Thông tư 219/2009/TT-BTC ngày 19/11/2009

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———

Số: 219/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 19 tháng 11 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH MỘT SỐ ĐỊNH MỨC CHI TIÊU ÁP DỤNG CHO CÁC DỰ ÁN/CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG NGUỒN VỐN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC (ODA)

Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 9/11/2006 của Chính phủ ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức;

Bộ Tài chính quy định một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án/ chương trình sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) như sau:

Điều 1. Phạm vi, đối tượng và nguyên tắc áp dụng

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng:

a) Phạm vi:

Thông tư này áp dụng cho các dự án/chương trình ODA vay nợ (chi tiêu từ nguồn vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng trong nước) và các dự án ODA viện trợ không hoàn lại (chi tiêu từ nguồn vốn đối ứng trong nước).

Đối với các dự án ODA viện trợ không hoàn lại, việc chi tiêu từ nguồn vốn viện trợ áp dụng các định mức chi theo quy định chung của nhà tài trợ, hoặc các định mức chi được xác định và ghi trong thoả thuận tài trợ; Trường hợp nếu nhà tài trợ không có quy định chung và trong thoả thuận tài trợ chưa quy định về định mức chi thì cơ quan chủ quản dự án phối hợp với nhà tài trợ để xây dựng định mức chi tiêu và thống nhất với Bộ Tài chính để thực hiện; Trường hợp nhà tài trợ chưa có quy định về định mức chi và hai bên không có thoả thuận về định mức chi thì dự án được áp dụng các định mức chi quy định tại Thông tư này.

b) Đối tượng áp dụng:

Thông tư này được áp dụng cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện các dự án/chương trình ODA vay nợ và viện trợ (chi tiêu từ nguồn vốn vay nước ngoài và vốn đối ứng trong nước).

2. Nguyên tắc áp dụng:

a) Những định mức chi được quy định trong Thông tư này là mức trần tối đa. Trong phạm vi các định mức qui định tại Thông tư này và trong phạm vi cho phép của nguồn ngân sách chi quản lý dự án, chương trình, giám đốc các Ban quản lý dự án/chương trình ODA, chủ dự án/chương trình ODA (đối với trường hợp không thành lập Ban quản lý dự án) quyết định mức chi cụ thể áp dụng cho dự án, chương trình (sau đây viết tắt là dự án), đảm bảo việc thực hiện dự án tiết kiệm, hiệu quả.

b) Giám đốc Ban quản lý dự án, chủ dự án (đối với trường hợp không thành lập Ban quản lý dự án) chịu trách nhiệm trước cơ quan chủ quản về việc chi tiêu của dự án theo đúng quy định hiện hành.

Điều 2. Tiền lương và các khoản phụ cấp lương

Tiền lương và các khoản phụ cấp quản lý dự án ODA áp dụng đối với các cán bộ làm việc tại các Ban quản lý dự án, chương trình ODA chuyên trách hoặc kiêm nhiệm được thành lập theo quyết định của cơ quan chủ quản để thực hiện dự án (sau đây viết tắt là BQLDA ODA) được quy định như sau:

1. Đối với các BQLDA ODA hành chính sự nghiệp (HCSN), BQLDA ODA hỗn hợp có nội dung hoạt động vừa có tính chất hành chính sự nghiệp vừa có tính chất xây dựng cơ bản và hoặc nội dung tín dụng:

Các cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế các cơ quan HCSN khi được điều động sang làm việc chuyên trách hoặc phân công làm việc kiêm nhiệm tại các BQLDA ODA được cơ quan điều động chi trả, thanh toán tiền lương theo cấp bậc, phụ cấp lương được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các khoản đóng góp (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn) theo qui định hiện hành của Nhà nước.

Trường hợp cơ quan điều động không chi trả tiền lương theo cấp bậc, phụ cấp lương và các khoản đóng góp và đã ghi rõ trong quyết định điều động cán bộ, công chức, viên chức thì BQLDA ODA có trách nhiệm chi trả tiền lương theo cấp bậc, phụ cấp lương được quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang và các khoản đóng góp (bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn) theo qui định hiện hành của Nhà nước từ nguồn kinh phí quản lý dự án .

2. Đối với các BQLDA ODA đầu tư xây dựng cơ bản:

Tiền lương và phụ cấp quản lý dự án của cán bộ, viên chức, viên chức làm việc tại BQLDA ODA đầu tư xây dựng cơ bản (XDCB) chuyên trách được thành lập theo quyết định của chủ dự án hoặc cơ quan chủ quản áp dụng qui định tại Quyết định số 198/1999/QĐ-TTg ngày 30/9/1999 của Thủ tướng Chính phủ về tiền lương của cán bộ, viên chức làm việc tại các Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và các văn bản khác liên quan.

Điều 3. Phụ cấp quản lý dự án ODA

1. Các cán bộ, công chức, viên chức thuộc biên chế HCSN khi được điều động sang làm việc chuyên trách hoặc phân công làm việc kiêm nhiệm tại các BQLDA ODA được BQLDA ODA chi trả một khoản phụ cấp quản lý dự án ODA (ngoài khoản tiền lương và phụ cấp lương nêu tại khoản 1, Điều 2 nói trên) tối đa bằng tiền lương theo cấp bậc được hưởng theo quy định tại Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ công chức, viên chức và lực lượng vũ trang hiện hành, cụ thể:

a) Đối với cán bộ, công chức viên chức được điều động sang làm việc chuyên trách tại các BQLDA ODA được hưởng phụ cấp quản lý dự án ODA tối đa bằng 100% mức lương theo cấp bậc, phụ cấp lương được hưởng.

b) Đối với cán bộ, công chức, viên chức được phân công làm việc kiêm nhiệm quản lý dự án tại một BQLDA ODA được hưởng phụ cấp quản lý dự án ODA theo tỷ lệ tương ứng với tỷ lệ thời gian làm việc tại dự án. Trường hợp cán bộ, công chức, viên chức được phân công làm kiêm nhiệm ở nhiều BQLDA ODA thì mức phụ cấp quản lý dự án ODA kiêm nhiệm được xác định tương ứng với tỷ lệ thời gian làm việc cho từng dự án ODA, nhưng tổng mức phụ cấp của tất cả các dự án làm kiêm nhiệm tối đa bằng 100% mức lương theo cấp bậc, phụ cấp lương được hưởng.

Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ, công chức, viên chức, Thủ trưởng cơ quan điều động phân công cán bộ, công chức, viên chức làm kiêm nhiệm khi ra quyết định phân công cần xác định tỷ lệ thời gian làm việc kiêm nhiệm ở các Ban QLDA ODA phải chịu trách nhiệm đảm bảo sự hợp lý giữa thời gian thực hiện dự án và thời gian thực hiện nhiệm vụ chuyên môn ở cơ quan chính theo chế độ quy định.

Cơ quan ra quyết định phân công công tác phải ghi rõ trong quyết định phân công tỷ lệ thời gian làm việc kiêm nhiệm ở từng dự án để làm cơ sở xác định mức phụ cấp quản lý dự án ODA.

c) Trường hợp các chương trình, dự án không thành lập Ban Quản lý dự án nhưng có quyết định phân công nhiệm vụ thực hiện dự án của cơ quan có thẩm quyền, thì các cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án ODA theo quyết định được hưởng mức phụ cấp quản lý dự án theo tỷ lệ thời gian tham gia dự án như đã nêu ở trên.

2. Phụ cấp quản lý dự án ODA theo quy định ở khoản 1, Điều 3 trên đây không áp dụng đối với các BQLDA ODA XDCB.

3. Đối với cán bộ, công chức, viên chức là thành viên Ban chỉ đạo dự án được hưởng phụ cấp tham gia Ban Chỉ đạo dự án trong các kỳ họp của Ban chỉ đạo với mức tối đa không quá 300.000 đồng/thành viên/cuộc họp tùy theo tính chất của từng cuộc họp.

4. Các cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các BQLDA ODA viện trợ không hoàn lại nếu được hưởng phụ cấp từ nguồn vốn nước ngoài tài trợ thì không được hưởng phụ cấp quản lý dự án ODA từ nguồn vốn đối ứng theo Thông tư này.

5. Đối với các cán bộ làm ở các cấp thực thi/ hay thực hiện dự án như ban/tổ/nhóm thực thi/ thực hiện dự án ở cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn, bản, trực tiếp tham gia thực hiện các hoạt động của dự án:

a) Tùy theo tính chất phức tạp và mức độ đòi hỏi công việc của dự án, các cán bộ làm ở các cấp thực thi dự án có thể được hưởng phụ cấp thực hiện dự án ODA trong thời gian thực hiện từng hoạt động dự án (khi có hoạt động thì được hưởng phụ cấp, khi không có hoạt động thì không được hưởng phụ cấp).

b) Chủ dự án căn cứ vào yêu cầu công việc, khối lượng, thời gian thực hiện và mức độ phức tạp của công việc của dự án, khả năng, trình độ, chuyên môn của cán bộ được giao nhiệm vụ thực hiện dự án, lấy ý kiến của cơ quan tài chính đồng cấp để trình Cơ quan chủ quản dự án ra quyết định việc áp dụng phụ cấp thực hiện dự án ODA cho các cán bộ ở các cấp thực thi dự án.

c) Phụ cấp được quy định như sau:

– Đối với cán bộ làm ở cấp thực thi dự án cấp huyện, xã, thôn, bản tại các huyện, xã miền núi, vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa theo quy định tại văn bản 705/TTg-KGVX ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục triển khai Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP (danh sách các huyện cụ thể quy định tại Phụ lục 1 kèm theo Thông tư này): Mức phụ cấp tối đa là 40% mức lương cấp bậc hiện đang hưởng được tính theo tháng.

– Đối với cán bộ ở cấp thực thi dự án các địa bàn khác không thuộc Danh mục các địa bàn khó khăn theo văn bản số 705/TTg-GGVX nói trên (bao gồm cấp trung ương, tỉnh, huyện, xã, thôn, bản): Mức phụ cấp tối đa là 30% mức lương cấp bậc hiện đang hưởng được tính theo tháng.

– Trường hợp cán bộ thực thi dự án các cấp không hưởng lương từ ngân sách hoặc làm việc theo các chức danh không có quy định về tiền lương theo cấp bậc thì thực hiện ký hợp đồng lao động và được hưởng mức thù lao tối đa bằng 40% mức lương tối thiểu theo quy định hiện hành.

Khi ra quyết định áp dụng mức phụ cấp thực hiện dự án ODA cho các cán bộ ở các cấp thực thi dự án, cơ quan chủ quản dự án phải ghi rõ trong quyết định thời gian tham gia thực hiện dự án của các cán bộ thực thi dự án ở các cấp để làm cơ sở tính định mức phụ cấp thực hiện dự án.

Điều 4. Quy định về tiền công, tiền lương, chế độ bảo hiểm của người lao động tuyển dụng theo chế độ hợp đồng của các BQL dự án ODA

1. Về tiền công, tiền lương:

a) Đối với lao động hợp đồng làm công việc mang tính chất chuyên môn, nghiệp vụ trong các dự án ODA (cả ODA XDCB và ODA HCSN) thực hiện nguyên tắc trả lương theo mức bằng với lương của người lao động trong biên chế có trình độ đào tạo, trình độ nghiệp vụ công việc và thâm niên công tác tương đương (đã nhân theo hệ số điều chỉnh đối với dự án ODA XDCB hoặc cộng thêm phụ cấp quản lý dự án ODA đối với dự án ODA HCSN nêu tại điểm a, khoản 1, Điều 3 trên đây).

b) Đối với lao động hợp đồng làm công việc đơn giản, không mang tính chất nghiệp vụ của dự án như lái xe, văn thư, bảo vệ, tạp vụ… áp dụng quy định tại Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17/11/2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng một số loại công việc trong cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp và được áp dụng hệ số điều chỉnh không vượt quá 1,5 lần để thoả thuận mức thù lao.

2. Chế độ bảo hiểm:

Chế độ bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế cho người lao động tuyển dụng theo chế độ hợp đồng được áp dụng theo qui định hiện hành.

Điều 5. Định mức chi dịch thuật

1. Dịch viết:

a) Dịch tài liệu từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt: không quá 90.000 đồng/trang 350 từ.

b) Dịch tài liệu từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài: không quá 100.000 đồng/trang 350 từ.

2. Dịch nói:

a) Dịch nói thông thường: không quá 200.000 đồng/giờ/người, tương đương với không quá 1.600.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng.

b) Dịch đuổi: không quá 350.000 đồng/giờ/người, tương đương với không quá 2.800.000 đồng/ngày/người làm việc 8 tiếng.

c) Trường hợp đặc biệt cần phiên dịch, biên dịch những ngoại ngữ đặc biệt, những nội dung khó, ít người làm, Giám đốc BQL dự án, Chủ chương trình dự án (trường hợp không thành lập BQLDA) được thỏa thuận và quyết định mức tiền thuê biên, phiên dịch, mức tối đa không quá 150% so với mức đã qui định tại các mục 1, 2 nêu trên.

Các định mức chi dịch thuật nói trên chỉ được áp dụng trong trường hợp cần thiết khi BQL dự án ODA phải thuê biên phiên dịch từ bên ngoài, không áp dụng cho biên, phiên dịch hưởng lương biên, phiên dịch của BQL dự án ODA.

Điều 6. Chế độ công tác phí

1. Đối tượng áp dụng: Chế độ công tác phí áp dụng đối với các cán bộ của BQLDA ODA, cán bộ, khách mời, tư vấn của dự án thuộc đối tượng được phép chi bằng nguồn kinh phí của dự án.

2. Nguyên tắc áp dụng: Áp dụng các quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Công tác phí trả cho người đi công tác trong nước gồm tiền tầu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở nơi đến công tác, cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có).

3. Để phù hợp với tình hình thực tế, Thông tư này quy định mức chi đặc thù ở các nội dung chi cụ thể như sau:

a) Tiền tầu xe đi lại:

– Áp dụng theo quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ công tác phí, chế độ chi tiêu tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

– Trường hợp cần đi công tác bằng máy bay, giám đốc dự án được quyết định việc cho phép cán bộ, khách mời của dự án đi theo nguồn chi trả của dự án.

– Khoán tiền đi lại ở những vùng núi cao, hải đảo, biên giới không có các phương tiện giao thông công cộng, đi lại không có hoá đơn, chứng từ, không có cơ sở xác định mức tiền cước vận tải ô tô công cộng để tính toán mức khoán theo quy định hiện hành.

-Trường hợp đi công tác theo đoàn công tác liên ngành, liên cơ quan:

+ Nếu tổ chức đi theo đoàn tập trung thì cơ quan, đơn vị chủ trì đoàn công tác chịu trách nhiệm chi tiền tàu xe đi lại và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có) cho người đi công tác trong đoàn; nếu không đi tập trung theo đoàn mà người đi công tác tự đi đến nơi công tác thì cơ quan, đơn vị cử người đi công tác thanh toán tiền tàu xe đi lại và cước hành lý, tài liệu mang theo để làm việc (nếu có) cho người đi công tác;

Cơ quan, đơn vị cử người đi công tác có trách nhiệm thanh toán tiền phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở cho người thuộc cơ quan mình cử đi công tác.

+ Trường hợp, đơn vị chủ trì đoàn công tác thanh toán các chi phí tiền tàu xe đi lại, phụ cấp lưu trú, tiền thuê chỗ ở cho các thành viên trong đoàn thuộc các cơ quan khác nhau, đơn vị chủ trì phải thông báo rõ trong giấy mời tham gia đoàn công tác để tránh chi trùng lắp. Đơn vị chủ trì đoàn công tác có trách nhiệm tính toán số kinh phí này để lập dự toán chi phí.

b) Phụ cấp lưu trú:

– Phụ cấp lưu trú: Phụ cấp lưu trú để trả cho người đi công tác tối đa không quá 100.000 đồng/ người/ ngày.

– Trường hợp đi công tác trong ngày (đi và về trong ngày), cách trụ sở cơ quan 10 km trở lên (đối với khu vực vùng cao, hải đảo; miền núi khó khăn, vùng sâu) và từ 15 km trở lên (đối với vùng còn lại), căn cứ mức chi phụ cấp lưu trú quy định nêu trên Giám đốc BQL dự án ODA, Chủ dự án (trường hợp không thành lập BQLDA) quyết định mức chi cụ thể cho phù hợp nhưng không quá 70.000 đồng/ngày và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của dự án.

– Cán bộ công chức được cử đi công tác, đi làm nhiệm vụ ở trên biển, hải đảo được hưởng mức phụ cấp lưu trú tối đa là 150.000 đ/người/ ngày thực tế đi công tác.

Trong trường hợp quy định hiện hành về chế độ công tác phí có quy định mức phụ cấp lưu trú cao hơn mức quy định nêu trên thì được áp dụng theo mức quy định cao hơn.

c) Thanh toán tiền thuê phòng nghỉ tại nơi đến công tác: áp dụng quy định hiện hành của Nhà nước về chế độ công tác phí, chế độ chi tiêu tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 7. Chế độ chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn

1. Nguyên tắc áp dụng:

a) Chi phí hội nghị, hội thảo, tập huấn nêu trong Thông tư này được áp dụng đối với các hội nghị tổng kết, hội nghị đánh giá theo định kỳ tình hình thực hiện dự án ODA, hội nghị, hội thảo, tập huấn để chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn triển khai thực hiện dự án và phải nằm trong kế hoạch hoạt động của dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp phát sinh thêm hoạt động phải được cơ quan chủ quản phê duyệt bổ sung kế hoạch.

b) Các dự án tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn với qui mô toàn quốc, phải được phép bằng văn bản của cơ quan chủ quản đầu tư hoặc của Trưởng ban chỉ đạo của Dự án, cụ thể.

– Hội nghị, hội thảo: thời gian tổ chức không quá 3 ngày

– Tập huấn: thời gian tổ chức không quá 7 ngày.

c) Tất cả các BQL dự án ODA khi tổ chức hội nghị, hội thảo, tập huấn, phải nghiên cứu sắp xếp địa điểm hợp lý, chuẩn bị nội dung có chất lượng, cân nhắc thành phần, số lượng đại biểu tham dự theo nguyên tắc hiệu quả và chi tiêu tiết kiệm.

d) Trường hợp cần thiết phải tổ chức họp lấy ý kiến cộng đồng ở cấp thôn, bản, Giám đốc dự án, Chủ dự án (trường hợp không thành lập BQLDA) chịu trách nhiệm xem xét, quyết định trong phạm vi kinh phí quản lý dự án đã được duyệt.

đ) Các hoạt động tập huấn, bồi dưỡng, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ theo các lĩnh vực chuyên ngành của từng dự án (ví dụ đào tạo bồi dưỡng giáo viên trong các dự án giáo dục, tập huấn kỹ thuật nông/ lâm/ thuỷ lợi, hội thảo đầu bờ trong các dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp, đào tạo bồi dưỡng y tá, bác sỹ, nhân viên y tế trong các dự án y tế…) thì áp dụng các định mức chi tiêu theo các quy định hiện hành về mức chi cho công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên ngành bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước.

2. Các mức chi cụ thể:

a) Thanh toán tiền tàu xe và tiền thuê chỗ ở khi tham dự hội nghị, hội thảo, tập huấn: áp dụng qui định tại điểm a và c, khoản 3, Điều 6 Thông tư này.

b) Phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt:

– Đối với hội nghị, hội thảo, tập huấn, tổ chức tại các thành phố trực thuộc Trung ương: Cán bộ ban tổ chức, đại biểu, giảng viên của hội nghị, hội thảo, tập huấn được hưởng mức phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt không quá 100.000 đồng/ngày/người.

– Đối với hội nghị, hội thảo, tập huấn, tổ chức tại các tỉnh, thành còn lại trong cả nước: Cán bộ ban tổ chức, đại biểu, giảng viên của hội nghị, hội thảo, tập huấn được hưởng mức phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt không quá 80.000 đồng/ngày/người.

– Thành viên ban tổ chức, đại biểu, giảng viên của hội nghị, hội thảo, tập huấn, đã hưởng phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt theo qui định tại điểm b, khoản 2, Điều 7 này sẽ không được hưởng phụ cấp công tác phí theo qui định tại Điều 6 của Thông tư này.

– Thống nhất qui định đối với các hội nghị, hội thảo, tập huấn, do các BQL dự án ODA tổ chức, ban tổ chức sẽ chi 100% phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt cho tất cả cán bộ tổ chức, đại biểu tham dự và giảng viên từ nguồn kinh phí của dự án. Cơ quan cử đại biểu tham dự không thanh toán tiền phụ cấp lưu trú cho cán bộ được cử tham dự hội nghị, hội thảo. Ban tổ chức hội nghị, hội thảo, cần thông báo rõ trong giấy mời chế độ chi cho các đại biểu dự hội nghị, hội thảo. Trường hợp đặc biệt, ban tổ chức hội nghị, hội thảo, không chi thanh toán tiền ăn và tiêu vặt cho các đại biểu tham dự cũng phải ghi rõ trong giấy mời.

Trong trường hợp Nhà nước điều chỉnh tăng tiền lương tối thiểu thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức cuộc họp được quyết định điều chỉnh tăng mức phụ cấp tiền ăn và tiêu vặt cho các đối tượng tham dự hội nghị, hội thảo nêu trên theo tỷ lệ phần trăm tăng của tiền lương tối thiểu.

c) Tiền thuê giảng viên:

Đối với các hội nghị, hội thảo, tập huấn có thuê giảng viên thì định mức thuê giảng viên áp dụng theo qui định về chi phí thuê giảng viên tại Thông tư 51/2008/TT-BTC ngày 16/06/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn quản lý và sử dụng kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức Nhà nước và các văn bản thay thế, sửa đổi, bổ sung Thông tư này.

Mức trần nêu trên đã bao gồm cả tiền công giảng và soạn tài liệu giảng dạy.

Trường hợp đặc biệt, nếu tài liệu giảng dạy hay tham khảo thuộc loại chuyên môn sâu, đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và chất xám, giám đốc BQL dự án, Chủ dự án (trường hợp không thành lập BQLDA) có thể ký kết hợp đồng tư vấn để chuẩn bị, in ấn tài liệu và thanh toán theo hợp đồng đó.

d) Văn phòng phẩm: Ban tổ chức được thanh toán tiền theo thực chi nhưng không vượt quá mức 50.000 đồng/người/ khoá ở các hội nghị, hội thảo, tập huấn.

đ) Giải khát giữa giờ: Ban tổ chức được thanh toán theo thực chi nhưng không vượt quá mức 30.000 đồng/người/ngày ở các hội nghị, hội thảo, tập huấn tại các thành phố, đô thị loại 1 trở lên, không vượt quá mức 20.000 đồng/người/ngày ở hội nghị, hội thảo, tập huấn tổ chức tại các nơi còn lại.

e) Các khoản chi khác như thuê phòng họp, thuê thiết bị, cắt dán phông chữ… trong chế độ chi hội nghị, hội thảo được thanh toán theo chế độ thực chi do giám đốc BQL dự án quyết định trên cơ sở tiết kiệm và hợp lý.

Điều 8. Chi chuyên gia tư vấn trong nước

1. Thuê tuyển và chi trả cho chuyên gia tư vấn trong nước:

a) Việc thuê tuyển và chi trả cho chuyên gia tư vấn trong nước được thực hiện theo các qui định hiện hành trong nước và qui định của nhà tài trợ về đấu thầu tuyển chọn chuyên gia.

b) Trong trường hợp không thể lựa chọn được chuyên gia tư vấn thích hợp thông qua phương thức đấu thầu thì tùy thuộc vào yêu cầu của dự án, trình độ chuyên môn, học hàm, học vị, thâm niên công tác, khả năng ngoại ngữ, năng lực thực hiện, nhiệm vụ của tư vấn, qui mô của dự án, và địa bàn thực thi nhiệm vụ của chuyên gia tư vấn, giám đốc BQL dự án lựa chọn mức chi cho tư vấn quy định dưới đây, đề xuất Bộ, cơ quan địa phương chủ quản quyết định phê duyệt để áp dụng.

c) Các mức chi chuyên gia tư vấn này là mức chi trọn gói, bao gồm cả bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và các loại thuế theo quy định hiện hành.

2. Các mức chi chuyên gia tư vấn trong nước:

a) Mức 1: Chuyên gia có bằng đại học và có từ 3 đến dưới 5 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao học và dưới 3 năm kinh nghiệm, áp dụng mức tối đa không quá 5.400.000 đồng/tháng/người hoặc mức tiền Đồng tương đương không quá 300 USD (tùy theo tỷ giá tại thời điểm thuê tuyển).

b) Mức 2: Chuyên gia có bằng đại học và có từ 5 đến dưới 10 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao học và có từ 3 đến 5 năm kinh nghiệm, áp dụng mức tối đa không quá 10.800.000 đồng/tháng/ người hoặc mức tiền Đồng tương đương không quá 600 USD (tùy theo tỷ giá tại thời điểm thuê tuyển).

c) Mức 3: Chuyên gia có bằng đại học và có từ 10 đến dưới 15 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao học và có từ 5 đến 8 năm kinh nghiệm, áp dụng mức tối đa không quá 21.000.000 đồng/tháng/ người hoặc mức tiền Đồng tương đương không quá 1.200 USD (tùy theo tỷ giá tại thời điểm thuê tuyển).

d) Mức 4: Chuyên gia Chuyên gia có bằng đại học và 15 năm kinh nghiệm hoặc có bằng cao học và trên 8 năm kinh nghiệm áp dụng mức tối đa không quá 27.000.000 đồng/tháng/người hoặc mức tiền Đồng tương đương không quá 1.500 USD (tùy theo tỷ giá tại thời điểm thuê tuyển).

đ) Mức đặc biệt: Trường hợp đặc biệt, dự án cần chuyên gia tư vấn có chuyên môn cao, ngành nghề đặc biệt, đặc thù, địa bàn thực hiên dự án ở vùng khó khăn, xa xôi hẻo lánh, BQL dự án có thể trình cơ quan chủ quản dự án quyết định mức thù lao cao hơn theo thỏa thuận với chuyên gia tư vấn.

Trường hợp, dự án áp dụng hình thức hợp đồng trọn gói theo quy định của Luật Đấu thầu, các mức chi tư vấn trong nước nêu trên là căn cứ để lập và xét duyệt dự toán giá trị hợp đồng.

Điều 9. Chi phí thường xuyên khác

Việc mua văn phòng phẩm, vật tư, xăng xe, sửa chữa xe, máy phục vụ công tác chuyên môn, cước phí thông tin liên lạc theo kế hoạch được cấp có thẩm quyền duyệt hàng năm và phải có chứng từ chi hợp lệ, hợp pháp và không vượt quá mức dự toán hoặc mức trích cho chi phí quản lý dự án theo quy định hiện hành.

Điều 10. Tổ chức thực hiện

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký. Thông tư này thay thế Quyết định số 61/2006/QĐ-BTC ngày 2/11/2006 của Bộ Tài chính Ban hành một số định mức chi tiêu áp dụng cho các dự án, chương trình sử dụng nguồn vốn ODA.

Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản được dẫn chiếu để áp dụng trong Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hay thay thế bằng các văn bản mới thì các dự án được dẫn chiếu áp dụng theo các văn bản mới đó.

Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo triển khai và hướng dẫn các đơn vị, các dự án trực thuộc sử dụng nguồn vốn ODA thực hiện Thông tư này./.

 

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng Chính phủ (Để báo cáo);
– VP Quốc hội; VP Chủ tịch nước;
– VP Chính phủ;
– VP TW Đảng và các ban của Đảng;
– Toà án NDTC;
– Viện Kiểm sát NDTC;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Các Bộ, ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
– BCĐTW về phòng chống TN
– Cơ quan TW của các Hội, đoàn thể;
– UBND, HĐND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Sở TC, Cục thuế, KBNN các tỉnh TP trực thuộc TW;
– Cục kiểm tra văn bản – Bộ Tư pháp;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website Bộ Tài chính;
– Các đơn vị thuộc Bộ;
– Lưu : VT, QLN (5)

KT.BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trần Xuân Hà

 

 

Tags: 

Comments are closed.