Nghị định của Chính Phủ số 19/2003 /NĐ-CP ngày 07/03/2003

NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 19/2003 /NĐ-CP NGÀY 07 THÁNG 3 NĂM 2003
QUY ĐỊNH TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC CÁC CẤP TRONG VIỆC BẢO ĐẢM CHO CÁC CẤP HỘI LIÊN HIỆP
PHỤ NỮ VIỆT NAM THAM GIA QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC

 

CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 26 tháng 6 năm 1999;

Căn cứ Nghị quyết số 04 NQ/TW ngày 12 tháng 7 năm 1993 của Bộ Chính trị về đổi mới và tăng cường công tác vận động phụ nữ trong tình hình mới;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

NGHỊ ĐỊNH:

 

Điều 1. Nghị định này quy định trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các cấp (sau đây gọi chung là cơ quan hành chính nhà nước các cấp) trong việc phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (sau đây gọi chung là Hội Phụ nữ) tham gia vào các hoạt động quản lý nhà nước theo quy định của pháp luật về các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em.

 

Điều 2. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp có trách nhiệm phối hợp và tạo điều kiện thuận lợi cho Hội Phụ nữ cùng cấp tham gia các hoạt động quản lý nhà nước liên quan đến phụ nữ, trẻ em như sau :

1. Mời đại diện Hội Phụ nữ cùng cấp tham gia thảo luận hoặc gửi dự thảo văn bản để Hội Phụ nữ góp ý kiến khi xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật; khi xây dựng, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và chính sách liên quan đến phụ nữ, trẻ em.

2. Mời đại diện Hội Phụ nữ cùng cấp tham gia với tư cách là thành viên chính thức trong các tổ chức tư vấn cho cơ quan hành chính nhà nước cùng cấp (Hội đồng, ủy ban, Ban Chỉ đạo, Ban Quản lý) về các vấn đề có liên quan đến phụ nữ và trẻ em như: giải quyết lao động, việc làm, đời sống, sức khoẻ, đất đai, nhà ở, khen thưởng, kỷ luật, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý.

3. Định kỳ phối hợp với Hội Phụ nữ cùng cấp tổ chức các cuộc họp để thu thập ý kiến về tình hình thực hiện chủ trương, luật pháp, chính sách và phát hiện những hành vi vi phạm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em để kịp thời giải quyết.

 

4. Mời đại diện của Hội Phụ nữ cùng cấp tham gia các đoàn kiểm tra những vấn đề có liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em. Các cơ quan, đơn vị được kiểm tra có trách nhiệm cung cấp số liệu, tài liệu cần thiết liên quan đến công tác kiểm tra.

Điều 3. Cơ quan hành chính nhà nước các cấp có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của các cấp Hội Phụ nữ như hỗ trợ kinh phí, điều kiện và phương tiện làm việc, các hoạt động gây quỹ Hội, tổ chức sản xuất, dịch vụ, hỗ trợ phụ nữ giải quyết những vấn đề xã hội liên quan đến sự tiến bộ và bình đẳng của phụ nữ phù hợp với luật pháp, chính sách của nhà nước.

 

Điều 4. Định kỳ thời gian làm việc hàng năm giữa cơ quan hành chính nhà nước các cấp và các cấp Hội Phụ nữ như sau :

1. Sáu tháng một lần, lãnh đạo Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ làm việc với Ban Nữ công của Công đoàn cơ quan, Công đoàn ngành về tình hình thực hiện chế độ, chính sách và đề xuất của Ban Nữ công về các vấn đề liên quan đến quyền lợi của phụ nữ trong cơ quan, trong ngành thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

2. Sáu tháng một lần lãnh đạo ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ba tháng một lần lãnh đạo ủy ban nhân dân cấp huyện, xã làm việc với Ban Thường vụ Hội Phụ nữ cùng cấp về tình hình hoạt động của Hội Phụ nữ, việc thực hiện luật pháp, chính sách và đề xuất của Hội Phụ nữ về các vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em; kiểm điểm việc thực hiện Nghị định này, đồng thời thảo luận và xây dựng kế hoạch phối hợp cho các hoạt động tiếp theo.

 

Điều 5. Việc kiểm tra, đánh giá thực hiện Nghị định này theo định kỳ như sau:

1. Mỗi năm một lần sơ kết ở cấp huyện, xã. Báo cáo sơ kết của cấp huyện gửi về ủy ban nhân dân cấp tỉnh, báo cáo sơ kết của cấp xã gửi về ủy ban nhân dân cấp huyện.

2. Hai năm một lần sơ kết ở cấp Bộ, cấp tỉnh và gửi báo cáo sơ kết về Bộ Nội vụ.

3. Năm năm một lần, Bộ Nội vụ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiến hành việc tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định này trong toàn quốc.

 

Điều 6. Nghị định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Quyết định số 163/HĐBT ngày 19 tháng 10 năm 1988 của Hội đồng Bộ trưởng về quy định trách nhiệm của các cấp chính quyền trong việc bảo đảm cho các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tham gia quản lý nhà nước.

Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp và báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện Nghị định này.

 

Điều 7. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.

Tags: , , , , ,

Comments are closed.