BỘ TÀI CHÍNH |
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 211/2009/TT-BTC |
Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2009 |
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH ĐẤU THẦU MUA HÀNG HOÁ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC TRONG CÁC ĐƠN VỊ QUẢN LÝ DỰ TRỮ NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc Hội;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội;
Căn cứ Pháp lệnh Dự trữ quốc gia số 17/2004/PL-UBTVQH11 ngày 29/4/2004 của ủy ban Thường vụ Quốc Hội;
Căn cứ Pháp lệnh giá số 40/2002/PL-UBTVQH10 ngày 26/4/2002 của ủy ban Thường vụ Quốc Hội;
Căn cứ Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 196/2004/NĐ-CP ngày 02/12/2004 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Dự trữ quốc gia;
Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Bộ Tài chính quy định thực hiện đấu thầu mua hàng hoá dự trữ nhà nước trong các đơn vị quản lý hàng dự trữ nhà nước như sau:
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về hình thức lựa chọn nhà thầu, thẩm quyền và trách nhiệm trong đấu thầu mua hàng dự trữ nhà nước. Riêng mua lương thực dự trữ nhà nước thực hiện theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Các Bộ, ngành quản lý hàng dự trữ nhà nước, các đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp quản lý hàng dự trữ nhà nước sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước mua hàng hoá dự trữ nhà nước theo quy định tại Thông tư này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;
Tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đấu thầu cung cấp hàng hoá dự trữ nhà nước.
Điều 3. Chủ đầu tư trong mua hàng dự trữ nhà nước
Chủ đầu tư trong mua hàng dự trữ nhà nước (sau đây gọi tắt là chủ đầu tư) là người sở hữu vốn hoặc thay mặt chủ sở hữu, người được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước để mua hàng dự trữ nhà nước. Chủ đầu tư do người có thẩm quyền quyết định khi giao kế hoạch mua hàng dự trữ nhà nước.
Điều 4. Thẩm quyền trong đấu thầu mua hàng hoá dự trữ nhà nước
1. Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua hàng hoá dự trữ nhà nước
Người có thẩm quyền theo quy định của Pháp luật hoặc theo phân cấp của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ (sau đây gọi tắt là Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương) được Chính phủ giao quản lý hàng dự trữ nhà nước.
2. Thẩm quyền phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu và xử lý tình huống trong đấu thầu.
Chủ đầu tư phê duyệt hồ sơ mời thầu, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu; xử lý các tình huống trong đấu thầu mua hàng dự trữ nhà nước theo quy định tại Điều 70 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng và thực hiện các công việc khác thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư.
Điều 5. Chi phí trong đấu thầu
1. Nội dung chi phí trong đấu thầu, mức chi, mức giá bán hồ sơ mời thầu, đơn vị tổ chức đấu thầu thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật Đấu thầu và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng.
2. Nguồn kinh phí bảo đảm để sử dụng cho quá trình đấu thầu của bên mời thầu được lấy từ nguồn tiền bán hồ sơ mời thầu, nếu thu không đủ chi thì sử dụng kinh phí hoạt động thường xuyên của đơn vị để bù đắp. Trường hợp còn dư được chuyển sang năm sau để tiếp tục thực hiện công tác đấu thầu.
3. Việc quản lý và sử dụng các khoản chi phí tổ chức đấu thầu và chi phí thẩm định được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 6. Căn cứ lập kế hoạch đấu thầu mua hàng dự trữ nhà nước
1. Căn cứ lập kế hoạch đấu thầu được thực hiện theo quy định, cụ thể như sau:
a) Chỉ tiêu kế hoạch, dự toán ngân sách nhà nước được cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao mua hàng dự trữ nhà nước .
b) Quyết định về việc giao nhiệm vụ mua hàng dự trữ nhà nước của cấp có thẩm quyền;
c) Danh mục, chủng loại hàng hoá dự trữ nhà nước được cấp có thẩm quyền phê duyệt;
d) Nguồn vốn bố trí để mua hàng hoá dự trữ nhà nước.
đ) Các văn bản pháp lý khác liên quan (nếu có).
2. Kế hoạch đấu thầu được lập cho toàn bộ số lượng, khối lượng hàng hoá dự trữ nhà nước mua trong năm hoặc theo từng Quyết định giao nhiệm vụ mua hàng hoá dự trữ nhà nước bổ sung.
3. Khi lập kế hoạch đấu thầu, chủ đầu tư lập theo mẫu quy định tại Phần III Thông tư số 02/2009/TT-BKH ngày 17/02/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn lập kế hoạch đấu thầu.
4. Kế hoạch đấu thầu phải được người có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này phê duyệt bằng văn bản.
Điều 7. Nội dung của từng gói thầu trong kế hoạch đấu thầu mua hàng dự trữ nhà nước
Việc phân các gói thầu mua hàng dự trữ nhà nước phải căn cứ theo tính chất kỹ thuật, chủng loại hàng hoá, địa điểm nhập, bảo đảm tính đồng bộ và quy mô gói thầu hợp lý; không quá nhỏ hoặc quá lớn làm hạn chế sự tham gia của các nhà thầu và được người có thẩm quyền phê duyệt.
Mỗi gói thầu chỉ có một hồ sơ mời thầu và được tiến hành đấu thầu một lần. Một lần tổ chức đấu thầu có thể đấu thầu một hoặc nhiều gói thầu độc lập. Nội dung của từng gói thầu trong kế hoạch đấu thầu bao gồm:
1. Tên gói thầu
Tên gói thầu thể hiện tên hàng hoá, số lượng, khối lượng, chủng loại hàng hoá, tính chất kỹ thuật, đơn vị tính, địa điểm nhập kho. Trường hợp gói thầu gồm nhiều phần riêng biệt (nhiều lô), hoặc địa điểm nhập hàng tại nhiều đơn vị thì trong kế hoạch đấu thầu cần nêu tên của từng phần, tên của từng đơn vị nhập hàng.
Trong trường hợp mời thầu mua hàng hoá đặc chủng, chuyên dùng (cơ yếu, an ninh, quốc phòng) mà cần thiết phải nêu rõ chủng loại, ký mã hiệu, catalog, nhãn hiệu của hàng hoá từ một nước nào đó phải được người có thẩm quyền phê duyệt danh mục theo quy định của Pháp luật.
2. Giá gói thầu
Giá gói thầu mua hàng hoá dự trữ nhà nước là giá trị gói thầu được chủ đầu tư xác định và được người có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu.
Giá trị gói thầu được xác định trên cơ sở đơn giá mua hàng trên phương tiện bên bán tại cửa kho dự trữ nhà nước của một đơn vị đo lường hàng hoá đó nhân với số lượng, khối lượng hàng hoá;
Giá gói thầu là cơ sở để xem xét, phê duyệt kết quả đấu thầu.
3. Nguồn vốn: Vốn ngân sách nhà nước
4. Hình thức lựa chọn nhà thầu và phương thức đấu thầu
Nêu rõ hình thức lựa chọn nhà thầu theo quy định từ Điều 18 đến Điều 24 của Luật Đấu thầu, khoản 4 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội; phương thức đấu thầu theo quy định tại Điều 26 của Luật Đấu thầu.
5. Thời gian lựa chọn nhà thầu
Nêu thời gian tổ chức thực hiện việc lựa chọn nhà thầu thực hiện gói thầu để bảo đảm tiến độ mua hàng dự trữ nhà nước của gói thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu; thời gian lựa chọn nhà thầu được tính từ ngày phát hành hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu đến ngày ký kết hợp đồng. Trong đó quy định các nội dung:
– Thời gian thông báo mời thầu;
– Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu;
– Thời điểm đóng thầu;
– Thời điểm mở thầu;
6. Hình thức hợp đồng
Hình thức trọn gói; giá hợp đồng không thay đổi trong suốt thời gian thực hiện hợp đồng. Việc thanh toán cho nhà thầu có thể một lần hoặc nhiều lần theo thoả thuận giữa chủ đầu tư và nhà thầu nhưng tổng số tiền thanh toán cho nhà thầu đúng bằng giá ghi trong hợp đồng khi nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng được ký kết giữa chủ đầu tư và nhà thầu.
7. Thời gian thực hiện hợp đồng
Thời gian thực hiện hợp đồng được tính từ ngày hợp đồng có hiệu lực; khi chủ đầu tư nhận được tiền bảo lãnh thực hiện hợp đồng của nhà thầu; thời gian thực hiện hợp đồng phải bảo đảm phù hợp với tiến độ thực hiện gói thầu.
Điều 8. Nguyên tắc xác định giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu mua hàng dự trữ nhà nước
1. Chủ đầu tư căn cứ vào chất lượng hàng hoá mua nhập kho dự trữ nhà nước; giá thị trường phổ biến tại thời điểm mua của các hàng hoá cùng chủng loại hoặc tương tự trên thị trường thế giới, khu vực và trong nước hoặc tham khảo giá mua sắm những vật tư, thiết bị, hàng hoá cùng chủng loại hoặc tương tự của các cơ quan, đơn vị khác (nếu có) hoặc định mức kinh tế – kỹ thuật của hàng hoá mua (nếu có) để xác định giá gói thầu trong kế hoạch đấu thầu trình người có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này xem xét, quyết định.
2. Đối với những loại hàng hoá yêu cầu phải thẩm định giá theo quy định của Chính phủ và các văn bản pháp luật có liên quan phải có thông báo kết quả thẩm định giá bằng văn bản của tổ chức thẩm định giá theo quy định của pháp luật.
3. Thủ trưởng cơ quan ở Trung ương được Chính phủ giao quản lý hàng dự trữ nhà nước căn cứ vào dự toán được giao; giá tối đa do Bộ trưởng Bộ Tài chính quyết định hoặc ý kiến tham gia về nguyên tắc xác định giá của Bộ Tài chính (đối với Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Nội vụ) và tham khảo giá gói thầu do chủ đầu tư xây dựng khi trình duyệt kế hoạch đấu thầu; chất lượng hàng mua; giá thị trường tại thời điểm và báo cáo thẩm định của đơn vị được giao nhiệm vụ thẩm định để xem xét, quyết định giá gói thầu khi phê duyệt kế hoạch đấu thầu mua hàng dự trữ nhà nước.
Điều 9. Trình duyệt kế hoạch đấu thầu mua hàng dự trữ nhà nước
1. Trách nhiệm trình duyệt
Chủ đầu tư có trách nhiệm trình kế hoạch đấu thầu lên người có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này xem xét, phê duyệt; đồng thời gửi cho cơ quan, tổ chức thẩm định.
2. Hồ sơ trình duyệt
a) Văn bản trình duyệt kế hoạch đấu thầu bao gồm những nội dung sau đây:
– Nội dung các công việc liên quan tới gói thầu và căn cứ pháp lý để lập kế hoạch đấu thầu;
– Nội dung kế hoạch đấu thầu theo quy định tại Điều 7 Thông tư này.
b) Tài liệu kèm theo văn bản trình duyệt
– Khi trình duyệt kế hoạch đấu thầu, chủ đầu tư phải gửi kèm theo bản chụp các tài liệu làm căn cứ lập kế hoạch đấu thầu theo quy định tại Điều 6 của Thông tư này.
Điều 10. Phê duyệt kế hoạch đấu thầu
Người có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này xem xét, phê duyệt kế hoạch đấu thầu trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ trình duyệt của chủ đầu tư, báo cáo thẩm định của cơ quan, tổ chức thẩm định.
Điều 11. Chỉ định thầu
1. Chỉ định thầu được áp dụng trong các trường hợp sau đây:
a) Mua hàng hoá dự trữ nhà nước trong các trường hợp được quy định tại điểm a đến điểm đ khoản 1 Điều 20 của Luật Đấu thầu và khoản 4 Điều 2 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật liên quan đến đầu tư xây dựng cơ bản số 38/2009/QH12 ngày 19 tháng 6 năm 2009 của Quốc hội; được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 40 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.
b) Mua xăng dầu dự trữ nhà nước để phục vụ cho nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, cơ yếu;
c) Mua bù ngay (khẩn cấp) những hàng hoá dự trữ nhà nước sau khi xuất bán để bình ổn thị trường, xuất cấp đáp ứng yêu cầu cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, viện trợ, khắc phục hậu quả thiên tai, hoả hoạn, dịch bệnh;
d) Hàng hoá dự trữ nhà nước có tính đặc thù, tính thời vụ cao, có yêu cầu kỹ thuật bảo quản đặc biệt gồm muối, giống cây trồng, thuốc y tế, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật;
đ) Danh mục hàng hoá dự trữ nhà nước được Thủ tướng Chính phủ cho phép chỉ định thầu;
2. Việc áp dụng hình thức chỉ định thầu phải được người có thẩm quyền phê duyệt trong kế hoạch đấu thầu; giá gói thầu phải được phê duyệt theo quy định của pháp luật.
Đối với các trường hợp chỉ định thầu quy định tại điểm a đến điểm đ khoản 1 Điều này (trừ điểm a khoản 1 theo Điều 20 của Luật Đấu thầu) chủ đầu tư phải trình người có thẩm quyền được quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này xem xét, quyết định; đối với gói thầu quy định tại điểm đ phải đảm bảo việc chỉ định thầu có hiệu quả hơn đấu thầu
3. Điều kiện chỉ định thầu: khi thực hiện chỉ định thầu phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện được quy định tại khoản 3 Điều 40 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.
4. Khi thực hiện chỉ định thầu, phải lựa chọn một nhà thầu được xác định là có đủ năng lực, kinh nghiệm đáp ứng các yêu cầu của gói thầu và phải tuân thủ theo quy định tại Điều 41 quy trình chỉ định thầu của Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.
Điều 12. Thanh toán, thanh lý hợp đồng
1. Hồ sơ thanh toán được quy định trong hợp đồng bao gồm:
Tùy tính chất của hàng hoá để quy định hồ sơ thanh toán trong hợp đồng ký kết cho phù hợp như hoá đơn bán hàng của nhà thầu, danh mục hàng hoá, chứng từ vận tải, đơn bảo hiểm, giấy chứng nhận kiểm định chất lượng hàng hoá, biên bản nghiệm thu hàng hoá và phiếu nhập kho của đơn vị được giao nhập hàng, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu) và các tài liệu, chứng từ khác có liên quan.
2. Việc thanh toán chủ đầu tư phải căn cứ vào giá hợp đồng và các điều khoản cụ thể về thanh toán được nêu trong hợp đồng để thanh toán cho nhà thầu, nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau:
– Việc thanh toán thực hiện khi hàng hoá dự trữ nhà nước đã nhập kho đảm bảo đúng tiêu chuẩn chất lượng theo tiến độ nhập hàng, có đầy đủ hoá đơn, chứng từ theo quy định.
– Trường hợp mua hàng dự trữ nhà nước phải nhập khẩu thì thanh toán cho nhà thầu phải phù hợp với điều kiện thanh toán ghi trong hợp đồng nhập khẩu.
3. Việc thanh lý hợp đồng phải được thực hiện xong trong thời hạn 45 ngày kể từ khi chủ đầu tư và nhà thầu hoàn thành các nghĩa vụ theo hợp đồng; trường hợp gói thầu thật sự phức tạp thì được phép kéo dài thời hạn thanh lý hợp đồng nhưng không quá 90 ngày.
Điều 13. Kiểm tra về đấu thầu
1. Việc kiểm tra đấu thầu được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất (khi có vướng mắc, kiến nghị hoặc thấy cần thiết) theo quyết định của người có thẩm quyền.
2. Bộ Tài chính (Tổng cục Dự trữ Nhà nước) chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành quản lý hàng hoá dự trữ nhà nước và các đơn vị có liên quan tổ chức kiểm tra về đấu thầu đối với các đơn vị mua hàng hoá dự trữ nhà nước thuộc phạm vi quản lý.
3. Nội dung kiểm tra đấu thầu theo quy định tại khoản 3 Điều 74 Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Thủ trưởng các Bộ, ngành được Chính phủ giao quản lý hàng hoá dự trữ nhà nước căn cứ tình hình, đặc thù của bộ, ngành chịu trách nhiệm hướng dẫn thực hiện cụ thể; chỉ đạo, kiểm tra, giám sát các đơn vị thuộc và trực thuộc thực hiện theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định số 85/2009/NĐ-CP ngày 15/10/2009 của Chính phủ và Thông tư này.
2. Các đơn vị, cá nhân có liên quan đến hoạt động đấu thầu mua hàng hoá dự trữ nhà nước chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
Điều 15. Hiệu lực thi hành
Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký ban hành. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các đơn vị báo cáo về Bộ Tài chính xem xét, giải quyết./.
|
KT. BỘ TRƯỞNG Nguyễn Hữu Chí |