Nghị định số 01/2009/NĐ-CP ngày 02/01/2009

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Pháp lệnh Cơ yếu ngày 04 tháng 4 năm 2001;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

 

NGHỊ ĐỊNH:

 


Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định tiêu chuẩn cơ bản về vật chất hậu cần đối với người đang làm công tác cơ yếu, bao gồm: tiêu chuẩn ăn thường xuyên và mức ăn bồi dưỡng trong huấn luyện chiến đấu, ứng trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn, các mức ăn điều trị ở bệnh xá, bệnh viện; các mức ăn điều dưỡng; tiêu chuẩn trang phục; tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hoá chất sử dụng trong y tế; tiêu chuẩn trang bị dụng cụ y tế; định mức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt; tiêu chuẩn diện tích nhà ở tập thể doanh trại, nhà làm việc, thuê nhà ở công vụ, sinh hoạt công cộng; định mức tiêu chuẩn doanh cụ và định mức sử dụng điện năng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người đang làm công tác cơ yếu hưởng lương theo bảng lương cấp bậc quân hàm sĩ quan quân đội nhân dân và bảng lương quân nhân chuyên nghiệp thuộc quân đội nhân dân tại Ban Cơ yếu Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương được thực hiện tiêu chuẩn vật chất hậu cần theo quy định tại Nghị định này.

2. Người đang làm công tác cơ yếu là quân nhân được thực hiện tiêu chuẩn vật chất hậu cần theo quy định tại Nghị định số 123/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 10 năm 2003 của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với quân nhân tại ngũ; người đang  làm công tác cơ yếu là Công an nhân dân được thực hiện tiêu chuẩn vật chất hậu cần theo quy định tại Nghị định số 25/2006/NĐ-CP ngày 10 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ trong lực lượng Công an nhân dân; và được thực hiện tiêu chuẩn vật chất hậu cần quy định tại Bảng 13, 14 và 15 Danh mục số 4 ban hành kèm theo Nghị định này.

Điều 3. Nguyên tắc bảo đảm tiêu chuẩn vật chất hậu cần

1. Bảo đảm đáp ứng các nhu cầu cho sinh hoạt thường xuyên, học tập, huấn luyện, đào tạo, sẵn sàng chiến đấu và phục vụ chiến đấu.

2. Bảo đảm phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ của Cơ yếu Việt Nam, với điều kiện kinh tế – xã hội và khả năng ngân sách nhà nước trong từng giai đoạn.

3. Phù hợp với sự phát triển chung và đặc trưng của từng vùng, miền, từng đối tượng cụ thể.

4. Phương thức bảo đảm tiêu chuẩn vật chất hậu cần bằng tiền hoặc bằng hiện vật, một số loại tiêu chuẩn cụ thể có thể được tính trong lương, phụ cấp của người đang làm công tác cơ yếu. Trường hợp tiêu chuẩn đã được đưa vào căn cứ để tính lương, phụ cấp thì không được tính vào tiêu chuẩn cấp phát; nếu cấp phát thì phải khấu trừ vào lương, phụ cấp.

5. Khuyến khích việc sử dụng tiết kiệm, hợp lý trong việc bảo đảm tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với người đang làm công tác cơ yếu; các đơn vị có điều kiện cần chủ động tổ chức sản xuất góp phần cải thiện đời sống đối với người đang làm công tác cơ yếu.

6. Nghiêm cấm các hành vi lợi dụng công tác bảo đảm tiêu chuẩn vật chất hậu cần đối với người đang làm công tác cơ yếu để trục lợi hoặc gây thiệt hại đối với tài sản của Nhà nước.

 


Chương II

TIÊU CHUẨN VẬT CHẤT HẬU CẦN

ĐỐI VỚI NGƯỜI ĐANG LÀM CÔNG TÁC CƠ YẾU

Điều 4. Tiêu chuẩn ăn của người đang làm công tác cơ yếu

1. Tiêu chuẩn ăn của người đang làm công tác cơ yếu đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; khi tham gia huấn luyện, ứng trực chiến đấu, diễn tập, phòng chống lụt bão, tai nạn, thương tích, tìm kiếm cứu nạn và một số nhiệm vụ khác.

a) Nhiệt lượng khẩu phần ăn, cơ cấu định lượng, tỷ lệ các chất sinh nhiệt được quy định phù hợp với nhiệm vụ của từng đối tượng;

b) Mức tiền ăn của người đang làm công tác cơ yếu đảm nhiệm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được tính cao hơn so với tiêu chuẩn ăn của hạ sỹ quan, chiến sỹ bộ binh thuộc Quân đội nhân dân từ 1,3 đến 3,5 lần.

2. Người đang làm công tác cơ yếu bị thương, ốm đau điều trị tại bệnh xá, bệnh viện của quân đội ăn theo tiêu chuẩn bệnh lý.

Điều 5. Tiêu chuẩn trang phục của người đang làm công tác cơ yếu

1. Tiêu chuẩn trang phục của người đang làm công tác cơ yếu là những loại trang phục cấp cho cá nhân quản lý, sử dụng thường xuyên và trang phục dùng chung, gồm: trang phục thường xuyên, trang phục niên hạn, trang phục chống rét.

2. Tiêu chuẩn trang phục nghiệp vụ được trang bị cho người đang làm công tác cơ yếu trực tiếp thực hiện nhiệm vụ huấn luyện, phục vụ chiến đấu và làm công tác chuyên môn.

Điều 6. Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng     

1. Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng được trang bị theo các loại bếp ăn tập trung; bếp ăn ở trường học, học viện, bệnh xá; các đơn vị phân tán, công tác độc lập được trang bị các bếp ăn lẻ.

2. Tiêu chuẩn trang bị nhà ăn, nhà bếp và dụng cụ cấp dưỡng được trang bị đối với các Cục, các trung tâm bảo đảm kỹ thuật mật mã ở các vùng tuỳ theo quy mô biên chế của đơn vị.   

Điều 7. Tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hoá chất

Tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hoá chất được trang bị gồm có thuốc, bông băng dùng tại đơn vị; thuốc, bông băng cho giường bệnh; thuốc khám bệnh, thuốc bổ trợ cho người đang làm công tác cơ yếu có mức lương bằng mức lương cấp bậc quân hàm Thượng tá trở lên và bệnh mãn tính; thuốc bổ trợ cho người đang làm công tác cơ yếu làm công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, phục vụ công tác chiến đấu, khi đi cơ sở làm nhiệm vụ; thuốc và hoá chất phòng, chống dịch, hoá chất, sinh vật phẩm cho nghiệp vụ chuyên ngành cơ yếu.

Tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hoá chất được cấp cho từng đơn vị và cho từng đối tượng người đang làm công tác cơ yếu.

Điều 8. Tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ y tế

1. Tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ y tế được trang bị lần đầu và trang bị thay thế hàng năm.

2. Tiêu chuẩn trang bị, dụng cụ y tế được trang cấp theo từng loại hình cơ sở y tế trong ngành cơ yếu phù hợp với quy định của Bộ Y tế.

3. Trang phục nghiệp vụ y tế được trang bị theo quy định của Bộ Y tế.

Điều 9. Tiêu chuẩn tạp chi vệ sinh

Tiêu chuẩn tạp chi vệ sinh được phân loại theo địa bàn vùng, miền khác nhau và chỉ áp dụng cho các cơ sở y tế.

Điều 10. Định mức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt

1. Định mức sử dụng nước sạch trong sinh hoạt bảo đảm đủ tiêu chuẩn là 130 – 150 lít nước sinh hoạt cho mỗi người/ngày áp dụng cho địa bàn có nguồn nước sạch.

2. Những đơn vị công tác trên địa bàn chưa có nguồn nước sạch dùng chung được trang bị máy móc, thiết bị, hoá chất để khai thác xử lý các nguồn nước hoặc cấp tiền mua nước, bảo đảm đủ 130 – 150 lít nước sạch cho mỗi người/ngày.

Điều 11. Tiêu chuẩn diện tích nhà ở tập thể, nhà làm việc, nhà ở công vụ, sinh hoạt công cộng và một số công trình phụ trợ khác trong doanh trại

1. Tiêu chuẩn diện tích nhà ở tập thể doanh trại được chia theo đối tượng cấp bậc lương trong ngành cơ yếu bảo đảm diện tích ở bình quân tối thiểu là 6 m2 và tối đa là 18 m2 cho một người.

2. Tiêu chuẩn diện tích nhà làm việc gồm tiêu chuẩn nhà làm việc cho người làm lãnh đạo ngành cơ yếu các cấp và tiêu chuẩn nhà làm việc cho người đang làm chuyên môn nghiệp vụ cơ yếu.

3. Tiêu chuẩn diện tích nhà ở công vụ cho người làm lãnh đạo ngành cơ yếu từ cấp Cục, Vụ trở lên do thực hiện chính sách điều động và luân chuyển từ nơi này đến nơi khác chưa có nhà ở, đất ở riêng và có nhu cầu nhà để ở thì được thuê 01 căn hộ nhà ở công vụ với diện tích theo quy định của Luật Nhà ở và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

4. Tiêu chuẩn diện tích một số công trình công cộng và phụ trợ khác trong doanh trại được phân loại theo các đơn vị cơ yếu cụ thể.

5. Tiêu chuẩn diện tích trong nhà ăn tập thể của doanh trại, trường và bệnh xá được chia theo đối tượng: có mức lương bằng mức lương của cấp bậc quân hàm cấp uý, cấp tá, cấp tướng.

6. Thiết bị vệ sinh nhà ở tập thể và nhà làm việc công cộng được trang cấp theo quy mô quân số, đối với đơn vị cơ yếu có nữ thì phải bố trí cho nam, nữ riêng.

Điều 12. Định mức tiêu chuẩn doanh cụ

1. Định mức tiêu chuẩn doanh cụ trong ngành cơ yếu được phân chia theo tiêu chuẩn sử dụng doanh cụ trong nhà ở tập thể doanh trại, nhà làm việc cho các đối tượng, phòng trực ban, phòng họp, phòng giao ban, phòng khách, phòng văn thư, bảo mật, phòng ăn, phòng học. Đối với mỗi tiêu chuẩn cụ thể được chia theo cấp bậc lương của người đang làm công tác cơ yếu hoặc chia theo cấp đơn vị trong ngành cơ yếu.

2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể kích thước, mẫu các loại doanh cụ trang bị trong các cơ quan, đơn vị, trường đào tạo thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ và cơ yếu các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố.

Điều 13. Định mức sử dụng điện năng

1. Định mức sử dụng điện năng trong ngành cơ yếu bao gồm có định mức sử dụng điện năng cho sinh hoạt làm việc; định mức sử dụng điện năng cho chỉ huy sẵn sàng chiến đấu; định mức sử dụng điện năng cho công tác kho tàng; định mức sử dụng điện năng cho đào tạo; định mức sử dụng điện năng cho phòng chống dịch, khám bệnh, chữa bệnh và định mức sử dụng điện năng cho nhiệm vụ khác. Các đơn vị công tác trên địa bàn chưa có nguồn điện từ lưới điện quốc gia, được trang bị hệ thống máy phát điện cho các đơn vị.

2. Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định cụ thể về:

a) Điện năng sử dụng cho việc xuất, nhập, bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa niêm cất trang thiết bị, tài liệu kỹ thuật nghiệp vụ mật mã, phương tiện và phụ tùng phương tiện giao thông tại các kho tàng, khu kỹ thuật;

b) Định mức sử dụng điện năng cho từng đơn vị cụ thể được nêu trong mục V Danh mục số 5 “Định mức sử dụng điện năng” ban hành kèm theo Nghị định này;

c) Trang bị hệ thống máy phát điện cho các đơn vị công tác trên địa bàn chưa có nguồn điện từ lưới điện quốc gia.

Điều 14. Danh mục tiêu chuẩn

1. Ban hành kèm theo Nghị định này các danh mục chi tiết về một số tiêu chuẩn vật chất hậu cần cơ bản đối với người đang làm công tác cơ yếu:

a) Danh mục số 1: tiêu chuẩn trang phục của người đang làm công tác cơ yếu;

b) Danh mục số 2: tiêu chuẩn thuốc, bông băng, hoá chất; tiêu chuẩn trang bị y tế và trang phục nghiệp vụ y tế; tiêu chuẩn tạp chi vệ sinh;

c) Danh mục số 3: tiêu chuẩn diện tích nhà ở tập thể, làm việc, sinh hoạt công cộng và một số công trình phụ trợ khác trong doanh trại;

d) Danh mục số 4: định mức tiêu chuẩn doanh cụ;

đ) Danh mục số 5: định mức sử dụng điện năng.

2. Ngoài những tiêu chuẩn vật chất đã có Danh mục kèm theo Nghị định này một số tiêu chuẩn vật chất khác không thể hiện bằng danh mục như:

a) Các mức ăn, định lượng ăn bồi dưỡng trong huấn luyện, ứng trực sẵn sàng chiến đấu, diễn tập và một số nhiệm vụ khác;

b) Trang phục nghiệp vụ, trang phục tăng thêm;

c) Mẫu doanh cụ trong nhà làm việc, nhà ở doanh trại, nhà ở công vụ;

d) Điện năng sử dụng cho hoạt động công tác kho, bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ, công cụ hỗ trợ, phương tiện xưởng, kho, khu kỹ thuật và cho các nhiệm vụ khác;

đ) Tiêu chuẩn trang bị hệ thống máy phát điện cho các đơn vị công tác trên địa bàn chưa có nguồn điện từ lưới điện quốc gia.

3. Trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung các Danh mục chi tiết quy định tại khoản 1 Điều này. 

 

 


Chương III

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

 

Điều 15. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

Bãi bỏ các quy định về tiêu chuẩn trang phục tại Mục 1 Chương II Nghị định số 211/2004/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Cơ yếu về tiêu chuẩn trang phục; chế độ nghỉ và thực hiện nghĩa vụ lao động công ích hàng năm đối với người đang làm công tác cơ yếu và quy định về tiêu chuẩn vật chất y tế đối với người đang làm công tác cơ yếu tại Điều 7 Nghị định số 153/2006/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2006 của Chính phủ về khám bệnh, chữa bệnh và tiêu chuẩn vật chất y tế đối với người đang làm công tác cơ yếu; thực hiện Bảo hiểm y tế bắt buộc đối với thân nhân người đang làm công tác cơ yếu.

Điều 16. Hướng dẫn thi hành

1. Học sinh cơ yếu hưởng chế độ phụ cấp sinh hoạt phí không thuộc Quân đội nhân dân, Công an nhân dân được thực hiện tiêu chuẩn vật chất hậu cần như đối với hạ sĩ quan, chiến sĩ bộ binh thuộc Quân đội nhân dân.

2. Bộ Nội vụ có trách nhiệm:

a) Phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Quốc phòng và các Bộ, ngành có liên quan hướng dẫn việc áp dụng các tiêu chuẩn vật chất hậu cần theo từng mức cụ thể và cho từng đối tượng đang công tác và học tập trong ngành cơ yếu, theo các địa bàn khác nhau cho phù hợp với đặc thù của cơ yếu;

b) Hàng năm lập kế hoạch và dự toán kinh phí bảo đảm trang bị về  tiêu chuẩn vật chất hậu cần cho người đang làm công tác cơ yếu, số quân nhân đang công tác tại Ban Cơ yếu Chính phủ và học sinh cơ yếu đang học tại Học viện Kỹ thuật mật mã theo quy định tại Nghị định này.

3. Kinh phí bảo đảm trang bị về tiêu chuẩn vật chất hậu cần trong ngành cơ yếu được bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm của các Bộ, ngành, địa phương theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 17. Trách nhiệm thi hành

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

 

Tags: , , , ,

Comments are closed.