Thông tư 207/2009/TT-BTC ngày 28/10/2009

BỘ TÀI CHÍNH
——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
———

Số: 207/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 28 tháng 10 năm 2009

 

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH CHẾ ĐỘ CHI TIÊU VÀ QUYẾT TOÁN KINH PHÍ HỖ TRỢ TỪ NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC CHO CHƯƠNG TRÌNH XÚC TIẾN THƯƠNG MẠI THỊ TRƯỜNG TRONG NƯỚC NĂM 2009

Căn cứ Nghị định số 118/2008/NĐ-CP ngày 27/11/2008 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;
Căn cứ Nghị định số 60/2003/NĐ-CP ngày 6/6/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách Nhà nước;
Căn cứ Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP ngày 11/12/2008 của Chính phủ về những giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội;
Thực hiện Quyết định số 529/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về kinh phí thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009;

Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu và quyết toán kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước cho chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009 như sau:

Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng

Thông tư này hướng dẫn chế độ chi tiêu và quyết toán toán kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách nhà nước cho chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009

Điều 2. Nguồn kinh phí thực hiện chương trình

Kinh phí thực hiện chương trình được lấy từ nguồn chi cho Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009 theo Quyết định số 529/QĐ-TTg ngày 24/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về kinh phí thực hiện chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước năm 2009.

Điều 3. Quy định chung về quản lý chi tiêu

1. Các khoản chi phải theo đúng quy định về tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu hiện hành và mức chi cho nội dung chương trình theo quy định tại Thông tư này.

2. Trường hợp phát sinh theo thực tế chưa có chế độ hướng dẫn, căn cứ theo hoá đơn chứng từ chi tiêu thực tế, hợp lý theo quy định của pháp luật. Người đứng đầu, thủ trưỏng đơn vị thực hiện đề án chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực của các khoản chi và chứng từ kèm theo.

3. Đối với cơ quan phê duyệt đề án, các khoản chi theo quy định phải thực hiện đấu thầu thì áp dụng theo quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản hướng dẫn Luật; Thông tư số 63/2007/TT-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện đấu thầu mua sắm tài sản nhằm duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan nhà nước bằng vốn ngân sách nhà nước và Thông tư số 131/2007/TT-BTC ngày 5/11/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư số 63/2007/TT-BTC.

Điều 4. Mức chi cho nội dung chương trình

1. Chi cho các hoạt động điều tra khảo sát thị trường về người tiêu dùng, về mạng lưới phân phối và về thương nhân: Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện trên cơ sở áp dụng mức chi theo quy định tại Thông tư số 120/2007/TT-BTC ngày 15 tháng 10 năm 2007 của Bộ Tài chính về hướng dẫn quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện các cuộc điều tra từ nguồn vốn sự nghiệp của ngân sách nhà nước.

2. Chi tổ chức các cuộc hội thảo, tọa đàm tìm kiếm cơ hội hợp tác kinh doanh và chia sẻ kinh nghiệm phát triển thị trường nội địa: Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện theo mức chi tại Thông tư số 23/2007/TT-BTC ngày 21/3/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi tổ chức các cuộc hội nghị đối với các cơ quan nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; Thông tư số 57/2007/TT-BTC ngày 11/6/2007 của Bộ Tài chính quy định chế độ chi tiêu tiếp khách nước ngoài và chi tiêu tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và Thông tư số 127/2007/TT-BTC ngày 31/10/2007 của Bộ Tài chính sửa đổi bổ sung Thông tư số 57/2007/TT-BTC.

3. Chi cho các hoạt động tổ chức hội chợ, đưa hàng Việt về bán tại nông thôn, các khu công nghiệp và khu đô thị:

– Đối với hoạt động tổ chức hội chợ hàng nông sản, làng nghề phía Nam và phía Bắc: Hỗ trợ 70% chi phí cấu thành gian hàng trên cơ sở giá đấu thầu. Giá đấu thầu phải tương ứng với giá cho thuê gian hàng.

– Đối với hoạt động đưa hàng Việt về bán tại nông thôn, các khu công nghiệp và đô thị: Hỗ trợ 70% chi phí vận chuyển, quầy hàng và nhân công phục vụ.

4. Chi cho các hoạt động truyền thông tạo nhận thức chung cho cộng đồng hướng về hàng Việt: Hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện bài viết và phát hành trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Điều 5. Tạm ứng kinh phí hỗ trợ

Bộ Tài chính tạm ứng 70% mức kinh phí hỗ trợ để thực hiện các đề án theo nội dung và mức chi quy định tại Điều 4 Thông tư này trên cơ sở:

– Công văn đề nghị tạm ứng kinh phí của đơn vị thực hiện đề án;

– Quyết định phê duyệt đơn vị trúng thầu thực hiện đề án của Bộ Công Thương;

– Hợp đồng ký kết giữa Bộ Công Thương với đơn vị thực hiện đề án (nội dung thực hiện cụ thể, dự toán kinh phí của từng hạng mục đề án theo quy định về quản lý chi phí);

– Các tài liệu khác liên quan đến việc tổ chức thực hiện đề án (nếu có).

Điều 6. Quyết toán kinh phí hỗ trợ

1. Tập hợp chứng từ

Đơn vị thực hiện đề án có trách nhiệm tập hợp đầy đủ chứng từ chi phí theo đúng nội dung, thời gian, địa điểm và các điều kiện khác đã nêu trong Hợp đồng ký kết giữa Bộ Công Thương và đơn vị thực hiện đề án.

2. Lưu giữ chứng từ

Đơn vị thực hiện đề án có trách nhiệm lưu giữ chứng từ gốc liên quan đến những khoản mục của nội dung kinh phí được nhà nước hỗ trợ theo quy định của pháp luật.

3. Quyết toán kinh phí hỗ trợ

3.1 Bộ Tài chính phê duyệt quyết toán kinh phí hỗ trợ để thực hiện đề án trên cơ sở:

– Công văn đề nghị phê duyệt quyết toán của đơn vị thực hiện đề án;

– Biên bản nghiệm thu kết quả thực hiện đề án và thanh lý hợp đồng giữa Bộ Công Thương và đơn vị thực hiện đề án;

– Các tài liệu khác liên quan đến việc tổ chức thực hiện đề án (nếu có).

3.2 Đơn vị thực hiện đề án có trách nhiệm quyết toán kinh phí và gửi về Bộ Tài chính chậm nhất 45 ngày sau khi kết thúc đề án. Căn cứ quyết toán đã được Bộ Tài chính phê duyệt, Bộ Tài chính tiến hành cấp tiếp kinh phí hỗ trợ còn thiếu hoặc yêu cầu hoàn trả kinh phí hỗ trợ thừa. Kinh phí hỗ trợ theo quyết toán không vượt quá mức kinh phí hỗ trợ theo đề án được phê duyệt.

3.3 Trường hợp đơn vị thực hiện đề án chậm trễ trong việc quyết toán các khoản kinh phí hỗ trợ sẽ bị thu hồi kinh phí đã tạm ứng và xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 7. Thời gian thẩm định để tạm cấp và phê duyệt quyết toán kinh phí hỗ trợ của cơ quan tài chính

– Thời gian thẩm định để tạm cấp: Trong phạm vi 10 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ đề nghị của đơn vị thực hiện đề án, Bộ Tài chính thực hiện thẩm định và cấp kinh phí hỗ trợ để chủ chương trình triển khai đúng tiến độ đã được phê duyệt.

– Thời gian thẩm định và phê duyệt quyết toán: Trong phạm vi 15 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo quyết toán của đơn vị thực hiện đề án, Bộ Tài chính có trách nhiệm rà soát, lập biên bản kết quả thẩm định và thông báo kết quả phê duyệt quyết toán cho đơn vị thực hiện đề án và Bộ Công Thương.

Điều 8. Tổ chức thực hiện

Thông tư có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc hoặc vấn đề phát sinh, đề nghị các đơn vị phản ánh về Bộ Tài chính để kịp thời xử lý.

 

 

Nơi nhận:
– Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
– VP Quốc hội, VP Chủ tịch nước;
– Uỷ ban Quốc gia phòng, chống tham nhũng;
– Các Bộ: Công Thương, Kế hoạch & Đầu tư, Thông tin & Truyền Thông, Nông nghiệp& Phát triển nông thôn;
– UBND các Tỉnh/Thành phố trực thuộc TW;
– Cục Kiểm tra văn bản – Bộ Tư Pháp;
– Công báo;
– Website Chính phủ;
– Website Bộ Tài chính;
– Vụ NSNN, Vụ Pháp chế;
– Lưu: VT, Cục TCDN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Trần Văn Hiếu

 

 

Tags: 

Comments are closed.