Thông tư liên tịch số 16/2011/TTLT-BCT-BNV ngày 05/04/2011

BỘ CÔNG THƯƠNG – BỘ NỘI VỤ
——————————
Số: 16/2011/TTLT-BCT-BNV
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
—————————-
Hà Nội, ngày  05  tháng  04 năm 2011
THÔNG TƯ LIÊN TỊCH
Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế
của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp
trực thuộc Sở Công Thương
——————————–
Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 48/2008/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 134/2004/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2004 của Chính phủ về khuyến khích phát triển công nghiệp nông thôn;
Bộ Công Thương và Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và biên chế của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp trực thuộc Sở Công Thương do Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập theo quy định của pháp luật.
Điều 2. Vị trí và chức năng
1. Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (sau đây gọi tắt là Trung tâm) là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Sở Công Thương có chức năng phục vụ quản lý nhà nước của Sở về hoạt động khuyến công; cung cấp các dịch vụ công trong lĩnh vực khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp theo quy định của pháp luật.
2. Trung tâm chịu sự chỉ đạo, quản lý trực tiếp của Sở Công Thương, đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Cục Công nghiệp địa phương thuộc Bộ Công Thương.
3. Trung tâm có tư cách pháp nhân, có con dấu, có trụ sở và tài khoản riêng; hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật.
Điều 3. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án về hoạt động khuyến công trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
2. Triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, đề án khuyến công đã được phê duyệt.
3. Tổ chức đào tạo hoặc liên kết đào tạo nhân lực phục vụ phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn tỉnh, thành phố.
4. Xây dựng, lưu giữ và khai thác dữ liệu điện tử về công nghiệp nông thôn tại địa phương. Tuyên truyền, phổ biến các chính sách, văn bản quy phạm pháp luật về phát triển công nghiệp, hoạt động khuyến công tại địa phương.
5. Tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, học tập kinh nghiệm, các hội thi, hội thảo, hội chợ, diễn đàn về khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương.
6. Tổ chức tập huấn về chuyên môn, nghiệp vụ khuyến công cho các đơn vị, cá nhân tham gia hoạt động khuyến công.
7. Vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất, phương tiện, máy móc, trang thiết bị, khoa học công nghệ để thực hiện chương trình, đề án khuyến công và tham gia hoạt động khuyến công tự nguyện tại địa phương.
8. Thực hiện hoạt động dịch vụ, tư vấn hỗ trợ phát triển công nghiệp địa phương trong các lĩnh vực: ưu đãi đầu tư; khoa học- công nghệ; mặt bằng sản xuất; thông tin thị trường; tài chính, tín dụng; đào tạo, nâng cao năng lực quản lý và các lĩnh vực có liên quan khác.
9. Tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công và các chính sách khuyến công khác theo quy định của pháp luật.
10. Thực hiện các hoạt động tư vấn phát triển công nghiệp và thương mại ở địa phương:
a) Tư vấn lập dự án: quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; quy hoạch khu, cụm công nghiệp; quy hoạch điện lực; quy hoạch thương mại của địa phương;
b) Tư vấn đầu tư xây dựng các công trình công nghiệp, thương mại và công trình dân dụng;
c) Tư vấn về khai thác, chế biến khoáng sản; tư vấn về kiểm tra an toàn, hiệu chỉnh các thiết bị khoan, máy nổ mìn trong hoạt động khoáng sản và thi công có sử dụng vật liệu nổ công nghiệp;
d) Tư vấn các lĩnh vực sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả; sản xuất sạch, vệ sinh công nghiệp, an toàn thực phẩm; thực hiện các hoạt động tư vấn, giám sát; thẩm tra, thẩm định kỹ thuật dự án, các công trình kỹ thuật công nghiệp và thương mại khác theo quy định của pháp luật.
11. Thực hiện các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển công nghiệp; hợp tác quốc tế trong lĩnh vực khuyến công; xây dựng và quảng bá thương hiệu sản phẩm theo các đề án, chương trình khuyến công.
12. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất về kết quả thực hiện nhiệm vụ của Trung tâm theo yêu cầu của Sở Công Thương, Cục Công nghiệp địa phương thuộc Bộ Công Thương.
13. Đề xuất khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động hỗ trợ và khuyến khích phát triển công nghiệp địa phương.
14. Quản lý viên chức, người lao động, tài chính và tài sản của Trung tâm theo quy định của pháp luật đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
15. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Giám đốc Sở Công Thương giao.
Điều 4. Cơ cấu tổ chức và biên chế
1. Lãnh đạo Trung tâm:
a) Trung tâm có Giám đốc và không quá 02 Phó Giám đốc;
b) Giám đốc là người đứng đầu Trung tâm, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở Công Thương và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trung tâm;
c) Phó Giám đốc là người giúp Giám đốc, chịu trách nhiệm trước Giám đốc Trung tâm và trước pháp luật về nhiệm vụ được phân công; khi Giám đốc vắng mặt, một Phó Giám đốc được Giám đốc ủy quyền điều hành các hoạt động của Trung tâm;
d) Việc bổ nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm thực hiện theo phân cấp của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và phù hợp với tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ chức danh quy định.
Việc miễn nhiệm, cách chức, khen thưởng, kỷ luật và các chế độ khác đối với Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm thực hiện theo phân cấp quản lý công chức, viên chức và theo quy định của pháp luật.
2. Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và chi nhánh của Trung tâm:
a) Các phòng chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm được thành lập phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, bảo đảm tinh gọn, hợp lý và hiệu quả.
Mỗi phòng có Trưởng phòng, 01 Phó Trưởng phòng và một số viên chức;
b) Chi nhánh của Trung tâm được thành lập tại một hoặc nhiều đơn vị hành chính cấp huyện.
Chi nhánh có Trưởng Chi nhánh, 01 Phó Trưởng Chi nhánh và một số viên chức;
c) Căn cứ vào tính chất, đặc điểm, yêu cầu nhiệm vụ, khối lượng công việc cụ thể của từng địa phương, Giám đốc Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Giám đốc Sở Nội vụ trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập các phòng chuyên môn, nghiệp vụ và các Chi nhánh của Trung tâm;
d) Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng, Trưởng Chi nhánh và Phó Trưởng Chi nhánh của Trung tâm thực hiện theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
3. Biên chế của Trung tâm
a) Giám đốc Trung tâm thuộc biên chế công chức trong đơn vị sự nghiệp công lập;
b) Các chức danh còn lại là viên chức, số lượng viên chức được xác định theo vị trí việc làm và do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Trung tâm.
Điều 5. Về tài chính
Trung tâm thực hiện cơ chế tài chính theo quy định của pháp luật về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với đơn vị sự nghiệp công lập và theo quy định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
Điều 6. Hiệu lực thi hành
Thông tư liên tịch này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Thông tư số 18/2008/TT-BCT ngày 19 tháng 12 năm 2008 của Bộ Công Thương hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Điều 7. Trách nhiệm thi hành
1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Công Thương, Sở Nội vụ, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp và các cơ quan liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm triển khai thực hiện Thông tư liên tịch này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề phát sinh, khó khăn, vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung, đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cơ quan, đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Công Thương để thống nhất với Bộ Nội vụ xem xét, giải quyết./.

 

KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Duy Thăng
KT. BỘ TRƯỞNG
BỘ CÔNG THƯƠNG
THỨ TRƯỞNG
Hoàng Quốc Vượng
Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– Văn phòng TW Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
– HĐND,UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị, xã hội;
– Sở Công Thương, Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Bộ trưởng, các Thứ trưởng (Bộ CT, Bộ NV);
– Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
– Công báo;
– Website: Chính phủ; Bộ Công Thương; Bộ Nội vụ;
– Các Vụ: TCCB, PC (Bộ CT); TCBC, PC (Bộ NV);
– Lưu: VT, Cục CNĐP (Bộ Công Thương); VT, Vụ TCBC (Bộ Nội vụ).
Tags: , , , ,

Comments are closed.