Thông tư số 20/2010/TT-BGDĐT ngày 16/7/2010

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

———————–

Số: 20/2010/TT-BGDĐT

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————————–

Hà Nội, ngày  16  tháng  7  năm 2010

 

THÔNG TƯ

Quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình

trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục

————————————-

 

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP ngày 30 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hoá đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hoá, thể thao, môi trường;

Căn cứ Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển loại hình tr­ường đại học dân lập sang loại hình trường đại học t­ư thục;

Căn cứ Quyết định số 86/2000/QĐ-TTg ngày 18 tháng 7 năm 2000 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế trường đại học dân  lập;

Căn cứ Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 04 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; 

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định nội dung, trình tự, thủ tục chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục như sau:

 

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Thông tư này quy định nội dung, trình tự, thủ tục và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong việc chuyển đổi loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục (sau đây gọi tắt là chuyển đổi).

2. Thông tư này áp dụng đối với các trường đại học dân lập quy định tại Điều 1 của Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg ngày 29 tháng 5 năm 2006 của Thủ t­ướng Chính phủ về việc chuyển loại hình trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học t­ư thục.

Điều 2. Yêu cầu của việc chuyển đổi

Việc chuyển đổi phải tuân thủ theo nguyên tắc quy định tại Điều 3 của Quyết định số 122/2006/QĐ-TTg, các quy định về nội dung, hồ sơ, trình tự, thủ tục quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan.

Trường đại học dân lập có trách nhiệm thông báo kế hoạch chuyển đổi cho người học, cán bộ và giảng viên của nhà trường biết để đảm bảo sự hoạt động bình thường của nhà trường trong và sau khi quá trình chuyển đổi kết thúc. Việc chuyển đổi không được gây gián đoạn cho quá trình học tập của người học.

Điều 3. Trách nhiệm của trường đại học tư thục sau khi được chuyển đổi

Sau khi chuyển đổi, trường đại học tư thục có trách nhiệm tiếp tục thực hiện các cam kết pháp lý trước đây của trường đại học dân lập với các tổ chức, đơn vị, cá nhân về các khoản nợ, tài chính, tài sản, hợp đồng lao động, quyền và nghĩa vụ đối với người học và xây dựng phát triển trường như đã cam kết tại đề án thành lập trường.

 Từ thời điểm chuyển đổi, trường đại học tư thục duy trì mức đóng học phí của người học như trường đại học dân lập đã quy định cho đến kết thúc học kỳ hoặc kết thúc năm học. Trong học kỳ hoặc năm học tiếp theo, nhà trường quy định mức đóng học phí theo quy định của pháp luật và thông báo công khai trước cho người học biết.

 

Chương II

NỘI DUNG CHUYỂN ĐỔI

Điều 4. Kiểm toán tài chính, kiểm kê, phân loại, định giá tài sản, phân loại nguồn vốn

1. Thời điểm kiểm toán tài chính, kiểm kê, phân loại, định giá tài sản, phân loại nguồn vốn là thời điểm lập báo cáo tài chính quý, hoặc năm gần nhất, do Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quyết định, nhưng không quá 01 năm kể từ khi Thông tư này có hiệu lực thi hành.

2. Việc kiểm toán tài chính, kiểm kê, phân loại, định giá tài sản thực hiện bằng đơn vị đồng Việt Nam, theo quy định của pháp luật, do một công ty kiểm toán và định giá độc lập có tư cách pháp nhân thực hiện.

3. Trường đại học dân lập đối chiếu tiền vốn, giá trị tài sản hiện có với sổ sách kế toán tại thời điểm kiểm toán tài chính; kiểm kê, phân loại, định giá tài sản, phân loại nguồn vốn. Làm rõ nguyên nhân chênh lệch.

4. Phân loại tiền vốn theo nguồn gốc hình thành:

a) Tiền vốn đóng góp ban đầu và đóng góp trong quá trình hoạt động của nhà trường từ các tổ chức, cá nhân;

b) Tiền vốn được biếu, tặng hoặc được cấp phát từ các nguồn tài chính hợp pháp;

c) Tiền vốn được hình thành trong quá trình hoạt động của trường;

d) Tiền vốn nhà trường vay, thuê của tổ chức, cá nhân trong nước hoặc nước ngoài.

5.  Đối chiếu các khoản công nợ để xác định tổng số vốn thực có và nghĩa vụ đối với các khoản công nợ.

Điều 5. Xử lý tiền vốn của trường đại học dân lập khi chuyển sang trường đại học tư thục

1. Phần tiền vốn hình thành từ đóng góp của các tổ chức, cá nhân được bảo toàn giá trị tại thời điểm đóng góp, được quy ra đồng Việt Nam tại thời điểm chuyển đổi trên cơ sở thống nhất giữa Hội đồng quản trị với các thành viên góp vốn và được chuyển thành cổ phần. Chủ sở hữu cổ phần (gọi là cổ đông) có quyền được rút vốn hoặc chuyển nhượng cho người khác theo các quy định sau đây:

a) Cổ đông muốn chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp trước hết phải chuyển nhượng phần vốn đó cho các cổ đông còn lại theo giá thoả thuận tại thời điểm chuyển nhượng;

b) Chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là cổ đông của trường khi các cổ đông của trường không mua hoặc mua không hết.

 2. Phần tiền vốn được biếu, tặng hoặc cấp phát và phần tiền vốn được hình thành từ nguồn thu hợp pháp trong quá trình hoạt động của trường đại học dân lập là tài sản thuộc sở hữu chung, không chia và được giao cho Hội đồng quản trị trường đại học tư thục quản lý theo nguyên tắc bảo tồn, phát triển và được nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật. Hàng năm, Hội đồng quản trị trường đại học tư thục có trách nhiệm báo cáo công khai dự kiến và kết quả việc sử dụng nguồn vốn này để hội nghị toàn thể cán bộ, giảng viên cơ hữu của trường thông qua .

3 Phần tiền vốn vay, thuê của các tổ chức, cá nhân được thực hiện theo cam kết và hợp đồng vay nợ, cung cấp tín dụng.

4. Trường đại học dân lập bàn giao toàn bộ diện tích đất và tài sản trên đất đang sử dụng kèm hồ sơ cho trường đại học tư thục. Trường đại học tư thục có trách nhiệm sử dụng đất, tài sản trên đất đúng mục đích và chịu trách nhiệm liên quan đến việc sử dụng đất và tài sản trên đất. Quá trình chuyển đổi phải thực hiện đúng các quy định hiện hành về quản lý, sử dụng đất đai đối với các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật về đất đai.

Điều 6. Quyền lợi của tổ chức bảo trợ việc thành lập trường, cá nhân có công trong việc thành lập, xây dựng trường đại học dân lập và thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm

1. Tổ chức đứng tên bảo trợ việc thành lập trường đại học dân lập được quyền góp vốn bằng nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước để trở thành cổ đông của trường đại học tư thục. Tổ chức đứng tên bảo trợ việc thành lập trường đại học dân lập không góp vốn thì không còn quyền và nghĩa vụ đối với trường đại học tư thục.

2. Các cá nhân có công trong việc thành lập và xây dựng trường, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường đại học dân lập chưa góp vốn được quyền góp vốn để trở thành cổ đông của trường đại học tư thục.

3. Tổ chức bảo trợ thành lập trường, các cá nhân có công trong việc thành lập và xây dựng trường, các thành viên đương nhiệm của Hội đồng quản trị trường đại học dân lập trước đây đã góp vốn nhưng đã chuyển nhượng vốn cho tổ chức, cá nhân khác thì không được hưởng quyền ưu tiên góp vốn, trừ trường hợp nhà trường có nhu cầu huy động thêm vốn khi trường chuyển sang loại hình trường tư thục.

Điều 7. Xác định vốn điều lệ và huy động vốn cổ phần lần đầu cho trường đại học tư thục

1. Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quyết định quy mô và cơ cấu vốn điều lệ của trường đại học tư thục. Vốn điều lệ được xác định không dưới 50 tỷ đồng.

2. Trường hợp tiền vốn đóng góp ban đầu và đóng góp trong quá trình hoạt động của nhà trường từ các tổ chức, cá nhân chưa đủ vốn điều lệ như quy định tại Khoản 1 Điều này, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập tiến hành việc huy động vốn theo thứ tự ưu tiên như sau:

a) Các đối tượng quy định tại Điều 6;

b) Người đã góp vốn;

c) Giảng viên, cán bộ cơ hữu của trường.

3. Trường hợp tiền vốn đóng góp ban đầu và đóng góp trong quá trình hoạt động của nhà trường từ các tổ chức, cá nhân bằng hoặc cao hơn vốn điều lệ như quy định tại Khoản 1 Điều này và trường không có nhu cầu huy động thêm vốn, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập giải quyết quyền được góp vốn cho tổ chức bảo trợ việc thành lập trường, các cá nhân có công trong việc thành lập, xây dựng trường đại học dân lập và thành viên Hội đồng quản trị đương nhiệm theo quy định tại Điều 6.

4. Số lượng và tỷ lệ vốn góp cụ thể cho các đối tượng quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều này do Hội đồng quản trị trường đại học dân lập quy định.

Điều 8. Xác định Đại hội đồng cổ đông

Sau khi xác định nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân góp vốn, Hội đồng quản trị trường đại học dân lập xác định thành phần Đại hội đồng cổ đông của trường đại học tư thục theo quy định tại Điều 9 của Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

 

Chương III

HỒ SƠ, TRÌNH TỰ, THỦ TỤC CHUYỂN ĐỔI

 Điều 9. Hồ sơ chuyển đổi

Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:

1. Tờ trình chuyển đổi trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục do Chủ tịch Hội đồng quản trị trường đại học dân lập ký.

2. Nghị quyết của Hội đồng quản trị trường đại học dân lập về việc chuyển đổi trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục.

3. Nghị quyết của Hội đồng quản trị trường đại học dân lập về việc công nhận danh sách tổ chức, cá nhân góp vốn, xác định vốn điều lệ, giá trị mỗi cổ phần, số lượng cổ phần.

4. Danh sách cổ đông có quyền biểu quyết và danh sách các cổ đông phổ thông.

5. Đề án chuyển đổi trường đại học dân lập sang trường đại học tư thục với những nội dung được quy định tại các điều 4, 5, 6, 7 của Thông tư này.

6. Dự thảo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục đã được Đại hội đồng cổ đông thông qua.

7. Biên bản và kết quả bầu Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát trường đại học tư thục của Đại hội đồng cổ đông.

8. Báo cáo kiểm toán tài chính, kiểm kê tài sản và hồ sơ liên quan đến quyền sử dụng đất.

Điều 10. Trình tự, thủ tục chuyển đổi

1. Hội đồng quản trị trường đại học dân lập có trách nhiệm nộp 6 bộ hồ sơ chuyển đổi về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ, Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét đề án chuyển đổi, trình Thủ tướng Chính phủ ra quyết định chuyển đổi loại hình trường.

3. Căn cứ kết quả bầu Hội đồng quản trị trường đại học tư thục của Đại hội đồng cổ đông, cấp có thẩm quyền xem xét, ra quyết định công nhận Hội đồng quản trị trường đại học tư thục.

4. Hội đồng quản trị trường tư thục tiến hành bầu Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, ra quyết định công nhận.

5. Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường đại học tư thục nhận bàn giao từ Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng của trường đại học dân lập và lãnh đạo trường theo Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục do Thủ tướng Chính phủ ban hành.

a) Hồ sơ bàn giao bao gồm:

– Hồ sơ chuyển đổi trường đại học dân lập sang loại hình trường đại học tư thục.

– Báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển trường đại học dân lập thành trường đại học tư thục.

– Quyết định xác định giá trị phần vốn sở hữu chung, không chia tại thời điểm chính thức hoạt động theo quy chế trường đại học tư thục của cơ quan có thẩm quyền.

– Biên bản bàn giao tài sản, tiền vốn được lập tại thời điểm bàn giao kèm theo bảng chi tiết công nợ bàn giao cho trường đại học tư thục tiếp tục kế thừa và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý.

b) Thành phần bàn giao gồm:

– Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Kế toán trưởng và đại diện tổ chức công đoàn trường đại học dân lập đại diện cho bên giao.

– Hội đồng quản trị, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng, Kế toán trưởng và đại diện tổ chức công đoàn trường đại học tư thục đại diện cho bên nhận.

c) Biên bản bàn giao phải có đầy đủ chữ ký của thành phần bàn giao và phải ghi rõ:

– Tình hình tài sản, tiền vốn, lao động có tại thời điểm bàn giao.

– Quyền lợi và nghĩa vụ trường đại học tư thục tiếp tục kế thừa.

– Những tồn tại trường đại học tư thục có trách nhiệm tiếp tục giải quyết.

 

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 Điều 11. Giám sát việc chuyển đổi

Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các địa phương nơi trường đại học dân lập đặt trụ sở và các cơ quan, tổ chức liên quan giám sát việc chuyển đổi.

Trong quá trình chuyển đổi, nếu có vướng mắc, nhà trường kịp thời báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo để được hướng dẫn xử lý.

Điều 12. Hiệu lực thi hành và trách nhiệm thi hành Thông tư

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày  01 tháng 9 năm 2010.

Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có trường đại học dân lập đóng trên địa bàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường đại học dân lập, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Hiệu trưởng trường đại học tư thục chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

Nơi nhận:      

– Văn phòng Chính phủ;                                                           

– Văn phòng Quốc hội;                                                            

– Uỷ ban VH, GD, TN, TN và NĐ của Quốc hội;

– Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra văn bản QPPL);

– Bộ Nội vụ;    

– Bộ Tài chính;

– UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;

– Công báo, Website CP;

  Website Bộ GDĐT;

– Lưu: VT, Vụ PC, Vụ TCCB.

BỘ TRƯỞNG

Đã ký

 

 

 

Phạm Vũ Luận

 

 

Tags: , , , , , , ,

Comments are closed.