Thông tư 87/2008/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành ngày 08/10/2008

THÔNG TƯ
CỦA BỘ TÀI CHÍNH SỐ 87/2008/TT-BTC NGÀY 08 THÁNG 10 NĂM 2008   
HƯỚNG DẪN QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG QUỸ BẢO TRỢ TRẺ EM

    
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước số 01/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 36/2005/NĐ-CP ngày 17/03/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em;
Căn cứ Nghị định số 77/2003/NĐ-CP ngày 01/7/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em như sau:

I . QUY ĐỊNH CHUNG
1. Quỹ Bảo trợ trẻ em là đơn vị sự nghiệp công lập; được thành lập ở cấp tỉnh và cấp Trung ương; do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý (đối với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam) và do Sở Lao động – Thương binh và Xã hội quản lý (đối với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) theo quy định tại Nghị định số 186/2007/NĐ-CP ngày 25/12/2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Nghị định số 13/2008/NĐ-CP ngày 04/2/2008 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
2. Quỹ Bảo trợ trẻ em được thành lập nhằm mục đích vận động sự đóng góp tự nguyện của cơ quan, tổ chức, cá nhân ở trong nước và nước ngoài, viện trợ quốc tế và hỗ trợ của ngân sách nhà nước cho sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
3. Đối tượng được Quỹ Bảo trợ trẻ em hỗ trợ:
– Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gồm: trẻ em mồ côi không nơi nương tựa, trẻ em bị bỏ rơi; trẻ em khuyết tật; trẻ em là nạn nhân của chất độc hoá học; trẻ em nhiễm HIV/AIDS; trẻ em phải làm việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với chất độc hại; trẻ em phải làm việc xa gia đình; trẻ em lang thang; trẻ em bị xâm hại tình dục; trẻ em nghiện ma tuý; trẻ em vi phạm pháp luật;
– Trẻ em mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo, chi phí điều trị cao; bị tai nạn thương tích;
– Trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng, vùng bị thiên tai, dịch bệnh;
– Trẻ em thuộc gia đình nghèo vượt khó học giỏi;
– Trẻ em được tài trợ theo địa chỉ cụ thể của cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ;
– Hỗ trợ cho các đối tượng trẻ em khác phù hợp với tôn chỉ và mục đích của quỹ.
    3. Quỹ Bảo trợ trẻ em là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực hoạt động xã hội: có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được phép mở tài khoản tại Ngân hàng hoặc Kho bạc nhà nước để giao dịch, tổ chức bộ máy kế toán theo quy định của Luật Kế toán; số dư quỹ cuối năm trước, kể cả kinh phí thường xuyên do ngân sách nhà nước cấp (nếu có) được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
    4. Nguồn tiền nhàn rỗi của quỹ (không bao gồm nguồn ngân sách nhà nước) được gửi tiết kiệm, mua trái phiếu Chính phủ nhằm bảo toàn, tăng trưởng quỹ, phục vụ cho hoạt động của quỹ.
    5. Quỹ Bảo trợ trẻ em phải công khai tình hình huy động, quản lý, sử dụng quỹ và báo cáo tình hình thực hiện công khai tài chính theo quy định tại Quyết định số 192/2004/QĐ-TTg ngày 16/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế công khai tài chính đối với các cấp ngân sách nhà nước, các đơn vị dự toán ngân sách, các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ, các dự án đầu tư xây dựng cơ bản có sử dụng vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ, các doanh nghiệp nhà nước, các quỹ có nguồn từ ngân sách nhà nước và các quỹ có nguồn từ các khoản đóng góp của nhân dân và các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Việc huy động, quản lý và sử dụng quỹ phải đảm bảo đúng mục đích, có hiệu quả theo đúng chế độ quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước và những quy định tại Thông tư này.

II. QUY ĐỊNH CỤ THỂ
    1. Nguồn thu của Quỹ Bảo trợ trẻ em:
    – Thu từ đóng góp tự nguyện, tài trợ hợp pháp bằng tiền, hiện vật, giấy tờ có giá, các quyền tài sản và các loại tài sản khác của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước dưới hình thức ủng hộ, hợp đồng tặng cho tài sản, hiến tặng, di chúc của người để lại tài sản hoặc các hình thức khác vào quỹ phù hợp với quy định của pháp luật.
  – Tiếp nhận tài trợ có mục đích, có địa chỉ cụ thể để thực hiện theo uỷ quyền của cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ.
  – Kinh phí do ngân sách nhà nước cấp, bao gồm:
  + Kinh phí thực hiện các nhiệm vụ do cơ quan nhà nước giao;
         + Kinh phí hỗ trợ chi thường xuyên theo định mức chi quản lý hành chính đối với số biên chế được cấp có thẩm quyền giao làm nhiệm vụ quản lý quỹ;
  + Kinh phí thực hiện các dịch vụ công, đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục tiêu quốc gia, dự án, đề án do Nhà nước đặt hàng (nếu có).
  + Kinh phí đối ứng cho các dự án viện trợ, tài trợ (nếu có).
  – Thu từ lãi tiền gửi, lãi trái phiếu Chính phủ (nếu có).
  – Các khoản thu hợp pháp khác (nếu có).
2. Nội dung chi của Quỹ Bảo trợ trẻ em:
2.1. Chi hỗ trợ cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn từ nguồn huy động đóng góp, tài trợ bao gồm:
    – Hỗ trợ phục hồi chức năng cho trẻ em bị khuyết tật như: phẫu thuật mắt, phẫu thuật vá môi hở hàm ếch, phẫu thuật dị tật vận động, phẫu thuật tim…
– Hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh, đi lại và tiền ăn cho trẻ em bị mắc các bệnh nặng, hiểm nghèo, bị tai nạn thương tích chi phí điều trị cao;
– Hỗ trợ kinh phí học nghề: học phí, tiền ăn, sách vở và đồ dùng học tập cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn có nhu cầu học nghề.
– Hỗ trợ học bổng, sách vở và đồ dùng học tập cho học sinh thuộc gia đình nghèo, con thương binh, liệt sỹ, con gia đình có công với cách mạng vượt khó học giỏi.
– Hỗ trợ xây dựng, sửa chữa, cải tạo nâng cấp lớp mẫu giáo, trung tâm phục hồi chức năng, điểm vui chơi, giải trí cho trẻ em ở các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc ít người, vùng căn cứ cách mạng.
– Hỗ trợ tổ chức các ngày lễ, kỷ niệm cho trẻ em như: ngày quốc tế thiếu nhi 1/6, Tết trung thu, gặp mặt trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vượt khó.
– Hỗ trợ đột xuất cho trẻ em vùng bị thiên tai, dịch bệnh.
– Hỗ trợ trẻ em nghèo học tại các lớp học tình thương do các tổ chức, cá nhân tổ chức.
– Hỗ trợ trẻ em nghèo gặp các tai nạn rủi ro khác.
    – Hỗ trợ trẻ em có địa chỉ cụ thể theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân tài trợ.
 – Hỗ trợ cho các đối tượng trẻ em khác phù hợp với tôn chỉ và mục đích của quỹ.
Nội dung và mức chi cụ thể cho các hỗ trợ nêu trên do Thủ trưởng cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội quyết định theo đề nghị của Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em cùng cấp đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế và khả năng của quỹ. Đối với các khoản tài trợ đã được thoả thuận hoặc có văn bản ký kết giữa Quỹ Bảo trợ trẻ em với nhà tài trợ về nội dung và mức chi thì thực hiện theo thoả thuận hoặc văn bản đã ký kết.
  2.2. Chi hoạt động quản lý Quỹ Bảo trợ trẻ em:
a) Quỹ được trích tối đa 10% (mười phần trăm) trên tổng số thu hàng năm của quỹ (trừ các khoản thu tài trợ có địa chỉ cụ thể, tài trợ bằng hiện vật và hỗ trợ của ngân sách nhà nước) để chi cho công tác quản lý quỹ. Căn cứ vào nguồn thu hàng năm, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam) và Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối với Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương) quyết định mức trích chi phí quản lý quỹ phù hợp với tình hình hoạt động của quỹ.
b) Nội dung và mức chi quản lý quỹ:
  – Chi hoạt động thường xuyên và không thường xuyên được thực hiện theo quy định hiện hành về nội dung chi đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
  – Chi hoạt động nghiệp vụ đặc thù của quỹ bao gồm:
  + Chi công tác tuyên truyền, vận động để huy động nguồn tài trợ.  
  + Chi cho các hoạt động liên quan đến việc thực hiện các nhiệm vụ tiếp nhận, vận chuyển, phân phối tiền, hàng tài trợ đến đối tượng (tiền thuê kho, bến bãi; chi phí đóng thùng, vận chuyển hàng hoá; chi phí chuyển tiền; chi phí khác);
  + Chi cho việc khảo sát, lập dự án và kiểm tra, giám sát, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ cho trẻ em.
         + Chi khen thưởng cho các đơn vị, tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc vận động nguồn tài trợ và đóng góp cho hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em.
  + Chi đặc thù khác có liên quan đến hoạt động của quỹ.
  Mức chi thực hiện theo chế độ, định mức chi hiện hành của Nhà nước đối với đơn vị sự nghiệp công lập và Quy chế chi tiêu nội bộ của Quỹ Bảo trợ trẻ em.
c) Quỹ Bảo trợ trẻ em được thực hiện cơ chế tự chủ tài chính đối với nguồn kinh phí quản lý quỹ theo quy định hiện hành về chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
2.3. Chi thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học, các chương trình mục  tiêu quốc gia, dự án, đề án do Nhà nước đặt hàng, vốn đối ứng cho các dự án viện trợ, tài trợ theo các quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Công tác lập dự toán, kế toán, quyết toán thu, chi và quản lý quỹ:
 Việc lập, chấp hành dự toán, hạch toán kế toán và quyết toán thu, chi Quỹ Bảo trợ trẻ em thực hiện theo quy định của Luật ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn Luật. Ngoài ra, Thông tư này hướng dẫn bổ sung một số điểm cụ thể như sau:
a) Lập dự toán:
Hàng năm, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao; nhiệm vụ của năm kế hoạch; chế độ chi tài chính hiện hành; tình hình thu, chi tài chính của năm trước liền kề, Quỹ bảo trợ trẻ em lập dự toán thu, chi theo quy định hiện hành về chế độ tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, gửi cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội xem xét, tổng hợp gửi cơ quan Tài chính cùng cấp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
    b) Hạch toán kế toán, quyết toán:
    Quỹ Bảo trợ trẻ em tổ chức và thực hiện công tác kế toán, thống kê theo quy định của pháp luật về kế toán, thống kê; mở sổ sách ghi chép đầy đủ danh sách các cơ quan, tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ và danh sách, địa chỉ các đối tượng được Quỹ Bảo trợ trẻ em giúp đỡ:
– Việc hạch toán kế toán, quyết toán kinh phí của Quỹ Bảo trợ trẻ em  thực hiện theo chế độ kế toán hành chính sự nghiệp hiện hành. Nghiêm cấm để ngoài sổ sách kế toán bất kỳ khoản thu, chi, tài sản, tiền quỹ, công nợ hay khoản đóng góp nào của các đơn vị, tổ chức, cá nhân.
– Đối với các nguồn viện trợ: thực hiện theo dõi, hạch toán và quyết toán theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước về việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn viện trợ.
– Đối với một số hoạt động hỗ trợ của Quỹ Bảo trợ trẻ em giao cho các cơ quan, tổ chức khác thực hiện thông qua hình thức ký hợp đồng với Quỹ Bảo trợ trẻ em thì chứng từ làm căn cứ thanh, quyết toán được lưu tại Quỹ Bảo trợ trẻ em, gồm: Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ (kèm theo dự toán chi tiết được Quỹ Bảo trợ trẻ em phê duyệt), biên bản nghiệm thu công việc, biên bản thanh lý hợp đồng, uỷ nhiệm chi hoặc phiếu chi và các tài liệu có liên quan khác. Các chứng từ chi tiêu cụ thể do cơ quan, tổ chức trực tiếp thực hiện hoạt động hỗ trợ lưu giữ theo quy định hiện hành.
– Hàng quý, năm, Quỹ Bảo trợ trẻ em có trách nhiệm lập báo cáo tài chính và quyết toán thu, chi quỹ để báo cáo Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em và cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội cùng cấp.

    c) Công tác quản lý quỹ:
– Quỹ Bảo trợ trẻ em phải thực hiện công khai mọi khoản thu, chi và chấp hành đúng chế độ tài chính, kế toán của Nhà nước nhằm cung cấp những thông tin cần thiết phục vụ cho công tác quản lý, chỉ đạo điều hành thu, chi của quỹ.
    – Định kỳ và đột xuất, cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội có trách nhiệm kiểm tra việc quản lý và sử dụng nguồn tài chính của quỹ. Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội và Hội đồng Bảo trợ Quỹ Bảo trợ trẻ em về toàn bộ hoạt động thu, chi của quỹ.
    – Cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm xét duyệt quyết toán toàn bộ các nguồn kinh phí hoạt động của Quỹ Bảo trợ trẻ em theo quy định hiện hành của Nhà nước và tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán của cơ quan Lao động – Thương binh và Xã hội để quyết toán với cơ quan Tài chính cùng cấp.
 
III. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 112/2004/TT-BTC ngày 24/11/2004 của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam.
    Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh kịp thời về Bộ Tài chính để nghiên cứu giải quyết./.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Phạm Sỹ Danh
Tags: , , , ,

Comments are closed.