đối với sông, kênh cấp III,IV,

– 10 m (mười mét) đối với sông, kênh cấp V,VI;

b) Trường hợp luồng chạy tàu, thuyền sát bờ không có đê hoặc đường giao thông trên bờ: 5 m (năm mét) tính từ mép bờ cao trở vào;

c) Trường hợp luồng chạy tàu, thuyền sát bờ có đê mà hành lang bảo vệ luồng chạy tầu, thuyền trùng với phạm vi bảo vệ đê thì phải tuân theo quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ đê;

d) Trường hợp luồng chạy tàu, thuyền sát bờ có đường bộ, đường sắt thì hành lang bảo vệ luồng chạy tầu, thuyền tính từ mép bờ cao trở ra phía sông.

3. Phần trên không, phần dưới mặt đất, phần dưới mặt nước, phần dưới đáy sông: theo cấp kỹ thuật đường thuỷ nội địa hiện hành.

 

Điều 6. Giới hạn phạm vi bảo vệ của công trình kè, đập được quy định như sau:

1. Đối với kè:

a) Kè ốp bờ:

– Từ đầu kè và từ cuối kè trở về hai phía thượng và hạ lưu, mỗi phía 100 m (một trăm mét),

– Từ đỉnh kè trở vào bờ tối thiểu 10 m (mười mét),

– Từ chân kè trở ra sông 20 m (hai mươi mét);

b) Kè mỏ hàn:

– Từ chân kè (kể cả cụm kè cũng như kè đơn) về hai phía thượng và hạ lưu, mỗi phía 100 m (một trăm mét),

– Từ gốc kè trở vào bờ 50 m (năm mươi mét);

– Từ chân đầu kè trở ra sông 20 m (hai mươi mét).

2. Đối với đập khoá: từ hai đầu đập về mỗi phía 100 m (một trăm mét) và trờ về hai phía thượng và hạ lưu, mỗi phía 200 m (hai trăm mét).

 

Điều 7. Giới hạn phạm vi bảo vệ cảng, bến thuỷ nội địa, khu nước phục vụ neo đậu tránh bão lũ, âu thuyền, triền kéo tàu qua đập, công trình nâng tàu vượt thác là phạm vi vùng đất, vùng nước đã được cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền quy định.

 

Điều 8. Giới hạn phạm vi bảo vệ báo hiệu đường thuỷ nội địa, các trụ neo, cọc neo, các mốc thuỷ chí, mốc đo đạc là 5 m (năm mét) kể từ điềm ngoài cùng của kết cấu trở ra mỗi phía.

 

Điều 9. Trường hợp đặc biệt, giới hạn hành lang bảo vệ trên bờ của các công trình giao thông đường thuỷ nội địa trong khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, khu tập trung dân cư nhỏ hơn giới hạn hành lang bảo vệ quy định tại Nghị định này thì Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh) báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi quyết định nhưng không được dưới 5 m (năm mét).

 

CHƯƠNG III
PHÂN LOẠI, PHÂN CẤP QUẢN LÝ VÀ VỐN ĐẦU TƯ
ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

 

Điều 10. Mạng lưới đường thuỷ nội địa được phân loại như sau:

1. Hệ thống đường thuỷ nội địa Trung ương là các tuyến luồng chạy tàu thuyền nối liền các trung tâm kinh tế, văn hoá, xã hội, các đầu mối vận tải thủy quan trọng phục vụ kinh tế, quốc phòng, an ninh quốc gia và các tuyến nối với nước ngoài;

2. Hệ thống đường thuỷ nội địa địa phương là các tuyến luồng chạy tàu thuyền nằm trong phạm vi của địa phương, chủ yếu phục vụ cho phát triển kinh tế của địa phương đó;

 

3. Tuyến đường thuỷ nội địa chuyên dùng là những tuyến luồng phục vụ cho nhu cầu giao thông vận tải của tổ chức, cơ sở kinh tế, phù hợp với quy hoạch mạng lưới đường thuỷ nội địa.

 

Điều 11. Thẩm quyền quyết định, công bố và điều chỉnh các hệ thống đường thuỷ nội địa được quy định như sau:

1. Hệ thống đường thuỷ nội địa Trung ương và đường thuỷ nội địa chuyên dùng do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định và công bố;

2. Hệ thống đường thuỷ nội địa địa phương do Chủ tịch Uỷ ban Nghị định cấp tỉnh quyết định và công bố.

 

Điều 12. Nguồn vốn đầu tư cho các công trình giao thông đường thuỷ nội địa bao gồm:

1. Vốn ngân sách Nhà nước;

2. Nguồn thu phí đường thuỷ nội địa;

3. Vốn đầu tư của các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

4. Vốn viện trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài;

5. Các nguồn vốn khác.

 

Điều 13. Vốn đầu tư cho các công trình giao thông đường thuỷ nội địa được sử dụng vào các mục đích sau:

1. Phát triển, cải tạo, nâng cấp công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

2. Quản lý, sửa chữa thường xuyên, sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất hoặc thay đổi tuyến, luồng chạy tàu, thuyền.

 

Điều 14. Việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư cho các công trình giao thông đường thuỷ nội địa thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách và pháp luật về quản lý đầu tư và xây dựng.

 

CHƯƠNG IV
TRÁCH NHIỆM BẢO VỆ CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG
ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

 

Điều 15.

1. Tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài khi hoạt động có liên quan đến hệ thống các công trình giao thông đường thuỷ nội địa Trung ương, địa phương và chuyên dùng đều phải có trách nhiệm bảo vệ các công trình đó.

2. Đối với công trình giao thông đường thuỷ nội địa do các tổ chức, cá nhân trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài đầu tư xây dựng, tự hoàn vốn trên lãnh thổ Việt Nam thì tổ chức, cá nhân đó có trách nhiệm tự tổ chức bảo vệ công trình theo quy định của Nghị định này.

 

Điều 16. Cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa chủ trì phối hợp với cơ quan địa chính và Uỷ ban nhân dân huyện, quận thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp huyện), Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Uỷ ban nhân dân cấp xã) có hành lang luồng chạy tầu thuyền đi qua tiến hành việc đo đạc, cắm mốc chỉ giới phạm vi hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa trên bờ.

Uỷ ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã chủ trì phối hợp với các đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa quản lý hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa.

 

Điều 17. Cục đường sông Việt Nam, Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa trực thuộc thực hiện các công việc sau:

1. Đặt và duy trì các báo hiệu theo quy định trên tuyến đường thuỷ nội địa được giao quản lý;

2. Thông báo tình hình luồng chạy tầu, thuyền cho phương tiện hoạt động;

3. Quản lý, duy tu, sửa chữa và bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa tuân theo quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn kỹ thuật đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quy định;

4. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các hư hại của công trình giao thông đường thuỷ nội địa thuộc phạm vi quản lý để có biện pháp khắc phục, phòng ngừa tai nạn giao thông;

5. Thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện các vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa thuộc phạm vi quản lý để có biện pháp xử lý hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét xử lý;

6. Khi tuyến luồng trong phạm vi được giao quản lý thay đổi phải có biện pháp bảo đảm an toàn, không để ách tắc giao thông, kịp thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và báo cáo cấp có thẩm quyền;

7. Kiểm tra, đôn đốc, hướng dẫn chủ công trình, chủ chướng ngại vật trên luồng chạy tàu thuyền đặt báo hiệu đường thuỷ nội địa và trục vớt, thanh thải chướng ngại vật theo quy định;

8. Lập kế hoạch thanh thải các chướng ngại vật thiên nhiên, chướng ngại vật vô chủ trong phạm vi bảo vệ luồng chạy tàu thuyền trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện.

 

Điều 18. Lực lượng Cảnh sát nhân dân, lực lượng Kiểm soát quân sự và các cơ quan bảo vệ pháp luật ở địa phương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa và phối hợp với lực lượng Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa và các đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa trong việc bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa.

 

Điều 19.

1. Tổ chức, cá nhân khi phát hiện công trình giao thông đường thuỷ nội địa có sự cố hoặc có hành vi vi phạm quy định về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa phải có trách nhiệm báo ngay cho đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa, cơ quan công an hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nơi gần nhất.

2. Đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa, cơ quan công an hoặc Uỷ ban nhân dân địa phương nhận được tin báo phải cử người có trách nhiệm đến ngay nơi xảy ra sự cố để có biện pháp xử lý kịp thời, báo cáo cơ quan quản lý cấp trên đồng thời thông báo cho cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa.

 

Điều 20.

1. Chủ công trình, chủ chướng ngại vật có trách nhiệm đặt và duy trì báo hiệu theo mẫu quy định. Nếu không đặt, không duy trì báo hiệu theo quy định mà gây thiệt hại cho người khác thì phải bồi thường.

2. Chủ công trình đã chấm dứt khai thác, sử dụng công trình có trách nhiệm tháo dỡ, thanh thải công trình theo thời hạn quy định của cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa. Nếu chủ công trình không thực hiện tháo dỡ, thanh thải trong thời hạn quy định thì cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa tháo dỡ, thanh thải công trình đó. Chủ công trình phải thanh toán chi phí cho cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa theo phương thức nhờ thu không chờ chấp nhận.

3. Chủ chướng ngại vật có trách nhiệm thanh thải chướng ngại vật trong thời hạn quy định của cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa. Nếu chủ chướng ngại vật không thực hiện thanh thải trong thời hạn quy định thì cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa thực hiện thanh thải chướng ngại vật đó. Chủ chướng ngại vật phải thanh toán chi phí cho cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa theo phương thức nhờ thu không chờ chấp nhận.

 

Điều 21. Các phương tiện thuỷ chỉ được hoạt động trên tuyến đường thuỷ nội địa phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật đường thuỷ nội địa đã được công bố. Trường hợp các phương tiện thuỷ hoạt động thử nghiệm phải được Cục Đường sông Việt Nam cấp phép và giám sát.

 

Điều 22.

1. Trong trường hợp đặc biệt, việc xây dựng công trình có sử dụng và khai thác khoảng không, vùng đất, vùng nước, phần dưới mặt nước, phần dưới đấy sông trong phạm vi hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa phải được cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản ngay từ khi lập dự án đầu tư. Cụ thể là:

a) Bộ Giao thông vận tải đối với công trình thuộc dự án nhóm A;

b) Cục Đường sông Việt Nam đối với công trình thuộc dự án nhóm B, C và đối với công trình khác chưa đến mức lập dự án liên quan đến đường thuỷ nội địa Trung ương và chuyên dùng;

c) Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính đối với công trình liên quan đến đường thuỷ nội địa địa phương và đường thuỷ nội địa Trung ương được uỷ quyền quản lý.

2. Việc thi công các công trình quy định tại khoản 1 của Điều này chỉ được tiến hành khi có giấy phép thi công do Cục Đường sông Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính cấp.

3. Chủ công trình trước khi thi công phải báo cho đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa biết để kiểm tra, giám sát. Sau khi thi công phải thanh thải ngay những chướng ngại vật do thi công gây ra. Kết quả thanh thải chướng ngại vật phải lập hồ sơ riêng gửi cho đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa.

 

Điều 23. Các công trình xây dựng có sử dụng và khai thác khoảng không, vùng đất, vùng nước, phần dưới mặt nước, phần dưới đáy sông ngoài phạm vi hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa như đập chắn nước, kè hướng dòng, đào mương, cảng bến, khai thác vật liệu có ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường thuỷ nội địa và an toàn công trình giao thông đường thuỷ nội địa phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa có thẩm quyền ngay từ khi lập dự án. Cụ thể là:

1. Bộ Giao thông vận tải đối với công trình thuộc dự án nhóm A;

2. Cục Đường sông Việt Nam đối với công trình thuộc dự án nhóm B, C trên đường thuỷ nội địa Trung ương và chuyên dùng;

3. Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính đối với công trình thuộc dự án nhóm B, C trên đường thuỷ nội địa địa phương.

 

Điều 24. Trong phạm vi hành lang bảo vệ luồng chạy tàu thuyền trên mặt đất được phép tận dụng trồng hoa màu, cây lương thực nhưng chỉ được gieo trồng những cây ngắn ngày, có thân thấp, không ảnh hưởng đến tầm nhìn báo hiệu của người điều khiển phương tiện.

 

Điều 25. Ngoài các hành vi bị nghiêm cấm quy định tại Điều 20 của Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông, đối với công trình giao thông đường thuỷ nội địa, còn nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1. Neo buộc phương tiện thuỷ, súc vật vào công trình chỉnh trị, báo hiệu, mốc thuỷ chí, mốc đo đạc hoặc các công trình phụ trợ an toàn giao thông khác;

2. Tự ý di chuyển, làm hư hại hoặc làm giảm hiệu lực và tác dụng của báo hiệu đường thuỷ nội địa;

3. Khai thác cát, đá, sỏi hoặc các hành vi khác như đặt lò vôi, lò gạch sát luồng, đổ chất thải làm ảnh hưởng đến luồng chạy tàu thuyền gây cản trở cho việc khai thác, sử dụng công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

4. Tự ý ngăn cấm luồng chạy tàu thuyền hoặc làm cản trở giao thông khi chưa được cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa có thẩm quyền cho phép. Trường hợp do yếu cầu an ninh, chính trị, trật tự xã hội, quốc phòng thì cơ quan công an có thẩm quyền được phép tạm thời đình chỉ hoặc hạn chế giao thông để làm nhiệm vụ nhưng phải báo ngay cho cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa có thẩm quyền biết để phối hợp công tác, tránh ách tắc giao thông.

 

Điều 26.

1. Việc xây dựng công trình thuỷ lợi có liên quan đến giao thông đường thuỷ nội địa phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa có thẩm quyền quy định tại Điều 22, 23 của Nghị định này. Việc xây dựng công trình giao thông đường thuỷ nội địa có liên quan đến công trình thuỷ lợi phải có ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý công trình thuỷ lợi.

2. Trường hợp các cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa và cơ quan quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn đều có kế hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo nâng cấp công trình thì việc xây dựng mới, cải tạo nâng cấp công trình phải kết hợp với nhau.

 

Điều 27. Các công trình cầu đường bộ, cầu đường sắt, các công trình vượt sông khác khi làm mới phải đảm bảo luồng tuyến đường thuỷ nội địa thông suốt, tĩnh không và khẩu độ khoang thông thuyền của các cầu theo tiêu chuẩn kỹ thuật đường thuỷ nội địa.

 

Điều 28. Việc xử lý đối với các công trình, thiết bị nằm trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa đã có trước ngày Nghị định này có hiệu lực được quy định như sau:

1. Tổ chức giải toả ngay các công trình xét thấy trực tiếp de doạ an toàn công trình giao thông đường thuỷ nội địa và an toàn giao thông vận tải đường thuỷ nội địa.

2. Giải toả dần những công trình xét thấy chưa ảnh hưởng trực tiếp đến sự ổn định của công trình giao thông đường thuỷ nội địa và chủ công trình phải cam kết với Uỷ ban nhân dân địa phương và cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa theo các nội dung sau:

a) Giữ nguyên hiện trạng, không cơi nới, không phát triển thêm;

b) Dỡ bỏ công trình khi có yêu cầu của cơ quan quản lý đường thuỷ nội địa có thẩm quyền.

 

CHƯƠNG V
TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ BẢO VỆ
CÔNG TRÌNH GIAO THÔNG ĐƯỜNG THUỶ NỘI ĐỊA

 

Điều 29. Bộ giao thông vận tải có trách nhiệm:

1. Trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa và hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các văn bản đó;

2. Chỉ đạo, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa trong phạm vi cả nước;

3. Tổ chức bộ máy quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa và hướng dẫn Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức bộ máy quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa địa phương;

4. Tổ chức, chỉ đạo hoạt động của lực lượng Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa trong phạm vi cả nước;

5. Phối hợp với Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh và các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

6. Phối hợp với Bộ Tài chính cân đối kinh phí hàng năm thực hiện kế hoạch giải toả hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa thuộc tuyến Trung ương quản lý;

7. Xây dựng kế hoạch, kiểm tra đôn đốc việc thực hiện công tác phòng chống và khắc phục hư hại công trình giao thông đường thuỷ nội địa do thiên tai địch hoạ gây ra;

8. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa thuộc thẩm quyền của Bộ theo quy định của pháp luật.

 

Điều 30. Cục Đường sông Việt Nam có trách nhiệm:

1. Xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa để Bộ Giao thông vận tải trình Chính phủ ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền;

2. Công bố cấp kỹ thuật khai thác đối với luồng chạy tàu thuyền trên tuyến đường thuỷ nội địa Trung ương và tuyến đường thuỷ nội địa chuyên dùng;

3. Cấp phép hoạt động cho các cảng, bến thuỷ nội địa trên tuyến đường thuỷ nội địa Trung ương và tuyến đường thuỷ nội địa chuyên dùng;

4. Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa theo phân cấp của Bộ Giao thông vận tải;

5. Chỉ đạo, kiểm tra hoạt động của lực lượng Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa thuộc Cục;

6. Hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra việc cấp, thu hồi giấy phép sử dụng vùng nước cho thi công, đình chỉ đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

7. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cấp, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động ngoài phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa nhưng ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

8. Chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác phòng chống và khắc phục hư hại do thiên tai địch hoạ gây ra đối với công trình giao thông đường thuỷ nội địa được giao quản lý;

9. Phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

10. Xây dựng kế hoạch giải toả phạm vi hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa đối với tuyến đường thuỷ nội địa Trung ương;

11. Chỉ đạo và tổ chức thu các loại phí đường thuỷ nội địa theo quy định của pháp luật;

12. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa thuộc trách nhiệm của Cục theo quy định của pháp luật.

 

Điều 31. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm:

1. Ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các quy định về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa phù hợp với các văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan Nhà nước cấp trên, Bộ quản lý Nhà nước chuyên ngành và điều kiện cụ thể của địa phương;

2. Tổ chức bộ máy quản lý, bảo vệ các hệ thống đường thuỷ nội địa địa phương;

3. Công bố cấp kỹ thuật khai thác đối với luồng chạy tàu thuyền trên tuyến đường thuỷ nội địa địa phương và báo về Bộ Giao thông vận tải;

4. Cấp phép hoạt động cho các cảng, bến thuỷ nội địa trên tuyến đường thuỷ nội địa địa phương và báo về Bộ Giao thông vận tải;

5. Cân đối kinh phí hàng năm phục vụ việc đo đạc, cắm mốc chỉ giới và giải toả hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa thuộc tuyến địa phương quản lý;

6. Tổ chức chỉ đạo và kiểm tra Sở Giao thông vận tải, Sở Giao thông công chính trong lĩnh vực sau:

a) Hoạt động của lực lượng Thanh tra giao thông đường thuỷ nội địa do địa phương quản lý theo hướng dẫn của Bộ Giao thông vận tải,

b) Cấp, thu hồi giấy phép sử dụng vùng nước cho thi công, đình chỉ đối với các hoạt động trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa địa phương gây mất an toàn giao thông, an toàn công trình đường thuỷ nội địa địa phương;

c) Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc cấp, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động ngoài phạm vi bảo vệ nhưng ảnh hưởng đến chất lượng, an toàn công trình giao thông đường thuỷ nội địa địa phương;

7. Chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra Uỷ ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong lĩnh vực sau:

a) Bảo vệ các công trình giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn tỉnh;

b) Quản lý sử dụng đất đai trong và ngoài phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa phù hợp với các quản lý của pháp luật về đất đai, về bảo vệ công trình giao thông, an toàn giao thông vận tải đường thuỷ nội địa;

c) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị quản lý đường thuỷ nội địa trong việc giải toả các vi phạm trong phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

8. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để khôi phục giao thông kịp thời khi bị thiên tai địch hoạ;

9. Tổ chức và chỉ đạo công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa trong phạm vi địa phương;

10. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến việc bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa trong phạm vi địa phương theo quy định của pháp luật.

 

Điều 32. Uỷ ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

1. Hướng dẫn và kiểm tra Uỷ ban nhân dân cấp xã trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

 

2. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

3. Tổ chức, chỉ đạo Uỷ ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn huyện;

4. Tổ chức thực hiện việc giải toả các vi phạm trong vi phạm bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa trên địa bàn huyện:

5. Tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng đất đai phù hợp với các quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về bảo vệ công trình giao thông, an toàn giao thông vận tải đường thuỷ nội địa trên địa bàn huyện;

6. Cấp, thu hồi giấy phép thi công đối với công trình giao thông đường thuỷ nội địa được phân cấp quản lý;

7. Huy động mọi lực lượng, vật tư, thiết bị để khôi phục giao thông kịp thời khi bị thiên tại, địch hoạ;

8. Giải quyết tranh chấp, khiếu nại và tố cáo liên quan đến việc bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa trong phạm vi của huyện theo quy định của pháp luật.

 

Điều 33. Bộ Công an có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

2. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Quốc phòng lập phương án bảo vệ các công trình giao thông đường thuỷ nội địa đặc biệt quan trọng trình Chính phủ phê duyệt và triển khai thực hiện;

3. Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng Công an trong việc kiểm tra và xử lý các vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

 

Điều 34. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

1. Phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi xây dựng quy hoạch phát triển lưu vực sông có liên quan đến giao thông đường thuỷ nội địa;

2. Chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện việc đặt, duy trì báo hiệu các công trình thuỷ lợi và thanh thải các công trình thuỷ lợi không còn sử dụng nhưng ảnh hưởng tới luồng chạy tàu thuyền và hành lang bảo vệ luồng chạy tàu thuyền.

 

Điều 35. Bộ Thuỷ sản có trách nhiệm phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Uỷ Ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa; chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện quy hoạch và xây dựng công trình nuôi trồng, khai thác thuỷ sản có liên quan tới an toàn giao thông và an toàn công trình giao thông đường thuỷ nội địa.

 

Điều 36. Bộ Xây dựng có trách nhiệm chỉ đạo và hướng dẫn thực hiện việc quy hoạch và xây dựng các đô thị, các điểm dân cư, các công trình khác liên quan đến công trình giao thông đường thuỷ nội địa phù hợp với các quy định của Pháp lệnh Bảo vệ công trình giao thông và Nghị định này.

 

Điều 37. Bộ Tài chính có trách nhiệm:

1. Bảo đảm kinh phí cho việc quản lý, duy tu, sửa chữa, bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa trên cơ sở kế hoạch tài chính hàng năm được Chính phủ phê duyệt;

2. Kiểm tra việc sử dụng ngân sách Nhà nước chi cho việc quản lý, duy tu, sửa chữa, bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa, đảm bảo sử dụng đúng mục đích;

3. Chủ trì phối hợp với Bộ Giao thông vận tải và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cân đối kinh phí hàng năm thực hiện giải toả các vi phạm hành lang bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa.

 

Điều 38. Tổng cục Địa chính chủ trì, phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Xây dựng và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh hướng dẫn việc cắm mốc chỉ giới thuộc phạm vi bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa để quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật.

 

Điều 39. Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh khi lập quy hoạch xây dựng mới hoặc cải tạo công trình có ảnh hưởng đến an toàn các công trình giao thông đường thuỷ nội địa phải được sự đồng ý bằng văn bản của Bộ Giao thông vận tải.

 

CHƯƠNG VI
KHEN THƯỞNG VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

 

Điều 40. Tổ chức, cá nhân có một trong những thành tích sau đây sẽ được khen thưởng theo chế độ quy định của Nhà nước:

1. Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ quản lý, bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

2. Có đóng góp công sức, tài sản vào việc bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

3. Phát hiện và báo cáo kịp thời hoặc tích cực tham gia cứu chữa công trình giao thông đường thuỷ nội địa khi có sự cố;

4. Phát hiện, tố giác hành vi xâm phạm, phá hoại công trình giao thông đường thuỷ nội địa;

 

Điều 41. Người nào vi phạm các quy định về bảo vệ công trình giao thông đường thuỷ nội địa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm và hậu quả xảy ra mà bị xử lý kỷ luật, bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 40/CP ngày 05 tháng 7 năm 1996 và Nghị định số 77/1998/NĐ-CP ngày 26 tháng 9 năm 1998 của Chính phủ về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thuỷ nội địa; trường hợp gây thiệt hại phải bồi thường, nếu gây hậu quả nghiêm trọng thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

 

CHƯƠNG VII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 42. Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2000. Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Nghị định này.

 

Điều 43. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải có trách nhiệm hướng dẫn, tổ chức thực hiện Nghị định này.

 

Điều 44. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

 

Tags: , , , , ,

Comments are closed.