Thông tư 45/2009/TT- BNNPTNT ngày 24/07/2009

BỘ NÔNG NGHIỆP
VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
——

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————-

Số: 45/2009/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 24 tháng 07 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN LẬP VÀ PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THUỶ LỢI

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03 tháng 01 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Pháp lệnh Khai thác và Bảo vệ công trình thuỷ lợi số 32/2001/PL-UBTVQH10 được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua ngày 4 tháng 4 năm 2001;
Căn cứ Nghị định của Chính phủ số 143/2003/NĐ-CP ngày 28 tháng 11 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và Nghị định số 72/2007/NĐ-CP ngày 07 tháng 5 năm 2007 về quản lý an toàn đập;
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn lập và phê duyệt phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi như sau:

Chương I.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi phải lập Phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi.

2. Các công trình thuỷ lợi phải lập và phê duyệt Phương án bảo vệ, bao gồm:

– Công trình thuỷ lợi quan trọng quốc gia.

– Công trình đầu mối (đập, tràn, cống) từ cấp II trở lên của các hồ chứa nước, vùng lòng hồ chứa nước có dung tích từ 5.106m3 trở lên.

– Trạm bơm có lưu lượng từ 20m3/s trở lên.

– Cống có lưu lượng từ 10m3/s trở lên.

– Kênh nổi có lưu lượng từ 10m3/s trở lên, kênh chìm có lưu lượng từ 50m3/s trở lên.

3. Đối với các công trình thuỷ lợi không nêu tại Khoản 2, Điều 1: Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện Phương án bảo vệ công trình.

4. Đối với các cống qua đê: Thực hiện lập và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ theo quy định tại Thông tư này và các quy định của Pháp luật về đê điều.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư này hướng dẫn lập và phê duyệt Phương án bảo vệ công trình thủy lợi.


Chương II.

NỘI DUNG PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ CÔNG TRÌNH THỦY LỢI

Điều 3. Nội dung của Phương án bảo vệ công trình thủy lợi

1. Đặc điểm địa hình, địa chất, mưa lũ trên lưu vực, các chỉ tiêu, thông số thiết kế, mặt bằng bố trí công trình, khu tưới và quy trình vận hành công trình.

2. Đánh giá về hiện trạng và an toàn công trình.

3. Tình hình quản lý, khai thác, bảo vệ công trình.

4. Quy định chế độ kiểm tra thường xuyên, định kỳ, kiểm tra đột xuất và báo cáo.

5. Xây dựng phương án bảo vệ công trình trong các trường hợp:

a) Bảo vệ công trình trong điều kiện quản lý, vận hành bình thường:

– Xác định phạm vi bảo vệ công trình kèm theo sơ đồ mặt bằng.

– Chế độ bảo vệ: thường xuyên, kiểm tra định kỳ, đột xuất..

– Tổ chức lực lượng bảo vệ: bố trí, phân công và trách nhiệm bảo vệ

– Bảng nội quy bảo vệ công trình đặt tại vị trí đầu mối với công trình thuỷ lợi quan trọng quốc gia, đập hồ chứa nước có dung tích từ 5×106 m3 trở lên, cống lấy nước có lưu lượng 10m3/s trở lên và các trạm bơm điện có lưu lượng 20m3/s trở lên .

b) Bảo vệ, bảo đảm an toàn công trình trong mùa mưa lũ và trong trường hợp công trình xảy ra sự cố hoặc có nguy cơ xảy ra sự cố:

– Phương án tổ chức, chỉ huy.

– Phương án kỹ thuật.

– Phương án huy động vật tư, vật liệu, phương tiện, trang thiết bị.

– Phương án huy động nhân lực, hậu cần.

– Phương án thông tin, liên lạc.

– Phương án sơ tán dân cư.

Điều 4. Các quy định cụ thể về phạm vi bảo vệ công trình

Việc cắm mốc chỉ giới phạm vi vùng phụ cận công trình thuỷ lợi quy định tại khoản 3 Điều 25 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi và Điều 23 Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 Quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi, được quy định như sau:

1. Đối với đập từ cấp II trở lên của hồ chứa nước: Khoảng cách 2 mốc liền nhau là 20m (đập ở gần khu đô thị, dân cư tập trung) và 50m (đập không gần khu đô thị, dân cư tập trung).

2. Khu lòng hồ chứa nước có dung tích từ 5 x 106m3 trở lên (trừ những hồ có độ dốc lòng hồ lớn hoặc lưu vực là rừng rậm, không có dân sinh và các hoạt động kinh tế, dịch vụ): Cắm mốc theo đường biên có cao trình bằng cao trình đỉnh đập, khoảng cách 2 mốc liền nhau, tuỳ điều kiện cụ thể để quy định, tối đa không quá 300m.

3. Kênh nổi có lưu lượng từ 10m3/s trở lên, kênh chìm có lưu lượng từ 50m3/s trở lên: Khoảng cách 2 mốc liền nhau là 100m (kênh đi qua đô thị, khu dân cư tập trung) và 300m (kênh không đi qua đô thị, khu dân cư tập trung).

Điều 5. Các quy định về tổ chức lực lượng bảo vệ công trình

1. Tổ chức lực lượng bảo vệ công trình

Đối với công trình quan trọng quốc gia: tổ chức quản lý khai thác công trình thành lập tổ bảo vệ công trình có sự tham gia của lực lượng công an.

Đối với đập của hồ chứa nước có dung tích từ 10×106 m3 trở lên, cống có lưu lượng từ 10m3/s trở lên, trạm bơm có lưu lượng từ 20 m3/s trở lên: tổ chức quản lý khai thác thành lập tổ bảo vệ công trình.

Các công trình thuỷ lợi khác, tuỳ từng quy mô, loại hình công trình, mức độ quan trọng mà tổ chức quản lý khai thác bố trí người trực tiếp quản lý khai thác kiêm bảo vệ cho 1 công trình hoặc cụm công trình để bảo đảm an toàn.

2. Thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão công trình: Công trình thuỷ lợi nằm trong địa giới hành chính thuộc quyền quản lý của uỷ ban nhân dân cấp nào thì chủ tịch uỷ ban nhân dân cấp đó quyết định thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão công trình.

Ban chỉ huy phòng chống lụt bão công trình gồm lãnh đạo chính quyền, đơn vị trực tiếp quản lý công trình, cơ quan chuyên môn và các đơn vị có liên quan để bảo đảm an toàn công trình. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban được quy định tại Quyết định thành lập Ban chỉ huy phòng chống lụt bão công trình của cấp có thẩm quyền.


Chương III.

PHÊ DUYỆT VÀ THỰC HIỆN PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ CÔNG TRÌNH

Điều 6. Tiếp nhận hồ sơ, thẩm định Phương án bảo vệ công trình

1. Đối với công trình thuỷ lợi quan trọng quốc gia, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao Cục Thuỷ lợi tiếp nhận hồ sơ và thẩm định phương án bảo vệ công trình. Khi thẩm định phải có ý kiến đồng thuận bằng văn bản của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành có liên quan.

2. Đối với các hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ nhiều tỉnh do công ty Khai thác công trình thuỷ lợi (KTCTTL) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý, Cục Thuỷ lợi tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án bảo vệ công trình.

3. Đối với các công trình thuỷ lợi nằm trong địa giới tỉnh (trừ các công trình thuỷ lợi nêu tại Khoản 1 và 2 Điều này), Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp nhận hồ sơ, thẩm định phương án bảo vệ công trình.

Điều 7. Trình và phê duyệt Phương án bảo vệ công trình

1. Đối với hệ thống công trình thuỷ lợi, công trình thuỷ lợi quan trọng quốc gia quy định tại Khoản 3 Điều 22 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án bảo vệ công trình.

2. Đối với các hệ thống công trình thuỷ lợi phục vụ nhiều tỉnh do công ty KTCTTL thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý: Cục Thủy lợi trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt Phương án bảo vệ công trình.

3. Đối với hệ thống công trình thuỷ lợi do các địa phương quản lý: Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình UBND cấp tỉnh phê duyệt Phương án bảo vệ các công trình nằm trong địa giới tỉnh, trừ các công trình thuỷ lợi nêu tại Khoản 1 và 2 Điều này.

Điều 8. Thời gian thẩm định, phê duyệt Phương án bảo vệ công trình

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ, cơ quan nhận hồ sơ có trách nhiệm xem xét, kiểm tra hồ sơ. Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu theo quy định, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân lập phương án bảo vệ công trình để bổ sung hoàn thiện.

2. Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đầy đủ hồ sơ hợp lệ, cơ quan thẩm định có trách nhiệm xem xét, thẩm định hồ sơ, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Điều 9. Thực hiện Phương án bảo vệ công trình thuỷ lợi

1. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo thực hiện Phương án bảo vệ Công trình thuỷ lợi quan trọng quốc gia được phê duyệt.

2. Đối với hệ thống công trình phục vụ nhiều tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao cho Uỷ ban nhân dân tỉnh có công trình nằm trong địa bàn tỉnh đó chỉ đạo thực hiện Phương án bảo vệ đã được phê duyệt.

3. Uỷ ban nhân dân các cấp thực hiện Phương án bảo vệ công trình đã được phê duyệt, quy định tại Điểm a, b, c Khoản 2 Điều 22 Pháp lệnh Khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi.


Chương IV.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm tổ chức thực hiện Thông tư

1. Cục Thủy lợi: Đôn đốc, kiểm tra việc lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và của các địa phương.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương giúp Ủy ban nhân dân tỉnh trong việc đôn đốc, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình thủy lợi tại địa phương lập phương án bảo vệ công trình; thẩm định, trình duyệt và theo dõi việc tổ chức thực hiện phương án bảo vệ công trình thủy lợi.

3. Các tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý công trình thủy lợi có trách nhiệm lập và tổ chức thực hiện Phương án bảo vệ công trình thủy lợi được phê duyệt.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các địa phương phản ánh, báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét và nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp.

 

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Đào Xuân Học

 

 

 

Tags: , ,

Comments are closed.