BỘ TÀI CHÍNH ———— Số: 75/2010/TT-BTC
|
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ———————– Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2010 |
THÔNG TƯ
Quy định việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán ngân sách nhà nước cho
công tác bảo đảm, bảo vệ chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam
—————————–
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06/6/2003 của Chính phủ về quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 03/2009/NĐ-CP ngày 09/01/2009 của Chính phủ về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ;
Bộ Tài chính quy định việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán ngân sách nhà nước cho công tác bảo đảm, bảo vệ chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam như sau:
Điều 1. Đối tượng thực hiện:
Đối tượng thực hiện các quy định tại Thông tư này là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện các chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam; bao gồm:
1. Văn phòng Trung ương Đảng.
2. Văn phòng Chủ tịch nước.
3. Văn phòng Quốc hội.
4. Văn phòng Chính phủ.
5. Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam.
6. Các Bộ, cơ quan Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có liên quan đến chuyến bay chuyên cơ.
7. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan theo thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ.
Điều 2. Quy định về việc lập dự toán:
Hàng năm, vào thời gian lập dự toán ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước; các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức các đoàn công tác của các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam có trách nhiệm xây dựng dự toán kinh phí cần thiết thực hiện nhiệm vụ bảo đảm, bảo vệ chuyến bay chuyên cơ của năm kế hoạch, tổng hợp chung trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của cơ quan mình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 3. Phân bổ và giao dự toán:
Căn cứ dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao; Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm phân bổ và giao dự toán kinh phí cho các đơn vị trực thuộc (trong đó ghi rõ kinh phí bảo đảm chuyến bay chuyên cơ) sau khi có ý kiến thẩm tra của cơ quan tài chính cùng cấp.
Điều 4. Quản lý và sử dụng kinh phí
Kinh phí bảo đảm chuyến bay chuyên cơ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giao cho các đơn vị thực hiện được quản lý theo quy định hiện hành; đến hết ngày 31/12 nếu còn dư kinh phí, các cơ quan, đơn vị không được chi tiếp trừ trường hợp có ý kiến chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền.
Điều 5. Trách nhiệm thanh toán chi phí chuyên cơ
1. Ngân sách nhà nước bảo đảm chi phí chuyến bay chuyên cơ phục vụ công tác của các đối tượng được phục vụ chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 03/2009/NĐ-CP ngày 09/01/2009 của Chính phủ về công tác bảo đảm chuyến bay chuyên cơ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 03/2009/NĐ-CP); gồm có:
a) Lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam:
– Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng;
– Chủ tịch nước;
– Thủ tướng Chính phủ;
– Chủ tịch Quốc hội;
b) Những đối tượng đặc biệt khác khi có thông báo của Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ.
2. Các tổ chức, doanh nghiệp đi cùng chuyến chuyên cơ theo nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao thì miễn vé tàu bay cho cả đoàn. Danh sách cụ thể của đoàn do Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ thông báo.
3. Các tổ chức, doanh nghiệp (doanh nghiệp độc lập, Tập đoàn, Tổng công ty) có tổ chức đoàn công tác đi cùng chuyên cơ nhưng không thuộc đối tượng quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 nêu trên thì mỗi doanh nghiệp được miễn tiền vé tàu bay cho 01 người, những người còn lại thực hiện thu tiền vé tàu bay theo giá vé hạng phổ thông vào thời điểm thực hiện chuyến bay do hãng hàng không Việt Nam công bố (quy định này không áp dụng đối với các chuyến bay chuyên cơ do Bộ Quốc phòng thực hiện).
Điều 6. Thủ tục, hồ sơ, trách nhiệm thanh toán chi phí chuyên cơ:
1. Đối với các chuyến bay chuyên cơ do các hãng hàng không Việt Nam thực hiện:
a) Các cơ quan có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam theo quy định tại Điều 7 Nghị định số 03/2009/NĐ-CP, ngoài việc thực hiện các nội dung quy định tại Điều 8 Nghị định số 03/2009/NĐ-CP còn có trách nhiệm xác định cụ thể các đối tượng được ngân sách nhà nước bảo đảm tiền vé và các đối tượng phải thu tiền vé tàu bay. Đối với các đối tượng phải thu tiền vé tàu bay, cần xác định rõ theo các tiêu thức: tổng số đối tượng, họ và tên, địa chỉ và nơi công tác của từng đối tượng.
b) Thông báo chuyến bay chuyên cơ ngoài việc được gửi tới các cơ quan, đơn vị theo quy định tại khoản 2, Điều 8 Nghị định số 03/2009/NĐ-CP còn được gửi đến Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (đối với chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam có sự tham gia của các đoàn doanh nghiệp theo quyết định của cấp có thẩm quyền).
c) Căn cứ thông báo chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam do cơ quan có thẩm quyền cung cấp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có trách nhiệm thu đúng, thu đủ tiền vé tàu bay của các đối tượng phải thu tiền vé theo quy định tại khoản 3 Điều 5 nêu trên, hoàn thành việc thu tiền vé tàu bay nộp cho hãng hàng không Việt Nam và gửi 01 bản photocopy phiếu thu tiền của hãng hàng không Việt Nam cho cơ quan thuê phương tiện chậm nhất là 01 tháng sau khi chuyến bay kết thúc.
Cơ quan thuê phương tiện có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thu, nộp tiền vé tàu bay của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam.
d) Trên cơ sở thông báo chuyến bay chuyên cơ, giá thuê tàu bay chuyên cơ do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định, các cơ quan có thẩm quyền thông báo chuyến bay chuyên cơ chịu trách nhiệm ký hợp đồng với hãng hàng không Việt Nam được giao thực hiện chuyến bay chuyên cơ của Việt Nam. Trong nội dung quy định về điều khoản thanh toán của hợp đồng phải thể hiện rõ 2 nội dung sau:
– Hãng hàng không Việt Nam chịu trách nhiệm thu tiền vé tàu bay đối với các đối tượng phải thu tiền vé tàu bay chuyên cơ do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam thay mặt các doanh nghiệp nộp; đồng thời chịu trách nhiệm cấp hoá đơn, chứng từ cho các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
– Sau khi trừ đi phần chi phí đã thu được theo quy định tại điểm a nêu trên, phần giá trị còn lại của hợp đồng sẽ được các cơ quan ký hợp đồng chi trả cho hãng hàng không Việt Nam trên cơ sở đảm bảo đầy đủ các hồ sơ, chứng từ sau: hoá đơn thanh toán dịch vụ; hợp đồng; thanh lý hợp đồng kèm theo phiếu thu tiền do hãng hàng không Việt Nam cấp cho Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, danh sách đối tượng phải thu tiền vé tàu bay và các chứng từ hợp pháp khác có liên quan.
2. Đối với các chuyến bay chuyên cơ của Bộ Quốc phòng, việc thanh toán chi phí chuyên cơ trên cơ sở quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về các chi phí bảo đảm cho từng chuyến bay được Nhà nước giao.
Điều 7. Quyết toán kinh phí
Cuối năm các cơ quan, đơn vị được giao kinh phí bảo đảm, bảo vệ chuyến bay chuyên cơ chịu trách nhiệm quyết toán kinh phí được giao, tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách hàng năm của cơ quan, đơn vị theo quy định.
Điều 8. Điều khoản thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký ban hành.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị các cơ quan, đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, xử lý theo thẩm quyền./.
Nơi nhận: – Ban Bí thư trung ương Đảng; – Thủ tướng và các Phó Thủ tướng Chính phủ; – VP Quốc hội; VP Chủ tịch nước; – VP TW Đảng và các Ban của Đảng; – VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Toà án nhân dân tối cao; – Kiểm toán Nhà nước; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – UBND; Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW; – Các hãng hàng không Việt Nam; – Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp; – Website Chính phủ, Website Bộ Tài chính; – Công báo; – Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ TC; – Lưu: VT, Vụ HCSN. |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (đã ký)
Phạm Sỹ Danh |