Nghị định của Chính phủ số 100/2005/NĐ-CP

 NGHỊ ĐỊNH

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 100/2005/NĐ-CP NGÀY 03 THÁNG 8 NĂM 2005

VỀ THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC CẤM PHÁT TRIỂN, SẢN XUẤT,

TÀNG TRỮ, SỬ DỤNG VÀ PHÁ HUỶ VŨ KHÍ HOÁ HỌC

 

CHÍNH PHỦ


 

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Quyết định số 167 HĐ/CTN ngày 24 tháng 8 năm 1998 của Chủ tịch nước về việc phê chuẩn Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học;

Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp,

NGHỊ ĐỊNH:

 

CHƯƠNG I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG


 

Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng

Nghị định này điều chỉnh các quan hệ liên quan đến các tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài có các hoạt động đầu tư cơ sở hoá chất và xuất khẩu, nhập khẩu các hoá chất được Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học (sau đây gọi tắt là Công ước) kiểm soát tại lãnh thổ của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Việc điều chỉnh quan hệ trong lĩnh vực quản lý hoá chất không thuộc diện Công ước kiểm soát thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nghị định này cũng áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân Việt Nam có các hoạt động nói trên tại nước ngoài phù hợp với luật pháp quốc tế, nếu pháp luật của nước ngoài đó không có quy định khác.

 

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Vũ khí hoá học bao gồm một, hai hoặc tất cả các loại sau:

a) Các hoá chất độc và tiền chất của chúng, trừ trường hợp được sử dụng cho những mục đích không bị Công ước cấm với số lượng và chủng loại phù hợp với các mục đích đó;

b) Đạn dược và trang thiết bị được thiết kế đặc biệt để sử dụng các độc tính của các hoá chất độc và tiền chất nêu tại điểm a khoản này nhằm gây tử vong hoặc các tác hại khác;

c) Bất kỳ loại trang thiết bị nào được thiết kế đặc biệt để dùng trực tiếp các loại đạn dược và thiết bị nêu tại điểm b khoản này.

2. Hoá chất độc là bất kỳ hoá chất nào thông qua tác động hoá học của nó lên quá trình sống của người hoặc động vật có thể gây tử vong, tê liệt tạm thời hoặc lâu dài, ngộ độc cấp tính hoặc mãn tính hoặc gây huỷ hoại môi trường, môi sinh. Khái niệm này được áp dụng cho tất cả các loại hoá chất có đặc tính nêu trên, không phân biệt nguồn gốc, phương pháp sản xuất và cơ sở sản xuất.

3. Tiền chất là hoá chất được sử dụng trong bất kỳ một công đoạn nào của một quá trình công nghệ để phản ứng hoá học với hoá chất khác nhằm tạo thành một hoá chất độc và có vai trò quyết định nhất về mặt độc tính của hoá chất độc đó. Tiền chất là thành tố cơ bản của hệ hoá chất nhị nguyên tố hoặc đa nguyên tố.

4. Hoá chất bảng là hoá chất độc và tiền chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước và được phân theo thứ tự 1, 2, 3 theo mức độ độc tính giảm dần. Danh sách các hoá chất bảng được quy định tại Phụ lục số 1 Nghị định này.

5. Chất chống bạo loạn là hoá chất không phải hoá chất bảng nhưng có thể gây ra kích ứng nhanh có hại hoặc làm ảnh hưởng đến khả năng hoạt động nào đó của con người. Các tác động trên sẽ biến mất sau một thời gian ngắn ngừng tiếp xúc với hoá chất nêu trên.

6. Hoá chất khác là hoá chất không phải hoá chất bảng nhưng không bao gồm: các hợp chất hydrocarbon, thuốc nổ và các polymer mạch dài. Các hoá chất khác được phân thành hoá chất DOC và hoá chất DOC-PSF, trong đó:

a) Hoá chất DOC là hoá chất hữu cơ riêng biệt, bao gồm tất cả các hợp chất có chứa cacbon, ngoại trừ các ôxit, sunfua của nó và các cacbonat kim loại, được phân biệt bởi tên, công thức cấu tạo (nếu có) hoặc số đăng ký CAS (nếu có) của hoá chất đó;

b) Hoá chất DOC-PSF là hoá chất hữu cơ riêng biệt có chứa một trong các nguyên tố, như phốt pho, lưu huỳnh hoặc flo.

7. Sản xuất hoá chất là việc tạo ra một hoỏ chất thụng qua phản ứng hoỏ học.

8. Chế biến hoá chất là việc thực hiện một quá trình lý học như pha chế, chưng cất, chiết xuất, tinh chế mà ở đó một hoá chất không bị biến đổi thành hoá chất khác.

9. Tiêu dùng hoá chất là việc chuyển hoá một hoá chất thành một hoá chất khác thông qua một phản ứng hoá học.

10. Cất giữ hoá chất là việc lưu giữ, bảo quản hoá chất chưa sử dụng hoặc sử dụng chưa hết trong kho chứa, thùng chứa, bồn chứa chuyên dụng tại cơ sở hóa chất. Khái niệm này được dùng đối với hoá chất Bảng 1.

11. Các mục đích không bị Công ước cấm, gồm:

a) Phát triển công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu, y tế, dược phẩm và các mục đích hoà bình khác;

b) Bảo vệ liên quan trực tiếp đến việc phòng, chống hóa chất độc và vũ khí hóa học;

c) Hoạt động quốc phòng, an ninh không gắn với việc sử dụng vũ khí hóa học và không sử dụng độc tính của hóa chất như là phương tiện chiến tranh;

d) Cưỡng chế thi hành luật, kể cả chống bạo loạn trong nước.

12. Cơ sở hoá chất là nơi diễn ra một hay nhiều trong số các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng và cất giữ hoá chất chịu sự kiểm soát của Công ước. Cơ sở hoá chất có thể là một địa điểm gồm hai hay nhiều nhà máy, một nhà máy hoặc một bộ phận sản xuất độc lập. Cơ sở hoá chất được phân thành cơ sở hoá chất Bảng 1, 2, 3 và cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF, trong đó:

a) Cơ sở hoá chất Bảng 1 là nơi diễn ra một hay nhiều trong số các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoặc cất giữ hoá chất Bảng 1. Cơ sở hoá chất Bảng 1 được phân thành cơ sở quy mô đơn lẻ và cơ sở khác, trong đó:

– Cơ sở quy mô đơn lẻ là cơ sở sản xuất hoá chất Bảng 1 cho các mục đích: nghiên cứu, y tế, dược phẩm hoặc bảo vệ. Tại cơ sở quy mô đơn lẻ, việc sản xuất được thực hiện trong các thiết bị phản ứng không cấu thành sản xuất liên tục. Dung tích của các thiết bị phản ứng không vượt quá 100 lít và tổng dung tích của các thiết bị phản ứng có dung tích trên 5 lít không vượt quá 500 lít.

– Cơ sở khác là cơ sở hoá chất Bảng 1 nhưng khác với cơ sở quy mô đơn lẻ, bao gồm: cơ sở sản xuất hoỏ chất Bảng 1 cho mục đớch bảo vệ với tổng sản lượng khụng vượt quỏ 10 kg/năm; cơ sở sản xuất các hoá chất Bảng 1 cho mục đích nghiên cứu, y tế hoặc dược phẩm với sản lượng trên 100 gam/năm đối với một hoá chất, nhưng tổng sản lượng không vượt quá 10 kg/năm; phòng thí nghiệm điều chế tổng hợp hoá chất Bảng 1 cho mục đích: nghiên cứu, y tế, dược phẩm với tổng sản lượng từ 100 gam/năm trở lên.

b) Cơ sở hoá chất Bảng 2 là nơi diễn ra một hay nhiều trong số các hoạt động sản xuất, chế biến hoặc tiêu dùng hoá chất Bảng 2.

c) Cơ sở hoá chất Bảng 3 là nơi diễn ra hoạt động sản xuất hoá chất Bảng 3.

d) Cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF là nơi diễn ra hoạt động sản xuất hoá chất DOC, DOC-PSF.

13. Sản lượng là khối lượng sản phẩm thực tế đã sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoặc dự kiến sản xuất, chế biến, tiêu dùng trong năm nào đó của một cơ sở hóa chất đối với một hoá chất cụ thể. Sản lượng có thể bằng hoặc vượt công suất sản xuất của cơ sở đối với hoá chất đó.

14. Kiểm chứng số liệu xuất nhập khẩu là việc Tổ chức Công ước hoặc Cơ quan quốc gia Việt Nam kiểm tra, xem xét, đối chiếu số liệu xuất khẩu, nhập khẩu các hoá chất bảng của các tổ chức, cá nhân được cấp phép nhằm mục đích tái xác nhận sự phù hợp của các số liệu đã khai báo hoặc phát hiện các sai sót phải điều chỉnh để bảo đảm sự minh bạch, chính xác và trung thực của việc khai báo.

15. Thanh sát là cuộc kiểm tra tại chỗ do Tổ chức Công ước tiến hành tại một cơ sở hoá chất thuộc diện bị thanh sát đã được quốc gia thành viên khai báo với Tổ chức Công ước nhằm xác nhận sự phù hợp của thông tin đã khai báo và chứng nhận việc tuân thủ các quy định của Công ước tại cơ sở nêu trên.

16. Thanh sát ban đầu là cuộc thanh sát đầu tiên của Tổ chức Công ước đối với một cơ sở hoá chất bất kỳ thuộc diện bị thanh sát.

17. Thanh sát lại là cuộc thanh sát sau cuộc thanh sát ban đầu đối với một cơ sở hoá chất Bảng 3 hoặc cơ sở DOC, DOC-PSF do Tổ chức Công ước tiến hành để tái kiểm tra sự phù hợp của khai báo mà quốc gia thành viên đã nộp cho Tổ chức Công ước.

18. Thanh sát có hệ thống là cuộc thanh sát sau cuộc thanh sát ban đầu được tiến hành định kỳ tại một cơ sở hoá chất Bảng 1 hoặc Bảng 2 theo một thoả thuận riêng về cơ sở đó (thoả thuận cơ sở) nhằm mục đích kiểm tra và tái xác nhận sự phù hợp của khai báo mà quốc gia thành viên đã đệ trình với Tổ chức Công ước.

19. Thoả thuận cơ sở là thoả thuận được ký kết giữa quốc gia thành viên với Tổ chức Công ước liên quan đến việc thanh sát một cơ sở hoá chất cụ thể thuộc diện bị thanh sát. Thoả thuận cơ sở được dự thảo trong thời gian diễn ra cuộc thanh sát ban đầu và thường được lập cho các cơ sở hoá chất Bảng 1 và 2.

20. Thanh sát đột xuất là cuộc thanh sát đối với một cơ sở hoá chất bất kỳ nằm trên lãnh thổ hoặc bất cứ nơi nào thuộc quyền tài phán của một quốc gia thành viên vào bất kỳ thời điểm nào nhằm mục đích làm sáng tỏ các cáo buộc về việc không tuân thủ Công ước tại cơ sở hoá chất nêu trên. Việc tiến hành một cuộc thanh sát đột xuất được tiến hành theo yêu cầu của một quốc gia thành viên khác và được Hội đồng Chấp hành của Tổ chức Công ước xem xét, quyết định theo trình tự quy định tại Điều IX và phần X Phụ lục kiểm chứng của Công ước.

21. Tổ chức cấm vũ khí hoá học (sau đây gọi là Tổ chức Công ước) là tổ chức do các quốc gia thành viên Công ước thành lập nhằm thực hiện các mục đích và mục tiêu của Công ước thông qua việc bảo đảm tuân thủ các điều khoản của Công ước.

22. Quốc gia thành viên Công ước là quốc gia đã ký và phê chuẩn hoặc gia nhập Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học và chính thức trở thành thành viên Công ước sau ngày thứ 30 kể từ ngày nộp lưu chiểu phê chuẩn hoặc thông báo về việc gia nhập Công ước cho Tổng thư ký Liên hợp quốc. Danh sách các quốc gia thành viên Công ước nêu tại Phụ lục số 2 của Nghị định này.

23. Cơ quan quốc gia Việt Nam về thực hiện Công ước (sau đây gọi là Cơ quan quốc gia Việt Nam ) là tổ chức liên ngành do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập. Bộ Công nghiệp là đại diện Cơ quan quốc gia Việt Nam trong quan hệ với Tổ chức Công ước và thay mặt Cơ quan quốc gia Việt Nam giải quyết các công việc liên quan đến Công ước.

24. Đội hộ tống là nhóm công chức do Cơ quan quốc gia Việt Nam cử ra để phối hợp làm việc với đội thanh sát của Tổ chức Công ước trong quá trình đội thanh sát tiến hành hoạt động thanh sát tại Việt Nam .

 

Điều 3. Các hành vi bị cấm

1. Đối với vũ khí hoá học

a) Phát triển, sản xuất, sở hữu, tàng trữ và sử dụng vũ khí hoá học;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu vũ khí hoá học trực tiếp hay gián tiếp với mọi tổ chức, cá nhân;

c) Tham gia vào bất cứ hoạt động chuẩn bị quân sự nào có sử dụng vũ khí hoá học;

d) Hỗ trợ, khuyến khích hoặc xúi giục mọi tổ chức, cá nhân dưới bất kỳ hình thức nào hoặc tham gia vào bất kỳ hoạt động nào bị Công ước cấm;

đ) Sử dụng chất chống bạo loạn như là phương tiện chiến tranh.

2. Đối với hoá chất Bảng 1

a) Sản xuất, chế biến, tiêu dùng, cất giữ, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1, trừ trường hợp được phép của Thủ tướng Chính phủ cho những mục đích đặc biệt như nghiên cứu, y tế, dược phẩm hoặc bảo vệ;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước;

c) Tái xuất khẩu hoặc tái nhập khẩu hóa chất Bảng 1 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia thứ ba.

3. Đối với hoá chất Bảng 2

a) Sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoá chất Bảng 2, trừ trường hợp được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các mục đích không bị Công ước cấm; xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2, trừ trường hợp được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các mục đích không bị Công ước cấm;

b) Xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước.

4. Đối với hoá chất Bảng 3

a) Sản xuất hoá chất Bảng 3, trừ trường hợp được chấp thuận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các mục đích không bị Công ước cấm; xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 3, trừ trường hợp được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho các đích không bị Công ước cấm;

b) Xuất khẩu hóa chất Bảng 3 với mọi tổ chức, cá nhân của quốc gia không phải là thành viên Công ước mà không có giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền của quốc gia này;

5. Sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất DOC, DOC – PSF, trừ trường hợp cho các mục đích không bị Công ước cấm.

 

CHƯƠNG II

CÁC QUY ĐỊNH VỀ HOÁ CHẤT THUỘC DIỆN

CÔNG ƯỚC KIỂM SOÁT


 

MỤC 1

CÁC QUY ĐỊNH VỀ HOÁ CHẤT BẢNG 1


 

Điều 4. Các quy định về đầu tư, khai báo và thanh sát cơ sở hoá chất Bảng 1

1. Việc đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 được thực hiện như sau:

a) Các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoặc cất giữ hoá chất Bảng 1 có thể được tiến hành tại cơ sở quy mô đơn lẻ hoặc cơ sở khác.

b) Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hành nghề hoá chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và đã đăng ký mã số thuế; cam kết thực hiện đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 theo đúng quy định tại điểm a khoản 12 Điều 2 được đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoặc cất giữ hoá chất Bảng 1 cho các mục đích nghiên cứu, y tế, dược phẩm hoặc bảo vệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

– Có cơ sở vật chất, công nghệ, thiết bị phù hợp để sản xuất, chế biến, tiêu dùng, cất giữ hoá chất Bảng 1 đạt tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp đã đăng ký;

– Có bộ phận phân tích, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp không có bộ phận phân tích, kiểm tra riêng thì có thể thuê các đơn vị, trung tâm phân tích hợp pháp thuộc các cơ quan chuyên ngành;

– Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm hoạt động diễn ra tại cơ sở không gây ô nhiễm môi trường; có đầy đủ các phương tiện và điều kiện làm việc bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường như đối với hoá chất độc hại theo quy định của pháp luật về lao động và về môi trường;

– Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân có trình độ chuyên môn, được huấn luyện, đào tạo chuyên ngành hoá chất, đáp ứng yêu cầu công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm;

– Được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Doanh nghiệp muốn đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 phải gửi Bộ Công nghiệp văn bản đề nghị xem xét và chấp thuận cho doanh nghiệp đầu tư. Trong thời hạn không quá 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công nghiệp có trách nhiệm xem xét và trả lời đề nghị của doanh nghiệp. Văn bản chấp thuận của Bộ Công nghiệp được đính kèm trong hồ sơ xin phép đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ.

Mẫu văn bản đề nghị của doanh nghiệp và chấp thuận của Bộ Công nghiệp về đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 được quy định tại Phụ lục số 3 Nghị định này (mẫu 3.1 và mẫu 3.2).

c) Trường hợp thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động tại cơ sở hoá chất Bảng 1 hiện có, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo và giải trình chi tiết về việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi để được Bộ Công nghiệp chấp thuận trước khi trình Thủ tướng Chính phủ cho phép.

2. Doanh nghiệp có cơ sở hoá chất Bảng 1 phải nộp cho Bộ Công nghiệp các tài liệu sau đây:

a) Chậm nhất 210 ngày trước khi cơ sở đi vào hoạt động, doanh nghiệp nộp khai báo ban đầu về cơ sở hoá chất Bảng 1, theo mẫu khai báo số 5.1 tại Phụ lục số 5 Nghị định này;

b) Trước ngày 28 tháng 02 hàng năm, doanh nghiệp nộp khai báo về các hoạt động có trong năm trước tại cơ sở hoá chất Bảng 1, theo mẫu khai báo số 5.2 tại Phụ lục số 5 Nghị định này;

c) Trước ngày 30 tháng 8 hàng năm, doanh nghiệp nộp khai báo về các hoạt động dự kiến trong năm tiếp theo tại cơ sở hoá chất Bảng 1, theo mẫu khai báo số 5.3 tại Phụ lục số 5 Nghị định này;

d) Chậm nhất 210 ngày trước khi thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động tại cơ sở hoá chất Bảng 1 hiện có, doanh nghiệp nộp khai báo theo mẫu khai báo số 5.4 tại Phụ lục số 5 Nghị định này.

3. Tất cả các cơ sở hoá chất Bảng 1 đều là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát có hệ thống của tổ chức Công ước theo một thoả thuận cơ sở tương ứng. Tổ chức Công ước có thể tiến hành thanh sát đột xuất tại bất kỳ cơ sở hoá chất Bảng 1 nào khi có cáo buộc về việc vi phạm Công ước.

Doanh nghiệp có cơ sở hoá chất Bảng 1 bị thanh sát phải chấp hành đầy đủ các quy định về thanh sát của Tổ chức Công ước tại Phụ lục số 9 Nghị định này; tuân thủ các hướng dẫn của đội hộ tống trong quá trình tiến hành thanh sát tại cơ sở; hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để đội thanh sát của Tổ chức Công ước hoàn thành nhiệm vụ quy định trong lệnh thanh sát.

Điều 5. Quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 1

1. Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được xuất khẩu hoặc nhập khẩu hoá chất Bảng 1 với các tổ chức, cá nhân của quốc gia thành viên của Tổ chức Công ước trong những trường hợp đặc biệt cho mục đích nghiên cứu, y tế, dược phẩm hoặc bảo vệ phải đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hành nghề hoá chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và chứng nhận đăng ký mã số xuất, nhập khẩu ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký thuế do cơ quan thuế cấp;

b) Có Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hoá là hoá chất độc hại và sản phẩm có hoá chất độc hại do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

c) Được Thủ tướng Chính phủ cho phép.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp cấp giấy phép cho doanh nghiệp đối với từng lần xuất khẩu hoặc nhập khẩu.

Mẫu văn bản đề nghị cấp phép và giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 1 tại Phụ lục số 4 Nghị định này (mẫu 4.1 và mẫu 4.2).

Giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 1 chỉ cấp một lần cho một hợp đồng trong thời gian tối đa 12 tháng, trường hợp cần gia hạn phải có đơn đề nghị. Các giấy phép đã cấp không được chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.

2. Doanh nghiệp được phép xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 1 phải nộp Bộ Công nghiệp các loại tài liệu sau đây:

a) Chậm nhất 45 ngày, trước khi thực hiện việc xuất khẩu (nhập khẩu), doanh nghiệp nộp thông báo về xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 1 để làm thủ tục thông báo với tổ chức Công ước, theo mẫu thông báo số 5.5 tại Phụ lục số 5 Nghị định này;

b) Trước ngày 28 tháng 02 hàng năm, doanh nghiệp nộp khai báo về xuất khẩu, nhập khẩu và phân phối trong nước đối với từng hoá chất Bảng 1 trong năm trước, theo mẫu khai báo số 5.6 tại Phụ lục số 5 Nghị định này.

3. Khi được yêu cầu, mọi doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 1 phải chấp hành nghiêm túc việc kiểm chứng số liệu xuất khẩu, nhập khẩu do Tổ chức Công ước hoặc Bộ Công nghiệp phối hợp cùng Cơ quan quốc gia Việt Nam tiến hành.

 

MỤC 2

CÁC QUY ĐỊNH VỀ HOÁ CHẤT BẢNG 2, HOÁ CHẤT BẢNG 3


 

Điều 6. Quy định về đầu tư các cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3

1. Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hành nghề hoá chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và đã đăng ký mã số thuế được đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3 cho các mục đích không bị Công ước cấm phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a) Có cơ sở vật chất, công nghệ, thiết bị phù hợp để sản xuất, chế biến, tiêu dùng hoá chất Bảng 2, sản xuất hoá chất Bảng 3 đạt tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp đã đăng ký;

b) Có bộ phận phân tích, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp không có bộ phận phân tích, kiểm tra riêng thì có thể thuê các đơn vị, trung tâm phân tích hợp pháp thuộc các cơ quan chuyên ngành;

c) Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm hoạt động diễn ra tại cơ sở không gây ô nhiễm môi trường; có đầy đủ các phương tiện và điều kiện làm việc để bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường như đối với hoá chất độc hại theo quy định của pháp luật về lao động và về môi trường;

d) Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân có trình độ chuyên môn, được huấn luyện, đào tạo chuyên ngành hoá chất, đáp ứng yêu cầu công nghệ sản xuất và chất lượng sản phẩm.

đ) Được chấp thuận của Bộ Công nghiệp.

Doanh nghiệp muốn đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3 phải gửi Bộ Công nghiệp văn bản đề nghị xem xét và chấp thuận cho doanh nghiệp đầu tư. Trong thời hạn không quá 15 ngày đối với cơ sở hoá chất Bảng 2 và 07 ngày đối với cơ sở hoá chất Bảng 3 kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công nghiệp có trách nhiệm trả lời đề nghị của doanh nghiệp. Văn bản chấp thuận của Bộ Công nghiệp được gửi kèm trong hồ sơ đề nghị đầu tư trình các cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định và quyết định đầu tư theo quy định hiện hành.

Mẫu văn bản đề nghị của doanh nghiệp và chấp thuận của Bộ Công nghiệp về việc đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3 tại Phụ lục số 3 Nghị định này (Mẫu 3.3 và Mẫu 3.4).

2. Trường hợp thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động tại cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3 hiện có, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo và giải trình chi tiết về việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi với Bộ Công nghiệp, trước khi trình các cơ quan thẩm quyền cho phép.

 

Điều 7. Quy định về khai báo cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3

1. Doanh nghiệp có cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3 phải khai báo về cơ sở với Bộ Công nghiệp khi cơ sở có sản lượng bằng hoặc vượt ngưỡng dưới đây:

a) Đối với hoá chất Bảng 2:

– 1 kilôgam/năm đối với một hoá chất 2A*;

– 100 kilôgam/năm đối với một hoá chất 2A;

– 1 tấn/năm đối với một hoá chất 2B.

b) Đối với hoá chất Bảng 3:

Từ 30 tấn/năm trở lên đối với một hoá chất Bảng 3.

2. Doanh nghiệp nêu tại khoản 1 Điều này phải nộp khai báo cho Bộ Công nghiệp.

a) Chậm nhất 60 ngày đối với cơ sở hoá chất Bảng 2 và 30 ngày đối với cơ sở hoá chất Bảng 3 trước khi cơ sở đi vào hoạt động, doanh nghiệp nộp khai báo ban đầu về cơ sở, cụ thể: cơ sở hoá chất Bảng 2 theo mẫu khai báo số 6.1 tại Phụ lục số 6; cơ sở hoá chất Bảng 3 theo mẫu khai báo số 7.1 tại Phụ lục số 7 Nghị định này;

b) Trước ngày 28 tháng 02 hàng năm, doanh nghiệp nộp khai báo về các hoạt động có trong năm trước tại cơ sở hiện có, cụ thể: cơ sở hoá chất Bảng 2 theo mẫu khai báo số 6.2 tại Phụ lục số 6; cơ sở hoá chất Bảng 3 theo mẫu khai báo số 7.2 tại Phụ lục số 7 Nghị định này;

c) Trước ngày 30 tháng 9 hàng năm, doanh nghiệp nộp khai báo về các hoạt động dự kiến tại cơ sở trong năm tiếp theo, cụ thể: cơ sở hoá chất Bảng 2 theo mẫu khai báo số 6.3 tại Phụ lục số 6; cơ sở hoá chất Bảng 3 theo mẫu khai báo số 7.3 tại Phụ lục số 7 Nghị định này;

d) Chậm nhất 30 ngày trước khi thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi hoạt động tại cơ sở hoá chất hiện có, doanh nghiệp nộp khai báo bổ sung về cơ sở, cụ thể: cơ sở hoá chất Bảng 2 theo mẫu khai báo số 6.4 tại Phụ lục số 6; cơ sở hoá chất Bảng 3 theo mẫu khai báo số 7.4 tại Phụ lục số 7 Nghị định này.

 

Điều 8. Quy định về thanh sát cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3.

1. Đối tượng thanh sát:

a) Tất cả các cơ sở hoá chất Bảng 2 là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát có hệ thống của Tổ chức Công ước nếu có sản lượng bằng hoặc vượt ngưỡng dưới đây:

– 10 kg/năm đối với một hoá chất 2A*;

– 1 tấn/năm đối với một hoá chất 2A;

– 10 tấn/năm đối với một hoá chất 2B.

b) Tất cả các cơ sở hoá chất Bảng 3 có sản lượng từ 200 tấn/năm trở lên đối với một hoá chất Bảng 3 bất kỳ đều có thể là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát lại của Tổ chức Công ước.

2. Tổ chức Công ước có thể tiến hành thanh sát đột xuất tại bất kỳ cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3 nào khi có cáo buộc về việc vi phạm Công ước.

3. Doanh nghiệp có cơ sở hoá chất Bảng 2, cơ sở hoá chất Bảng 3 bị thanh sát phải chấp hành đầy đủ các quy định về thanh sát của Tổ chức Công ước quy định tại Phụ lục số 9 Nghị định này; tuân thủ các hướng dẫn của đội hộ tống trong quá trình tiến hành thanh sát tại cơ sở; hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để đội thanh sát của Tổ chức Công ước hoàn thành nhiệm vụ quy định trong lệnh thanh sát.

 

Điều 9. Quy định về xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3.

1. Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật được xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3 với các tổ chức, cá nhân của quốc gia thành viên của Tổ chức Công ước cho các mục đích không bị Công ước cấm phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

a) Có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hành nghề hoá chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và chứng nhận đăng ký mã số xuất nhập khẩu ghi trên giấy chứng nhận đăng ký thuế do cơ quan thuế cấp;

b) Có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hoá là hoá chất độc hại và sản phẩm có hoá chất độc hại do Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

c) Có giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3 của Bộ Công nghiệp,

Mẫu đơn đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3 tại Phụ lục số 4 Nghị định này (Mẫu 4.3).

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Công nghiệp sẽ cấp phép xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3 theo mẫu giấy phép tại Phụ lục số 4 Nghị định này (Mẫu 4.4).

Trường hợp xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3 cho các mục đích chuyên ngành (y tế, dược phẩm, nông nghiệp, bảo vệ), khi cần thiết Bộ Công nghiệp lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ quản lý nhà nước tương ứng trước khi cấp phép.

Giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3 chỉ cấp một lần cho một hợp đồng trong thời gian tối đa là 12 tháng, trường hợp cần gia hạn phải có đơn đề nghị. Các giấy phép đã cấp không được chuyển nhượng cho doanh nghiệp khác.

Trường hợp việc xuất khẩu hoá chất Bảng 3 được thực hiện với tổ chức hoặc cá nhân của nước không phải là quốc gia thành viên Công ước, phải có giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nói trên. Mẫu giấy chứng nhận sử dụng cuối cùng tại Phụ lục số 7 Nghị định này (Mẫu 7.5). Giấy chứng nhận này đính kèm trong hồ sơ đề nghị cấp phép xuất khẩu của doanh nghiệp xin phép xuất khẩu.

2. Trước ngày 28 tháng 02 hàng năm, doanh nghiệp quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp Bộ Công nghiệp văn bản khai báo về nhập khẩu, xuất khẩu trong năm trước đối với:

– Hóa chất Bảng 2, bao gồm cả hỗn hợp chứa hóa chất 2A* và 2A có nồng độ từ 1% trở lên và hóa chất 2B có nồng độ từ 30% trở lên, theo mẫu khai báo số 6.5 tại Phụ lục số 6 Nghị định này;

– Hóa chất Bảng 3, bao gồm cả hỗn hợp chứa hóa chất Bảng 3 có nồng độ từ 30% trở lên theo mẫu khai báo số 7.6 tại Phụ lục số 7 Nghị định này.

3. Khi được yêu cầu, mọi doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3 đều phải chấp hành nghiêm túc việc kiểm chứng số liệu xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2, hoá chất Bảng 3 do Tổ chức Công ước hoặc Bộ Công nghiệp phối hợp cùng Cơ quan quốc gia Việt Nam tiến hành.

 

MỤC 3

CÁC QUY ĐỊNH VỀ CƠ SỞ HOÁ CHẤT DOC, DOC-PSF


 

Điều 10. Các quy định về đầu tư cơ sở hoá chất DOC, DOC- PSF

Doanh nghiệp thành lập theo quy định của pháp luật có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hành nghề hoá chất do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp và đã đăng ký mã số thuế; cam kết thực hiện đầu tư cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF cho các mục đích không bị Công ước cấm được đầu tư cơ sở sản xuất hoá chất DOC, DOC-PSF phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:

1. Có cơ sở vật chất, công nghệ, thiết bị phù hợp để sản xuất hoá chất DOC, DOC-PSF đạt tiêu chuẩn chất lượng mà doanh nghiệp đăng ký.

2. Có bộ phận phân tích, kiểm tra chất lượng sản phẩm. Trong trường hợp không có bộ phận phân tích, kiểm tra riêng thì có thể thuê các đơn vị, trung tâm phân tích hợp pháp thuộc các cơ quan chuyên ngành.

3. Có hệ thống xử lý chất thải bảo đảm sản xuất không gây ô nhiễm môi trường; có đầy đủ các phương tiện và điều kiện làm việc để bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh môi trường như đối với hoá chất độc hại theo quy định của pháp luật về lao động và về môi trường.

4. Có đội ngũ cán bộ kỹ thuật, công nhân có trình độ chuyên môn, được huấn luyện, đào tạo chuyên ngành hoá chất, đáp ứng yêu cầu công nghệ sản xuất và quản lý chất lượng.

Việc đầu tư cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF được thực hiện theo quy định đầu tư hiện hành.

 

Điều 11. Quy định về khai báo cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF

Doanh nghiệp có cơ sở sản xuất hoá chất DOC có sản lượng từ 200 tấn/năm trở lên đối với một hoá chất DOC và cơ sở sản xuất hoá chất DOC-PSF có sản lượng từ 30 tấn/năm trở lên đối với một hoá chất DOC-PSF phải nộp Bộ Công nghiệp các tài liệu sau:

1. Chậm nhất là 30 ngày trước khi cơ sở đi vào hoạt động, doanh nghiệp nộp khai báo ban đầu về cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF, theo mẫu khai báo số 8.1 tại Phụ lục số 8 Nghị định này.

2. Trước ngày 28 tháng 02 hàng năm, doanh nghiệp nộp khai báo về các hoạt động có trong năm trước tại cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF theo mẫu khai báo số 8.2 tại Phụ lục số 8 Nghị định này.

3. Chậm nhất 30 ngày trước khi thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi sản xuất tại cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF hiện có, doanh nghiệp nộp khai báo bổ sung về cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF, theo mẫu khai báo số 8.3 tại Phụ lục số 8 Nghị định này.

 

Điều 12. Quy định về thanh sát cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF

1. Tất cả các cơ sở sản xuất hoá chất DOC, DOC-PSF có sản lượng trên 200 tấn/năm đều có thể là đối tượng thanh sát ban đầu và thanh sát lại của Tổ chức Công ước. Tổ chức Công ước có thể tiến hành thanh sát đột xuất tại bất kỳ cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF nào khi có cáo buộc về việc vi phạm Công ước.

2. Doanh nghiệp có cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF bị thanh sát có nghĩa vụ chấp hành đầy đủ các quy định về thanh sát của Tổ chức Công ước nêu tại Phụ lục số 9 Nghị định này; tuân thủ các hướng dẫn của đội hộ tống của Cơ quan quốc gia Việt Nam trong quá trình tiến hành thanh sát tại cơ sở; hợp tác và tạo điều kiện thuận lợi để đội thanh sát của Tổ chức Công ước hoàn thành nhiệm vụ được quy định trong lệnh thanh sát.

 

CHƯƠNG III

CÁC QUY ĐỊNH KHÁC


 

Điều 13. Thông báo thay đổi tên hoá chất chống bạo loạn

Trường hợp thay đổi hoá chất được sử dụng làm chất chống bạo loạn thì cơ quan nhà nước liên quan đến việc quản lý, sử dụng chất chống bạo loạn phải thông báo với Bộ Công nghiệp về hoá chất được thay thế, gồm: tên hoá chất (tên gọi theo IUPAC, tên thương mại hay tên gọi thông thường), công thức hóa học và số CAS để thông báo với Tổ chức Công ước.

 

Điều 14. Thông báo hàng năm về chương trình phòng vệ, đóng góp tự nguyện

Cơ quan quốc gia Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan trong việc lập báo cáo hàng năm về chương trình phòng vệ và đóng góp tự nguyện của Việt Nam trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, thông báo với Tổ chức Công ước.

 

Điều 15. Ưu đãi và miễn trừ

1. Trong thời gian thực hiện việc thanh sát tại Việt Nam, thành viên đội thanh sát của Tổ chức Công ước được hưởng quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao, theo quy định tại Điều 29 và khoản 1 Điều 30 của Công ước Viên năm 1961 về quan hệ ngoại giao.

2. Bộ Công an có trách nhiệm xem xét, cấp phép nhập cảnh cho thanh sát viên và trợ lý thanh sát của Tổ chức Công ước.

3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm cấp thị thực nhập cảnh nhiều lần, có giá trị 2 năm cho thanh sát viên và trợ lý thanh sát của Tổ chức Công ước, đồng thời thông báo cho Tổ chức Công ước danh sách các thanh sát viên và trợ lý thanh sát mà Việt Nam đã cấp thị thực.

4. Mẫu vật, thiết bị thuộc danh mục thiết bị được Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước phê chuẩn do đội thanh sát mang vào Việt Nam để thực hiện nhiệm vụ thanh sát được miễn khai báo và kiểm tra hải quan; được miễn thuế nhập khẩu, xuất khẩu.

 

Điều 16. Tiếp đón và làm việc với đội thanh sát của Tổ chức Công ước

Cơ quan quốc gia Việt Nam có trách nhiệm:

1. Tiếp đón và làm việc với đội thanh sát của Tổ chức Công ước; thực hiện quyền kiểm tra theo khoản 29 mục c phần II Phụ lục kiểm chứng của Công ước để đảm bảo sự phù hợp của số thiết bị do đội thanh sát mang vào Việt Nam; tạo mọi điều kiện để đội thanh sát hoàn thành nhiệm vụ thanh sát theo đúng các nội dung của lệnh thanh sát của Tổ chức Công ước khi lệnh này phù hợp với các quy định của Công ước.

2. Phối hợp với cơ sở bị thanh sát thực hiện mọi biện pháp bảo vệ cơ sở, thông tin và số liệu không liên quan đến mục đích và nội dung thanh sát.

3. Đối với các cơ sở hoá chất Bảng 1 và Bảng 2, ngay trong thời gian tiến hành cuộc thanh sát ban đầu, Cơ quan quốc gia Việt Nam cùng đại diện cơ sở tổ chức đàm phán với đội thanh sát để thống nhất nội dung của thoả thuận cơ sở trong đó quy định các chi tiết cho việc thanh sát có hệ thống tại cơ sở kể từ sau cuộc thanh sát ban đầu.

 

Điều 17. Bảo mật thông tin

1. Mọi thành viên của Cơ quan quốc gia Việt Nam có trách nhiệm bảo vệ các thông tin mật trong khi thi hành nhiệm vụ theo quy định của Công ước và Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước.

2. Cơ quan quốc gia Việt Nam có nhiệm vụ thiết lập, lựa chọn mức độ cần bảo mật của thông tin trao đổi hoặc cung cấp cho Tổ chức Công ước trên cơ sở thoả thuận với Tổ chức Công ước.

3. Thông tin bảo mật của các cơ sở hoá chất chỉ được trao đổi, tiết lộ với những người có trách nhiệm để thực hiện nghĩa vụ Công ước và trong trường hợp khẩn cấp có liên quan đến an toàn cộng đồng.

 

CHƯƠNG IV

QUẢN LÝ NHÀ N­ƯỚC TRONG VIỆC THỰC HIỆN CÔNG ­ƯỚC


 

Điều 18. Nội dung quản lý nhà n­ước trong việc thực hiện Công ư­ớc

Nội dung quản lý nhà n­ước trong việc thực hiện Công ư­ớc bao gồm:

1. Xây dựng, ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động hoá chất để thực hiện Công ước.

2. Chỉ đạo và tổ chức việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam và các cam kết quốc tế phát sinh từ Công ­ước.

3. Thông tin, tuyên truyền và phổ biến giáo dục pháp luật về Công ­ước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

4. Cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi giấy phép đối với các hoạt động hoá chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước.

5. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm các quy định của pháp luật về thực hiện Công ước.

6. Hợp tác quốc tế trong việc thực hiện Công ­ước.

 

Điều 19. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà n­ước trong việc thực hiện Công ư­ớc

1. Chính phủ thống nhất quản lý việc thực hiện Công ­ước trong phạm vi cả nư­ớc.

2. Bộ Công nghiệp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà n­ước về thực hiện Công ư­ớc, có chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật nhằm mục đích thực hiện Công ước;

b) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến Công ­ước và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

c) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân các tỉnh) và chịu trách nhiệm tr­ước Chính phủ trong việc thực hiện Công ­ước;

d) Cấp, gia hạn, đình chỉ, thu hồi theo thẩm quyền giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu, văn bản chấp thuận đầu tư các cơ sở hoá chất bị kiểm soát theo quy định của Công ước;

đ) Quản lý việc sản xuất, chế biến, tiêu dùng, cất giữ hoá chất độc có liên quan; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động này tại các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của mình;

e) Là đại diện cho Cơ quan quốc gia Việt Nam trong quan hệ với Tổ chức Công ước và thay mặt Cơ quan quốc gia Việt Nam giải quyết các công việc liên quan đến Công ước;

g) Chủ trì thực hiện hợp tác quốc tế trong khuôn khổ Công ­ước.

3. Bộ Th­ương mại phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý xuất nhập khẩu các hoá chất thuộc diện Công ước kiểm soát.

4. Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc xây dựng để ban hành theo thẩm quyền hoặc trình các cấp có thẩm quyền ban hành các quy định và hướng dẫn hải quan liên quan đến việc xuất khẩu, nhập khẩu các hoá chất bảng theo quy định của Công ước; chịu trách nhiệm thống kê, tổng hợp số liệu nhập khẩu, xuất khẩu hoá chất bảng để chuyển cho Bộ Công nghiệp xử lý và thực hiện khai báo quốc gia với Tổ chức Công ước.

5. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý việc sản xuất, chế biến, tiêu dùng, cất giữ hoá chất độc có liên quan; thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các hoạt động này trong các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang; phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc tổ chức thực hiện Công ư­ớc.

6. Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc thực hiện các cam kết của Việt Nam về thực hiện Công ước và hợp tác quốc tế theo quy định của Công ước.

7. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình phối hợp với Bộ Công nghiệp trong việc tổ chức triển khai thực hiện các quy định của Công ước và Nghị định này.

 

Điều 20. Chức năng và quy chế làm việc của Cơ quan quốc gia Việt Nam

Cơ quan quốc gia Việt Nam có các chức năng sau:

1. Tham mưu, tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Công ước.

2. Đảm bảo sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ và có hiệu quả giữa các Bộ, ngành và cơ quan hữu quan trong việc thực hiện Công ước.

3. Theo dõi, kiểm tra đảm bảo việc tuân thủ Công ước.

4. Đầu mối quan hệ công tác giữa Việt Nam với Tổ chức Công ước thông qua đại diện của mình là Bộ Công nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp quyết định quy chế làm việc của Cơ quan quốc gia Việt Nam.

 

CHƯƠNG V
THANH TRA, KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

 

MỤC 1
THANH TRA, KIỂM TRA

 

Điều 21. Trách nhiệm và thẩm quyền thanh tra, kiểm tra

1. Cơ quan quốc gia Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Công nghiệp, các Bộ, ngành và cơ quan liên quan thanh tra, kiểm tra các hoạt động liên quan đến hoá chất bị kiểm soát bởi Công ước được quy định tại Nghị định này nhằm chấn chỉnh, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong việc thực hiện Công ước.

2. Thẩm quyền thanh tra, kiểm tra được thực hiện theo quy định của pháp luật về thanh tra.

3. Trong khi làm nhiệm vụ, cơ quan và người tiến hành thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm thực hiện nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật có liên quan; tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

 

Điều 22. Quyết định thanh tra, kiểm tra

1. Việc thanh tra, kiểm tra được tiến hành dưới các hình thức sau đây:

a) Kiểm tra thường xuyên theo chức năng quản lý và thẩm quyền được pháp luật quy định;

b) Thành lập đoàn để thanh tra, kiểm tra theo định kỳ từng quý, sáu tháng, hàng năm hoặc tiến hành đột xuất khi xét thấy cần thiết.

2. Việc thanh tra, kiểm tra đột xuất dựa trên những căn cứ sau đây:

a) Thông qua công tác quản lý của mình, cơ quan có thẩm quyền phát hiện các thông tin, tài liệu có dấu hiệu vi phạm các quy định của Công ước, quy định của Nghị định này và quy định pháp luật có liên quan;

b) Có tin báo, tố giác của người khác về các hoạt động vi phạm;

c) Theo yêu cầu của Cơ quan quốc gia Việt Nam hoặc của Tổ chức Công ước.

3. Thủ trưởng cơ quan chủ trì thanh tra, kiểm tra quyết định thành phần đoàn thanh tra, kiểm tra trên cơ sở mục đích, yêu cầu, phạm vi và nội dung thanh tra, kiểm tra; trong trường hợp cần thành lập đoàn liên ngành thì trao đổi với các cơ quan có liên quan để cử người phối hợp.

4. Việc thanh tra, kiểm tra theo đoàn phải có quyết định bằng văn bản của thủ trưởng ngành từ cấp tỉnh trở lên. Quyết định thanh tra, kiểm tra phải ghi rõ tên cơ quan tiến hành thanh tra; tên, địa chỉ của cơ quan, tổ chức được thanh tra, kiểm tra; thời gian tiến hành, phạm vi và nội dung thanh tra, kiểm tra; thành phần đoàn thanh tra, kiểm tra; căn cứ để tiến hành thanh tra, kiểm tra (đối với thanh tra, kiểm tra đột xuất).

 

Điều 23. Tiến hành thanh tra, kiểm tra

1. Trên cơ sở các quy định của Công ước và Nghị định này, việc thanh tra, kiểm tra được tiến hành trên thực tế hoạt động của đối tượng được thanh tra, kiểm tra. Cá nhân, đơn vị được thanh tra, kiểm tra có trách nhiệm tạo điều kiện cho đoàn thanh tra, kiểm tra thực hiện nhiệm vụ.

2. Kết quả thanh tra, kiểm tra được lập thành biên bản, trong đó nêu rõ quá trình tiến hành thanh tra, kiểm tra; kết luận của đoàn về những vi phạm của cá nhân, đơn vị được thanh tra, kiểm tra; những kiến nghị hoặc yêu cầu của đoàn thanh tra, kiểm tra và những nội dung cần thiết khác; biên bản phải có chữ ký của trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra và của cá nhân hoặc người đứng đầu đơn vị được thanh tra, kiểm tra.

3. Trường hợp phát hiện vi phạm có dấu hiệu của tội phạm thì trưởng đoàn thanh tra, kiểm tra được quyền tạm đình chỉ hoạt động vi phạm, có trách nhiệm bảo vệ hiện trường và tang vật vi phạm, đồng thời báo ngay cho cơ quan điều tra có thẩm quyền.

 

MỤC 2
XỬ PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH

 

Điều 24. Quy định chung về xử phạt vi phạm hành chính

1. Vi phạm hành chính về thực hiện Công ước là những hành vi vi phạm trong các hoạt động sản xuất, chế biến, tiêu dùng, cất giữ, xuất khẩu, nhập khẩu các hoá chất bị kiểm soát bởi quy định của Công ước và Nghị định này, do tổ chức hoặc cá nhân thực hiện mà chưa cấu thành tội phạm nhưng theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính phải bị xử phạt vi phạm hành chính.

2. Mỗi hành vi vi phạm hành chính phải chịu một hình thức xử phạt chính bằng tiền; mức phạt tiền tối đa đối với một hành vi vi phạm hành chính là 100.000.000 đồng. Mức tiền phạt cụ thể đối với một hành vi vi phạm hành chính là mức trung bình của khung tiền phạt quy định đối với hành vi đó; nếu vi phạm có tình tiết giảm nhẹ thì mức tiền phạt có thể giảm xuống thấp hơn mức trung bình nhưng không được giảm quá mức tối thiểu của khung tiền phạt; nếu vi phạm có tình tiết tăng nặng thì mức tiền phạt có thể tăng lên cao hơn mức trung bình nhưng không được vượt quá mức tối đa của khung tiền phạt.

3. Tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm, cá nhân, tổ chức vi phạm còn bị áp dụng một hoặc nhiều hình thức xử phạt bổ sung hoặc biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

4. Nguyên tắc xử phạt, thời hạn xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính, tình tiết giảm nhẹ, tình tiết tăng nặng, thời hiệu xử phạt, thời hạn được coi là chưa bị xử phạt, việc áp dụng các biện pháp ngăn chặn và bảo đảm xử lý vi phạm hành chính về thực hiện Công ước được áp dụng theo quy định của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, Nghị định số 134/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn khác có liên quan.

5. Đối với những vi phạm hành chính khác trong lĩnh vực quản lý hoá chất độc, bảo vệ môi trường và an toàn hóa chất đã được quy định tại các nghị định khác của Chính phủ thì việc xử phạt áp dụng theo các quy định của các nghị định đó.

 

Điều 25. Xử phạt vi phạm đối với các hành vi bị cấm theo quy định của Công ước

1. Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu vi phạm các hành vi bị cấm đối với vũ khí hoá học theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định này.

2. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng nếu vi phạm các hành vi bị cấm đối với hoá chất Bảng 1 theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định này.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu vi phạm các hành vi bị cấm đối với hoá chất Bảng 2 theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định này.

4. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng nếu vi phạm các hành vi bị cấm đối với hoá chất Bảng 3 theo quy định tại khoản 4 Điều 3 Nghị định này.

5. Phạt tiền 20.000.000 đồng nếu vi phạm hành vi bị cấm đối với hóa chất DOC, DOC-PSF quy định tại khoản 5 Điều 3 Nghị định này.

6. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này phải có biện pháp khắc phục hậu quả và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính khi vi phạm quy định tại Điều 3 Nghị định này;

b) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;

c) Trong trường hợp không áp dụng biện pháp tịch thu thì buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện liên quan nếu có hành vi nhập khẩu trái phép các hoá chất bảng;

d) Đối với tang vật là hoá chất, vật phẩm chứa hóa chất gây tác hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và cây trồng, trong trường hợp không áp dụng biện pháp tịch thu thì buộc tiêu huỷ.

 

Điều 26. Xử phạt vi phạm về quản lý hoá chất Bảng 1

1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định về điều kiện đầu tư, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 1 tại khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 Nghị định này, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;

b) Vi phạm quy định về khai báo đối với hoá chất Bảng 1, như: không khai báo hoặc khai báo không đúng thực tế, sản xuất, chế biến, tiêu dùng, cất giữ; không thông báo, không khai báo xuất khẩu, nhập khẩu do thiếu trách nhiệm hoặc các lỗi vô ý khác; thông báo, khai báo không đúng thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Sản xuất, chế biến, tiêu dùng, cất giữ hóa chất Bảng 1 vượt tổng sản lượng quy định tại mục a khoản 12 Điều 2 Nghị định này; xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 1 sai nội dung ghi trong giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu); chuyển nhượng giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) cho doanh nghiệp khác;

b) Vi phạm quy định về khai báo đối với hoá chất Bảng 1, như: cố ý không khai báo hoặc cố ý khai báo không đúng thực tế sản xuất, chế biến, tiêu dùng, cất giữ; cố ý không thông báo, cố ý không khai báo xuất khẩu, nhập khẩu; dùng thủ đoạn gian dối trong khai báo;

c) Vi phạm quy định về thanh sát, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; vi phạm quy định về kiểm chứng số liệu xuất nhập khẩu hoá chất Bảng 1 theo quy định;

d) Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 không được phép của Thủ tướng Chính phủ; xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 1 không được phép của Thủ tướng Chính phủ và không có giấy phép của Bộ Công nghiệp; sử dụng giấy phép quá hạn, giấy phép bị sửa chữa, giấy phép giả;

b) Không chấp hành quyết định thanh sát của cơ quan có thẩm quyền.

 

Điều 27. Xử phạt vi phạm về quản lý hoá chất Bảng 2

1. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định về điều kiện đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2 tại các khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 9 Nghị định này, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;

b) Vi phạm quy định về khai báo đối với hoá chất Bảng 2, như: không khai báo hoặc khai báo không đúng thực tế sản xuất, chế biến, tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 2 do thiếu trách nhiệm hoặc các lỗi vô ý khác; khai báo không đúng thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2 sai nội dung ghi trong văn bản chấp thuận đầu tư của Bộ Công nghiệp; xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2 sai nội dung ghi trong giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; chuyển nhượng giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) cho doanh nghiệp khác;

b) Vi phạm quy định về khai báo đối với hoá chất Bảng 2, như: cố ý không khai báo hoặc cố ý khai báo không đúng thực tế sản xuất, chế biến, tiêu dùng, xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2; dùng thủ đoạn gian dối trong khai báo;

c) Vi phạm quy định về thanh sát, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; vi phạm quy định về kiểm chứng số liệu xuất nhập khẩu hoá chất Bảng 2 theo quy định;

d) Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2 không có văn bản chấp thuận của Bộ Công nghiệp; xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 2 không có giấy phép của Bộ Công nghiệp hoặc sử dụng giấy phép quá hạn, giấy phép bị sửa chữa, giấy phép giả;

b) Không chấp hành quyết định thanh sát của cơ quan có thẩm quyền.

 

Điều 28. Xử phạt vi phạm về quản lý hoá chất Bảng 3

1. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định về điều kiện đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 3, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 3 tại khoản 1 Điều 6 và khoản 2 Điều 9 Nghị định này, nếu không thuộc các trường hợp quy định tại các khoản 2 và 3 Điều này;

b) Vi phạm quy định về khai báo đối với hoá chất Bảng 3, như: không khai báo hoặc khai báo không đúng thực tế sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 3 do thiếu trách nhiệm hoặc các lỗi vô ý khác; khai báo không đúng thời hạn quy định mà không có lý do chính đáng.

2. Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đầu tư sai nội dung ghi trong văn bản chấp thuận đầu tư của Bộ Công nghiệp; xuất khẩu, nhập khẩu hóa chất Bảng 3 sai nội dung ghi trong giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu; chuyển nhượng giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) cho doanh nghiệp khác;

b) Vi phạm quy định về khai báo đối với hoá chất Bảng 3, như: cố ý không khai báo hoặc khai báo không đúng thực tế, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu; dùng thủ đoạn gian dối trong khai báo;

c) Vi phạm quy định về thanh sát, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này;

d) Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền.

3. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Đầu tư cơ sở hóa chất Bảng 3 không có văn bản chấp thuận của Bộ Công nghiệp; xuất khẩu, nhập khẩu hoá chất Bảng 3 không có giấy phép của Bộ Công nghiệp hoặc sử dụng giấy phép quá hạn, giấy phép bị sửa chữa, giấy phép giả;

b) Không chấp hành quyết định thanh sát của cơ quan có thẩm quyền.

 

Điều 29. Xử phạt vi phạm về quản lý hoá chất DOC, DOC-PSF

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định về khai báo đối với cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều này;

b) Không chấp hành quyết định thanh tra, kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền;

c) Vi phạm quy định về thanh sát, nếu không thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

2. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm quy định về khai báo đối với cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF, như: cố ý khai báo không đúng thực tế sản xuất; dùng thủ đoạn gian dối trong khai báo;

b) Không chấp hành quyết định thanh sát của cơ quan có thẩm quyền.

 

Điều 30. Áp dụng hình thức xử phạt bổ sung, biện pháp khắc phục hậu quả và xử phạt trục xuất

1. Ngoài việc bị phạt tiền, cá nhân, tổ chức có các hành vi vi phạm quy định tại các điều từ Điều 26 đến Điều 29 Nghị định này phải có biện pháp khắc phục hậu quả và có thể bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn hoặc đình chỉ có thời hạn hoạt động của cơ sở khi vi phạm quy định tại các khoản 1 và 2 của các điều từ Điều 26 đến Điều 28 và quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép không thời hạn hoặc chấm dứt hoạt động của cơ sở khi vi phạm quy định tại khoản 1, khoản 2 của các điều từ Điều 26 đến Điều 28 Nghị định này và có nhiều tình tiết tăng nặng; vi phạm quy định tại điểm b khoản 3 của các điều từ Điều 26 đến Điều 28 và quy định tại điểm b khoản 2 Điều 29 Nghị định này;

c) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm quy định tại điểm a khoản 3 của các điều từ Điều 26 đến Điều 28 và quy định tại điểm a khoản 2 Điều 29 Nghị định này;

d) Buộc thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do vi phạm hành chính gây ra;

đ) Trong trường hợp không áp dụng biện pháp tịch thu thì buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng hoá, vật phẩm, phương tiện nếu có hành vi nhập khẩu trái phép các hoá chất bảng;

e) Đối với tang vật là hoá chất, vật phẩm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi và huỷ hoại môi sinh, môi trường, trong trường hợp không áp dụng biện pháp tịch thu thì buộc tiêu huỷ.

2. Người nước ngoài có các hành vi vi phạm quy định tại các điều từ Điều 25 đến Điều 29 Nghị định này có thể bị trục xuất theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

 

Điều 31. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính

Bộ Công nghiệp, các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh chịu trách nhiệm xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền được quy định tại Pháp lệnh về Xử lý vi phạm hành chính.

 

Điều 32. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo

1. Cá nhân, tổ chức được thanh tra, kiểm tra; bị xử phạt vi phạm hành chính có quyền khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của người có thẩm quyền khi có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái với các quy định của pháp luật và Nghị định này, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình.

2. Công dân có quyền tố cáo với cơ quan nhà nước có thẩm quyền về những hành vi trái pháp luật của bất cứ tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại đối với lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và tổ chức.

3. Trình tự, thủ tục khiếu nại, tố cáo và giải quyết các khiếu nại, tố cáo được thực hiện theo quy định tại Điều 118 Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính và quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo.

 

CHƯƠNG VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH


 

Điều 33. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo. Các quy định trước đây trái với Nghị định này đều bãi bỏ.

 

Điều 34. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Công nghiệp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thi hành Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm hướng dẫn và thi hành Nghị định này.

PHỤ LỤC SỐ 1

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

DANH MỤC HOÁ CHẤT BẢNG

 

­HOÁ CHẤT BẢNG 1

 

STT
 Tên hoá chất
 Số CAS
 Mã số HS
 
A
 CÁC HOÁ CHẤT ĐỘC
 
 
 
1
 Các hợp chất O‑Alkyl (<C10, gồm cả cycloalkyl ) alkyl
 
 2931.00
 
 
 (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr)-phosphonofluoridate,
 
 
 
 
 Ví dụ:
 
 
 
 
 Sarin: O‑Isopropylmethylphosphonofluoridate
 107-44-8
 2931.00
 
 
 Soman: O‑Pinacolyl methylphosphonofluoridate
 96-64-0
 2931.00
 
2
 Các hợp chất O‑Alkyl (<C10, gồm cả cycloalkyl) N,N‑dialkyl
 
 2931.00

 
 
 
 (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr) – phosphoramidocyanidate    
 
 
 
 
 Ví dụ:
 
 
 
 
 Tabun: O‑Ethyl N,N‑dimethyl phosphoramidocyanidate
 77-81-6
 2931.00
 
3
 Các hợp chất O‑Alkyl (H or <C10, gồm cả cycloalkyl) S‑2‑dialkyl
 
 2930.90

 
 
 
 (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr)‑aminoethyl alkyl
 
 
 
 
 (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr) phosphonothiolate và các muối alkyl hoá hoặc proton hoá tương ứng.
 
 
 
 
 Ví dụ:
 
 
 
 
 VX: O‑Ethyl S‑2‑diisopropylaminoethyl methyl phosphonothiolate
 50782-69-9
 2930.90

 
 
4
 Các chất khí gây bỏng chứa Lưu huỳnh (Sulfur mustards):
 
 
 
 
 2‑Chloroethylchloromethylsulfide
 2625-76-5
 2930.90
 
 
 Khí gây bỏng: Bis(2‑chloroethyl)sulfide
 505-60-2
 2930.90
 
 
 Bis(2‑chloroethylthio) methane
 63869-13-6
 2930.90
 
 
 Sesquimustard: 1,2‑Bis(2‑chloroethylthio)ethane
 3563-36-8
 2930.90
 
 
 1,3‑Bis(2‑chloroethylthio)‑n‑propane
 63905-10-2
 2930.90
 
 
 1,4‑Bis(2‑chloroethylthio)‑n‑butane
 142868-93-7
 2930.90
 
 
 1,5‑Bis(2‑chloroethylthio)‑n‑pentane
 142868-94-8
 2930.90
 
 
 Bis(2‑chloroethylthiomethyl)ether
 63918-90-1
 2930.90
 
 
 Khí gây bỏng chứa Lưu huỳnh và Oxy: Bis(2‑chloroethylthioethyl) ether
 63918-89-8
 2930.90
 
5
 Các hợp chất Lewisite (chứa Arsen): Lewisite 1: 2‑Chlorovinyldichloroarsine
 541‑25‑3
 2931.00
 
 
 Lewisite 2: Bis(2‑chlorovinyl)chloroarsine
 40334‑69‑8
 2931.00
 
 
 Lewisite 3: Tris(2‑chlorovinyl)arsine
 40334‑70‑1
 2931.00
 
6
 Hơi cay Nitơ (Nitrogen mustards): HN1: Bis(2‑chloroethyl)ethylamine
 538‑07‑8
 2921.19
 
 
 HN2: Bis(2‑chloroethyl)methylamine
 51‑75‑2
 2921.19
 
 
 HN3: Tris(2‑chloroethyl)amine
 555-77-1
 2921.19
 
7
 Saxitoxin
 35523‑89‑8
 3002.90
 
8
 Ricin
 9009-86-3
 3002.90
 
B
 CÁC TIỀN CHẤT
 
 
 
9
 Các hợp chất Alkyl (Me, Et, n‑Pr or i‑Pr) phosphonyldifluoride
 
 
 
 
 Ví dụ.DF: Methylphosphonyldifluoride
 676-99-3
 2931.00
 
10
 Các hợp chất O‑Alkyl (H or <C10, gồm cả cycloalkyl) O‑2‑dialkyl
 
 2931.00
 
 
 (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr)‑aminoethyl alkyl
 
 
 
 
 (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr) phosphonite và các muối alkyl hoá hoặc proton hoá tương ứng
 
 
 
 
 Ví dụ:
 
 
 
 
 QL: O‑Ethyl O‑2‑diisopropylaminoethyl methylphosphonite
 57856-11-8
 2931.00
 
11
 Chlorosarin: O‑Isopropyl methylphosphonochloridate
 1445-76-7
 2931.00
 
12
 Chlorosoman: O‑Pinacolyl methylphosphonochloridate
 7040-57-5
 2931.00
 
   

 

HOÁ CHẤT BẢNG 2

 

STT
 Tên hoá chất
 Số CAS
 Mã số HS
 
A
 CÁC HOÁ CHẤT ĐỘC
 
 
 
1
 Amiton: O,O‑Diethyl S‑[2‑(diethylamino) ethyl]phosphorothiolate và các muối alkyl hoá hoặc proton hoá tương ứng
 78‑53‑5
 2930.90
 
2
 PFIB: 1,1,3,3,3‑Pentafluoro‑2‑(trifluoromethyl)‑1‑propene
 382‑21‑8
 2903.30
 
3
 BZ: 3‑Quinuclidinyl benzilate (*)
 6581-06-2
 2933.39
 
B
 CÁC TIỀN CHẤT
 
 
 
4
 Các hoá chất, trừ các chất đã được liệt kê tại Bảng1, chứa 1 nguyên tử phospho liên kết với một nhóm methyl, ethyl hoặc propyl (mạch thẳng hoặc nhánh) nhưng không liên kết thêm với các nguyên tử các bon khác
 
 2931.00
 
 
 Ví dụ.  Methylphosphonyl dichloride

Dimethyl methylphosphonate
 676-97-1

756‑79‑6
 2931.00

2931.00
 
 
 Ngoại trừ Fonofos: O‑Ethyl S‑phenyl ethylphosphonothiolothionate
 944‑22‑9
 2931.00
 
5
 Các hợp chất N,N‑Dialkyl (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr) phosphoramidic dihalide
 
 2929.90
 
6
 Các hợp chất Dialkyl (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr) N,N‑dialkyl

(Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr)‑phosphoramidate
 
 2929.90
 
7
 Arsenic trichloride
 7784‑34‑1
 2812.10
 
8
 2,2‑Diphenyl‑2‑hydroxyacetic acid
 76-93-7
 2918.19
 
9
 Quinuclidin‑3‑ol
 1619‑34‑7
 2933.39
 
10
 Các hợp chất N,N‑Dialkyl (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr) aminoethyl‑2‑chloride và các muối proton hoá tương ứng
 
 2921.19
 
11
 Các hợp chất N,N‑Dialkyl (Me, Et, n‑Pr hoặc i‑Pr) aminoethane‑2‑ol và các muối proton hoá tương ứng, ngoại trừ:
 
 2922.19
 
 
 N,N‑Dimethylaminoethanol và các muối proton hoá tương ứng
 108‑ 01‑ 0

 
 
 
 
 N,N‑Diethylaminoethanol và các muối proton hoá tương ứng
 100‑ 37‑8
 
 
12
 Các hợp chất N,N‑Dialkyl (Me, Et, n‑Pr or i‑Pr) aminoethane‑2‑thiol và các muối proton hoá tương ứng
 
 2930.90
 
13
 Thiodiglycol: Bis(2‑hydroxyethyl) sulfide
 111‑48‑8
 2930.90
 
14
 Pinacolyl alcohol: 3,3‑Dimethylbutan‑2‑ol
 464‑07‑3
 2905.19
 
   

 

HOÁ CHẤT BẢNG 3

 

STT
 Tên hoá chất
 Số CAS
 Mã số HS
 
A
 CÁC HÓA CHẤT ĐỘC
 
 
 
1
 Phosgene: Carbonyl dichloride
 75‑ 44‑ 5
 2812.10
 
2
 Cyanogen chloride
 506‑ 77‑ 4
 2851.00
 
3
 Hydrogen cyanide
 74‑ 90‑ 8
 2811.19
 
4
 Chloropicrin: Trichloronitromethane
 76‑ 06‑ 2
 2904.90
 
B
 CÁC TIỀN CHẤT
 
 
 
5
 Phosphorus oxychloride
 10025‑ 87‑ 3
 2812.10
 
6
 Phosphorus trichloride
 7719‑ 12‑ 2
 2812.10
 
7
 Phosphorus pentachloride
 10026‑ 13‑ 8
 2812.10
 
8
 Trimethyl phosphite
 121‑ 45‑ 9
 2920.90
 
9
 Triethyl phosphite
 122‑ 52‑ 1
 2920.90
 
10
 Dimethyl phosphite
 868‑ 85‑ 9
 2920.90
 
11
 Diethyl phosphite
 762‑ 04‑ 9
 2920.90
 
12
 Sulfur monochloride
 10025‑ 67‑ 9
 2812.10
 
13
 Sulfur dichloride
 10545‑ 99‑ 0
 2812.10
 
14
 Thionyl chloride
 7719‑ 09‑ 7
 2812.10
 
15
 Ethyldiethanolamine
 139‑ 87‑ 7
 2922.19
 
16
 Methyldiethanolamine
 105‑ 59‑ 9
 2922.19
 
17
 Triethanolamine
 102‑ 71‑ 6
 2922.13
 
   

   

Ghi chú: Những hoá chất trên là những chất chính (cơ chất), còn các dẫn xuất của chúng được Tổ chức Công ước liệt kê trong Sổ tay Hóa chất. Đến tháng 12 năm 2002 đã có 894 dẫn xuất đang có ứng dụng thương mại rộng rãi. Thông tin về các dẫn xuất trên sẽ được Bộ Công nghiệp cung cấp theo yêu cầu cụ thể.

Phụ lục số 2

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Danh sách quốc gia thành viên Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học

(Tính đến ngày 3 tháng 7 năm 2005)

 

 

STT

 
 Tên quốc gia thành viên

 
 Ngày ký

 
 Ngày nộp lưu chiểu
 Ngày Công ước có hiệu lực
 
1
 Ápganixtan
 14-01-93
 24-09-03
 24-10-03
 
2
 Anbani
 14-01-93
 11-05-94
 29-04-97
 
3
 Angiêri
 13-01-93
 14-08-95
 29-04-97
 
4
 Andora
 27-02-03
 29-03-03
 
 
5
 Achentina
 13-01-93
 02-10-95
 29-04-97
 
6
 Acmênia
 19-03-93
 27-01-95
 29-04-97
 
7
 Úc http://www.dfat.gov.au/cwco/
 13-01-93
 06-05-94
 29-04-97
 
8
 Aó
 13-01-93
 17-08-95
 29-04-97
 
9
 Adécbaigian
 13-01-93
 29-02-00
 30-03-00
 
10
 Barên
 24-02-93
 28-04-97
 29-04-97
 
11
 Bănglađét
 14-01-93
 25-04-97
 29-04-97
 
12
 Bêlarut
 14-01-93
 11-07-96
 29-04-97
 
13
 Bỉ
 13-01-93
 27-01-97
 29-04-97
 
14
 Bêlizê
 01-12-03
 31-12-03
 
 
15
 Bênanh
 14-01-93
 14-05-98
 13-06-98
 
16
 Bôlivia
 14-01-93
 14-08-98
 13-09-98
 
17
 Bosnia và Herzegovina
 16-01-97
 25-02-97
 29-04-97
 
18
 Bôtxoana
 31-08-98
 30-09-98
 
 
19
 Braxin
 13-01-93
 13-03-96
 29-04-97
 
20
 Brunây
 13-01-93
 28-07-97
 27-08-97
 
21
 Bungary
 13-01-93
 10-08-94
 29-04-97
 
22
 Buốckina Phaxo
 14-01-93
 08-07-97
 07-08-97
 
23
 Burundi
 15-01-93
 04-09-98
 04-10-98
 
24
 Camơrun
 14-01-93
 16-09-96
 29-04-97
 
25
 Canada
 13-01-93
 26-09-95
 29-04-97
 
26
 Capeve
 15-01-93
 10-10-03
 09-11-03
 
27
 Sát
 11-10-94
 13-02-04
 14-03-04
 
28
 Chilê
 14-01-93
 12-07-96
 29-04-97
 
29
 Trung Quốc
 13-01-93
 25-04-97
 29-04-97
 
30
 Côlômbia
 13-01-93
 05-04-00
 05-05-00
 
31
 Đảo Cúc
 14-01-93
 15-07-94
 29-04-97
 
32
 Côtxtarica
 14-01-93
 31-05-96
 29-04-97
 
33
 Cốtđivoa
 13-01-93
 18-12-95
 29-04-97
 
34
 Crôatia
 13-01-93
 23-05-95
 29-04-97
 
35
 Cuba
 13-01-93
 29-04-97
 29-05-97
 
36
 Síp
 13-01-93
 28-08-98
 27-09-98
 
37
 Séc http://www.mzv.cz/opcw
 14-01-93
 06-03-96
 29-04-97
 
38
 Đan Mạch

http://www.naec.dk/chemicalweapons/0/1/0
 14-01-93

 
 13-07-95

 
 29-04-97

 
 
39
 Đôminica
 02-08-93
 12-02-01
 14-03-01
 
40
 Êcuađo
 14-01-93
 06-09-95
 29-04-97
 
41
 Enxanvađo
 14-01-93
 30-10-95
 29-04-97
 
42
 Ghinê Xích đạo
 14-01-93
 25-04-97
 29-04-97
 
43
 Eritrêa
 14-02-00
 15-03-00
 
 
44
 Extonia
 14-01-93
 26-05-99
 25-06-99
 
45
 Êtiôpia
 14-01-93
 13-05-96
 29-04-97
 
46
 Fiji
 14-01-93
 20-01-93
 29-04-97
 
47
 Phần Lan http://www.verifin.helsinki.fi/
 14-01-93
 07-02-95
 29-04-97
 
48
 Pháp
 13-01-93
 02-03-95
 29-04-97
 
49
 Gabông
 13-01-93
 08-09-00
 08-10-00
 
50
 Dămbia
 13-01-93
 19-05-98
 18-06-98
 
51
 Gruzia
 14-01-93
 27-11-95
 29-04-97
 
52
 Đức http://www.auswaertiges-amt.de/www/de/aussenpolitik/friedenspolitik/abr_und_r/cwue_html
 13-01-93

 
 12-08-94

 
 29-04-97

 
 
53
 Gana
 14-01-93
 09-07-97
 08-08-97
 
54
 Hi Lạp
 13-01-93
 22-12-94
 29-04-97
 
55
 Grenada
 
 
 
 
56
 Goatêmala
 14-01-93
 12-02-03
 14-03-03
 
57
 Ghinê
 14-01-93
 09-06-97
 09-07-97
 
58
 Guana
 06-10-93
 12-09-97
 12-10-97
 
59
 Holi si
 14-01-93
 12-05-99
 11-06-99
 
60
 Hungary
 13-01-93
 31-10-96
 29-04-97
 
61
 Ai xơ len (Băng đảo)
 13-01-93
 28-04-97
 29-04-97
 
62
 Ân Độ
 14-01-93
 03-09-96
 29-04-97
 
63
 Inđônêxia
 13-01-93
 12-11-98
 12-12-98
 
64
 Cộng hoà hồi giáo Iran
 13-01-93
 03-11-97
 03-12-97
 
65
 Ailen
 14-01-93
 24-06-96
 29-04-97
 
66
 Ý
 13-01-93
 08-12-95
 29-04-97
 
67
 Giamaica
 18-04-97
 08-09-00
 08-10-00
 
68
 Nhật Bản http://www.mofa.go.jp/
 13-01-93
 15-09-95
 29-04-97
 
69
 Gióocđani
 29-10-97
 28-11-97
 
 
70
 Cadăcxtan
 14-01-93
 23-03-00
 22-04-00
 
71
 Kenia
 15-01-93
 25-04-97
 29-04-97
 
72
 Kiribati
 07-09-00
 07-10-00
 
 
73
 Cô oét
 27-01-93
 29-05-97
 28-06-97
 
74
 Cưrơgưxtan
 22-02-93
 29-09-03
 29-10-03
 
75
 Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào
 13-05-93
 25-02-97
 29-04-97
 
76
 Látvia
 06-05-93
 23-07-96
 29-04-97
 
77
 Lơxôthô
 07-12-94
 07-12-94
 29-04-97
 
78
 Libi
 06-01-04
 05-02-04
 
 
79
 Lictơnxten
 21-07-93
 24-11-99
 24-12-99
 
80
 Lítva
 13-01-93
 15-04-98
 15-05-98
 
81
 Lúcxembua
 13-01-93
 15-04-97
 29-04-97
 
82
 Mađagaxca
 15-01-93
 20-10-04
 19-11-04
 
83
 Malauy
 14-01-93
 11-06-98
 11-07-98
 
84
 Malaysia
 13-01-93
 20-04-00
 20-05-00
 
85
 Manđivơ
 01-10-93
 31-05-94
 29-04-97
 
86
 Mali
 13-01-93
 28-04-97
 29-04-97
 
87
 Manta
 13-01-93
 28-04-97
 29-04-97
 
88
 Quần đảo Mác san
 13-01-93
 19-05-04
 18-06-04
 
89
 Môritani
 13-01-93
 09-02-98
 11-03-98
 
90
 Môrixơ
 14-01-93
 09-02-93
 29-04-97
 
91
 Mêhico
 13-01-93
 29-08-94
 29-04-97
 
92
 Liên bang Micronesia
 13-01-93
 21-06-99
 21-07-99
 
93
 Mônaco
 13-01-93
 01-06-95
 29-04-97
 
94
 Môngcổ
 14-01-93
 17-01-95
 29-04-97
 
95
 Ma rốc
 13-01-93
 28-12-95
 29-04-97
 
96
 Môdămbích
 15-08-00
 14-09-00
 
 
97
 Namibia
 13-01-93
 27-11-95
 29-04-97
 
98
 Nauru
 13-01-93
 12-11-01
 12-12-01
 
99
 Nêpan
 19-01-93
 18-11-97
 18-12-97
 
100
 Hà Lan
 14-01-93
 30-06-95
 29-04-97
 
101
 Niu di lân
 14-01-93
 15-07-96
 29-04-97
 
102
 Nicaragoa
 09-03-93
 05-11-99
 05-12-99
 
103
 Ni giê
 14-01-93
 09-04-97
 29-04-97
 
104
 Nigiêria
 13-01-93
 20-05-99
 19-06-99
 
105
 Niue
 21-04-05
 21-05-05
 
 
106
 Nauy http://www.eksportkontroll.mfa.no/
 13-01-93
 07-04-94
 29-04-97
 
107
 Ôman
 02-02-93
 08-02-95
 29-04-97
 
108
 Pakixtan
 13-01-93
 28-10-97
 27-11-97
 
109
 Palau
 03-02-03
 05-03-03
 
 
110
 Panama
 16-06-93
 07-10-98
 06-11-98
 
111
 Papua Niu Ghi nê
 14-01-93
 17-04-96
 29-04-97
 
112
 Paragoay
 14-01-93
 01-12-94
 29-04-97
 
113
 Pêru
 14-01-93
 20-07-95
 29-04-97
 
114
 Philippin
 13-01-93
 11-12-96
 29-04-97
 
115
 Ba Lan
 13-01-93
 23-08-95
 29-04-97
 
116
 Bồ Đào Nha
 13-01-93
 10-09-96
 29-04-97
 
117
 Cata
 01-02-93
 03-09-97
 03-10-97
 
118
 Cộng hoà Hàn quốc http://cwc.kscia.or.kr/
 14-01-93
 28-04-97
 29-04-97
 
119
 Cộng hoà Mônđavi
 13-01-93
 08-07-96
 29-04-97
 
120
 Rumani
 13-01-93
 15-02-95
 29-04-97
 
121
 Liên bang Ngahttp://www.munition.gov.ru/
 13-01-93
 05-11-97
 05-12-97
 
122
 Ruanđa
 17-05-03
 31-03-04
 30-04-04
 
123
 Saint Kitts và Nevis
 16-03-94
 21-05-04
 20-06-04
 
124
 Xênluxia
 29-03-93
 09-04-97
 29-04-97
 
125
 Saint Vincent và the Grenadines
 20-09-93
 18-09-02
 18-10-02
 
126
 Samoa
 14-01-93
 27-09-02
 27-10-02
 
127
 San Marinô
 13-01-93
 10-12-99
 09-01-00
 
128
 Sao Tome và Principe
 09-09-03
 09-10-03
 
 
129
 A rập xê út http://www.mofa.gov.sa/
 20-01-93
 09-08-96
 29-04-97
 
130
 Xênêgan
 13-01-93
 20-07-98
 19-08-98
 
131
 Serbia và Montenegro
 20-04-00
 20-05-00
 
 
132
 Seychelles
 15-01-93
 07-04-93
 29-04-97
 
133
 Xiera Lêon
 15-01-93
 30-09-04
 30-10-04
 
134
 Xingapore
 14-01-93
 21-05-97
 20-06-97
 
135
 Xlôvakia
 14-01-93
 27-10-95
 29-04-97
 
136
 Xlôvenia
 14-01-93
 11-06-97
 11-07-97
 
137
 Quần đảo Sôlômôn
 23-09-04
 23-10-04
 
 
138
 Nam Phi
 14-01-93
 13-09-95
 29-04-97
 
139
 Tây Ban Nha
 13-01-93
 03-08-94
 29-04-97
 
140
 Xrilanca
 14-01-93
 19-08-94
 29-04-97
 
141
 Xuđăng
 24-05-99
 23-06-99
 
 
142
 Xurinam
 28-04-97
 28-04-97
 29-04-97
 
143
 Xoadilen
 23-09-93
 20-11-96
 29-04-97
 
144
 Thuỵ Điển
 13-01-93
 17-06-93
 29-04-97
 
145
 Thuỵ Sĩ
 14-01-93
 10-03-95
 29-04-97
 
146
 Tagikixtan
 14-01-93
 11-01-95
 29-04-97
 
147
 Thailan
 14-01-93
 10-12-02
 09-01-03
 
148
 Nước Cộng hoà Macedonia thuộc Nam Tư cũ
 20-06-97
 20-07-97
 
 
149
 Đông Timo
 07-05-03
 06-06-03
 
 
150
 Tôgô
 13-01-93
 23-04-97
 29-04-97
 
151
 Tônga
 29-05-03
 28-06-03
 
 
152
 Trinidat và Tôbagô
 24-06-97
 24-07-97
 
 
153
 Tuynidi
 13-01-93
 15-04-97
 29-04-97
 
154
 Thổ Nhĩ Kỳ
 14-01-93
 12-05-97
 11-06-97
 
155
 Tuốcmênixtan
 12-10-93
 29-09-94
 29-04-97
 
156
 Tuvalu
 19-01-04
 18-02-04
 
 
157
 Uganđa
 14-01-93
 30-11-01
 30-12-01
 
158
 Ucraina
 13-01-93
 16-10-98
 15-11-98
 
159
 Các tiểu vương quốc A rập thống nhất
 02-02-93
 28-11-00
 28-12-00
 
160
 Liên hiệp Anh và Bắc Ailenhttp://www2.dti.gov.uk/non-proliferation/cwcna/
 13-01-93

 
 13-05-96

 
 29-04-97

 
 
161
 Cộng hoà thống nhất Tandania
 25-02-94
 25-06-98
 25-07-98
 
162
 Hợp chủng quốc Hoa Kỳ
 13-01-93
 25-04-97
 29-04-97
 
163
 Urugoay
 15-01-93
 06-10-94
 29-04-97
 
164
 Udơbêkixtan
 24-11-95
 23-07-96
 29-04-97
 
165
 Vênêduêla
 14-01-93
 03-12-97
 02-01-98
 
166
 Việt Nam
 13-01-93
 30-09-98
 30-10-98
 
167
 Yêmen
 08-02-93
 02-10-00
 01-11-00
 
168
 Dămbia
 13-01-93
 09-02-01
 11-03-01
 
169
 Dimbabuê
 13-01-93
 25-04-97
 29-04-97
 
    

 

 

Phụ lục số 3

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu 3.1

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:

V/v đề nghị chấp thuận việc đầu tư
cơ sở hoá chất Bảng 1
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

…., ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………………. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do……………………………………….. cấp ngày:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                        Fax: Email:

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

Đề nghị Bộ Công nghiệp chấp thuận để doanh nghiệp chúng tôi được đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 theo các nội dung dưới đây:

1. Mục đích đầu tư:

– Nghiên cứu

– Y tế

– Dược phẩm

– Bảo vệ

2. Địa điểm đầu tư:

3. Sản phẩm chính

– Tên gọi theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Công suất sản phẩm:

4. Sản phẩm phụ (nếu có):

Yêu cầu liệt kê từng sản phẩm phụ theo các nội dung dưới đây:

– Tên gọi theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Công suất sản phẩm:

5. Loại cơ sở: ÿ Quy mô đơn lẻ ÿ Cơ sở khác

6. Phương thức sản xuất (liên tục, gián đoạn):

7. Mô tả thiết bị sản xuất:

8. Mô tả công nghệ áp dụng:

9. Các giải pháp xử lý bảo vệ môi trường, vệ sinh lao động và an toàn hoá chất:

10. Sử dụng sản phẩm chính, phụ (nếu có kinh doanh phân phối ghi rõ tên, địa chỉ và mục đích sử dụng của các đơn vị tiếp nhận sản phẩm):

Doanh nghiệp chúng tôi xin cam kết:

– Thực hiện đầu tư theo đúng mục đích và nội dung nêu trong văn bản đề nghị này và trong giấy phép đầu tư;

– Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 và các nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học và của pháp luật Việt Nam.

               

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu.

 

Hồ sơ kèm theo:

1. Bản sao hợp lệ các Quyết định hoặc Giấy phép thành lập doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp;

2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

3. Bản sao hợp lệ Đăng ký mã số thuế;

4. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hoá là hoá chất độc hại và sản phẩm có hoá chất độc hại;

5. Bản sao hợp lệ Đăng ký mã số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu (nếu có xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm).

Phụ lục số 3

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu 3.2

BỘ CÔNG NGHIỆP

Số:…. CV/HTQT

V/v chấp thuận đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 của…
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi:…………………………………….

 

Theo đề nghị tại Công văn số………….. ngày…. tháng…… năm…… của:

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ……………………………………. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do …………………………………….. cấp ngày:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                       Fax: Email:

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

Bộ Công nghiệp chấp thuận để doanh nghiệp được đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 theo các nội dung dưới đây:

1. Mục đích đầu tư:

– Nghiên cứu

– Y tế

– Dược phẩm

– Bảo vệ

2. Địa điểm đầu tư:

3. Sản phẩm chính

– Tên gọi theo IUPAC

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Công suất sản phẩm:

4. Sản phẩm phụ: được liệt kê cụ thể dưới đây:

– Tên gọi theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Công suất sản phẩm:

5. Loại cơ sở: Quy mô đơn lẻ Cơ sở khác

6. Phương thức sản xuất (liên tục, gián đoạn):

7. Thiết bị sản xuất:

8. Công nghệ áp dụng:

9. Các giải pháp xử lý bảo vệ môi trường, vệ sinh lao động và an toàn hoá chất:

10. Sử dụng sản phẩm chính, phụ:

Doanh nghiệp có trách nhiệm:

– Thực hiện đầu tư theo đúng mục đích và nội dung nêu trong văn bản này và trong giấy phép đầu tư;

– Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 1 và các nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học và của pháp luật Việt Nam.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

 

Nơi nhận:

– Như trên,

– Lưu HTQT, VP.

Phụ lục số 3

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu 3.3

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:

V/v đề nghị chấp thuận việc đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2 (3)
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

…., ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do …………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ……………………………………. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email:

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

Đề nghị Bộ Công nghiệp chấp thuận để doanh nghiệp chúng tôi được đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2 (3) theo các nội dung dưới đây:

1. Mục đích đầu tư:

2. Địa điểm đầu tư:

3. Sản phẩm chính

– Tên gọi theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Công suất sản phẩm:

4. Sản phẩm phụ (nếu có):

Yêu cầu liệt kê từng sản phẩm theo các nội dung dưới đây:

– Tên gọi theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Công suất sản phẩm:

5. Phương thức sản xuất (liên tục, gián đoạn):

6. Mô tả thiết bị sản xuất:

7. Mô tả công nghệ áp dụng:

8. Các giải pháp xử lý bảo vệ môi trường, vệ sinh lao động và an toàn hoá chất:

9. Sử dụng sản phẩm chính, phụ (nếu có kinh doanh phân phối ghi rõ tên và địa chỉ và mục đích sử dụng của các đơn vị nhận sản phẩm):

Doanh nghiệp chúng tôi cam kết:

– Thực hiện đầu tư theo đúng mục đích và nội dung nêu trong văn bản đề nghị này và trong giấy phép đầu tư;

– Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2 (3) và các nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định số 100/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học và của pháp luật Việt Nam.

            

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu                     

                                             

Hồ sơ kèm theo:

1. Bản sao hợp lệ các Quyết định hoặc Giấy phép thành lập doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp;

2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

3. Bản sao hợp lệ Đăng ký mã số thuế;

4. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hoá là hoá chất độc hại và sản phẩm có hoá chất độc hại;

5. Bản sao hợp lệ Đăng ký mã số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu (nếu có xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm).

 

Phụ lục số 3

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu 3.4

BỘ CÔNG NGHIỆP

Số:…. CV/HTQT

V/v chấp thuận đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2 (3) của…
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi:………………………………….

 

Theo đề nghị tại Công văn số…………..ngày…. tháng …… năm …… của:

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do………………………………………. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                       Fax:                Email:

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

Bộ Công nghiệp thoả thuận để doanh nghiệp được đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2 (3) theo các nội dung dưới đây:

1. Mục đích đầu tư:

2. Địa điểm đầu tư:

3. Sản phẩm chính

– Tên gọi theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Công suất sản phẩm:

4. Sản phẩm phụ: được liệt kê dưới đây

– Tên gọi theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Công suất sản phẩm:

5. Phương thức sản xuất (liên tục, gián đoạn):

6. Thiết bị sản xuất:

7. Công nghệ áp dụng:

8. Các giải pháp xử lý bảo vệ môi trường, vệ sinh lao động và an toàn hoá chất:

9. Sử dụng sản phẩm chính, phụ (nếu có kinh doanh phân phối ghi rõ tên, địa chỉ và mục đích sử dụng của các đơn vị nhận sản phẩm):

Doanh nghiệp có trách nhiệm:

– Thực hiện đầu tư theo đúng mục đích và nội dung nêu trong văn bản này và trong giấy phép đầu tư;

– Thực hiện nghiêm chỉnh các quy định về đầu tư cơ sở hoá chất Bảng 2 (3) và các nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học và của pháp luật Việt Nam.

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

 

Nơi nhận:

– Như trên,

– Lưu: HTQT, VP.

 

 

Phụ lục số 4

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu 4.1

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v đề nghị nhập khẩu (xuất khẩu) hóa chất bảng 1
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

– Tên doanh nghiệp:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do………………………………………… cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

Đề nghị Bộ Công nghiệp báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép doanh nghiệp chúng tôi được nhập khẩu (xuất khẩu) hoá chất Bảng 1 dưới đây:

– Tên hoá chất theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Mã số HS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Đơn vị tính:                            Kg                            Gam

– Số lượng nhập khẩu (xuất khẩu):

– Mục đích nhập khẩu (nếu có kinh doanh phân phối ghi rõ tên, địa chỉ và mục đích sử dụng của đơn vị nhận sản phẩm); hoặc xuất khẩu:

– Tên và địa chỉ nhà xuất khẩu (nhập khẩu ):

– Tên cửa khẩu hàng nhập khẩu (xuất khẩu) sẽ đi qua:……

– Thời gian thực hiện nhập khẩu (xuất khẩu):………..

– Doanh nghiệp chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm quản lý sử dụng hoá chất theo đúng mục đích nhập khẩu; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 1 và các nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định Chính phủ số 100/2005/NĐCP ngày 03 tháng 8 năm 2005 về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học và của pháp luật Việt Nam.

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:                                                    

– Như trên;

– Lưu

 

Hồ sơ kèm theo:

1. Bản sao hợp lệ các Quyết định hoặc Giấy phép thành lập doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp;

2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

3. Bản sao hợp lệ Đăng ký mã số thuế;

4. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hoá là hoá chất độc hại và sản phẩm có hoá chất độc hại;

5. Bản sao hợp lệ Đăng ký mã số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu;

6. Hợp đồng hoặc Giấy cam kết (thoả thuận, ghi nhớ) về việc nhập khẩu.

Phụ lục số 4

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu 4.2

BỘ CÔNG NGHIỆP

Số:…. GP/HTQT

 
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày… tháng…. năm……
 
 

 

GIẤY PHÉP
NHẬP KHẨU (XUẤT KHẨU) HOÁ CHẤT BẢNG 1

 

Căn cứ quy định của Nghị định số…/NĐCP/2005 ngày…tháng…. năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học;

Xét đề nghị của……. tại công văn xin nhập khẩu (xuất khẩu) hoá chất Bảng 1 (số… ngày… tháng…. năm);

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công nghiệp cho phép….. được nhập khẩu (xuất khẩu) hoá chất Bảng 1 dưới đây:

– Tên hoá chất theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Mã số HS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Đơn vị tính:                            Kg                            Gam

– Số lượng nhập khẩu (xuất khẩu):

– Mục đích nhập khẩu (xuất khẩu):

– Tên và địa chỉ nhà xuất khẩu (nhập khẩu)

– Tên cửa khẩu hàng nhập khẩu (xuất khẩu) sẽ đi qua:……

– Thời gian thực hiện nhập khẩu (xuất khẩu):………..

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý sử dụng hoá chất theo đúng mục đích nhập khẩu; thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 1 và các nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học và của pháp luật Việt Nam.

Yêu cầu doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan Hải quan để được hướng dẫn cụ thể thủ tục nhập khẩu (xuất khẩu).

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Nơi nhận:                                     

– Như trên;

– Lưu: HTQT, VP

Phụ lục số 4

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu 4.3

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v đề nghị nhập khẩu (xuất khẩu) hóa chất bảng 2 (3)
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

– Tên doanh nghiệp:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do…………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do …………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email:

– Mặt hành, ngành nghề kinh doanh:

Đề nghị Bộ Công nghiệp cấp giấy phép cho nhập khẩu (xuất khẩu) hoá chất Bảng 2(3) dưới đây:

– Tên hoá chất theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Mã số HS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Đơn vị tính:                            Kg                            Tấn

– Số lượng nhập khẩu (xuất khẩu):

– Mục đích nhập khẩu (nếu có kinh doanh phân phối ghi rõ tên, địa chỉ và mục đích sử dụng của đơn vị nhận sản phẩm) hoặc xuất khẩu:

– Tên và địa chỉ nhà xuất khẩu (nhập khẩu )

– Tên cửa khẩu hàng nhập khẩu (xuất khẩu) sẽ đi qua:…..

– Thời gian thực hiện nhập khẩu (xuất khẩu):……..

Doanh nghiệp chúng tôi cam kết chịu trách nhiệm quản lý sử dụng hoá chất theo đúng mục đích nhập khẩu (xuất khẩu) và thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định về xuất khẩu (nhập khẩu) hoá chất Bảng 2 (3) và các nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học và của pháp luật Việt Nam.

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên,

– Lưu

 

Hồ sơ kèm theo:

1. Bản sao hợp lệ các Quyết định hoặc Giấy phép thành lập doanh nghiệp do cơ quan có thẩm quyền cấp;

2. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;

3. Bản sao hợp lệ Đăng ký mã số thuế;

4. Bản sao hợp lệ Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh hàng hoá là hoá chất độc hại và sản phẩm có hoá chất độc hại;

5. Bản sao hợp lệ Đăng ký mã số doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu;

6. Hợp đồng hoặc Giấy cam kết (thoả thuận, ghi nhớ) nhập khẩu.

 

Phụ lục số 4

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu 4.4

 

BỘ CÔNG NGHIỆP

Số:…. GP/HTQT

 
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

Hà Nội, ngày… tháng…. năm……
 
 

 

GIẤY PHÉP
NHẬP KHẨU (XUẤT KHẨU) HOÁ CHẤT BẢNG 2(3)

 

Căn cứ quy định của Nghị định số…/NĐCP/2005 ngày…tháng…. năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học;

Xét đề nghị của….. tại Công văn xin nhập khẩu (xuất khẩu) hoá chất Bảng 2(3) (số… ngày…. tháng….. năm);

Xét mục đích, nhu cầu và điều kiện của…., Bộ Công nghiệp cho phép…. được nhập khẩu (xuất khẩu) hoá chất Bảng 2(3) dưới đây:

– Tên hoá chất theo IUPAC:

– Tên thương mại hay tên gọi thông thường:

– Số CAS:

– Mã số HS:

– Công thức hoá học:

– Hàm lượng hoặc nồng độ:

– Đơn vị tính:                            Kg                            Tấn

– Số lượng nhập khẩu (xuất khẩu):

– Mục đích nhập khẩu (xuất khẩu):

– Tên và địa chỉ nhà xuất khẩu (nhập khẩu):

– Tên cửa khẩu hàng nhập khẩu (xuất khẩu) sẽ đi qua:……

– Thời gian thực hiện nhập khẩu (xuất khẩu):………..

Doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý sử dụng và cung ứng hoá chất theo đúng mục đích nhập khẩu (xuất khẩu) và thực hiện đầy đủ và nghiêm túc các quy định có liên quan về nhập khẩu (xuất khẩu) hoá chất Bảng 2(3) và các nghĩa vụ liên quan theo quy định của Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học.

Yêu cầu doanh nghiệp liên hệ trực tiếp với cơ quan Hải quan để được hướng dẫn thủ tục nhập khẩu (xuất khẩu).

 

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG NGHIỆP

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu: HTQT, VP.                            

Phụ lục số 5

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 5.1

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo ban đầu về cơ sở hóa chất Bảng 1
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                   Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

* Nghiên cứu

* Y tế

* Dược phẩm

* Bảo vệ

– Loại cơ sở (*): 0 Cơ sở quy mô đơn lẻ            0 Cơ sở khác

 

 

2. Hoá chất/Tiền chất                        Đơn vị: 0 gam, 0 kg, 0 lít

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Hàm lượng hoặc nồng độ
 
 
Mã số HS
 
 
Loại hình hoạt động tại cơ sở
 0 Sản xuất 0 Chế biến 0 Tiêu dùng 0 Cất giữ
 
Tổng công suất
 
 
Số lượng dây chuyền thiết bị phản ứng
 
 
Dung tích của từng thiết bị phản ứng
 Thiết bị phản ứng 1:

Thiết bị phản ứng 2:

……….
 
Phương pháp sản xuất (liên tục, gián đoạn)
 
 
Mục đích sản xuất
 
 
Các dẫn xuất hoá chất Bảng 1, 2 và 3 được sử dụng để sản xuất các hoá chất Bảng 1 (yêu cầu kê khai từng hóa chất cụ thể)
 
Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hóa học
 
 
Hàm lượng hoặc nồng độ
 
 
Số lượng sử dụng dự kiến
 
 
 

 

3. Mô tả về dây chuyền thiết bị và quy trình công nghệ áp dụng:

 

Giám đốc doanh nghiệp

(Ký tên và đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên,

– Lưu

*) Khái niệm về cơ sở quy mô đơn lẻ và cơ sở khác được quy định tại điểm a khoản 12 Điều 2 Chương I Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học.

 

Lưu ý: – Khai báo cho từng hoá chất.

– Thời hạn nộp tờ khai: 210 ngày trước khi cơ sở đi vào vận hành.

Phụ lục số 5

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 5.2

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về các hoạt động có trong năm trước tại cơ sở hóa chất Bảng 1
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

Năm:…………

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………………. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do………………………………………… cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                   Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

* Nghiên cứu

* Y tế

* Dư­ợc phẩm

* Bảo vệ

– Loại cơ sở (*): 0 Cơ sở quy mô đơn lẻ             0 Cơ sở khác

 

2. Hoá chấtĐơn vị: 0 gam, 0 kg, 0 lít

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại, tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức học
 
 
A. SẢN XUẤT
 
Tổng sản lượng sản xuất trong năm
 
 
Số lượng dây chuyền thiết bị phản ứng tham gia sản xuất và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng:
 
 
Phương pháp sản xuất (liên tục, gián đoạn):
 
 
Mục đích sản xuất
 
 
Các dẫn xuất hoá chất Bảng 1, 2 và 3 đã sử dụng để sản xuất các hoá chất Bảng 1 (yêu cầu liệt kê từng hóa chất cụ thể)
 
Tên gọi theo IUPAC: …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi thông thường: ……………………………………..

Số CAS: ………………………………………………………………………

Số lượng đã sử dụng: …………………………………………………
 
B. CHẾ BIẾN
 
Tổng sản lượng chế biến trong năm
 
 
Số lượng dây chuyền thiết bị phản ứng tham gia chế biến và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Phương pháp chế biến (liên tục, gián đoạn)
 
 
Mục đích chế biến
 
 
C. TIÊU DÙNG
 
Tổng sản lượng tiêu dùng trong năm
 
 
Số luợng dây chuyền thiết bị phản ứng tham gia hoạt động tiêu dùng và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Phương pháp tiêu dùng (liên tục, gián đoạn).
 
 
Mục đích tiêu dùng
 
 
D. CẤT GIỮ
 
Số lượng cất giữ đầu kỳ trong năm: ………………………………………………..

Nồng độ hoặc hàm lượng: ……………………………………………….
 
Số lượng tối đa cất giữ tại bất kỳ thời điểm nào trong năm: …………………..

Nồng độ hoặc hàm lượng: ………………………….
 
Số lượng cất giữ vào thời điểm cuối năm: ……………………………………

Nồng độ hoặc hàm lượng: ……………………………………………….

 
 
D. PHÂN PHỐI TRONG NƯỚC
 
Tên người nhận: ………………………………………

Địa chỉ: ……………………………………….

Điện thoại, Fax, Email ……………………………………….
 
Số lượng: ………………………………………..

Nồng độ hoặc hàm lượng: ……………………………………….
 
Mục đích sử dụng của người nhận
 
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

*) Khái niệm về cơ sở quy mô đơn lẻ và cơ sở khác được quy định tại điểm a khoản 12 Điều 2 Chương I Nghị định số 03/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học.

 

Lưu ý:    – Khai báo cho từng hoá chất;

  – Thời hạn nộp khai báo: trước ngày 28 tháng 2 hàng năm.

 

Phụ lục số 5

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 5.3

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về các hoạt động dự kiến trong năm tiếp theo tại cơ sở hóa chất Bảng 1
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

Năm: ………..

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………………. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do …………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                   Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

* Nghiên cứu

* Y tế

* Dư­ợc phẩm

* Bảo vệ

– Loại cơ sở (*): 0 Cơ sở quy mô đơn lẻ             0 Cơ sở khác

2. Hoá chất/Tiền chất Đơn vị: 0 gam, 0 kg, 0 lít

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
A. SẢN XUẤT
 
Tổng sản lượng sản xuất dự kiến
 
 
Số lượng dây chuyền thiết bị phản ứng dự kiến tham gia sản xuất và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Phương pháp sản xuất (liên tục, gián đoạn)
 
 
Thời gian dự kiến bắt đầu tiến hành sản xuất.
 
 
Mục đích sản xuất
 
 
Các dẫn xuất hoá chất Bảng 1, 2 và 3 đã sử dụng để sản xuất các hoá chất Bảng 1 (yêu cầu kê khai từng hóa chất cụ thể)
 
Tên gọi theo IUPAC: ………………………………………………..

Tên thương mại hay tên gọi thông thường: …………………………………………

Số CAS: …………………………………………………………..

Nồng độ hoặc hàm lượng: ……………………………………………………….

Số lượng sử dụng dự kiến: …………………………………………………………..
 
B. CHẾ BIẾN
 
Tổng sản lượng chế biến dự kiến
 
 
Số lượng dây chuyền thiết bị phản ứng dự kiến tham gia chế biến và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Phương pháp chế biến (liên tục, gián đoạn)
 
 
Thời gian dự kiến bắt đầu tiến hành chế biến
 
 
Mục đích chế biến
 
 
C. TIÊU DÙNG
 
Tổng sản lượng tiêu dùng dự kiến
 
 
Số lượng dây chuyền thiết bị phản ứng dự kiến tham gia hoạt động tiêu dùng và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Phương pháp tiêu dùng (liên tục, gián đoạn)
 
 
Thời gian dự kiến bắt đầu tiến hành
 
 
Mục đích tiêu dùng
 
 
D. PHÂN PHỐI TRONG NƯỚC
 
Tên người nhận
 
Địa chỉ

Điện thoại, Fax, Email
 
Số lượng cung cấp dự kiến
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Thời gian cung cấp dự kiến
 
 
Mục đích sử dụng của người nhận
 
 
 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

*) Khái niệm về Cơ sở quy mô đơn lẻ và Cơ sở khác được quy định tại điểm a khoản 12 Điều 2 Chương I Nghị định số 100/2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học.

Lưu ý:    – Khai báo cho từng hoá chất.

   – Thời hạn nộp khai báo: trước ngày 30 tháng 8 hàng năm.

Phụ lục số 5

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 5.4

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo bổ sung về cơ sở hóa chất Bảng 1
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do……………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                   Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

* Nghiên cứu

* Y tế

* Dược phẩm

* Bảo vệ

– Loại cơ sở (*): 0 Cơ sở quy mô đơn lẻ            0 Cơ sở khác

 

 

 

2. Hoá chất/Tiền chất                                   Đơn vị: 0 gam, 0 kg, 0 lít

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại, tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
A. SẢN XUẤT
 
Công suất sản xuất mới
 
 
Số lượng dây chuyền thiết bị phản ứng mới tham gia sản xuất và công suất cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Mục đích sản xuất
 
 
Thời gian bắt đầu thực hiện
 
 
B. CHẾ BIẾN
 
Công suất chế biến mới
 
 
Số lượng dây chuyền thiết bị phản ứng mới tham gia chế biến và công suất cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Mục đích chế biến
 
 
Thời gian bắt đầu thực hiện
 
 
C. TIÊU DÙNG
 
Công suất tiêu dùng mới
 
 
Số lượng dây chuyền thiết bị phản ứng dự kiến tham gia sản xuất và công suất cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Mục đích tiêu dùng
 
 
Thời gian bắt đầu thực hiện
 
 
D. PHÂN PHỐI TRONG NƯỚC
 
Tên người nhận mới
 
 
Địa chỉ
 
 
Số lượng cung cấp
 
 
Nồng độ, hàm lượng
 
 
Thời gian bắt đầu thực hiện
 
 
Mục đích sử dụng của người nhận
 
 
 

 

3. Mô tả các thay đổi, bổ sung về dây chuyền thiết bị và quy trình công nghệ áp dụng so với khai báo trước đây:

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

(*) Khái niệm về Cơ sở quy mô đơn lẻ và Cơ sở khác được quy định tại điểm a khoản 12 Điều 2 Chương I Nghị định số 100/ 2005/NĐ-CP ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học.

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hoá chất;

– Thời hạn nộp Khai báo: chậm nhất là 210 ngày trước khi tiến hành việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi.

 

 

Phụ lục số 5

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu thông báo số 5.5

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v thông báo về nhập khẩu (xuất khẩu) hóa chất Bảng 1
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Doanh nghiệp

– Tên doanh nghiệp:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………………. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………………. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

Giấy phép nhập khẩu (xuất khẩu) số:

do………………………………………. cấp ngày:

 

2. Hoá chất/Tiền chất                                   Đơn vị: 0 gam 0 kg 0 lít

 

Tên IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường khác
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Mã số HS
 
 
A. NHẬP KHẨU
 
Tên nước
 
Tên nhà xuất khẩu
 
Địa chỉ

Điện thoại, Fax, Email:
 
Ngày nhập khẩu (dự kiến)
 
 
Số lượng
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Mục đích nhập khẩu
 
 
B. XUẤT KHẨU
 
Tên nước
 
 
Tên người nhận
 
Địa chỉ

Điện thoại, Fax, Email
 
Ngày xuất khẩu (dự kiến)
 
 
Số lượng
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Mục đích của người nhận
 
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

 

Lưuý: – Khai báo cho từng hoá chất Bảng ;

– Thời hạn nộp: 45 ngày trước khi tiến hành xuất khẩu (nhập khẩu).

 

Phụ lục số 5

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 5.6

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về nhập khẩu xuất khẩu và phân phối trong nước hóa chất Bảng 1
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Doanh nghiệp

– Tên doanh nghiệp:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

Giấy phép nhập khẩu (xuất khẩu) số:

do…………………………………….cấp ngày

 

2. Hóa chất                                        Đơn vị: 0 gam 0 kg 0 lít

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Mã số HS
 
 
 

 

Phụ lục số 6

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 6.1

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo ban đầu về cơ sở hóa chất Bảng 2
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do……………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                   Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

2. Hoá chất/Tiền chất                    Đơn vị: 0 tấn 0 kg

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Công thức hoá học
 
 
Số CAS
 
 
Tổng công suất chung của cơ sở
 
 
Số dây chuyền thiết bị
 
 
A. SẢN XUẤT
 
Tổng công suất sản xuất
 
 
Số dây chuyền thiết bị tham gia sản xuất và công suất cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất
 
 
B. CHẾ BIẾN
 
Tổng công suất chế biến
 
 
Số dây chuyền thiết bị tham gia chế biến và công suất cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Thời gian dự kiến bắt đầu hoạt động chế biến
 
 
C. TIÊU DÙNG
 
Tổng công suất tiêu dùng
 
 
Số dây chuyền thiết bị tham gia hoạt động tiêu dùng và công suất cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Thời gian dự kiến bắt đầu hoạt động
 
 
 

 

Mục đích sản xuất, chế biến hoặc tiêu dùng
 
0 Sản xuất, chế biến hoặc tiêu dùng tại chỗ: ……………………………………….

0 Xuất khẩu: (ghi rõ tên và địa chỉ nhà nhập khẩu dự kiến nếu có) ………..

0 Cung cấp cho ngành công nghiệp khác: ………………………………………….

0 Cung cấp cho công ty thương mại: ……………………………………………………

0 Mục đích khác: ……………………………………………………………………………..
 
 

 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

 

Lưu ý: – Khai báo cho từng hoá chất;

– Thời hạn nộp khai báo: 60 ngày trước khi cơ sở đi vào hoạt động.

Phụ lục số 6

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 6.2

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về hoạt động có trong năm trước tại cơ sở hóa chất Bảng 2
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

Năm …………..

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                   Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động:

 

2. Hoá chất/Tiền chất                                   Đơn vị: 0 tấn   0 kg

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Tổng công suất chung của cơ sở
 
 
Tổng số dây chuyền thiết bị tại cơ sở
 
 
A. SẢN XUẤT
 
Tổng sản lượng sản xuất trong năm
 
 
Số dây chuyền thiết bị tham gia sản xuất và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
B. CHẾ BIẾN
 
Tổng sản lượng chế biến trong năm
 
 
Số dây chuyền thiết bị tham gia chế biến và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
C. TIÊU DÙNG
 
Tổng sản lượng tiêu dùng trong năm
 
 
Số dây chuyền thiết bị tham gia tiêu dùng và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
 

 

Mục đích sản xuất, chế biến hoặc tiêu dùng
 
0 Sản xuất, chế bíên hoặc tiêu dùng tại chỗ (ghi rõ tên sản phẩm cuối cùng):

…………………………………………………………………………………..

0 Xuất khẩu (ghi rõ tên và địa chỉ nhà nhập khẩu cụ thể): ……………………….

0 Cung cấp cho ngành công nghiệp khác:………………………………………………..

0 Cung cấp cho công ty thương mại: …………………………………………………….

0 Mục đích khác: ………………………………………………………………………………
 
 

 

          GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

 

Lưu ý:    – Khai báo cho từng hoá chất;

  – Thời hạn nộp khai báo: trước ngày 28 tháng 2 hàng năm.

Phụ lục số 6

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 6.3

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về hoạt động dự kiến trong năm tiếp theo tại cơ sở hóa chất Bảng 2
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

Năm:…………

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                              Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động:

2. Hoá chất/Tiền chất                                              Đơn vị: 0 tấn   0 kg

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Tổng công suất chung của cơ sở
 
 
Tổng số dây chuyền thiết bị tại cơ sở
 
 
A. SẢN XUẤT
 
Tổng sản lượng sản xuất dự kiến
 
 
Số dây chuyền thiết bị dự kiến tham gia sản xuất và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
B. CHẾ BIẾN
 
Tổng sản lượng chế biến dự kiến
 
 
Số dây chuyền thiết bị chế biến dự kiến và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
C. TIÊU DÙNG
 
Tổng sản lượng tiêu dùng dự kiến
 
 
Số dây chuyền thiết bị tiêu dùng dự kiến và sản lượng cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
 

 

Mục đích sản xuất, chế biến hoặc tiêu dùng
 
0 Sản xuất, chế biến hoặc tiêu dùng tại chỗ: ……………………………………..

0 Xuất khẩu: (ghi rõ tên và địa chỉ nhà nhập khẩu dự kiến) ………………

0 Cung cấp cho ngành công nghiệp khác: …………………………………….

0 Cung cấp cho công ty thương mại: ………………………………………

0 Mục đích khác: ………………………………………………………..
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

 

Lưu ý:    – Khai báo cho từng hóa chất ;

– Thời hạn nộp kờ khai: trước ngày 30 tháng 9 hàng năm.

Phụ lục số 6

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 6.4

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo bổ sung về cơ sở hóa chất Bảng 2
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do………………………………………… cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                   Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động:

2. Hoá chất/Tiền chất                   Đơn vị: 0 tấn   0 kg

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Tổng công suất chung của cơ sở
 
 
Tổng số dây chuyền thiết bị tại cơ sở
 
 
A. SẢN XUẤT
 
Tổng công suất sản xuất mới
 
 
Số dây chuyền sản xuất mới và công suất cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Thời gian bắt đầu thực hiện
 
 
B. CHẾ BIẾN
 
Tổng công suất chế biến mới
 
 
Số dây chuyền chế biến mới và công suất cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Thời gian bắt đầu thực hiện
 
 
C. TIÊU DÙNG
 
Tổng công suất tiêu dùng mới
 
 
Số dây chuyền tiêu dùng mới và công suất cụ thể
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Thời gian bắt đầu thực hiện
 
 

Mục đích sản xuất, chế biến hoặc tiêu dùng
 
0 Sản xuất, chế biến hoặc tiêu dùng tại chỗ: ……………………………………….

0 Xuất khẩu (ghi rõ tên và địa chỉ nhà nhập khẩu): …………………………….

0 Cung cấp cho ngành công nghiệp khác: …………………………………….

0 Cung cấp cho công ty thương mại: ………………………………………….

0 Mục đích khác: …………………………………………………………………………
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hoá chất;

– Thời hạn nộp khai báo: chậm nhất là 30 ngày trước khi thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi.

Phụ lục số 6

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 6.5

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về nhập khẩu (xuất khẩu) hóa chất Bảng 2
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

Năm: …………

 

1. Doanh nghiệp

– Tên doanh nghiệp:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) số:

do ……………………………………….cấp ngày

2. Hóa chất/Tiền chất                             Đơn vị: 0 tấn 0 kg

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Mã số HS
 
 
A. NHẬP KHẨU
 
Tên nước
 
 
Tên nhà xuất khẩu
 
Địa chỉ

Điện thoại, Fax, Email
 
Ngày nhập khẩu
 
 
Số lượng nhập khẩu
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Mục đích nhập khẩu
 
 
B. XUẤT KHẨU
 
Tên nước
 
 
Tên nhà nhập khẩu
 
Địa chỉ

Điện thoại, Fax, Email
 
Ngày xuất khẩu
 
 
Số lượng xuất khẩu
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Mục đích sử dụng của nhà nhập khẩu
 
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hóa chất;

– Thời hạn nộp kờ khai: trước ngày 28 tháng 2 hàng năm.

Phụ lục số 7

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 7.1

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo ban đầu về cơ sở hóa chất Bảng 3
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………………. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                   Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

2. Hoá chất/Tiền chất                                              Đơn vị: 0 tấn  0 kg

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Tổng công suất sản xuất
 
 
Tổng số dây chuyền sản xuất: …………………………………..

Trong đó:

– Công suất dây chuyền 1: …………………………………..

– Công suất dây chuyền 2: . …………………………………………….

– …………………. ……………………………………

 
 
Mục đích sản xuất
 
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hóa chất;

– Thời hạn nộp tờ khai: 30 ngày trước khi cơ sở đi vào hoạt động.

 

Phụ lục số 7

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 7.2

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về hoạt động có trong năm trước tại cơ sở hóa chất Bảng 3
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                   Fax:                           Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

2. Hoá chất/Tiền chất                                   Đơn vị: 0 tấn   0 kg

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Tổng công suất sản xuất của cơ sở
 
 
Tổng số dây chuyền sản xuất tại cơ sở
 
 
Tổng sản lượng sản xuất trong năm trước: ……………………………..

Trong đó:

– Sản lượng dây chuyền 1: ……………………………

– Sản lượng dây chuyền 2: …………………………….

– ……………………. ……………………………

Nồng độ hoặc hàm lượng: …………………………………….

Mục đích sản xuất: ……………………………
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu.

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hóa chất;

– Thời hạn nộp khai báo: trước ngày 28 tháng 2 hàng năm.

Phụ lục số 7

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 7.3

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về hoạt động dự kiến trong năm tiếp theo tại cơ sở hóa chất Bảng 3
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

Năm:………..

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do……………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                                        Fax:                            Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

2. Hoá chất/Tiền chất                                              Đơn vị: 0 tấn   0 kg

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Tổng công suất sản xuất của cơ sở
 
 
Tổng số dây chuyền sản xuất tại cơ sở
 
 
Tổng sản lượng dự kiến sản xuất trong năm tiếp theo: …………………….

Trong đó:

– Sản lượng dây chuyền 1: ……………………………

– Sản lượng dây chuyền 2: …………………………….

– ……………………. ……………………………

Nồng độ hoặc hàm lượng: …………………………………….

Mục đích sản xuất: ……………………………
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu.

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hóa chất;

– Thời hạn nộp khai báo: trước ngày 30 tháng 9 hàng năm..

 

Phụ lục số 7

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 7.4

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo bổ sung về cơ sở hóa chất Bảng 3
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………… cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do………………………………………. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                                        Fax:                 Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

2. Hoá chất/Tiền chất                                   Đơn vị: 0 tấn   0 kg

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Hàm lượng hoặc nồng độ
 
 
Tổng công suất sản xuất mới
 
 
Số lượng dây chuyền mới bổ sung: Trong đó:

– Công suất dây chuyền 1:

– Công suất dây chuyền 2:
 …………………………………………..

…………………………………………..

……………………………………………
 
Mục đích đầu tư bổ sung
 
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu.

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hóa chất;

– Thời hạn nộp khai báo: 30 ngày trước khi thực hiện việc bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi.

Phụ lục số 7

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu số 7.5

CHỨNG NHẬN SỬ DỤNG CUỐI CÙNG

 

Nước xuất khẩu: ____________________________________________

Người xuất khẩu:____________________________________________

 

A. HOÁ CHẤT CHUYỂN GIAO
 
Loại:
 Tên IUPAC
 
 
Số CAS
 
 
Tổng khối lượng:
 
 
B. MỤC ĐÍCH SỬ DỤNG CUỐI CÙNG
 
1.
 
 
2.
 
 
3.
 
 
C. NGƯỜI SỬ DỤNG CUỐI CÙNG

Tôi (Chúng tôi) xác nhận là những người sử dụng cuối cùng hoá chất nêu tại phần A. Tôi (chúng tôi) sẽ không xuất khẩu, bán lại hoặc bỏ lại bên ngoài lãnh thổ quốc gia của những người sử dụng nêu dưới đây cho bất kỳ ai, thể nhân hay tự nhiên nhân. Chúng tôi cam đoan những nội dung kê khai trong Chứng nhận này là sự thật và không chịu trách nhiệm về những nội dung không có trong Chứng nhận này.
 
Tên:
 Khối lượng (kg):
 
Chức vụ:
 
 
Doanh nghiệp:
 
 
Địa chỉ:
 
Chữ ký:
 Ngày:
 
Tên:
 Khối lượng (kg):
 
Chức vụ:
 
 
Doanh nghiệp:
 
 
Địa chỉ:
 
Chữ ký:
 Ngày:
 
Tên:
 Khối lượng (kg):
 
Chức vụ:
 
 
Doanh nghiệp:
 
 
Địa chỉ:
 
Chữ ký:
 Ngày:
 
D. CHỨNG NHẬN CỦA QUỐC GIA TIẾP NHẬN

Chứng nhận rằng hóa chất đã tiếp nhận nêu trên sẽ chỉ được sử dụng cho những mục đích không bị cấm theo Công ước cấm Phát triển, Sản xuất, Tàng trữ , Sử dụng và Phá huỷ vũ khí hoá học và sẽ không được tái chuyển giao.
 
Tên:
 
Chức vụ:
 
Cơ quan:
 
Địa chỉ:
 
Chữ ký:
 Ngày:
 
   

 

Lưu ý: – Áp dụng với quốc gia không là thành viên Công ước;

– Nộp kèm trong Hồ sơ xin giấy phép xuất khẩu.

Phụ lục số 7

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 7.6

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về nhập khẩu, xuất khẩu hóa chất Bảng 3
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

1. Doanh nghiệp

– Tên doanh nghiệp:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do……………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

Giấy phép xuất khẩu (nhập khẩu) số:

2. Hoá chất/Tiền chất                                              Đơn vị: 0 tấn   0 kg

 

Tên gọi theo IUPAC
 
 
Tên thương mại hay tên gọi thông thường
 
 
Số CAS
 
 
Công thức hoá học
 
 
Mã số HS
 
 
A. NHẬP KHẨU
 
Tên nước
 
 
Tên nhà xuất khẩu
 
Địa chỉ

Điện thoại, Fax, Email
 
Ngày nhập khẩu
 
 
Số lượng nhập khẩu
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Mục đích nhập khẩu
 
 
B. XUẤT KHẨU
 
Tên nước
 
 
Tên nhà nhập khẩu
 
Địa chỉ

Điện thoại, Fax, Email
 
Ngày xuất khẩu
 
 
Số lượng xuất khẩu
 
 
Nồng độ hoặc hàm lượng
 
 
Mục đích sử dụng của nhà nhập khẩu
 
 
 

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu.

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hóa chất;

– Thời hạn nộp khai báo: trước ngày 28 tháng 2 hàng năm.

Phụ lục số 8

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 8.1

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo ban đầu về cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                                        Fax:                Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

2. Hóa chất                                                              Đơn vị: 0 tấn   0 kg

Đối với những địa điểm nhà máy sản xuất trên 200 tấn hóa chất hữu cơ riêng biệt (DOC)
 
Số lượng dây chuyền sản xuất hoá chất DOC
 
 
1.Tên gọi theo IUPAC ……………………………………………………..

Tên thương mại hay tên gọi thông thường ………………………………………………………

Số CAS ……………………………………………………..

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ………………………………………………………

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất …………………………………………………….
 
2.Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi thông thường …………………………………………………….

Số CAS …………………………………………………….

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ………………………………………………………

Nồng độ hoặc hàm lượng ……………………………………………………

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………..
 
Đối với những địa điểm nhà máy sản xuất trên 30 tấn hoá chất hữu cơ riêng biệt chứa phốt pho, lưu huỳnh và flo (DOC- PSF)
 
Số lượng dây chuyền sản xuất hoá chất DOC-PSF
 
 
1. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi thông thường …………………………………………………….

Số CAS …………………………………………………….

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất …………………………………………………….

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………..

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………
 
2. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………..

Tên thương mại hay tên gọi thông thường …………………………………………………….

Số CAS …………………………………………………….

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ……………………………………………………

Nồng độ hoặc hàm lượng ………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất …………………………………………………..
 
  

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu.

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hóa chất ;

– Thời hạn nộp khai báo: 30 ngày trước khi Cơ sở đi vào hoạt động.

Phụ lục số 8

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 8.2

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo về hoạt động có trong năm trước tại cơ sở hóa chất DOC, DOC-PSF
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do……………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do………………………………………… cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                                        Fax:                Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

2. Hóa chất                                                              Đơn vị: 0 tấn   0 kg

Đối với những địa điểm nhà máy sản xuất trên 200 tấn hóa chất hữu cơ riêng biệt (DOC)
 
Số l­ượng dây chuyền sản xuất hoá chất DOC
 
 
1. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi

thông thường ……………………………………………………..

Số CAS …………………………………………………….

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ……………………………………………………….

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………..
 
2. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi

thông thường ……………………………………………………..

Số CAS …………………………………………………….

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ……………………………………………………….

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………..
 
Đối với những địa điểm nhà máy sản xuất trên 30 tấn hoá chất hữu cơ riêng biệt chứa phốt pho, lưu huỳnh và flo (DOC-PSF)
 
Số l­ượng dây chuyền sản xuất hoá chất DOC-PSF

 
 
 
1. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi

thông thường ……………………………………………………..

Số CAS ……………………………………………………….

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ……………………………………………………….

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………..
 
2. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi

thông thường ……………………………………………………..

Số CAS ……………………………………………………..

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ……………………………………………………….

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………..
 
  

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu.

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hóa chất ;

– Thời hạn nộp khai báo: trước ngày 28 tháng 2 hàng năm.

 

 

 

Phụ lục số 8

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

Mẫu khai báo số 8.3

 

TÊN DOANH NGHIỆP

Số:………….

V/v khai báo bổ sung về cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF
 CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

 

……, ngày… tháng…. năm……

 
 
 

 

Kính gửi: Bộ Công nghiệp

 

1. Cơ sở

– Tên doanh nghiệp chủ đầu tư:

– Quyết định hoặc Giấy phép thành lập số:

do ………………………………….. cấp ngày:

– Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số:                     

do ………………………………….. cấp ngày:

– Mã số doanh nghiệp:

– Mã số xuất nhập khẩu:

– Nơi đặt trụ sở chính:

– Điện thoại:                                  Fax:                Email: 

– Mặt hàng, ngành nghề kinh doanh:

– Địa điểm nơi đặt cơ sở phải khai báo:

– Địa chỉ:

– Điện thoại:                                        Fax:                Email:

– Mục đích hoạt động của cơ sở:

2. Hóa chất                                                              Đơn vị: 0 tấn   0 kg

Đối với những địa điểm nhà máy sản xuất trên 200 tấn hoá chất hữu cơ riêng biệt (DOC)
 
Số lượng dây chuyền sản xuất hoá chất DOC mới
 
 
1. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi

thông thường ……………………………………………………..

Số CAS ……………………………………………………..

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ……………………………………………………….

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………..
 
2. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi

thông thường ……………………………………………………..

Số CAS …………………………………………………….

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ……………………………………………………….

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………..
 
Đối với những địa điểm nhà máy sản xuất trên 30 tấn hoá chất hữu cơ riêng biệt chứa phốt pho, lưu huỳnh và flo (DOC, PSF)
 
Số lượng dây chuyền sản xuất hoá chất DOC-PSF mới
 
 
1. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi

thông thường ……………………………………………………..

Số CAS …………………………………………………….

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ……………………………………………………….

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………..
 
2. Tên gọi theo IUPAC …………………………………………………….

Tên thương mại hay tên gọi

thông thường ……………………………………………………..

Số CAS ………………………………………………………

Công thức hoá học …………………………………………………….

Công suất sản xuất ……………………………………………………….

Nồng độ hoặc hàm lượng …………………………………………………….

Thời gian dự kiến bắt đầu sản xuất ……………………………………………………..
 
  

 

GIÁM ĐỐC DOANH NGHIỆP

(Ký tên, đóng dấu)

 

Nơi nhận:

– Như trên;

– Lưu.

 

Lưu ý:

– Khai báo cho từng hoỏ chất;

– Thời hạn nộp khai báo: chậm nhất là 30 ngày trước khi tiến hành bổ sung, điều chỉnh hoặc thay đổi.

Phụ lục số 9

(Ban hành kèm theo Nghị định số 100/2005/NĐ-CP
ngày 03 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ)

 

QUY ĐỊNH VỀ THANH SÁT
ĐỐI VỚI CƠ SỞ HOÁ CHẤT BẢNG, DOC VÀ DOC-PSF

I. CÁC QUY ĐỊNH CHUNG VỀ THANH SÁT


 

1. Mục đích và yêu cầu của việc thanh sát

Mục đích chung là nhằm xác nhận rằng các hoạt động tại Cơ sở là phù hợp với những thông tin đã được khai báo với Tổ chức Công ước. Ngoài ra:

– Đối với cơ sở hoá chất Bảng 1: mục đích cụ thể là kiểm tra để xác nhận rằng: các hoạt động tại Cơ sở là phù hợp các yêu cầu và quy định của Công ước (phầnVI của Phụ lục Kiểm chứng của Công ước); không có các hoạt động chuyển đổi hoá chất Bảng 2 mà không được khai báo; đánh giá khả năng gây rủi ro của các hoạt động hoá chất tại Cơ sở.

– Đối với cơ sở hoá chất Bảng 2: mục đích cụ thể là kiểm tra để xác nhận rằng: các hoạt động tại Cơ sở là phù hợp các yêu cầu và quy định của Công ước (phầnVII của Phụ lục Kiểm chứng của Công ước); không có bất cứ một hoá chất Bảng 1 nào được sản xuất tại Cơ sở, trừ trường hợp việc sản xuất là phù hợp với phần VI của Phụ lục Kiểm chứng của Công ước; không có các hoạt động chuyển đổi hoá chất Bảng 2 mà không được khai báo; đánh giá khả năng gây rủi ro của các hoạt động hoá chất tại Cơ sở.

– Đối với cơ sở hoá chất Bảng 3 và DOC, DOC-PSF: mục đích cụ thể là xác nhận rằng: các hoạt động tại Cơ sở là phù hợp các yêu cầu và quy định của Công ước (phầnVIII của Phụ lục Kiểm chứng của Công ước) không có bất cứ một hoá chất Bảng 1 nào được sản xuất tại Cơ sở, trừ trường hợp việc sản xuất là phù hợp với phần VI của Phụ lục Kiểm chứng của Công ước.

2. Thời biểu thanh sát

– Đối với cơ sở hoá chất Bảng 1:

+ Thời gian thông báo quyết định thanh sát: không dưới 24 giờ trước khi tới địa điểm nhập cảnh;

+ Thời gian tiến hành thanh sát tại Cơ sở: phụ thuộc vào nguy cơ rủi ro đối với các mục tiêu và mục đích của Công ước.

– Đối với cơ sở hoá chất Bảng 2:

+ Thời gian thông báo quyết định thanh sát: không dưới 48 giờ trước khi tới địa điểm bị thanh sát;

+ Thời gian tiến hành thanh sát tại Cơ sở: 96 giờ, có thể kéo dài trên cơ sở thoả thuận riêng cụ thể.

– Đối với cơ sở hoá chất Bảng 3:

+ Thời gian thông báo quyết định thanh sát: không dưới 120 giờ trước khi tới địa điểm bị thanh sát;

+ Thời gian tiến hành thanh sát tại Cơ sở: 24 giờ, có thể kéo dài trên cơ sở thoả thuận riêng cụ thể.

– Đối với cơ sở hoá chất DOC, DOC-PSF: như đối với cơ sở hoá chất Bảng 3.

3. Nhiệm vụ của chủ Cơ sở bị thanh sát

– Bố trí một phòng làm việc riêng để đội thanh sát được toàn quyền sử dụng trong thời gian tiến hành thanh sát (có chìa khoá, chỉ thành viên đội thanh sát được ra vào), được trang bị: bàn ghế làm việc, 1 tủ tài liệu có khoá, 1điện thoại cố định nối mạng quốc tế, 1 máy fax, 1 máy huỷ tài liệu) (*);

– Bố trí cán bộ có thẩm quyền và am hiểu về hoạt động của Cơ sở (quản lý, kỹ thuật công nghệ, kinh doanh, tài chính, môi trường, an toàn lao động…) để làm việc với Đội thanh sát;

– Chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, tài liệu, sơ đồ, bản vẽ, sổ sách cần thiết để làm việc với Đội thanh sát;

– Giúp Đội thanh sát lấy mẫu (khi có yêu cầu).

 

II. QUY TRÌNH THANH SÁT

 

1. Phương pháp tiến hành thanh sát

– Thanh sát bằng trực quan thiết bị sản xuất, phòng điều khiển, phòng thí nghiệm, kho chứa nguyên liệu và khu vực xử lý chất thải;

– Kiểm tra hồ sơ/tài liệu;

– Thảo luận và phỏng vấn;

– Lấy mẫu và phân tích (nếu cần).

2. Trình tự thanh sát

a) Nghe giới thiệu của đại diện Cơ sở, gồm các nội dung sau:

– Tóm tắt hoạt động của Cơ sở;

– Sơ đồ mặt bằng của nhà máy, phân xưởng là đối tượng thanh sát;

– Phản ứng hoá học;

– Quy trình công nghệ;

– Cân bằng vật chất/nguyên liệu của sản xuất;

– Xử lý chất thải;

– Các biện pháp bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn lao động và bảo vệ sức khoẻ.

b) Thăm nhanh các hạng mục nằm trong phạm vi Cơ sở

c) Thống nhất kế hoạch và nội dung thanh sát

d) Thanh sát Cơ sở

– Kiểm tra khu vực vận hành sản xuất;

– Kiểm tra các hồ sơ về cung ứng nguyên liệu, sản phẩm và sản xuất;

– Kiểm tra kho hàng;

– Kiểm tra khu vực xử lý chất thải, khu vực lưu giữ các hoá chất không đạt chỉ tiêu kỹ thuật;

– Tham quan phòng thí nghiệm (nếu có);

– Kiểm tra tài liệu: phần kiểm tra tài liệu có thể bao gồm những hạng mục sau:

+ Tài liệu quy trình công nghệ (sơ đồ tiến trình công nghệ, công suất, sơ đồ công ty, bản đồ nhà máy);

+ Nhật ký vận hành nhà máy, hồ sơ các mẻ;

+ Hồ sơ kiểm tra chất lượng, kể cả các các số liệu phân tích;

+ Hồ sơ về kho hàng và vận chuyển (cả bên trong lẫn bên ngoài);

+ Các tài liệu về đảm bảo Sức khoẻ, An toàn và Môi trường: MSDS của các hoá chất, quy trình vận hành chuẩn (SOP), quy định an toàn riêng của Cơ sở, quy định về giới hạn tiếp xúc với các hoá chất có trong Cơ sở, cảnh báo nguy hại có thể có (**).

đ) Hội ý lại và kết luận sơ bộ: trong vòng 24giờ sau khi kết thúc thanh sát Đoàn thanh sát sẽ cùng đại diện Công ty và Cơ quan Quốc gia gặp để xem xét lại những kết quả thanh sát ban đầu do Đội thanh sát đưa ra và làm sáng tỏ bất kỳ sự không rõ ràng nào (nếu có). Các kết quả ban đầu này sẽ được thể hiện trong dự thảo Báo cáo Sơ bộ về cuộc Thanh sát sẽ được ký giữa đại diện của Cơ sở và Cơ quan quốc gia Việt Nam với Đội trưởng Đội thanh sát.

 

Lưu ý:

1. Đối với cơ sở hoá chất Bảng 1 và 2 trong thời gian tiến hành cuộc thanh sát ban đầu sẽ diễn ra các cuộc đàm phán giữa đội thanh sát và cơ quan quốc gia Việt Nam để thống nhất về nội dung dự thảo Thoả thuận liên quan đến việc thanh sát tại các cơ sở nói trên để trình Tổ chức Công ước và Chính phủ Việt Nam ký kết sau đó.

2. Quy trình thanh sát lại giống như quy trình thanh sát đối với cơ sở hoá chất Bảng 3 và DOC, DOC-PSF.

3. Quy trình thanh sát đột xuất về cơ bản cũng tương tự như quy trình này, nhưng với mục đích và thời biểu đặc biệt. Cụ thể:

– Mục đích: làm sáng tỏ cáo buộc của một quốc gia thành viên về việc vi phạm quy định Công ước tại một cơ sở hoá chất thuộc diện kiểm soát của một quốc gia thành viên khác;

– Thời biểu của cuộc thanh sát:

+ Thời gian thông báo quyết định thanh sát: Không dưới 12 giờ trước khi tới địa điểm nhập cảnh;

+ Thời gian tiến hành thanh sát tại Cơ sở: không quá 84 giờ, trừ khi được kéo dài theo thoả thuận với quốc gia bị thanh sát.

 

Ghi chú:

– (*) Các chi phí sử dụng sẽ được Ban Thư ký Tổ chức Công ước hoàn trả cho Cơ sở khi phía Cơ sở yêu cầu.

– (**) Các thanh sát viên sẽ áp dụng biện pháp “không động chạm” nghĩa là không tự ý động chạm vào bất cứ thứ gì trong Cơ sở. Khi có yêu cầu, các thanh sát viên sẽ đề nghị nhân viên của Cơ sở giúp.

 

 

 

Tên văn bản : Nghị định về thực hiện Công ước cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ, sử dụng và phá huỷ vũ khí hoá học
Loại văn bản : Nghị định
Số hiệu : 100/2005/NĐ-CP
Ngày ban hành : 03/08/2005
Cơ quan ban hành : Chính phủ,
Người ký : Phan Văn Khải,
Ngày hiệu lực :
Văn bản liên quan : 0     

Tags: , , , , , , ,

Comments are closed.