Thông tư liên tịch số 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC ngày 15/07/2011

 

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

BỘ TÀI CHÍNH

———————–

Số: 29/2011/TTLT-BGDĐT-BTC

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————————-

Hà Nội, ngày 15 tháng 07 năm 2011

THÔNG TƯ LIÊN TỊCH

Hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi ở

các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg

ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt

Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 – 2015

—————————————–

Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Căn cứ Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 – 2015;

Liên Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi ở các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Quyết định số 239/QĐ-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi giai đoạn 2010 – 2015 (sau đây gọi chung là Quyết định 239) như sau:

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này hướng dẫn thực hiện chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ năm tuổi (trong năm học trẻ đạt 5 tuổi theo năm khai sinh) đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non, đáp ứng các quy định tại điểm c Khoản 2 Phần IV Điều 1 Quyết định 239.

Điều 2. Đối tượng được chi hỗ trợ ăn trưa

1. Trẻ em trong độ tuổi năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo văn bản quy định của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Cụ thể:

a) Xã biên giới: Xã biên giới trên đất liền tính từ biên giới quốc gia trên đất liền vào hết địa giới hành chính của xã có một phần địa giới hành chính trùng hợp với biên giới quốc gia trên đất liền; xã biên giới trên biển tính từ biên giới quốc gia trên biển vào hết địa giới hành chính của xã giáp biển và đảo, quần đảo; danh sách các xã ở khu vực biên giới trên đất liền, khu vực biên giới trên biển được quy định tại các Nghị định của Chính phủ ban hành Quy chế khu vực biên giới.

b) Xã núi cao là các xã vùng cao quy định tại các Quyết định dưới đây:

– Quyết định số 21/UB-QĐ ngày 26/01/1993 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận các xã, huyện tỉnh là miền núi, vùng cao;

– Quyết định số 33/UB-QĐ ngày 04/6/1993 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận các xã, huyện tỉnh là miền núi, vùng cao;

– Quyết định số 08/UB-QĐ ngày 04/3/1994 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao;

– Quyết định số 64/UB- QĐ ngày 26/8/1995 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao;

– Quyết định số 68/UB-QĐ ngày 09/3/1997 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao;

– Quyết định số 42/UB-QĐ ngày 23/5/1997 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận 3 khu vực miền núi, vùng cao;

– Quyết định số 26/1998/QĐ-UB ngày 18/3/1998 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận 3 khu vực miền núi, vùng cao;

– Quyết định số 363/2005/QĐ-UBDT ngày 15/08/2005 của Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao;

– Quyết định số 172/2006/QĐ-UBDT ngày 07/07/2006 Ủy ban Dân tộc và Miền núi về việc công nhận các xã, huyện, tỉnh là miền núi, vùng cao;

– Quyết định số 01/2007/QĐ-UBDT ngày 31/5/2007 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận các xã, huyện là miền núi, vùng cao do điều chỉnh địa giới hành chính;

– Quyết định số 61/QĐ-UBDT ngày 12/03/2009 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận các xã, huyện là miền núi, vùng cao do điều chỉnh địa giới hành chính;

c) Xã hải đảo, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn:

Trong thời gian các cơ quan nhà nước có thẩm quyền chưa ban hành quy định mới cho giai đoạn sau 2010, danh mục các xã hải đảo, xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn thực hiện theo quy định tại các văn bản dưới đây:

– Quyết định số 106/2004/QĐ-TTg ngày 11/6/2004 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và hải đảo;

– Quyết định số 164/2006/QĐ-TTg ngày 11/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi giai đoạn 2006-2010 (Chương trình 135 giai đoạn II);

– Quyết định số 113/2007/QĐ-TTg ngày 20/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh sách xã hoàn thành mục tiêu Chương trình phát triển kinh tế – xã hội các xã vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới và vùng sâu, vùng xa giai đoạn 1999-2005, bổ sung các xã, thôn, bản vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II và xã vùng bãi ngang ven biển và hải đảo vào diện đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo giai đoạn 2006-2010;

– Quyết định số 05/2007/QĐ-UBDT ngày 6/9/2007 của Ủy ban Dân tộc về việc công nhận 3 khu vực vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo trình độ phát triển;

– Quyết định số 01/2008/QĐ-UBDT ngày 11/01/2008 của Ủy ban Dân tộc về việc phê duyệt danh sách thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

– Quyết định số 69/2008/QĐ-TTg ngày 28/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

– Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

– Quyết định số 1105/QĐ-TTg ngày 28/7/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt bổ sung danh sách các xã đặc biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu vào diện đầu tư Chương trình 135 giai đoạn II và danh sách xã hoàn thành mục tiêu, ra khỏi diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

– Quyết định số 325/QĐ-UBDT ngày 19/10/2009 của Uỷ ban Dân tộc về việc phê duyệt bổ sung thôn đặc biệt khó khăn xã khu vực II vào diện đầu tư của Chương trình 135 giai đoạn II;

– Nghị định số 116/2010/NĐ-CP ngày 24/12/2010 của Chính phủ về chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương trong lực lượng vũ trang công tác ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

– Những quy định khác của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền về sửa đổi, bổ sung các xã thuộc vùng hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn (nếu có).

2. Trẻ em trong độ tuổi năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ không nơi nương tựa hoặc bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế. Cụ thể:

a) Trẻ em trong độ tuổi năm tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa;

b) Trẻ em trong độ tuổi năm tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế;

3. Trẻ em trong độ tuổi năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nư­ớc, không thuộc các xã quy định tại Khoản 1 Điều này. Chuẩn nghèo được thực hiện theo quy định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo từng thời kỳ (Hiện nay thực hiện theo Quyết định số 09/2011/QĐ-TTg ngày 30/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành chuẩn hộ nghèo, hộ cận nghèo áp dụng cho giai đoạn 2011-2015).

Điều 3. Mức hỗ trợ và nguồn kinh phí thực hiện

1. Mức hỗ trợ là 120.000 đồng/tháng/cháu, được hưởng theo thời gian học thực tế, nhưng không quá 9 tháng/năm học.

2. Nguồn kinh phí thực hiện chi trả chế độ hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non theo quy định tại Thông tư này được cân đối trong dự toán chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo hàng năm của các địa phương.

Ngân sách trung ương hỗ trợ các địa phương theo nguyên tắc: ngân sách trung ương hỗ trợ 100% nhu cầu kinh phí đối với các tỉnh, thành phố chưa tự cân đối được ngân sách; hỗ trợ 50% đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết về ngân sách trung ương dưới 50%; các tỉnh, thành phố còn lại, ngân sách địa phương tự đảm bảo kinh phí thực hiện.

Điều 4. Hồ sơ, trình tự và phương thức chi hỗ trợ ăn trưa

1. Hồ sơ xét cấp hỗ trợ ăn trưa:

a) Đối với trẻ em trong độ tuổi năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thường trú tại các xã biên giới, núi cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hồ sơ gồm có:

– Đơn đề nghị hỗ trợ tiền ăn trưa (mẫu đơn theo phụ lục 1) của cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ năm tuổi hoặc người nhận nuôi trẻ;

– Giấy khai sinh (bản sao);

– Sổ đăng ký hộ khẩu thường trú của hộ gia đình (bản sao).

b) Đối với trẻ em trong độ tuổi năm tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; hồ sơ gồm có:

– Đơn đề nghị hỗ trợ tiền ăn trưa (mẫu đơn theo phụ lục 1) của cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ năm tuổi hoặc người nhận nuôi trẻ;

– Giấy khai sinh (bản sao);

– Bản sao Quyết định về việc trợ cấp xã hội của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) hoặc bản sao một trong các giấy tờ sau:

+ Quyết định của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp xã) nơi trẻ cư trú về việc cử người giám hộ hoặc đề nghị tổ chức làm người giám hộ cho trẻ;

+ Biên bản của Hội đồng xét duyệt cấp xã nơi trẻ cư trú;

+ Biên bản xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã về tình trạng trẻ bị bỏ rơi hoặc trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ;

+ Đơn nhận nuôi trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi có xác nhận của Uỷ ban nhân dân cấp xã nơi trẻ cư trú hoặc quyết định công nhận nuôi con nuôi của Uỷ ban nhân dân cấp xã.

c) Đối với trẻ em trong độ tuổi năm tuổi học tại các cơ sở giáo dục mầm non bị tàn tật, khuyết tật có khó khăn về kinh tế; hồ sơ gồm có:

– Đơn đề nghị hỗ trợ tiền ăn trưa (mẫu đơn theo phụ lục 1) của cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ năm tuổi hoặc người nhận nuôi trẻ;

– Giấy khai sinh (bản sao);

– Giấy xác nhận của bệnh viện cấp huyện hoặc của Hội đồng xét duyệt cấp xã nơi trẻ cư trú (bản sao).

d) Đối với trẻ em trong độ tuổi năm tuổi đang học tại các cơ sở giáo dục mầm non có cha mẹ thuộc diện hộ nghèo theo quy định hiện hành của Nhà nư­ớc, không thuộc các xã quy định tại Khoản 1 Điều 2; hồ sơ gồm có:

– Đơn đề nghị hỗ trợ tiền ăn trưa (mẫu đơn theo phụ lục 1) của cha, mẹ hoặc người giám hộ trẻ năm tuổi hoặc người nhận nuôi trẻ;

– Giấy khai sinh (bản sao);

– Giấy chứng nhận hộ nghèo do uỷ ban nhân dân cấp xã cấp (bản sao).

2. Trình tự và thời gian thực hiện:

– Đầu năm học, cơ sở giáo dục mầm non (bao gồm công lập và ngoài công lập) phải tổ chức phổ biến, thông báo rộng rãi và hướng dẫn cho cha mẹ (hoặc người giám hộ, người nhận nuôi) trẻ em năm tuổi thuộc đối tượng được hưởng chính sách viết và gửi đơn đề nghị hỗ trợ tiền ăn trưa.

Cha mẹ (hoặc người giám hộ, người nhận nuôi) trẻ em năm tuổi khi đến nộp đơn tại cơ sở giáo dục mầm non phải xuất trình bản gốc kèm theo bản sao các loại giấy tờ quy định về hồ sơ xét cấp tại Khoản 1 Điều này. Người nhận hồ sơ có trách nhiệm đối chiếu bản sao với bản gốc, ký xác nhận đã đối chiếu bản sao với bản gốc và ghi rõ họ tên vào bản sao để đưa vào hồ sơ.

Trong vòng 45 ngày, kể từ ngày 01 tháng 9 hàng năm, cơ sở giáo dục mầm non lập danh sách trẻ được đề nghị cấp tiền hỗ trợ ăn trưa theo từng đối tượng (biểu mẫu theo Phụ lục 2) gửi uỷ ban nhân dân cấp xã nơi cơ sở giáo dục mầm non đóng, kèm theo hồ sơ xét cấp hỗ trợ ăn trưa.

– Trong vòng 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, uỷ ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm thẩm tra, ký tên đóng dấu xác nhận danh sách trẻ theo từng đối tượng hưởng chính sách và gửi lại cho cơ sở giáo dục mầm non. Trường hợp nếu có trẻ được bổ sung thêm hoặc bị loại khỏi danh sách, phải ghi rõ họ tên và lý do được bổ sung hoặc bị loại khỏi danh sách.

– Trong vòng 03 ngày làm việc, kể từ khi nhận được xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã, cơ sở giáo dục mầm non làm công văn đề nghị kèm danh sách và hồ sơ xác nhận của uỷ ban nhân dân cấp xã gửi về phòng giáo dục và đào tạo cấp huyện để tổng hợp, xét duyệt.

– Trong vòng 10 ngày làm việc, kể từ khi nhận được hồ sơ cơ sở giáo dục mầm non gửi, phòng giáo dục và đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, xét duyệt danh sách và thông báo lại cho cơ sở giáo dục mầm non, đồng thời tổng hợp theo biểu Phụ lục 3 gửi cơ quan tài chính cùng cấp trình uỷ ban nhân dân cấp huyện xét duyệt, làm cơ sở lập dự toán kinh phí; đồng thời gửi báo cáo sở tài chính, sở giáo dục và đào tạo.

– Trong vòng 15 ngày làm việc, kể từ khi nhận đủ báo cáo của uỷ ban nhân dân cấp huyện, sở tài chính chủ trì phối hợp với sở giáo dục và đào tạo tổng hợp toàn tỉnh (biểu mẫu theo Phụ lục 4) để lập dự toán ngân sách, đồng thời gửi báo cáo về Bộ Tài chính và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Phương thức chi hỗ trợ:

Việc chi trả kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ mẫu giáo năm tuổi được cấp tối đa 9 tháng/năm học và thực hiện 2 lần trong năm: lần 1 chi trả đủ 4 tháng vào tháng 10 hoặc tháng 11 hàng năm; lần 2 chi trả đủ 5 tháng vào tháng 3 hoặc tháng 4 hàng năm. Phương thức chi hỗ trợ đối với các loại hình trường như sau:

– Đối với cơ sở mầm non công lập: Cơ sở giáo dục mầm non là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc chi trả. Tuỳ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa, lãnh đạo cơ sở giáo dục mầm non thống nhất với ban đại diện cha mẹ trẻ để quyết định 1 trong 2 phương thức: chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ, người nhận nuôi) hoặc giữ lại để lo bữa ăn trưa cho trẻ (khuyến khích cơ sở giáo dục mầm non tổ chức nấu ăn tập trung cho trẻ).

– Đối với cơ sở mầm non ngoài công lập: Phòng giáo dục và đào tạo là cơ quan chịu trách nhiệm thực hiện việc chi trả. Tuỳ vào thực tế quản lý và cách tổ chức ăn trưa, phòng giáo dục và đào tạo thống nhất với cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập để quyết định 1 trong 2 phương thức: chi trả trực tiếp bằng tiền mặt cho cha mẹ (hoặc người giám hộ, người nhận nuôi) hoặc giữ lại để lo bữa ăn trưa cho trẻ (khuyến khích cơ sở giáo dục mầm non tổ chức nấu ăn tập trung cho trẻ) .

Điều 5. Lập dự toán, quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí

1. Việc lập, phân bổ dự toán kinh phí thực hiện chính sách chi hỗ trợ ăn trưa cho trẻ năm tuổi được thực hiện đồng thời với thời điểm phân bổ dự toán ngân sách nhà nước hàng năm tại địa phương, dự toán phải ghi rõ kinh phí thực hiện chính sách cấp hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ năm tuổi và số lượng đối tượng được hưởng. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan như sau:

– Cơ sở giáo dục mầm non công lập chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí gửi phòng giáo dục và đào tạo; nhận kinh phí từ ngân sách và trực tiếp chi trả, quyết toán với ngân sách nhà nước. Phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm lập dự toán kinh phí hỗ trợ cho trẻ trong các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhận kinh phí từ ngân sách và tổ chức chi trả tiền hỗ trợ cho trẻ tại các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, quyết toán kinh phí với ngân sách nhà nước.

– Phòng giáo dục và đào tạo chịu trách nhiệm tổng hợp dự toán kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ em năm tuổi của toàn huyện gửi cơ quan tài chính cùng cấp thẩm định, trình uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, quyết định và gửi sở tài chính để tổng hợp vào dự toán chi ngân sách, báo cáo uỷ ban nhân dân cấp tỉnh; đồng thời gửi báo cáo sở giáo dục và đào tạo để phối hợp quản lý.

– Hàng năm, ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính về xây dựng dự toán ngân sách nhà nước, xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ ăn trưa, tổng hợp chung trong dự toán chi ngân sách nhà nước của địa phương gửi Bộ Tài chính cùng thời gian báo cáo dự toán ngân sách Nhà nước năm kế hoạch.

2. Cơ quan tài chính các cấp có trách nhiệm bảo đảm kinh phí hỗ trợ, hướng dẫn quản lý và kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện.

3. Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm soát, cấp phát, thanh toán kinh phí hỗ trợ ăn trưa cho trẻ năm tuổi theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về hướng dẫn chế độ quản lý, cấp phát, thanh toán các khoản chi ngân sách qua Kho bạc Nhà nước; các chế độ chi tiêu và các quy định tại Thông tư này.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

2. Việc thực hiện chính sách phải đảm bảo đúng mục đích, đúng đối tượng, đúng nội dung hỗ trợ và lồng ghép với các chính sách khác có cùng nội dung, mục tiêu đang thực hiện trên địa bàn. Các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ tiền ăn trưa theo quy định của Thông tư này mà cùng một lúc được hưởng nhiều chính sách cùng tính chất thì chỉ được hưởng chính sách có chế độ ưu đãi cao nhất.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng văn bản mới thì sẽ được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị phản ánh về Bộ Giáo dục và Đào tạo để phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ TÀI CHÍNH

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

Nguyễn Thị Minh

KT. BỘ TRƯỞNG

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

Nguyễn Thị Nghĩa

Nơi nhận:

– Văn phòng Chủ tịch nước;

– Văn phòng Quốc hội và các Uỷ ban của Quốc hội;

– Ban Tuyên giáo Trung ương;

– Văn phòng Chính phủ;

– Các Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;

– Kiểm toán nhà nước;

– Văn phòng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng;

– UBTW Mặt trận tổ quốc Việt Nam;

– Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;

– Các đơn vị thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính;

– Cục Kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);

– HĐND, UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW;

– Các Sở GD&ĐT, Sở Tài chính;

– Công báo;

– Website Chính phủ, Website Bộ GD&ĐT; Website Bộ Tài chính;

Lưu: VT, BGDĐT, Bộ TC.

Tags: , , , ,

Comments are closed.