Thông tư số 29/2009/TT-BLĐTBXH ngày 04/09/2009

BỘ LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH
VÀ XÃ HỘI
———

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
——————-

Số: 29/2009/TT-BLĐTBXH

Hà Nội, ngày 04 tháng 09 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN CHẾ ĐỘ ƯU ĐÃI ĐỐI VỚI NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TRƯỚC NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945 VÀ NGƯỜI HOẠT ĐỘNG CÁCH MẠNG TỪ NGÀY 01 THÁNG 01 NĂM 1945 ĐẾN TRƯỚC TỔNG KHỞI NGHĨA 19 THÁNG TÁM NĂM 1945

Căn cứ Nghị định số 89/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng;
Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội hướng dẫn cụ thể như sau:

Điều 1. Đối tượng

1. Người hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định công nhận.

2. Người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đã được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền ra quyết định công nhận.

Điều 2. Chế độ ưu đãi

Thực hiện theo quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị định số 89/2008/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2008 của Chính phủ.

Điều 3. Hồ sơ hưởng chế độ ưu đãi

1. Đối với người hiện đang còn sống:

a) Quyết định công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 hoặc quyết định công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945.

b) Quyết định thực hiện chế độ ưu đãi của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người hoạt động cách mạng cư trú (Mẫu LT1 hoặc Mẫu TKN1).

c) Phiếu trợ cấp của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (Mẫu LT2 hoặc Mẫu TKN2).

2. Đối với người đã hy sinh, từ trần:

a) Quyết định công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 hoặc Quyết định công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945.

b) Bản sao đề nghị hưởng trợ cấp một lần, có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của một trong số thân nhân là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng; trường hợp không còn cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng thì người con (được các người con khác ủy quyền) đứng ra lập bản khai; trường hợp không còn cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con thì người thờ cúng (được họ tộc ủy quyền) đứng ra lập bản khai.

c) Quyết định trợ cấp 1 lần của Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi người đứng khai cư trú (Mẫu LT3 hoặc Mẫu TKN3).

Điều 4. Trách nhiệm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội

1. Tiếp nhận hồ sơ:

a) Quyết định công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 hoặc Quyết định công nhận người hoạt động cách mạng từ ngày 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 đối với người còn sống.

b) Quyết định công nhận cán bộ hoạt động cách mạng trước ngày 01 tháng 01 năm 1945 hoặc Quyết định công nhận người hoạt động cách mạng từ 01 tháng 01 năm 1945 đến trước Tổng khởi nghĩa 19 tháng Tám năm 1945 và bản khai của thân nhân hoặc người được ủy quyền đối với người đã hy sinh, từ trần.

2. Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội ra Quyết định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi.

3. Lập phiếu trợ cấp ưu đãi.

4. Gửi về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (Cục Người có công) các giấy tờ sau:

a) Danh sách (Mẫu số 1) và bản tổng hợp (Mẫu số 2)

b) Công văn đề nghị cấp kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

5. Hồ sơ thực hiện chế độ ưu đãi được lưu giữ tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội.

Điều 5. Tổ chức thực hiện

1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và các cơ quan liên quan tuyên truyền, phổ biến và tổ chức thực hiện đầy đủ, chính xác, công khai các quy định tại Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ban hành và thay thế Mục I Phần I Thông tư số 07/2006/TT-BLĐTBXH ngày 26 tháng 7 năm 2006; Điểm 1 Thông tư số 02/2007/TT-BLĐTBXH ngày 16 tháng 01 năm 2007 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Quá trình thực hiện chế độ ưu đãi có vướng mắc thì phản ánh về Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để xem xét giải quyết./.

 

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– Tòa án nhân dân tối cao;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Tỉnh ủy, Thành ủy hoặc các Ban Đảng, Đảng Đoàn. Ban Cán sự Đảng các Bộ, ngành, đoàn thể Trung ương;
– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
– Sở LĐTBXH các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Cục Kiểm tra văn bản Bộ Tư pháp;
– Vụ Chính sách – Ban Tổ chức Trung ương;
– Các Cục, Vụ thuộc Bộ LĐTBXH;
– Lưu VT.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Bùi Hồng Lĩnh

 

Tags: , ,

Comments are closed.