Thông tư số 06/2009/TT-NHNN ngày 09/04/2009


NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM

______________

Số: 06/2009/TT-NHNN

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

___________________________

Hà Nội, ngày  09  tháng 04  năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VỀ CHÍNH SÁCH CHO VAY ƯU ĐÃI LÃI SUẤT

THEO CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ CÁC HUYỆN NGHÈO

TẠI NGHỊ QUYẾT SỐ 30A/2008/NQ-CP NGÀY 27/12/2008 CỦA CHÍNH PHỦ

 

Căn cứ Nghị định số 96/2008/NĐ-CP ngày 26/8/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Sau khi thống nhất với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sau đây gọi tắt là NHNN) hướng dẫn một số chính sách cho vay ưu đãi của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng trên địa bàn 61 huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ như sau:

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư này hướng dẫn thực hiện một số chính sách tín dụng ưu đãi hỗ trợ trồng rừng sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, ngành nghề tiểu thủ công nghiệp theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo.

2. Thông tư này áp dụng cho các khoản vay của các đối tượng khách hàng trên địa bàn 61 huyện nghèo vay vốn bằng đồng Việt Nam (VNĐ) tại các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội. Đối với các khoản vay thuộc đối tượng áp dụng hỗ trợ lãi suất không trả nợ đúng hạn, bị chuyển sang nợ quá hạn thì không được áp dụng hỗ trợ lãi suất kể từ ngày khoản vay chuyển sang nợ quá hạn.

3. Các đối tượng khách hàng được hưởng các chính sách ưu đãi lãi suất quy định trong Thông tư này bao gồm: Các hộ nghèo, các hộ sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các chủ trang trại đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn 61 huyện nghèo (danh sách đính kèm Thông tư này).

4. Các tổ chức tín dụng (TCTD) thực hiện chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng trên địa bàn 61 huyện nghèo, bao gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long, Ngân hàng Công thương Việt Nam, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (sau đây gọi chung là ngân hàng thương mại nhà nước) và Ngân hàng Chính sách xã hội.

5. Ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện cho vay đối với các đối tượng được hưởng chính sách ưu đãi lãi suất theo quy định tại Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ với mức lãi suất cho vay thấp nhất áp dụng cho các khoản vay vốn trong cùng kỳ.

Điều 2. Chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với khách hàng vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước

1. Các hộ nghèo khi vay vốn các ngân hàng thương mại nhà nước để trồng rừng sản xuất, được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay;

2. Các đối tượng khách hàng quy định tại khoản 3 Điều 1 Thông tư này khi vay vốn tại các ngân hàng thương mại nhà nước để phát triển sản xuất nông nghiệp, đầu tư cơ sở chế biến, bảo quản và tiêu thụ nông sản được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay;

3. Đối với các cơ sở chế biến nông, lâm, thủy sản thuộc các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất, chế biến kinh doanh trên địa bàn 61 huyện nghèo được ngân sách Nhà nước hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay tại các ngân hàng thương mại nhà nước.

Điều 3. Chính sách cho vay ưu đãi lãi suất đối với hộ nghèo tại Ngân hàng Chính sách xã hội

1. Các hộ nghèo trên địa bàn 61 huyện nghèo được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định tại Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 4/10/2002 về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác và các văn bản liên quan khác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ, ngành.

2. Ngoài các chính sách quy định tại Điều 2 của Thông tư và khoản 1 Điều này, các hộ nghèo trên địa bàn 61 huyện nghèo còn được hưởng các chính sách sau đây khi vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội:

a) Được vay ưu đãi một lần tối đa 5 triệu đồng/hộ với lãi suất 0% trong thời gian 02 năm để mua giống gia súc (trâu, bò, dê) hoặc giống gia cầm chăn nuôi tập trung hoặc giống thủy sản;

b) Đối với các hộ nghèo không có điều kiện chăn nuôi mà có nhu cầu phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp tạo thu nhập được vay ưu đãi một lần, với số tiền tối đa là 5 triệu đồng, với lãi suất 0%, thời hạn 02 năm.

Điều 4. Điều kiện được áp dụng chính sách hỗ trợ

1. Đối với hộ nghèo:

Các hộ nghèo được áp dụng chính sách hỗ trợ theo quy định tại Thông tư này khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Là hộ gia đình đang sinh sống và có hộ khẩu thường trú tại địa bàn các xã, thị trấn thuộc 61 huyện nghèo và phải có trong danh sách hộ nghèo được Chủ tịch UBND cấp xã quyết định theo chuẩn nghèo do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội công bố, được Tổ tiết kiệm và vay vốn bình xét, chấp thuận phương án sử dụng vốn, lập thành danh sách có xác nhận của UBND cấp xã;

b) Chủ hộ (hoặc người được ủy quyền) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ là người đại diện cho hộ gia đình trong quan hệ tín dụng với ngân hàng.

2. Đối với các đối tượng khách hàng khác:

Các hộ sản xuất, kinh doanh; doanh nghiệp; hợp tác xã; chủ trang trại được áp dụng chính sách hỗ trợ lãi suất khi vay vốn ngân hàng thương mại nhà nước theo quy định tại Thông tư này khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:

a) Đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn 61 huyện nghèo;

b) Đáp ứng đủ điều kiện vay vốn theo quy định tại Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước và các Quyết định số 127/2005/QĐ-NHNN ngày 03/02/2005, Quyết định số 783/2005/QĐ-NHNN ngày 31/5/2005 sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng ban hành kèm theo Quyết định số 1627/2001/QĐ-NHNN ngày 31/12/2001 và được các ngân hàng thương mại nhà nước quyết định cho vay.

Điều 5. Trách nhiệm của khách hàng, các ngân hàng thương mại nhà nước; Ngân hàng Chính sách xã hội khi thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tại các huyện nghèo.

1. Đối với khách hàng được cho vay hỗ trợ tại các huyện nghèo:

a) Sử dụng vốn vay đúng mục đích; nếu sử dụng vốn sai mục đích hỗ trợ, số tiền đã hỗ trợ sẽ bị thu hồi và bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành;

b) Thực hiện đúng các quy định của các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội về quy trình, thủ tục và xác nhận trong việc thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ các huyện nghèo.

2. Đối với Ngân hàng Chính sách xã hội:

a) Thực hiện việc cho vay ưu đãi theo quy định tại Thông tư này đối với các đối tượng là hộ nghèo đủ điều kiện hỗ trợ. Ngân hàng Chính sách xã hội không được từ chối áp dụng chính sách hỗ trợ đối với các hộ nghèo đủ điều kiện hỗ trợ trên địa bàn 61 huyện nghèo;

b) Thực hiện kiểm tra chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo việc hỗ trợ được thực hiện đúng quy định. Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích được hỗ trợ thì Ngân hàng Chính sách xã hội thu hồi số tiền đã hỗ trợ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành;

c) Định kỳ hàng tháng (chậm nhất là ngày 10 của tháng kế tiếp) báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng) về kết quả thực hiện chính sách cho vay đối với các huyện nghèo theo quy định tại Mẫu số 02 của Thông tư này.

3. Đối với các ngân hàng thương mại nhà nước:

a) Áp dụng cơ chế cho vay thông thường đối với các nhu cầu vay vốn thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Thông tư này;

b) Thực hiện việc hỗ trợ lãi suất theo đúng quy định, không được từ chối hỗ trợ lãi suất cho khách hàng đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất theo quy định của Thông tư này; đảm bảo công khai, rõ ràng số tiền hỗ trợ lãi suất và chịu trách nhiệm trước pháp luật đối với các trường hợp hỗ trợ lãi suất hoặc từ chối hỗ trợ lãi suất không đúng quy định của pháp luật;

c) Thực hiện giảm trừ ngay số tiền hỗ trợ lãi suất đối với khách hàng khi khách hàng thanh toán lãi suất tiền vay cho ngân hàng và yêu cầu khách hàng xác nhận việc hỗ trợ lãi suất của ngân hàng;

d) Tổng hợp số liệu hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo của toàn hệ thống và đề nghị Bộ Tài chính thực hiện cấp bù lãi suất cho ngân hàng. Chủ tịch Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc ngân hàng thương mại nhà nước phải chịu trách nhiệm về tính hợp lệ và chính xác của các số liệu đề nghị ngân sách Nhà nước cấp bù;

đ) Hồ sơ, thủ tục, quy trình đề nghị cấp bù lãi suất được thực hiện theo quy định của Bộ Tài chính;

e) Các ngân hàng thương mại nhà nước thực hiện kiểm tra chặt chẽ trước, trong và sau khi cho vay để đảm bảo việc hỗ trợ lãi suất đúng quy định. Trường hợp phát hiện khách hàng sử dụng vốn không đúng mục đích được hỗ trợ lãi suất thì thu hồi số tiền đã hỗ trợ và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật hiện hành;

g) Định kỳ hàng tháng (chậm nhất là ngày 10 của tháng kế tiếp) báo cáo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (Vụ Tín dụng) về kết quả thực hiện chính sách hỗ trợ lãi suất đối với các huyện nghèo theo quy định tại Mẫu 01 của Thông tư này.

Điều 6. Trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam

a) Theo dõi tình hình hỗ trợ lãi suất đối với 61 huyện nghèo theo quy định của Thông tư này:

– Định kỳ hàng tháng (chậm nhất là ngày 10 của tháng kế tiếp) Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có huyện nghèo có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc và tổng hợp báo cáo tình hình cho vay ưu đãi lãi suất trên địa bàn theo Mẫu 03 của Thông tư này;

– Vụ Tín dụng tổng hợp báo cáo Thống đốc NHNN tình hình cho vay ưu đãi lãi suất khi được yêu cầu;

b) Các đơn vị có liên quan của Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính trong việc thanh tra, giám sát và xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện chính sách cho vay ưu đãi đối với các huyện nghèo của các ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội theo quy định của Thông tư này;

c) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai và kết quả thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP khi được yêu cầu.

Điều 7. Điều khoản thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày ký.

2. Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng và thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Hội đồng quản trị và Tổng Giám đốc ngân hàng thương mại nhà nước, Ngân hàng Chính sách xã hội chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

 

Nơi nhận:
– Như Khoản 2, Điều 7;
– Thủ tướng và các Phó Thủ tướng (để báo cáo);
– Ban Lãnh đạo NHNN;
– Văn phòng Chính phủ;
– Bộ Tư pháp (để kiểm tra);
– Các Bộ: Tài chính, Kế hoạch & Đầu tư, Lao động-TBXH, Công Thương, Nông nghiệp & PTNT;
– Lưu: VP, các Vụ PC, TD.

KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
(Đã ký)

Nguyễn Đồng Tiến   

Tags: , , , , , , ,

Comments are closed.