Cần hiểu đúng khái niệm thương hiệu ?


Mọi người thường nhầm lẫn Thương hiệu với bốn khái niệm sau:

– Tên thương mại. Ví dụ: Công ty TNHH Cơ kim khí Sơn Hà;

– Nhãn hiệu hàng hóa. Ví dụ: OMO cho sản phẩm xà phòng giặt;

– Chỉ dẫn địa lý. Ví dụ: Chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm;

– Nhãn hàng hóa. (tiếng Anh là Label).

Bốn khái niệm trên đã được định nghĩa rõ ràng trong các Văn bản Luật nhưng Thương hiệu thì chưa. Chúng ta hãy cùng đưa ra những ví dụ để so sánh và phân tích nhằm hiểu rõ sự khác biệt giữa bốn khái niệm trên với Thương hiệu.

Một công ty có thể có một nhãn hiệu dùng chung cho tất cả sản phẩm hoặc dịch vụ của mình ví dụ như: Công ty Cổ phần Nước giải khát NUGIAKHA chỉ đăng ký 01 Nhãn hiệu NUGIAKHA cho sản phẩm nước uống tính khiết và bia. Lúc này có thể hiểu Thương hiệu là Nhãn hiệu đồng thời là Tên thương mại.

Nhưng hiện nay, các công ty thường đăng ký rất nhiều nhãn hiệu ví dụ như: Công ty TNHH Cơ kim khí Sơn Hà ngoài việc sở hữu nhãn hiệu Sơn Hà cho sản phẩm bồn chứa nước inox còn đăng ký thêm nhiều nhãn hiêu khác như: SOHACO, SOHA…. cho các sản phẩm khác. Lúc này cách hiểu Thương hiệu là Nhãn hiệu đồng thời là Tên thương mại (tên công ty) không còn đúng nữa vì một Doanh nghiệp thì chỉ có một tên Thương mại nhưng lại có thể sở hữu hàng ngàn nhãn hiệu. trong khi cách hiểu của đa số người thì một doanh nghiệp chỉ có một Thương hiệu.

Cách hiểu Thương hiệu là chỉ dẫn địa lý thì lại hoàn toàn tai hại hơn nữa. Trước tiên cần phải hiểu rõ Nhãn hiệu và Chỉ dẫn địa lý là hai khái niệm hoàn toàn khác nhau. Điều kiện để được sử dụng chỉ dẫn địa lý là tương đối khắt khe, ví dụ như: Một công ty ở Hà Nội sẽ không được sử dụng chỉ dẫn địa lý Phú Quốc cho sản phẩm nước mắm vì điều kiện tự nhiên ở Hà Nội không thể tạo ra được sản phẩm nước mắm có đặc trưng như ở Phú Quốc. Và chính vì thế Chỉ dẫn địa lý không thể được chuyển nhượng (license) trong khi mọi người vẫn thường thấy Thương hiệu với tư cách là Nhãn hiệu được li – xăng (license).

Nhãn hàng hóa, tiếng Ạnh là Label, ngày xưa mọi người thường dùng là Ê-tê-két là một danh từ rất cụ thể chứ không trừu tượng như: Thương hiệu, Nhãn hiêu, Tên thương mại. Chúng ta hãy nghĩ đến một chai nước mắm Phú Quốc Knorr thì sẽ hiểu ngay. Toàn bộ những thông tin được ghi bên ngoài chai nước mắm đó là nhãn hàng hóa. Trên nhãn đó có đầy đủ các dấu hiệu như: Phú Quốc – chỉ dẫn địa lý, Knorr – Nhãn hiệu , tên công ty sản xuất – Tên thương mại. Ngoài ra, trên nhãn hàng hóa còn ghi nhiều thông tin khác nữa như: Mã số mã vạch, hạn sử dụng ….

Qua những ví dụ nêu trên, chúng ta có thể tạm thời đưa ra một cách hiểu tương đối về khái niệm Thương hiệu như sau: Là tập hợp những dấu hiệu khác biệt của một Doanh nghiệp được tạo ra trong hoạt động kinh doanh mà người tiêu dùng biết đến như một loại tài sản vô hình đặc trưng, tiêu biểu của Doanh nghiệp giúp doanh nghiệp có một lợi thế kinh doanh trên thị trường so với Doanh nghiệp khác. Đây chỉ là một định nghĩa mang tính chủ quan của người viết để mọi người tham khảo.

Comments are closed.