Thông tư số 18/2010/TT-BTC ngày 01/02/2010

 

BỘ TÀI CHÍNH

——————

Số: 18/2010/TT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

———————

Hà Nội, ngày 01 tháng 02  năm 2010

 

THÔNG TƯ

BAN HÀNH QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI XUỒNG CỨU NẠN

 

 

Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính.

           Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với xuồng cứu nạn.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 6 tháng, kể từ ngày ký ban hành và thay thế TCN 08: 2006 ban hành kèm theo Quyết định số 40/2006/QĐ-BTC ngày 7/8/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. 

Điều 3. Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước, Thủ trưởng các cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc quản lý, nhập, xuất và bảo quản xuồng cứu nạn có trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung./.

Nơi nhận:

– Văn phòng TW Đảng và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Quốc hội;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Kiểm toán Nhà nước;

– Văn phòng Ban chỉ đạo TW về phòng, chống tham nhũng;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– Các cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

– Các Cục Dự trữ Nhà nước khu vực;

– Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;

– Công báo; Website Chính phủ;

– Website Bộ Tài chính;

– Lưu: VT, TCDT.            

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

 

 

 

 

Nguyễn Hữu Chí

 

 

 

 

 

 

 

QCVN 08: 2010/BTC

 

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI XUỒNG CỨU NẠN

 

National technical regulation on state reserve of life boat

 

Lời nói đầu

 

 

QCVN 08: 2010/BTC do Ban soạn thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dự trữ nhà nước đối với xuồng cứu nạn biên soạn, Tổng cục Dự trữ Nhà nước trình duyệt và được ban hành kèm theo Thông tư số 18/2010/TT-BTC ngày 01 tháng 02 năm 2010 của Bộ Tài chính.

 

 
 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA                   QCVN 08: 2010/BTC

 

 

QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA

VỀ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI XUỒNG CỨU NẠN

 

National technical regulation on state reserve of life boat

 

 

 

1. QUY ĐỊNH CHUNG

 

1.1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chuẩn này quy định những yêu cầu kỹ thuật, kiểm tra, vận chuyển, thủ tục giao nhận, bảo quản công tác quản lý đối với xuồng cứu nạn nhập kho dự trữ nhà nước.

1.2. Đối tượng áp dụng

Quy chuẩn này áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc quản lý; giao nhận và bảo quản xuồng cứu nạn nhập kho dự trữ nhà nước.

1.3. Giải thích từ ngữ

Trong Quy chuẩn này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1.3.1. Xuồng cứu nạn là phương tiện thủy có các đặc tính kỹ thuật nêu ra trong mục 2 của Quy chuẩn này dùng làm phương tiện cứu hộ, cứu nạn (sau đây viết tắt là xuồng).

1.3.2. Bảo quản ban đầu gồm các công việc thực hiện sau khi giao nhận nhập kho dự trữ: Vệ sinh xuồng, kê xếp xuồng trong kho bảo quản.

1.3.3. Bảo quản thường xuyên gồm các công việc được thực hiện hàng ngày, hàng tuần: Vệ sinh nhà kho, vệ sinh xuồng và các thiết bị lắp đặt trên xuồng, bơm mỡ bổ sung các vị trí cần thiết và bảo quản chống rỉ xe chở xuồng.

1.3.4. Bảo quản định kỳ gồm các công việc được thực hiện định kỳ 3 tháng một lần để kiểm tra tình trạng hoạt động của động cơ, hệ thống thủy lực nâng hạ chân vịt máy, hộp số, tay ga, hệ thống điện, đèn, còi, thiết bị liên lạc và các trang thiết bị kèm theo xuồng.

2. QUY ĐỊNH KỸ THUẬT

2.1. Vận tốc, sức chở, vùng hoạt động và thiết bị động lực của xuồng

          Vận tốc, sức chở, vùng hoạt động và thiết bị động lực của từng loại xuồng được quy định tại Bảng 1.

 

Bảng 1: Một số chỉ tiêu quy định của các loại xuồng

            Loại xuồng

Chỉ tiêu

Xuồng DT1

Xuồng DT 2

Xuồng DT 3

Xuồng DT 4

Vận tốc lớn nhất, km/h, không nhỏ hơn

35

45

45

45

Sức chở

6 người (trong đó có 1 người lái) hoặc 250 kg hàng hóa.

 

 11 người (trong đó có 1 người lái) hoặc 500 kg hàng hóa.

16 người (trong đó, biên chế thuyền viên và nhân viên: Thuyền bộ: 2 người, 4 nhân viên cứu nạn và 10 người bị nạn) hoặc 1 tấn hàng.

 Từ 30 người đến 50 người và một ô tô con  hoặc từ 3 tấn hàng đến 4,5 tấn hàng.

Vùng hoạt động

Xuồng sử dụng làm phương tiện cứu hộ, cứu nạn tại sông, rạch, đầm, rãnh, phá và các vùng bị bão lụt thuộc vùng SII.

 Xuồng sử dụng làm phương tiện cứu hộ, cứu nạn trên các cửa sông, hồ, rạch, đầm, vực, phá thuộc vùng SI.

 Xuồng sử dụng làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại các vùng biển tương đương cấp III hạn chế.

 

Xuồng sử dụng làm nhiệm vụ cứu  hộ, cứu nạn tại các vùng biển tương đương cấp III hạn chế.

Thiết bị động lực của xuồng

Động cơ 2 kỳ có công suất  từ 10 mã lực (HP) đến 25 mã lực (HP)

Động cơ 2 kỳ  có công suất từ 80 mã lực (HP) đến 115 mã lực (HP)    .

Động cơ 4 kỳ có công suất từ 240 mã lực (HP) đến 290 mã lực (HP)

Động cơ 4 kỳ có công suất từ

2x 240 mã lực (HP) đến 2×290

mã lực (HP)

2.2. Vật liệu chế tạo

  Vật liệu vỏ xuồng là hợp kim nhôm đóng tàu; vật liệu kết cấu là hợp kim nhôm hình. Mặt sàn và boong làm bằng hợp kim nhôm hoặc tương đương chống trượt. Các chi tiết kết cấu được liên kết với nhau bằng phương pháp hàn và đinh tán.

2.3. Màu sắc

Màu sắc xuồng được quy định:

– Cabin: Màu trắng.

– Khoang thân: Màu vàng da cam.

– Khoang đáy: Màu xanh lam sẫm.

2.4. Vật liệu và thiết bị sản xuất xuồng phải được Đăng kiểm Việt Nam hoặc tổ chức được  Đăng kiểm Việt Nam ủy quyền kiểm tra, cấp chứng chỉ trước khi đưa vào sản xuất.

3.  THỦ TỤC GIAO NHẬN VÀ BẢO QUẢN XUỒNG

3.1. Vận chuyển

          Trước khi vận chuyển phải kiểm tra tính an toàn của phương tiện vận chuyển xuồng, xe kéo chở xuồng và các thiết bị an toàn khác.

           Tháo các trang thiết bị cồng kềnh ra để đảm bảo tính an toàn và thuận tiện khi vận chuyển. Phải có dây chằng buộc xuồng, có giá kê, kết thúc quá trình vận chuyển phải lắp ráp hoàn chỉnh các trang thiết bị đã tháo ra.

          Khi vận chuyển xuồng trên xe kéo chở xuồng cần đảm bảo khoảng cách thích hợp giữa phần thấp nhất của đuôi máy với mặt đường.

          Không vận chuyển xuồng chung cùng với các loại hoá chất, các chất dễ gây cháy nổ.

3.2. Quy trình kiểm tra khi nhập kho

3.2.1. Kiểm tra giao nhận hồ sơ

Đơn vị nhận hàng phải kiểm tra tính đầy đủ, chính xác và hiệu lực của các hồ sơ nhằm xác định rõ chất lượng xuồng nhập kho dự trữ nhà nước gồm:

          3.2.1.1. Hồ sơ xuất xưởng (gồm các biên bản nghiệm thu từng công đoạn sản xuất của cơ sở chế tạo có xác nhận của cơ quan đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam).

          3.2.1.2. Hồ sơ đăng kiểm cấp cho phương tiện do cơ quan đăng kiểm thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam cấp. Bản vẽ, thuyết minh và giấy chứng nhận thiết kế do Cục Đăng kiểm Việt Nam duyệt.

3.2.1.3. Tài liệu liên quan

Tài liệu hướng dẫn sử dụng máy và thiết bị được lắp trên xuồng của nhà sản xuất. Tài liệu của nhà sản xuất không phải là tiếng Việt thì đơn vị bán hàng có trách nhiệm cung cấp một bản dịch tiếng Việt cho xuồng.

3.2.2. Kiểm tra giao nhận xuồng

3.2.2.1. Kiểm tra bằng ngoại quan

          – Kiểm tra vỏ.

– Kiểm tra chủng loại, ký hiệu của máy và số máy để đối chiếu với hồ sơ thiết kế, hồ sơ đăng kiểm.

          – Kiểm tra hệ thống điều khiển trên cabin xuồng, các hệ thống đường dẫn động cơ khi điều khiển từ cabin tới phần máy.

          – Kiểm tra hệ thống thông tin liên lạc, tín hiệu, cứu nạn, đèn báo hiệu, còi ủ, đèn quay.

          – Kiểm tra các trang thiết bị kèm theo như: Phao tròn cứu sinh, phao áo cứu sinh, đệm chống va đập, ắc quy, khung dàn bạt, bạt che, thiết bị y tế và hệ thống neo.

          – Kiểm tra xe kéo xuồng: Bánh lốp, các cơ cấu cáp kéo nâng hạ xuồng, các puli con lăn trượt của xe kéo xuồng.

3.2.2.2. Kiểm tra sự hoạt động

Lấy ngẫu nhiên từ 1 xuồng đến 2 xuồng trong một lô xuồng tại nơi sản xuất, cho xuồng hạ thủy và làm việc để kiểm tra hoạt động của động cơ, hệ thống thủy lực, tốc độ xuồng, hệ thống bơm làm mát máy chính…

          Kiểm tra các hệ thống điện như: Cầu chì, dây dẫn điện, hệ thống cắt mát, ắc quy và các công tắc, cần gạt trên bảng hệ thống điện.

          Kiểm tra các thiết bị điện: Đèn pha, đèn quay, còi ủ, đèn chiếu sáng trong ca bin, loa, micrô.

          Kiểm tra hệ thống lái và hệ thống nâng hạ cầu của cửa cứu nạn phía trước mũi xuồng.

3.2.3. Giao nhận, điều chuyển trong phạm vi nội bộ Tổng cục Dự trữ Nhà nước

3.2.3.1. Bàn giao hồ sơ

Khi điều chuyển xuồng trong phạm vi nội bộ Tổng cục Dự trữ Nhà nước, các hồ sơ liên quan phải được bàn giao đầy đủ theo từng xuồng.

3.2.3.2. Giao nhận xuồng

Thực hiện như quy định tại điều 3.2.2 (không kiểm tra sự làm việc xuồng bằng hạ thủy mà chỉ kiểm tra qua phát động nổ tại chỗ).

3.2.4. Biên bản giao nhận

Mọi trường hợp giao nhận đều phải lập biên bản ghi rõ số lượng, chất lượng, tình trạng thực tế của vỏ xuồng, máy xuồng, xe kéo, các trang thiết bị kèm theo xuồng, phụ tùng dự trữ theo xuồng và các tài liệu, hồ sơ kèm theo. Biên bản giao nhận được lưu giữ cùng các hồ sơ pháp lý khác kèm theo lô hàng.

3.3. Bảo quản

          3.3.1. Yêu cầu về kho bảo quản

          Phải là loại kho kín, có tường bao, mái che chống nắng mưa gió bão, trần chống nóng.

– Nền kho phẳng, cứng, chịu được tải trọng không nhỏ hơn 5,0 tấn/m2.

– Kho được trang bị đủ quạt thông gió để bảo đảm trong kho luôn được khô ráo, thoáng mát; có dụng cụ đo nhiệt độ, độ ẩm không khí.

– Phải có hệ thống chống chuột, phòng trừ mối và sinh vật gây hại khác, có hệ thống điện chiếu sáng phục vụ công tác bảo quản, bảo vệ.

– Phải xa các nguồn hóa chất, nơi dễ cháy nổ, đường điện cao thế, hạn chế tối đa bụi bẩn, bức xạ nhiệt. Có nội quy, phương tiện và phương án phòng cháy chữa cháy, phòng chống bão lụt.

          – Kho mới xây dựng nên đặt ở gần sông để dễ dàng cho việc bảo quản định kỳ có hạ thuỷ.

3.3.2. Kê xếp xuồng trong kho

          3.3.2.1. Xuồng đặt trên xe kéo: Bánh lốp xe kéo được kê bằng các kích ren cao cách nền sàn kho tối thiểu 3 cm; áp suất trong săm từ 98066,5 Pa đến 147 099,75 Pa (từ

1,0 kG/cm2 đến 1,5 kG/cm2). Hệ thống nhíp, lò xo, các xi lanh thuỷ lực được ở trạng thái nghỉ không chịu tải.

          Xuồng không đặt trên xe kéo (xuồng DT 1) được kê trên khung sắt thiết kế phù hợp với kích cỡ xuồng.

          Mỗi loại xuồng được sắp xếp theo khu vực riêng và xếp quay mũi xuồng ra phía cửa kho để bảo quản.

          Sàn kho bảo đảm có khoảng lưu không phục vụ công tác bảo quản, di chuyển khi xuất, nhập. Khoảng cách xếp theo chiều ngang giữa hai thân xuồng không nhỏ hơn 0,5 m; khoảng cách xếp theo chiều dọc giữa hai xuồng không nhỏ hơn 2 m; khoảng cách giữa xuồng và cột nhà kho, tường kho không nhỏ hơn 0,5 m.

          3.3.2.2. Các trang thiết bị kèm theo xuồng như: Ắc quy, hộp đồ nghề, tài liệu kỹ thuật, phao cứu sinh các loại, thiết bị liên lạc, thiết bị y tế và bạt che xuồng được tháo gọn và bảo quản riêng trên giá kê hàng.

3.3.3. Bảo quản ban đầu

          Dùng nước ngọt, sạch rửa toàn bộ bên ngoài xuồng và xe kéo xuồng; dùng máy nén khí để thổi, giẻ mềm để lau khô nước vỏ xuồng, máy xuồng và các thiết bị trước khi đưa xuồng vào bảo quản.

Đưa hết nhiên liệu ra khỏi bình chứa nhiên liệu và theo chế độ bảo quản bình chứa nhiên liệu (súc sạch, tráng dầu nhờn, dầu nhiên liệu vào trong thùng nhiên liệu).

3.3.4. Bảo quản thường xuyên

          3.3.4.1. Bảo quản thường xuyên xuồng

          Mỗi tuần một lần vệ sinh bạt che xuồng, kính chắn gió, đèn, còi, lan can, tay vịn, thân xuồng, mặt boong, bề mặt ngoài của máy và chân vịt. Dùng giẻ mềm để vệ sinh toàn bộ phần bên trong ca bin và bảng công tác điện, bộ báo động TAC và các thiết bị khác lắp đặt trên xuồng.

          3.3.4.2. Bảo quản một số thiết bị

          Các dụng cụ, đồ nghề theo xuồng mỗi năm được lau chùi sạch sẽ và được bọc bằng giấy nến.

          Ắc quy theo xuồng: Ắc quy khô được bảo quản nguyên bao bì trên giá (chú ý kiểm tra độ kín của các nút đậy, băng dán). Ắc quy ướt (đã đổ dung dịch điện ly) được bảo quản riêng trên giá, xếp một lượt, vỏ ắc quy được lau khô sạch hàng tuần. Mức điện dịch trong từng ngăn phải cao hơn tấm cực hoặc lưới ngăn 10 mm đến 15 mm. Hàng tháng phải nạp điện bổ sung để ắc quy luôn no nước.

          Các trang thiết bị chuyên dùng như: Máy thông tin VHF, thiết bị y tế được bảo quản riêng ở nơi khô ráo, dùng giẻ mềm hoặc máy hút bụi để vệ sinh bên ngoài. Các loại phao cứu sinh theo xuồng, bạt che được bảo quản như phao áo cứu sinh, vỏ nhà bạt dự trữ nhà nước.

          3.3.4.3. Bảo quản thường xuyên xe chở xuồng

          Mỗi tuần một lần vệ sinh lau chùi sạch xe chở xuồng, kiểm tra áp suất trong săm phải luôn đảm bảo áp suất như đã quy định tại 3.3.2.1

          Ba tháng một lần làm sạch, tra dầu vào ốc vít, hệ thống con lăn, tời cáp, nhíp xe.

          Sáu tháng một lần bơm mỡ vào các vị trí vú mỡ.

          Trong thời gian bảo quản xe chở xuồng nếu có chỗ bị han gỉ thì sơn khắc phục ngay, màu sơn phải đảm bảo đồng nhất với màu sơn nền cũ.

          3.3.5. Bảo quản định kỳ

3.3.5.1. Các điều kiện cần thiết trước khi nổ máy 

Nổ máy trong điều kiện trên cạn, xuồng ở trên giá bảo quản.

          Thùng nước để làm mát máy phải đủ nước, bật công tắc điện nâng đuôi máy xuồng lên để đưa thùng nước làm mát máy vào vị trí phía dưới của đuôi máy xuồng. Bật công tắc điện để hạ đuôi máy xuồng hết hành trình, mức nước trong thùng phải ngập cánh đè sóng (trên cửa lấy nước của đuôi máy).

          Kiểm tra kỹ hệ thống nhiên liệu (két nhiên liệu, đường dẫn, mặt bích và bầu lọc). Nhiên liệu dùng cho động cơ máy nổ phải theo đúng yêu cầu về chủng loại, chất lượng của nhà sản xuất máy. Không dùng nhiên liệu lẫn nước, dầu bôi trơn động cơ phải đảm bảo đúng yêu cầu  cho từng loại xuồng.

          Dùng can đựng nhiên liệu để cấp nhiên liệu vào sau két nhiên liệu, bơm nhiên liệu cho động cơ và xả khí cho hệ thống.

          Mở nắp bầu lọc nước đổ nước đầy vào bầu lọc, kiểm tra nước làm mát cho động cơ, mức dầu bôi trơn động cơ, kiểm tra tay số ở vị trí “Stop” nổ máy không tải (số ở trạng thái không).

          Ắc quy chuyên dùng để bảo quản phải được nạp đủ điện theo quy định, đấu ắc quy với bộ đề, dây mát của máy, kiểm tra các đầu mối điện và hệ thống cắt mát.

          Kiểm tra toàn bộ bề mặt ngoài của động cơ, không để vật lạ đặt trên hoặc gần động cơ.

3.3.5.2. Trình tự thao tác nổ máy

          Để vị trí ga ở chế độ vòng quay “ Min” không tải để tiến hành nổ máy.

          Bật công tắc điện khởi động máy đề để nổ máy. Khi đề phải đề dứt khoát, mỗi lần đề thời gian không lớn hơn 5 s. Không đề liên tiếp nhiều lần, thời gian dừng giữa hai lần đề máy phải lớn hơn 15 s.

           Khi máy đã nổ, theo dõi sự hoạt động của hệ thống làm mát (nước vào và ra khỏi máy tuần hoàn kín tại thùng nước thử ).

          Sau khi máy nổ duy trì vòng quay trục khuỷu ở vòng tua (từ 600 r/min đến 1 000 r/min, điều khiển ga ở vị trí nhỏ nhất) trong vòng 5 min.

          Khi các thông số ở chế độ an toàn thì tiến hành tăng dần vòng tua của máy từng bước một, không được tăng đột ngột. Thời gian nổ máy không tải không quá 30 min cho một lần nổ máy.

          Dầu bôi trơn hộp số phải được thay sau 10 h vận hành đầu tiên. Định kỳ kiểm tra thấy dầu không đảm bảo, dầu có hiện tượng trắng như sữa, lẫn nước, bẩn, lắng đọng… phải lập biên bản dừng máy và báo cáo cấp trên giải quyết.

          3.3.5.3. Kiểm tra kỹ thuật

          Định kỳ mỗi lần nổ máy phải kiểm tra tính năng hoạt động của các bộ phận và trang thiết bị chuyên dùng của xuồng (thực hiện theo quy định tại 3.2.3.2). Nếu phát hiện bị hư hỏng, sự cố phải xử lý kịp thời.

3.3.5.4. Tắt máy

 Trước khi tắt máy phải hạ bớt tay ga, cho máy chạy ở tốc độ vòng tua thấp nhất trong thời gian từ 3 min đến 5 min để nhiệt độ nước làm mát trong động cơ giảm xuống.

          3.3.5.5. Bảo quản sau nổ máy

          Nâng đuôi máy lên, đưa thùng nước làm mát máy ra ngoài, tháo két nhiên liệu và ống dẫn nhiên liệu. Xả hết lượng nhiên liệu còn đọng tại bộ chế hoà khí và cốc lọc. Hạ đuôi máy về vị trí bảo quản tĩnh.

          Bật công tắc ngắt mát, tháo ắc quy đưa về nơi bảo quản riêng.

         

3.4. Xuất hàng

– Bảo đảm nguyên tắc hàng nhập trước xuất trước, hàng nhập sau xuất sau. Trong những trường hợp khác phải có ý kiến chỉ đạo của cơ quan cấp trên trực tiếp quản lý.

          – Trước khi xuất hàng chuẩn bị dụng cụ, trang thiết bị cần thiết cho việc nổ máy và các giấy tờ, sổ sách chứng từ có liên quan đến việc xuất xuồng dự trữ nhà nước. Kiểm tra các trang thiết bị giao kèm theo xuồng, hạ xuồng xuống khỏi giá kê, bơm hơi lốp (xuồng để trên xe chở xuồng).

          – Tổ chức bàn giao: Tiến hành nổ máy, kiểm tra tính năng hoạt động của các thiết bị trên xuồng và tiến hành lập biên bản bàn giao xuồng.

3.5. Chế độ ghi chép sổ sách theo dõi hàng hóa

3.5.1. Lập thẻ kho

Xuồng nhập kho phải được lập một thẻ kho, trong đó ghi rõ số lượng; chủng loại; nguồn gốc và ngày tháng năm nhập kho.

Thẻ kho phải bảo đảm đúng các quy định về chế độ kế toán, thống kê và được cập nhật đầy đủ các biến động về số lượng hàng hoá khi xuất, nhập.

3.5.2. Sổ theo dõi công tác bảo quản

Dùng ghi chép hàng ngày hoặc đột xuất về tình hình công tác bảo quản hàng hóa, diễn biến về số lượng, chất lượng. Sổ phải đóng dấu giáp lai, ghi đủ các nội dung theo mẫu, có đủ các thành phần ký tên và đóng dấu đơn vị.

Thủ kho bảo quản máy phải ghi chép đầy đủ các diễn biến về chất lượng, công việc bảo quản, các hư hỏng phát sinh và kết quả xử lý cho từng máy trong quá trình lưu kho. Định kỳ 3 tháng một lần, Trưởng Chi cục Dự trữ Nhà nước phải kiểm tra và ghi nhận xét đánh giá công tác bảo quản vào sổ nhật ký bảo quản.

3.6. Phòng chống cháy nổ và an toàn lao động

          3.6.1. Phòng chống cháy nổ

          Kho bảo quản xuồng phải được trang bị, tổ chức công tác phòng chống cháy nổ theo đúng nghị định số 35/2003/NĐ-CP ngày 04/4/2003 của Chính phủ và thông tư 04/2004/TT-BCA ngày 31/3/2004 của Bộ Công an.

          Phải tuyệt đối cách ly các nguồn có thể phát cháy, nổ khi bảo quản xuồng.

          Lập phương án phòng chống cháy nổ, phòng cháy chữa cháy và lực lượng ứng cứu khi có tình huống xẩy ra.

          3.6.2. An toàn lao động

         Người làm công tác bảo quản xuồng, nhóm tổ công nhân kỹ thuật bảo quản được trang bị đầy đủ các trang thiết bị bảo hộ lao động theo đúng quy định.

 

4. QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ

4.1. Xuồng sản xuất trong nước

           Đối với xuồng sản xuất trong nước phải được chứng nhận phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này.

4.2. Xuồng nhập khẩu

          Xuồng nhập khẩu phải được chứng nhận hợp quy phù hợp với các quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này. Việc chứng nhận hợp quy xuồng nhập khẩu do một trong các tổ chức sau đây tiến hành:

          4.2.1. Tổ chức chứng nhận hợp quy trong và ngoài nước được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chỉ định hoặc thừa nhận thực hiện tại nước ngoài.

          4.2.2. Tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định tiến hành tại Việt Nam theo phương thức thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa.

4.3. Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp

          Chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy, dấu hợp quy và phương thức đánh giá sự phù hợp quy định tại khoản 4.1 hoặc khoản 4.2 mục này thực hiện theo Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ-BKHCN ngày 28/9/2007 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.

4.4. Thời gian từ khi sản xuất xuồng đến khi nhập kho dự trữ nhà nước

Không lớn hơn 9 tháng (kể cả thời gian vận chuyển).

4.5. Trong điều kiện nhiệt độ và độ ẩm bình thường (nhiệt độ Tmax ≤ 35 oC, độ ẩm Rmax­ ≤ 85 %), thời gian bảo quản xuồng nhập kho dự trữ nhà nước không lớn hơn 7 năm; thời gian bảo quản các trang thiết bị kèm theo xuồng được thực hiện theo quy định hiện hành.

 

5. TRÁCH NHIỆM CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

5.1. Các tổ chức, cá nhân cung cấp xuồng cho dự trữ nhà nước có trách nhiệm cung cấp xuồng có chất lượng phù hợp với quy định tại mục 2 của Quy chuẩn này.

5.2. Cục Dự trữ Nhà nước khu vực có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc giao nhận và bảo quản xuồng theo đúng quy định tại mục 3 của Quy chuẩn này.

 

6. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

6.1. Tổng cục Dự trữ Nhà nước có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra thực hiện Quy chuẩn này.

6.2. Trong trường hợp các tiêu chuẩn, hướng dẫn quy định tại Quy chuẩn này có sự thay đổi, bổ sung hoặc được thay thế thì thực hiện theo quy định tại văn bản mới.

 

Tags: , , , , ,

Comments are closed.