BỘ TÀI CHÍNH Số: 188/2010/TT-BTC |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Hà Nội, ngày 22 tháng 11 năm 2010 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH TIÊU THỨC PHÂN CẤP NGUỒN THU VÀ PHÂN CHIA CÁC KHOẢN THU GIỮA NGÂN SÁCH CÁC CẤP CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Để thống nhất quản lý nguồn thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính quy định tiêu thức phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương như sau:
Điều 1. Phạm vi, đối tượng áp dụng tiêu thức phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương
Bao gồm các khoản thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí; các khoản thu từ hoạt động kinh tế của Nhà nước; các khoản đóng góp của các tổ chức, cá nhân; các khoản viện trợ; các khoản thu khác của ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn được quy định tại Khoản 2 Điều 30, Khoản 1, Khoản 3 Điều 32 Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 2. Nguyên tắc phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương
1. Gắn nguồn thu với nhiệm vụ chi và khả năng quản lý của từng cấp chính quyền địa phương, đảm bảo nguồn lực để các cấp chủ động thực hiện những nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội trong phạm vi quản lý; khuyến khích các cấp tăng cường quản lý thu, chống thất thu; hạn chế phân chia các nguồn thu có quy mô nhỏ cho nhiều cấp; hạn chế sử dụng nhiều tỷ lệ phân chia khác nhau đối với từng khoản thu cũng như giữa các đơn vị hành chính trên địa bàn.
2. Tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu cho ngân sách cấp mình và ngân sách các cấp dưới không được vượt quá tỷ lệ phần trăm (%) phân chia quy định của cấp trên về từng khoản thu được phân chia. Riêng ngân sách xã, thị trấn và ngân sách thị xã, thành phố thuộc tỉnh được hưởng tỷ lệ (%) phân chia tối thiểu về một số khoản thu theo quy định tại Khoản 1 Điều 34 Luật Ngân sách nhà nước.
3. Đảm bảo theo đúng tiêu thức phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền theo quy định tại Điều 4 Thông tư này, nhằm phục vụ công tác quản lý, kiểm tra, theo dõi nguồn thu của các cấp ngân sách.
4. Đảm bảo công bằng, công khai, minh bạch và phát triển cân đối nguồn ngân sách giữa các khu vực trên địa bàn để chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời đảm bảo tập trung điều hành ngân sách các cấp trong phạm vi địa phương.
Điều 3. Thẩm quyền quyết định phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương
Căn cứ tiêu thức phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương quy định tại Điều 4 Thông tư này, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu ngân sách địa phương hưởng 100% quy định tại Khoản 1 Điều 32 Luật Ngân sách nhà nước, các khoản thu phân chia theo tỷ lệ phần trăm (%) địa phương được hưởng từ các khoản thu quy định tại Khoản 2 Điều 30 Luật Ngân sách nhà nước và thu bổ sung từ ngân sách trung ương quy định tại Khoản 3 Điều 32 Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 4. Tiêu thức phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương
1. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ danh mục các khoản thu của ngân sách địa phương theo Khoản 2 Điều 30; Khoản 1, Khoản 3 Điều 32 Luật Ngân sách nhà nước trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa các cấp ngân sách địa phương theo các tiêu thức sau:
– Mã chương, ngành kinh tế (khoản), nội dung kinh tế (tiểu mục) của Mục lục ngân sách nhà nước quy định tại Quyết định số 33/2008/QĐ-BTC ngày 02/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc ban hành hệ thống Mục lục ngân sách nhà nước và các văn bản bổ sung, sửa đổi Mục lục ngân sách nhà nước.
Ví dụ: Phân cấp và phân chia cho các cấp ngân sách khoản thu thuế giá trị gia tăng của Tổng công ty Giấy Việt Nam (doanh nghiệp nhà nước trung ương quản lý) cấp mã Chương trung ương (128), ngành tương ứng (078), mục (1700) tiểu mục thuế giá trị gia tăng hàng sản xuất, kinh doanh trong nước (1701) hoặc hàng nhập khẩu (1702).
– Mã cơ quan thu được sử dụng theo mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của cơ quan thu và được xác định trong từng trường hợp cụ thể, như sau:
+ Đối với các khoản thu do cơ quan thu là cơ quan Thuế (hoặc Hải quan) quản lý: Theo mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của cơ quan Thuế (hoặc Hải quan) trực tiếp quản lý khoản thu đó. Lưu ý, đối với đơn vị cấp trên, sử dụng mã tổng hợp của đơn vị cấp trên, không sử dụng mã của văn phòng đơn vị cấp trên đó.
Ví dụ: Phân cấp và phân chia cho các cấp ngân sách khoản thu thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp nhà nước trung ương do Cục thuế tỉnh quản lý thu, lấy mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của Cục thuế tỉnh.
+ Đối với các khoản thu phạt vi phạm hành chính (trừ các khoản thu phạt vi phạm hành chính do cơ quan Thuế, Hải quan thực hiện): Theo mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của Sở Tài chính hoặc Phòng Tài chính. Lưu ý, đối với Sở Tài chính, sử dụng mã tổng hợp của Sở Tài chính, không sử dụng mã của văn phòng Sở Tài chính.
Ví dụ: Phân cấp và phân chia cho các cấp ngân sách khoản thu phạt vi phạm hành chính do Sở Tài chính tỉnh quản lý thu, lấy mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của Sở Tài chính.
+ Đối với các khoản thu chuyển nguồn, thu từ Quỹ dự trữ tài chính, thu kết dư, thu viện trợ, thu thanh lý tài sản, thu chênh lệch giá, chênh lệch tỷ giá, thu hồi các khoản thu, chi ngân sách nhà nước theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước (khi đã quyết toán ngân sách nhà nước),..: Theo mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của cơ quan tài chính thuộc cấp tương ứng. Lưu ý, đối với Sở Tài chính, sử dụng mã tổng hợp của Sở Tài chính, không sử dụng mã của văn phòng Sở Tài chính.
Ví dụ: Thu chuyển nguồn của ngân sách cấp tỉnh, lấy mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của Sở Tài chính.
+ Đối với các khoản thu do cơ quan thu ủy quyền cho đơn vị khác thu (kể cả ủy quyền cho xã): Theo mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của cơ quan thu ủy quyền thu.
Ví dụ: Phân cấp và phân chia cho các cấp ngân sách khoản thu thuế giá trị gia tăng hộ kinh doanh cá thể trong trường hợp Chi cục thuế huyện ủy quyền cho xã quản lý thu, lấy mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của Chi cục thuế huyện.
+ Đối với các khoản thu do xã trực tiếp quản lý thu: Theo mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của xã.
Ví dụ: Phân cấp và phân chia cho các cấp ngân sách khoản thu về phí, lệ phí do xã trực tiếp quản lý thu, lấy mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của xã.
+ Đối với các khoản thu chuyển giao các cấp ngân sách: Theo mã tổ chức ngân sách (Mã tổ chức ngân sách tỉnh, Mã tổ chức ngân sách huyện) của cấp được hưởng khoản thu. Riêng đối với thu chuyển giao các cấp ngân sách của xã: Theo mã đơn vị có quan hệ với ngân sách của xã.
Ví dụ: Thu bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách tỉnh, lấy mã tổ chức ngân sách tỉnh.
– Mã địa bàn (tỉnh, huyện, xã) phát sinh khoản thu theo quy định tại Quyết định số 124/2004/QĐ-TTg ngày 08/7/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục và mã số các đơn vị hành chính và các văn bản sửa đổi, bổ sung có liên quan: Lấy theo địa bàn hành chính cấp thấp nhất được phân chia khoản thu ngân sách nhà nước.
Ví dụ: Phân cấp và phân chia cho các cấp ngân sách (tỉnh, huyện, xã) khoản thu thuế giá trị gia tăng của doanh nghiệp ngoài quốc doanh do Chi cục thuế quản lý thu, lấy mã địa bàn hành chính xã.
2. Để thuận lợi trong quản lý nguồn thu ngân sách nhà nước qua Hệ thống Thông tin quản lý ngân sách nhà nước và Kho bạc nhà nước, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không trình Hội đồng nhân dân cùng cấp phương án phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo các tiêu thức khác ngoài các tiêu thức nêu trên. Ví dụ như:
– Phân cấp và phân chia khoản thu thuế giá trị gia tăng vừa theo tỷ lệ phần trăm (%) vừa theo giá trị tuyệt đối: Thực hiện điều tiết ngân sách các cấp theo tỷ lệ phần trăm (%) về thuế giá trị gia tăng đối với các hộ kinh doanh cá thể giao cấp xã quản lý dưới 50 triệu đồng, đồng thời khi số thu ngân sách cấp xã về thuế giá trị gia tăng trên 50 triệu đồng thì điều tiết toàn bộ phần chênh lệch cao hơn cho ngân sách cấp tỉnh.
– Phân cấp và phân chia khoản thu tiền sử dụng đất cho các cấp ngân sách theo tiêu thức: Tỷ lệ phân chia của Dự án có số thu tiền sử dụng đất nhỏ khác với Dự án có số thu tiền sử dụng đất lớn.
Điều 5. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, đơn vị
1. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp dưới, các đơn vị liên quan xây dựng phương án phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương theo quy định tại Thông tư này báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
2. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét phương án phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định làm cơ sở xây dựng dự toán ngân sách từ năm 2011, năm đầu thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 6. Chế độ báo cáo
Chậm nhất sau 5 ngày khi Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định phân cấp nguồn thu và phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp chính quyền địa phương trên địa bàn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước.
Điều 7. Điều khoản thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và áp dụng từ năm ngân sách 2011.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị các cơ quan, đơn vị thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, hướng dẫn, bổ sung./.
Nơi nhận: |
KT. BỘ TRƯỞNG Nguyễn Công Nghiệp |