Cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ

Trong những năm đầu gia nhập WTO, quyền SHTT của Việt Nam sẽ là vấn đề có ảnh hưởng rõ nét nhất đến hoạt động kinh doanh, thương mại do những tác động trực tiếp từ các nguyên tắc, yêu cầu thực thi “luật” của WTO. Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT (TRIPS) – WTO buộc VN phải đạt được hai chuẩn mực lớn về nội dung bảo hộ (tính đầy đủ) và về hiệu lực thực thi pháp luật (tính hiệu quả) của hệ thống SHTT. Do đó, việc thực thi tốt quyền SHTT là một trong những đòi hỏi hàng đầu của WTO.

1. Về bản quyền tác giả:

Từ năm 2005, Việt Nam đã ban hành Luật Sở hữu trí tuệ. Vấn đề bản quyền tác giả đã được quy định và áp dụng theo Luật SHTT 2005 và Bộ Luật Dân sự 2005. Theo đó, quyền tác giả đối với những tác phẩm gốc được bảo hộ không phân biệt hình thức, ngôn ngữ thể hiện và chất lượng của tác phẩm. Trong quá trình đàm phán, trả lời câu hỏi liên quan đến việc áp dụng nguyên tắc đối xử quốc gia, đại diện của Việt Nam nói rằng, Luật SHTT năm 2005 bảo đảm thực hiện điều 3 của Hiệp định TRIPS và điều 3 của Công ước Berne. Theo điều 13 của Luật SHTT công dân của nước thành viên Công ước Berne hoặc WTO sẽ được bảo hộ quyền tác giả ở Việt Nam.
Trong quá trình đàm phán, một số Thành viên có ý kiến cho rằng họ thấy một số cơ quan của Chính phủ Việt Nam sử dụng phần mềm máy tính mà chưa được phép của chủ sở hữu. Họ cũng lưu ý rằng một cơ quan của Chính phủ Việt Nam và một doanh nghiệp Nhà nước đang cung cấp truyền hình cáp không có bản quyền cho khách hàng Việt Nam. Những Thành viên này đề nghị Việt Nam chấm dứt tình trạng này trong quá trình đàm phán gia nhập WTO và thực thi nghĩa vụ theo Hiệp định TRIPS. Đại diện Việt Nam xác nhận rằng, trước ngày gia nhập, Việt Nam sẽ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp với yêu cầu các cơ quan của Chính phủ chỉ sử dụng các phần mềm máy tính hợp pháp và không vi phạm quyền tác của những phần mềm này; quy định việc mua và quản lý tất cả phần mềm do các cơ quan của Chính phủ sử dụng; ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định việc các nhà cung cấp truyền hình cáp chỉ được cung cấp các chương trình đã có phép đến khách hàng của họ.
Về thù lao, nhuận bút, các tổ chức, cá nhân sử dụng các tác phẩm đã được công bố hoặc bản ghi âm/ghi hình để thực hiện chương trình phát sóng có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan theo quy định của Chính phủ. Việt Nam lưu ý rằng các tổ chức phát sóng ở Việt Nam do Nhà nước quản lý, hoạt động bằng ngân sách nhà nước, vì vậy chỉ những trường hợp có tài trợ, quảng cáo hoặc thu tiền dưới bất kỳ hình thức nào mới phải trả tiền nhuận bút, thù lao.
Tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả tác phẩm gốc khi bị xâm hại có quyền yêu cầu tổ chức cá nhân có hành vi xâm phạm chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai và bồi thường thiệt hại; yêu cầu cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm hoặc khởi kiện ra toà án có thẩm quyền hoặc thông qua trọng tài để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Người xâm phạm có thể bị phạt đến 200 triệu đồng hoặc bị phạt tù đến 3 năm.

2. Về nhãn hiệu, bao gồm cả nhãn hiệu dịch vụ:

Nhãn hiệu được bảo hộ theo quy định tại các điều từ 750 -753 của Bộ Luật Dân sự 2005 và Phần III của Luật SHTT năm 2005. Không có yêu cầu bắt buộc đăng ký nhãn hiệu đối với bất kỳ hàng hóa và dịch vụ nào. Tất cả các đăng ký nhãn hiệu đều được công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp. Việt Nam đã xác nhận rằng trong quá trình soạn thảo Luật SHTT, Việt Nam đã tham khảo các quy định của Khuyến nghị chung liên quan đến các quy định về bảo hộ nhãn hiệu nổi tiếng do Hội đồng Liên hiệp Pari và Đại hội đồng của Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) thông qua vào tháng 9/1999. Hệ thống bảo hộ nhãn hiệu của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với Hiệp định TRIPS và khoản 1 Điều 6 bis Công ước Pari.

3. Về chỉ dẫn địa lý, bao gồm cả tên gọi xuất xứ hàng hóa:

Chỉ dẫn địa lý được bảo hộ theo quy định tại các điều từ 750-753 của Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Phần III của Luật SHTT năm 2005. Việt Nam lưu ý một chỉ dẫn địa lý sẽ không được bảo hộ nếu đã trở thành tên gọi chung ở Việt Nam. Chỉ dẫn địa lý nước ngoài được bảo hộ ở nước xuất xứ mới có thể được bảo hộ ở Việt Nam. Bất kỳ chủ thể nào có quyền, theo luật pháp của nước ngoài, sở hữu, sử dụng hoặc nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý ở nước xuất xứ đều có quyền nộp đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý đó tại Việt Nam và có thể được ghi nhận trong Đăng bạ chỉ dẫn địa lý Việt Nam. Đại diện Việt Nam cho rằng Luật SHTT năm 2005 đã bảo hộ các chỉ dẫn địa lý của Việt Nam và nước ngoài phù hợp với Hiệp định TRIPS. Theo đó, các quy định trong điều ước quốc tế mà Việt Nam là Thành viên sẽ được áp dụng trong trường hợp có xung đột.

4. Kiểu dáng công nghiệp:

Pháp luật hiện hành của VN phù hợp với các yêu cầu của Điều 26.1 Hiệp định TRIPS. VN lưu ý, mặc dù các quy định liên quan không được diễn đạt giống hệt như lời văn của Hiệp định TRIPS nhưng các quy định của các Điều 123.1(a), 124.2 và 126.1 của Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005 cũng đã bao hàm việc sản xuất, bán hoặc nhập khẩu sản phẩm mang kiểu dáng “về cơ bản là bản sao” của kiểu dáng được bảo hộ. Thời hạn bảo hộ ban đầu đối với kiểu dáng công nghiệp là 5 năm tính từ ngày nộp đơn-có hiệu lực từ ngày đăng ký – và có thể được gia hạn 2 lần liên tiếp, mỗi lần 5 năm.

5. Sáng chế:

Sáng chế có tính mới đối với thế giới, trình độ sáng tạo và khả năng áp dụng công nghiệp được bảo hộ theo quy định tại các Điều từ 750 đến 753 của Bộ Luật Dân sự năm 2005 và Phần III của Luật SHTT năm 2005. Đặc biệt, đối tượng không phải bảo hộ theo Hiệp định TRIPS vẫn được bảo hộ tại VN. Sáng chế có tính mới đối với thế giới, và có khả năng áp dụng công nghiệp – thậm chí không có trình độ sáng tạo nhưng không phải là hiểu biết thông thường – có thể được bảo hộ theo Bằng độc quyền giải pháp hữu ích. Chủ sở hữu Bằng độc quyền sáng chế hoặc Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có độc quyền sử dụng, chuyển giao quyền sở hữu, và chuyển giao quyền sử dụng sáng chế cho người khác. Chủ sở hữu có quyền yêu cầu người khác chấm dứt hành vi xâm phạm và có quyền yêu cầu bồi thường thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra. Thời hạn hiệu lực của những Bằng độc quyền sáng chế và Bằng độc quyền giải pháp hữu ích tương ứng là 20 và 10 năm tính từ ngày nộp đơn – có hiệu lực từ ngày cấp.

6. Bảo hộ giống cây trồng:

Các quy định về bảo hộ giống cây trồng mới theo các tiêu chuẩn của UPOV. Các điều kiện bảo hộ được áp dụng cho giống cây trồng theo quy định tại các Điều từ 158 đến 162 của Luật SHTT năm 2005 hoàn toàn tương thích với các điều kiện bảo hộ quy định tại các Điều từ 5 đến 9 của UPOV, bao gồm tính mới, tính khách biệt, tính đồng nhất và tính ổn định. Thời hạn bảo hộ quyền của người tạo giống là 25 năm đối với cây thân gỗ và cây nho và 20 năm đối với các giống cây trồng khác kể từ ngày các quyền được xác lập. Không mở rộng quyền của người tạo giống đối với sản phẩm thu hoạch hoặc sản phẩm được sản xuất trực tiếp từ sản phẩm thu hoạch được từ việc sử dụng trái phép vật liệu nhân giống của giống cây được bảo hộ.

7. Thiết kế bố trí mạch tích hợp:

Đại diện VN khẳng định thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn được bảo hộ theo các Điều 4.4, 6.3 (a) và Phần III của Luật SHTT 2005.
8. Các yêu cầu đối với thông tin bí mật, bao gồm bí mật thương mại và dữ liệu thử nghiệm:
Bí mật kinh doanh được bảo hộ nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định mà không phải đăng ký. Chủ sở hữu bí mật kinh doanh có quyền cấm việc sử dụng trái phép bí mật kinh doanh của mình và yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra lệnh chấm dứt hành vi xâm phạm và bồi thường thiệt hại.
Đại diện VN xác nhận rằng Chính phủ VN sẽ tiến hành tất cả các biện pháp cần thiết nhằm tuân thủ đầy đủ tất cả các quy định của Hiệp định về Các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền SHTT kể từ ngày gia nhập WTO mà không viện dẫn đến bất kỳ thời hạn chuyển tiếp nào.

Tình hình thực thi quyền SHTT ở Việt Nam

Hệ thống pháp luật về SHTT của Việt Nam đã tương đối hoàn chỉnh, nội dung đã tiệm cận dần đến các nguyên tắc và quy định của WTO, WIPO…
Hiện nay, VN đã là thành viên của các Điều ước quan trọng như Công ước Paris, Thoả ước Madrid, Nghị định thư Madrid về đăng ký quốc tế nhãn hiệu hàng hoá, Hiệp ước hợp tác Patent, Công ước Berne về bản quyền…và đặc biệt là Hiệp định Trips. Ngoài ra, các Điều ước quốc tế đa phương và song phương liên quan đến việc khiếu nại, xét xử, trọng tài, thi hành bản án, quyết định, tương trợ tư pháp… giữa VN và các nước là những cơ sở quan trọng trong công tác thực thi quyền SHTT ở VN.
Tuy nhiên, hiện nay, VN chưa có Toà án, cơ quan thực thi chuyên trách quyền SHTT, chưa có được các thẩm phán, công chức thực thi, xử lý chuyên trách các tội phạm, hành vi xâm phạm quyền SHTT… Bên cạnh đó, nhận thức của chính cộng đồng doanh nghiệp đối với vấn đề SHTT nói chung, thực thi quyền SHTT nói riêng mặc dù đã được cải thiện nhưng còn thấp. Theo thống kê của Cục SHTT Việt Nam, số lượng doanh nghiệp VN nộp đơn xác lập các quyền SHTT chiếm tỷ lệ thấp so với doanh nghiệp nước ngoài. Đơn đăng ký sáng chế chỉ là 9,24%, giải pháp hữu ích là 60,13%, kiểu dáng công nghiệp là 84,32%, nhãn hiệu hàng hoá là 58,12%…Và số lượng văn bằng được cấp, sáng chế chỉ là 4,5%, giải pháp hữu ích là 60%, kiểu dáng là 86%, nhãn hiệu hàng hoá là 53%…
Trong khi đó, trên thế giới (ngay trong các DN có vốn đầu tư nước ngoài), người ta coi SHTT là một yếu tố quan trọng cấu thành giá trị hàng hoá, dịch vụ. Cùng với việc dự báo về một làn sóng đầu tư mới vào Việt Nam, số lượng đơn đăng ký quốc tế các đối tượng của quyền SHTT của các tập đoàn, công ty muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh ở VN sẽ gia tăng nhanh chóng trong những năm tới. Do đó, vấn đề chính phải là cải thiện nhận thức từ cộng đồng doanh nghiệp VN đối với vấn đề SHTT nói chung, thực thi quyền SHTT nói riêng, đặc biệt là đăng ký xác lập và bảo vệ quyền.
(Nguồn TTXVN)

Tags: , , , , , , , , ,

Comments are closed.