BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
_______________ Số: 17/2009/TT-BTTTT |
CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc __________________________________ Hà Nội, ngày 27 tháng 5 năm 2009 |
THÔNG TƯ
Quy định chi tiết thi hành Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg
ngày 22 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ
về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
___________________________
BỘ TRƯỞNG BỘ THÔNG TIN VÀ TRUYỀN THÔNG
Căn cứ Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông ngày 25 tháng 5 năm 2002;
Căn cứ Nghị định số 157/2004/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2004 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Bưu chính, Viễn thông về bưu chính;
Căn cứ Nghị định số 31/2005/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2005 của Chính phủ về sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Căn cứ Nghị định số 187/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 12 năm 2007 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông;
Căn cứ Quyết định số 256/2006/QĐ-TTg ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy chế đấu thầu, đặt hàng, giao kế hoạch thực hiện sản xuất và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích;
Căn cứ Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch – Tài chính,
QUY ĐỊNH
Điều 1. Dịch vụ bưu chính công ích
Dịch vụ bưu chính công ích gồm dịch vụ bưu chính phổ cập và dịch vụ bưu chính bắt buộc.
1. Dịch vụ bưu chính phổ cập là dịch vụ thư cơ bản có khối lượng đơn chiếc đến 02 ki-lô-gam (kg). Trong Thông tư này, dịch vụ thư cơ bản được hiểu là dịch vụ thư, bao gồm cả bưu thiếp, không có các yếu tố làm gia tăng giá trị của dịch vụ. Cụ thể:
a) Dịch vụ thư cơ bản trong nước;
b) Dịch vụ thư cơ bản quốc tế từ Việt Nam đi các nước;
c) Dịch vụ thư cơ bản quốc tế từ các nước đến Việt Nam.
2. Dịch vụ bưu chính bắt buộc là dịch vụ bưu chính được cung cấp theo yêu cầu của Nhà nước nhằm phục vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh; phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh mang tính khẩn cấp và các dịch vụ bưu chính bắt buộc khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dịch vụ bưu chính bắt buộc được Nhà nước quy định rõ phạm vi, đối tượng và thời gian thụ hưởng dịch vụ.
Điều 2. Phát hành báo chí qua mạng bưu chính công cộng
Các loại báo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ được Nhà nước bảo đảm phát hành qua mạng bưu chính công cộng theo nhu cầu đặt mua báo của các tổ chức, cá nhân theo chất lượng dịch vụ và giá cước do Nhà nước quy định.
Điều 3. Kế hoạch cung ứng dịch vụ bưu chính công ích và phát hành báo chí qua mạng bưu chính công cộng
1. Trách nhiệm của Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (Bưu chính Việt Nam):
a) Bưu chính Việt Nam có trách nhiệm xây dựng và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông các kế hoạch sau (kèm thuyết minh chi tiết các chỉ tiêu báo cáo):
– Kế hoạch cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, phát hành báo chí qua mạng bưu chính công cộng;
– Kế hoạch tài chính bảo đảm cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, phát hành báo chí qua mạng bưu chính công cộng;
Ngoài các kế hoạch trên, Bưu chính Việt Nam có trách nhiệm lập và báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch tài chính của doanh nghiệp gửi kèm kế hoạch cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
b) Các kế hoạch nêu tại điểm a khoản 1 Điều này được lập cho các giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010 và từ năm 2011 đến năm 2013 (có chi tiết ra từng năm) theo các mẫu biểu báo cáo quy định tại Phụ lục 1 Thông tư này và các quy định có liên quan của pháp luật.
c) Thời điểm báo cáo kế hoạch: các kế hoạch cho giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010 báo cáo trong tháng 6 năm 2009; các kế hoạch cho giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013 báo cáo trong tháng 6 năm 2010.
2. Trên cơ sở báo cáo kế hoạch của Bưu chính Việt Nam, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định kế hoạch cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, phát hành các loại báo theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cho các giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013 (có chi tiết ra từng năm), gồm các nội dung chủ yếu sau:
a) Sản lượng các dịch vụ bưu chính công ích quy định tại khoản 1 Điều 1 Thông tư này. Đơn vị tính chỉ tiêu kế hoạch là cái (thư);
b) Sản lượng các loại báo theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đơn vị tính các chỉ tiêu kế hoạch là tờ (báo).
Điều 4. Đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
Bộ Thông tin và Truyền thông đặt hàng Bưu chính Việt Nam thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được ký cho hai giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010, giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013 .
Nội dung Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và các quy định của pháp luật hiện hành.
Điều 5. Nguyên tắc và cách xác định mức trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam duy trì mạng bưu chính công cộng để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
1. Nhà nước khoán trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam duy trì mạng bưu chính công cộng để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo nguyên tắc giảm dần qua từng năm.
2. Cách xác định mức trợ cấp:
Mức trợ cấp = Chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng để cung ứng dịch vụ bưu chính công ích năm (+) lợi nhuận cung ứng dịch vụ bưu chính công ích năm (–) doanh thu dịch vụ bưu chính công ích.
Trong đó:
a) Chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng xác định theo quy định tại Quyết định 65/2008/QĐ-TTg và hướng dẫn của các Bộ liên quan, bao gồm cả chi phí trả cho kết nối mạng bưu chính quốc tế. Trong đó, chi phí cho người lao động của mạng bưu chính công cộng (gồm: tiền lương, tiền công, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, và các khoản chi khác cho người lao động theo quy định của pháp luật) được khoán trong khoảng từ 34% đến 45% tổng chi phí duy trì mạng hàng năm.
b) Tỷ lệ tự bù đắp chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng từ các hoạt động kinh doanh ngoài hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính của Bưu chính Việt Nam tăng dần qua các năm. Cụ thể:
– Năm 2008, tỷ lệ tự bù đắp chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng của Bưu chính Việt Nam là 40%.
– Từ năm 2009, tỷ lệ tự bù đắp chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng của Bưu chính Việt Nam mỗi năm tăng thêm tối thiểu 4% so với năm trước liền kề.
Trong trường hợp có tác động của các yếu tố khách quan dẫn đến không bảo đảm được việc tăng mức tự bù đắp chi phí duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng, Bưu chính Việt Nam báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét điều chỉnh tỷ lệ tối thiểu trên cho phù hợp.
c) Mức lợi nhuận cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hàng năm theo quy định của pháp luật hiện hành đối với doanh nghiệp cung ứng dịch vụ công ích.
d) Doanh thu dịch vụ bưu chính công ích được xác định trên cơ sở kế hoạch sản lượng dịch vụ và giá cước bình quân dịch vụ bưu chính công ích. Trong đó, sản lượng dịch vụ thư cơ bản trong nước, dịch vụ thư cơ bản quốc tế từ Việt Nam đi các nước năm sau tăng hơn năm trước liền kề tối thiểu 10%.
Đối với dịch vụ phát hành báo chí qua mạng bưu chính công cộng, và dịch vụ thư cơ bản quốc tế từ các nước đến Việt Nam, căn cứ tình hình thực tế, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định kế hoạch về sản lượng hàng năm.
3. Trên cơ sở các nguyên tắc và cách tính trợ cấp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định mức trợ cấp hàng năm cho Bưu chính Việt Nam sau khi có ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.
Điều 6. Mức trợ cấp năm 2008, giai đoạn từ năm 2009 đến năm 2010 và giai đoạn từ năm 2011 đến năm 2013
1. Mức trợ cấp năm 2008:
Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định mức trợ cấp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích năm 2008 (sau khi có ý kiến của Bộ Tài chính), trên cơ sở:
a) Mức trợ cấp cụ thể xác định cho năm 2008 không vượt quá mức trợ cấp của các phương án trong Đề án Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét ban hành Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg.
b) Xác định các yếu tố hình thành mức trợ cấp năm 2008:
– Doanh thu cung ứng dịch vụ bưu chính công ích: được xác định trên cơ sở sản lượng và giá cước dịch vụ bưu chính công ích năm 2008. Trường hợp doanh nghiệp chưa tổ chức theo dõi riêng sản lượng, doanh thu dịch vụ bưu chính công ích phù hợp với quy định tại Thông tư này, thì sẽ áp dụng doanh thu theo thứ tự ưu tiên như sau:
+ Doanh thu của toàn bộ dịch vụ bưu phẩm thực tế đã phát sinh năm 2008;
+ Doanh thu dịch vụ bưu chính công ích theo phương án trong Đề án Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ để ban hành Quyết định số 65/2008/QĐ-TTg.
– Tỷ trọng chi phí cho người lao động với các chi phí khác để duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng được xác định như sau:
+ Chi phí cho người lao động của mạng bưu chính công cộng được xác định trên cơ sở tiền lương thực tế của lao động thuộc mạng bưu chính công cộng nhưng không vượt quá mức tối đa theo quy định của Nhà nước về tiền lương trong doanh nghiệp nhà nước trong năm 2007;
+ Các chi phí khác của mạng bưu chính công cộng được xác định như sau:
Chi phí khác của mạng Bưu chính công cộng |
Chi phí khác của khối hạch toán phụ thuộc của Bưu chính Việt Nam |
Tổng lao động của khối hạch toán phụ thuộc của Bưu chính Việt Nam (không bao gồm số lao động của Công ty dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện) |
= |
Số lao động của mạng bưu chính công cộng |
X |
___________________________
Trong công thức trên, chi phí khác của khối hạch toán phụ thuộc của Bưu chính Việt Nam đã được loại trừ giá vốn hàng hóa thương mại (đã phát sinh trong khối hạch toán phụ thuộc của Bưu chính Việt Nam) và chi phí phát sinh tại Công ty dịch vụ Tiết kiệm Bưu điện.
– Lợi nhuận cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo quy định của Nhà nước.
c) Căn cứ tình hình thực hiện sản xuất kinh doanh năm 2008, Bưu chính Việt Nam báo cáo các số liệu về phương án đề nghị mức trợ cấp năm 2008 kèm thuyết minh chi tiết để Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét quyết định.
2. Mức trợ cấp năm 2009 và 2010:
Căn cứ kế hoạch cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, Bộ Thông tin và Truyền thông quyết định mức khoán trợ cấp năm 2009 và năm 2010. Trong đó trách nhiệm tăng mức tự bù đắp chi phí duy trì mạng bưu chính công cộng và tăng sản lượng dịch vụ bưu chính công ích của Bưu chính Việt Nam theo điểm a và điểm b khoản 2 Điều 5 Thông tư này đảm bảo:
– Năm 2009 mức trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam giảm 13% so với mức trợ cấp năm 2008.
– Năm 2010 mức trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam giảm 15% so với mức trợ cấp năm 2009.
3. Mức trợ cấp cho giai đoạn 2011 đến 2013:
a) Mức trợ cấp trong giai đoạn này được tính trên cơ sở kế hoạch cung ứng dịch vụ bưu chính công ích của Bộ Thông tin và Truyền thông và các nguyên tắc, phương pháp xác định được quy định tại Điều 5 Thông tư này. Riêng về quan hệ giữa chi phí cho lao động mạng bưu chính công cộng và chi phí khác ngoài chi phí cho lao động sẽ được xác định lại cho phù hợp với tình hình thực tế.
b) Hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông tổng hợp kinh phí trợ cấp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích vào dự toán ngân sách nhà nước của Bộ để báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định. Trên cơ sở dự toán ngân sách nhà nước hàng năm được duyệt để chi trợ cấp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, Bộ Thông tin và Truyền thông điều chỉnh giá trị Hợp đồng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích cho phù hợp.
c) Riêng năm 2013, trong trường hợp nhà nước chưa điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính công ích, dịch vụ phát hành báo chí qua mạng bưu chính công cộng bằng giá thành dịch vụ thì nhà nước xác định trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam theo Quyết định 65/2008/QĐ-TTg ngày 22 tháng 5 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, hướng dẫn tại Thông tư này và các quy định liên quan của pháp luật.
4. Trong quá trình thực hiện kế hoạch và hợp đồng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích, nếu phát sinh các yếu tố điều chỉnh theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Thông tư này, mức giảm trợ cấp hàng năm sẽ được điều chỉnh phù hợp.
Điều 7. Điều chỉnh mức trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam
1. Mức trợ cấp cho Bưu chính Việt Nam được xem xét điều chỉnh trong các trường hợp:
a) Nhà nước điều chỉnh thay đổi chế độ tiền lương tối thiểu đối với doanh nghiệp Nhà nước.
b) Nhà nước điều chỉnh giá cước dịch vụ bưu chính phổ cập và giá cước phát hành các loại báo quy định tại Điều 2 Quyết định 65/2008/QĐ-TTg.
c) Nhà nước điều chỉnh quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về dịch vụ bưu chính công ích.
d) Nhà nước điều chỉnh quy định về mức lợi nhuận cung ứng dịch vụ bưu chính công ích.
2. Trong thời gian 45 ngày kể từ khi các quy định tại khoản 1 Điều này có hiệu lực, Bưu chính Việt Nam có trách nhiệm tính toán lại mức trợ cấp và đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông xem xét, quyết định điều chỉnh số tiền trợ cấp.
Điều 8. Báo cáo tình hình cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
1. Bưu chính Việt Nam có trách nhiệm báo cáo (bằng văn bản) cho Bộ Thông tin và Truyền thông tình hình thực hiện cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo định kỳ và theo yêu cầu đột xuất.
2. Nội dung báo cáo định kỳ:
a) Tình hình thực hiện kế hoạch cung ứng dịch vụ bưu chính công ích (Mẫu báo cáo và cách lập theo Biểu 04/TH của Phụ lục kèm Thông tư này);
b) Chất lượng dịch vụ bưu chính công ích (Biểu 05/TH);
c) Việc tiếp nhận kinh phí trợ cấp của nhà nước cho hoạt động cung ứng dịch vụ bưu chính công ích;
d) Các khó khăn và kiến nghị với Nhà nước (nếu có).
3. Thời gian gửi báo cáo định kỳ:
a) Báo cáo định kỳ 3 tháng: áp dụng đối với qui định tại điểm a khoản 2 Điều này, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 4, 7, 10.
b) Báo cáo định kỳ 6 tháng: áp dụng đối với qui định tại điểm b khoản 2 Điều này, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông vào tháng 7.
c) Báo cáo định kỳ hàng năm: áp dụng đối với tất cả các qui định tại khoản 2 Điều này, gửi Bộ Thông tin và Truyền thông trước ngày 28 tháng 2 của năm sau.
Điều 9. Nghiệm thu kết quả thực hiện Hợp đồng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích hàng năm
1. Thời điểm tiến hành nghiệm thu:
Vào tháng 4 hàng năm, Bộ Thông tin và Truyền thông tiến hành nghiệm thu kết quả thực hiện Hợp đồng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích của năm trước.
2. Căn cứ nghiệm thu:
a) Hợp đồng đặt hàng cung ứng dịch vụ bưu chính công ích đã được ký kết, và các phụ lục điều chỉnh hợp đồng (nếu có);
b) Báo cáo kết quả thực hiện hợp đồng của Bưu chính Việt Nam về: Mức độ duy trì hoạt động của mạng bưu chính công cộng đảm bảo việc cung ứng dịch vụ bưu chính công ích theo hợp đồng đặt hàng; báo cáo thống kê sản lượng dịch vụ bưu chính công ích thực tế thực hiện trong năm;
c) Sản lượng dịch vụ bưu chính công ích được xác định theo quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông;
d) Các báo cáo về kết quả kiểm tra, giám sát chất lượng dịch vụ bưu chính công ích của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 10. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 10 tháng 7 năm 2009.
Nơi nhận: – Thủ tướng và các Phó Thủ tướng CP; – Bộ TTTT: BT và các TT; – Các Bộ và cơ quan ngang Bộ; – Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; – Toà án nhân dân tối cao; – UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW; – Các Sở TTTT; – Các đơn vị thuộc Bộ TTTT; – Tập đoàn BCVT Việt Nam; – Tổng công ty BCVN; – TTĐT, Công báo; – Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp); – Lưu VT, KHTC. |
KT. BỘ TRƯỞNG THỨ TRƯỞNG (Đã ký) Nguyễn Thành Hưng |