Thông tư số 08/2010/TT-BTC ngày 14/01/2010

BỘ TÀI CHÍNH

 

Số 08/2010/TT-BTC

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 14 tháng 01 năm 2010

 

THÔNG TƯ

Hướng dẫn thực hiện Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg ngày 10/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 21 Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu

 

            Căn cứ Nghị định số 29/2008/NĐ-CP ngày 14/3/2008 của Chính phủ quy định về khu công nghiệp, khu chế xuất và khu kinh tế;

            Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

            Căn cứ Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg ngày 10/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung khoản 4 Điều 21 Quyết định số 33/2009/QĐ-TTg ngày 02/3/2009 của Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách tài chính đối với khu kinh tế cửa khẩu;

            Sau khi có ý kiến thống nhất của các Bộ, ngành, địa phương liên quan, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Quyết định số 93/2009/QĐ-TTg ngày 10/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ như sau:

            Điều 1. Chính sách bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu:

            1. Thực hiện việc bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu đến hết ngày 31/12/2012 theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về quy chế hoạt động của từng khu kinh tế cửa khẩu và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính, theo đó khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu được mua hàng nhập khẩu miễn thuế mang vào nội địa với trị giá hàng hoá không quá 500.000 đồng Việt Nam/1 người/1 ngày (trừ trị giá hàng hoá đã mua thuộc Danh mục hàng hoá hạn chế bán miễn thuế theo quy định tại Điều 2 Thông tư này); trường hợp trị giá hàng hoá vượt quá 500.000 đồng Việt Nam thì người có hàng hoá phải nộp đủ thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) đối với phần vượt quá định mức theo quy định của pháp luật hiện hành.

            2. Chính sách bán hàng miễn thuế cho khách tham quan du lịch tại khu phi thuế quan thuộc một số khu kinh tế cửa khẩu:

            a) Các khu kinh tế cửa khẩu bao gồm: khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum), khu kinh tế cửa khẩu tỉnh An Giang, khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài (tỉnh Tây Ninh), khu kinh tế cửa khẩu Lào Cai (tỉnh Lào Cai), khu kinh tế cửa khẩu A Đớt (tỉnh Thừa Thiên Huế), khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng – Lạng Sơn (tỉnh Lạng Sơn), khu kinh tế cửa khẩu tỉnh Đồng Tháp thực hiện thống nhất theo quy định tại khoản 1 Điều này.

            b) Đối với các khu kinh tế thương mại đặc biệt, khu kinh tế cửa khẩu do có điều kiện đặc thù so với các khu kinh tế cửa khẩu khác thực hiện theo quy định tại các Quyết định cụ thể của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư này.

            3. Khách tham quan du lịch mua hàng hoá tại khu phi thuế quan thuộc các khu kinh tế cửa khẩu nêu trên mang vào nội địa phải làm thủ tục hải quan và kê khai nộp thuế đối với phần trị giá vượt định mức miễn thuế theo quy định tại khoản 7 Điều 44 Thông tư số 79/2009/TT-BTC ngày 20/4/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu.

            Điều 2.  Danh mục hàng hoá hạn chế bán miễn thuế:

            1. Danh mục hàng hoá hạn chế bán miễn thuế cho khách tham quan du lịch khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu bao gồm:

            – Thuốc lá điếu các loại.

            – Bia các loại.

            – Rượu các loại.

            2. Việc bán hàng miễn thuế đối với các mặt hàng thuộc Danh mục hàng hoá hạn chế bán miễn thuế nêu trên được thực hiện cụ thể như sau:

            a) Không bán cho người dưới 18 tuổi.

            b) Đối với người từ 18 tuổi trở lên, bán miễn thuế theo định mức tối đa không quá 500.000 đồng Việt Nam/ 1 người/1 tháng.

            Điều 3. Trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có khu kinh tế cửa khẩu:

            Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố nơi có khu kinh tế cửa khẩu có trách nhiệm:

            1. Trên cơ sở tham khảo Quy chế về kinh doanh bán hàng miễn thuế ban hành kèm theo Quyết định số 24/2009/QĐ-TTg ngày 17/02/2009 của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn tại Thông tư số 120/2009/TT-BTC ngày 16/6/2009 của Bộ Tài chính, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi có khu kinh tế cửa khẩu xây dựng và ban hành Quy chế mua – bán hàng miễn thuế tại khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu trên địa bàn, phục vụ cho công tác quản lý và ngăn chặn việc lợi dụng chính sách ưu đãi để buôn lậu, trốn thuế, kinh doanh trái pháp luật. Quy chế cần đảm bảo một số nội dung và nguyên tắc như sau:

            a) Xác định rõ đối tượng là khách tham quan du lịch được hưởng chính sách mua hàng miễn thuế.

            b) Mua – bán hàng miễn thuế đúng đối tượng (mỗi khách tham quan du lịch chỉ được mua hàng miễn thuế theo đúng 01 chứng minh thư của người mua hàng, không được sử dụng chứng minh thư của người khác để mua hàng, không mua – bán hàng miễn thuế theo hình thức uỷ quyền), đúng định mức quy định.

            c) Thực hiện đúng Danh mục và nội dung hạn chế bán hàng miễn thuế theo đúng hướng dẫn tại Điều 2 Thông tư này.

            2. Xây dựng và tổ chức phối hợp các lực lượng có chức năng thực hiện các biện pháp ngăn chặn và xử lý vi phạm đối với hành vi kinh doanh trái pháp luật, lợi dụng chính sách để buôn lậu, trốn thuế; Chỉ đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn (Ban quản lý khu kinh tế cửa khẩu, công an, bộ đội biên phòng, quản lý thị trường, thuế, hải quan, tài chính) tăng cường phối hợp để thực hiện các biện pháp kiểm tra, kiểm soát nhằm chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại tại khu kinh tế cửa khẩu.

            Điều 4. Trách nhiệm của cơ quan Hải quan, cơ quan Thuế:

            1. Cơ quan Hải quan tại địa bàn khu kinh tế cửa khẩu có trách nhiệm:

            a) Thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hàng hoá, phương tiện vận tải, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hoá qua biên giới.

            b) Tổ chức thực hiện pháp luật về thuế, hải quan đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu theo đúng quy định.

            c) Tổ chức các trạm hải quan phù hợp với đặc điểm địa lý, điều kiện của từng khu kinh tế cửa khẩu để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

            d) Định kỳ 6 tháng và hàng năm lập báo cáo về tình hình bán hàng miễn thuế cho khách tham quan gửi Bộ Tài chính để theo dõi. Trường hợp mặt hàng được bán miễn thuế có sự biến động bất thường (về số lượng nhập khẩu, mua, bán để đem vào nội địa) thì kịp thời báo cáo để có biện pháp xử lý cho phù hợp.

            đ) Tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan ngăn chặn, xử lý các hàng vi gian lận, lợi dụng chính sách để kinh doanh trái pháp luật.

            2. Trách nhiệm của cơ quan Thuế:

            a) Thực hiện thủ tục kiểm tra trước khi hoàn thuế đối với hàng hoá, dịch vụ đưa vào khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu theo quy định tại Thông tư số 137/2009/TT-BTC ngày 03/7/2009 và Thông tư số 60/2007/TT-BTC ngày 14/6/2007 của Bộ Tài chính.

            b) Phối hợp với cơ quan Hải quan tại địa bàn khu kinh tế cửa khẩu theo dõi và báo cáo tình hình bán hàng miễn thuế tại khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu; Phối hợp với các cơ quan chức năng có liên quan ngăn chặn, xử lý các hành vi gian lận, lợi dụng chính sách để kinh doanh trái pháp luật.

            Điều 5. Trách nhiệm của doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế tại khu phi thuế quan thuộc khu kinh tế cửa khẩu:

            1. Thực hiện việc bán hàng miễn thuế theo đúng quy định của pháp luật và Quy chế mua – bán hàng miễn thuế do Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành.

            2. Căn cứ tình hình thực tế và điều kiện tại địa phương, doanh nghiệp kinh doanh bán hàng miễn thuế triển khai hệ thống máy tính nối mạng với cơ quan Hải quan để cải cách thủ tục hành chính và phục vụ công tác quản lý hoạt động bán hàng miễn thuế theo quy định

            3. Định kỳ hàng tháng lập báo cáo bán hàng gửi cơ quan Hải quan để kiểm tra, theo dõi, phục vụ công tác quản lý.

            Điều 6. Hiệu lực thi hành:

            1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày, kể từ ngày ký.

            2. Bãi bỏ điểm 1.5 khoản 1 mục II Thông tư số 162/2007/TT-BTC ngày 31/12/2007 và công văn số 8153/BTC-PC ngày 14/7/2008 của Bộ Tài chính.

            3. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị các tổ chức, cá nhân có liên quan kịp thời phản ánh về Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.

 

Nơi nhận:

– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;

– Văn phòng Quốc hội;

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

– Tòa án nhân dân tối cao;

– Kiểm toán Nhà nước;

– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;

– Văn phòng BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;

– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI);

– HĐND, UBND, Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

– Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;

– Công báo;

– Website Chính phủ và Website Bộ Tài chính;

– Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;

– Lưu: VT, Vụ CST.

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

 

 

(Đã ký)

 

 

 

Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

 

 

 

Tags: , , , ,

Comments are closed.