BỘ TÀI CHÍNH
——————- Số: 45/2011/TT-BTC
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc ———————— Hà Nội, ngày 04 tháng 04 năm 2011
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH THỦ TỤC HẢI QUAN ĐỐI VỚI HÀNG HÓA VẬN TẢI ĐA PHƯƠNG THỨC QUỐC TẾ
Căn cứ Luật Hải quan số 29/2001/QH10 ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hải quan số 42/2005/QH11 ngày 14/6/2005;
Căn cứ Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15 tháng 12 năm 2005 của Chính phủ quy định thủ tục hải quan, chế độ kiểm tra, giám sát hải quan;
Căn cứ Điều 3 Nghị định số 87/2009/NĐ-CP ngày 19/10/2009 của Chính phủ về vận tải đa phương thức;
Thực thi Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 27/12/2010 của Chính phủ về đơn giản hóa thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính. Sau khi nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của Bộ Giao thông vận tải tại công văn số 826/BGTVT-VT ngày 18/02/2011, Bộ Tài chính quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế như sau:
Điều 1. Quy định chung
1. Phạm vi áp dụng:
Thông tư này quy định thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế.
2. Đối tượng áp dụng:
2.1. Tổ chức, thương nhân, cá nhân liên quan đến hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế theo quy định của pháp luật.
2.2. Cơ quan Hải quan.
3. Hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế:
3.1. Hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế (sau đây gọi tắt là hàng hóa) phải làm thủ tục hải quan và chịu sự giám sát hải quan trong quá trình lưu giữ, vận chuyển trên lãnh thổ Việt Nam; hàng hóa phải được vận chuyển theo đúng tuyến đường, đúng cửa khẩu và giao trả hàng hóa cho người nhận hàng tại cửa khẩu hoặc cảng nội địa (ICD) ghi trên chứng từ vận tải đa phương thức quốc tế.
3.2. Hàng hóa phải được chứa trong container hoặc trong các loại phương tiện vận tải, xe chuyên dùng đáp ứng yêu cầu niêm phong hải quan. Hàng hóa siêu trường, siêu trọng, hàng hóa là phương tiện vận chuyển không thể niêm phong hải quan được thì Chi cục Hải quan xác nhận trên Bảng kê hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế và người kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế hoặc người vận chuyển hàng hóa phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc đảm bảo nguyên trạng của hàng hóa trong suốt thời gian vận chuyển và lưu giữ tại Việt Nam.
3.3. Hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài đến Việt Nam và giao trả hàng hóa cho người nhận hàng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được miễn kiểm tra thực tế hàng hóa, trừ một số trường hợp nếu nghi ngờ có dấu hiệu vận chuyển ma túy, vũ khí và các loại hàng cấm khác.
3.4. Hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài đến Việt Nam và giao trả hàng hóa cho người nhận hàng trong lãnh thổ Việt Nam phải làm thủ tục hải quan theo quy định hiện hành tại Chi cục Hải quan cửa khẩu hoặc Chi cục Hải quan cảng nội địa (ICD) được ghi trên chứng từ vận tải đa phương thức quốc tế. Hàng hóa nhập khẩu thực hiện thủ tục hải quan theo đúng quy định đối với loại hình hàng hóa nhập khẩu tương ứng.
Điều 2. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài đến Việt Nam và giao trả hàng hóa cho người nhận hàng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam
1. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài đến Việt Nam và giao trả hàng hóa cho người nhận hàng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam được thực hiện thủ tục như đối với hàng hóa quá cảnh quy định tại Điều 19 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
2. Ngoài các chứng từ thuộc hồ sơ hải quan phải nộp theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP thì người kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế nộp và xuất trình các chứng từ dưới đây cho Chi cục Hải quan:
– Nộp 01 bản photocopy từ bản chính Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế do Bộ Giao thông vận tải cấp (chỉ nộp lần đầu khi làm thủ tục hải quan tại một Chi cục Hải quan) và xuất trình bản chính để công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu.
– Nộp chứng từ vận tải đa phương thức quốc tế (theo mẫu đã được đăng ký với Bộ Giao thông vận tải): 01 bản chính.
– Nộp bản khai hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế (bao gồm các tiêu chí sau: số thứ tự, tên hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá): 01 bản chính.
3. Công chức hải quan ngoài việc thực hiện thủ tục hải quan theo quy định hiện hành; khi tiếp nhận hồ sơ hải quan, sau khi thực hiện kiểm tra, đối chiếu nội dung giữa bản chính với nội dung bản photocopy từ bản chính thì công chức có trách nhiệm xác nhận nội dung đã kiểm tra, đối chiếu trên bản photocopy từ bản chính.
Điều 3. Thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài đến Việt Nam và giao trả hàng hóa cho người nhận hàng trong lãnh thổ Việt Nam
1. Hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài đến Việt Nam và giao trả hàng hóa cho người nhận hàng trong lãnh thổ Việt Nam tại cửa khẩu khác cửa khẩu nhập đầu tiên hoặc tại cảng nội địa (ICD).
2. Trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế:
2.1. Thực hiện thủ tục hàng hóa nhập khẩu chuyển cảng theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát hải quan.
2.2. Riêng chứng từ đối với hàng hóa vận chuyển từ nước ngoài đến Việt Nam và giao trả hàng hóa cho người nhận hàng trong lãnh thổ Việt Nam liên quan đến nội dung quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 17 Nghị định số 154/2006/NĐ-CP thực hiện như sau:
– Nộp 01 bản photocopy từ bản chính Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế do Bộ Giao thông vận tải cấp (chỉ nộp lần đầu khi làm thủ tục hải quan tại một Chi cục Hải quan) và xuất trình bản chính để công chức hải quan kiểm tra, đối chiếu.
– Nộp chứng từ vận tải đa phương thức quốc tế (theo mẫu đã được đăng ký với Bộ Giao thông vận tải): 01 bản chính.
– Nộp bản khai hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế (bao gồm các tiêu chí sau: số thứ tự, tên hàng, số lượng, trọng lượng, trị giá): 01 bản chính.
3. Trách nhiệm của Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập đầu tiên:
3.1. Thực hiện thủ tục hàng hóa nhập khẩu chuyển cảng theo quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 17 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ.
3.2. Công chức hải quan ngoài việc thực hiện thủ tục hàng hóa nhập khẩu chuyển cảng theo quy định hiện hành; khi tiếp nhận hồ sơ hải quan, sau khi công chức thực hiện kiểm tra, đối chiếu nội dung bản chính với nội dung bản photocopy từ bản chính thì công chức có trách nhiệm xác nhận nội dung đã kiểm tra, đối chiếu trên bản photocopy từ bản chính.
4. Thực hiện của Chi cục Hải quan cửa khẩu khác cửa khẩu nhập đầu tiên hoặc Chi cục Hải quan cảng nội địa (ICD):
Thực hiện thủ tục hàng hóa nhập khẩu chuyển cảng theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 17 Nghị định số 154/2005/NĐ-CP ngày 15/12/2005 của Chính phủ.
Điều 4. Tiếp nhận hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan, vận chuyển đến cửa khẩu được chỉ định để giao trả hàng hóa cho người nhận ở ngoài lãnh thổ Việt Nam
1. Hàng hóa xuất khẩu đã làm thủ tục hải quan tại Chi cục Hải quan cửa khẩu khác Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất hàng hoặc tại Chi cục Hải quan cảng nội địa (ICD) được người kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế tiếp nhận, vận chuyển đến cửa khẩu xuất hàng theo chỉ định để giao trả hàng hóa cho người nhận hàng ở ngoài lãnh thổ Việt Nam.
2. Thủ tục hàng hóa xuất khẩu chuyển cảng:
Trách nhiệm của người kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế, Chi cục Hải quan đã làm thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, Chi cục Hải quan cửa khẩu xuất hàng thực hiện thủ tục hàng hóa xuất khẩu chuyển cảng tương tự nội dung quy định tại Điều 3 Thông tư này.
Điều 5. Hiệu lực thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 19 tháng 5 năm 2011.
2. Bãi bỏ Thông tư số 125/2004/TT-BTC ngày 24/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận tải đa phương thức quốc tế.
3. Quá trình thực hiện, nếu văn bản liên quan đề cập tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo văn bản mới được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.
4. Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan chỉ đạo Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố liên quan chịu trách nhiệm tổ chức quản lý, theo dõi và thực hiện nội dung quy định tại Thông tư này.
Quá trình thực hiện có phát sinh vướng mắc, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, người khai hải quan báo cáo và phản ánh cụ thể Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan) để được xem xét, hướng dẫn giải quyết cụ thể./.
Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ và các Phó Thủ tướng CP; – Văn phòng Quốc hội; VP Chủ tịch nước; – Văn phòng TW và các Ban của Đảng; – Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP; – Viện kiểm sát nhân dân tối cao; – Tòa án nhân dân tối cao; – UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; – Sở TC, Cục thuế, Hải quan, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW; – Kiểm toán Nhà nước; – Ban chỉ đạo TW về phòng chống tham nhũng; – Công báo; Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); – Website Chính phủ; Website Bộ Tài chính; – Các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; – Lưu: VT, TCHQ. |
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG Đỗ Hoàng Anh Tuấn |