Thông tư 182/2009/TT-BTC ngày 14/09/2009

BỘ TÀI CHÍNH
——–

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
————–

Số: 182/2009/TT-BTC

Hà Nội, ngày 14 tháng 9 năm 2009

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN NỘI DUNG VÀ MỨC CHI CHO CÔNG TÁC TUYÊN TRUYỀN, VẬN ĐỘNG HIẾN MÁU TÌNH NGUYỆN

Căn cứ Quyết định số 198/2001/QĐ-TTg ngày 28/11/2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình An toàn truyền máu;
Căn cứ Quyết định số 235/QĐ-TTg ngày 26/02/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện;
Sau khi thống nhất với Bộ Y tế, Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện như sau:

Mục I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng Thông tư này là các cơ sở y tế có chức năng tuyển chọn người hiến máu, thu gom máu, thành phần máu (gọi tắt là cơ sở thu gom máu) theo quy định của Bộ Y tế; Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các cấp; các cơ quan, đơn vị, tổ chức tham gia tuyên truyền, vận động, tổ chức hiến máu tình nguyện.

Điều 2. Nguồn kinh phí

Kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hiến máu, hiến thành phần máu tình nguyện (gọi tắt là hiến máu tình nguyện), bao gồm:

– Nguồn ngân sách nhà nước;

– Nguồn kinh phí thu hồi khi cung cấp máu toàn phần, các chế phẩm máu;

– Nguồn viện trợ, tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;

– Nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Mục II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 3. Nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện từ nguồn kinh phí thu hồi khi cung cấp máu toàn phần, các chế phẩm máu

1. Chi hỗ trợ đi lại, ăn, uống nhẹ tại chỗ và quà tặng cho người hiến máu tình nguyện: Căn cứ vào tình hình thực tế và mức hỗ trợ tối đa do Bộ Y tế quyết định, các cơ sở thu gom máu quyết định mức hỗ trợ và hình thức hỗ trợ, đảm bảo khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho người tham gia hiến máu tình nguyện.

2. Chi hỗ trợ cho các đơn vị, cơ sở tổ chức ngày hiến máu tình nguyện:

a) Nội dung chi hỗ trợ:

– In ấn tài liệu, tờ rơi phục vụ cho công tác tuyên truyền;

– Thù lao tuyên truyền viên; hỗ trợ cán bộ tư vấn trước và sau hiến máu tình nguyện;

– Chi thuê mướn địa điểm (nếu có);

– Chi cho công tác tổng kết khen thưởng cấp cơ sở;

– Chi khác cho việc tổ chức ngày hiến máu tình nguyện;

b) Mức chi cụ thể cho các nội dung trên do cơ sở thu gom máu và cơ sở tổ chức ngày hiến máu tình nguyện thoả thuận theo các chế độ hiện hành, phù hợp với tình hình thực tế và không vượt quá mức hỗ trợ tối đa do Bộ Y tế quyết định.

c) Khoản kinh phí nêu trên được cơ sở thu gom máu chuyển cho cơ sở tổ chức ngày hiến máu tình nguyện thông qua hợp đồng trách nhiệm. Căn cứ dự kiến khả năng số lượng máu thu gom được trong đợt hiến máu tình nguyện, cơ sở thu gom máu có trách nhiệm ứng trước 50% chi phí để hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động, tổ chức ngày hiến máu tình nguyện cho cơ sở tổ chức ngày hiến máu tình nguyện. Trong phạm vi 7 ngày, sau khi kết thúc đợt hiến máu tình nguyện, cơ sở thu gom máu thực hiện thanh lý hợp đồng và thanh toán toàn bộ số kinh phí hỗ trợ cho cơ sở tổ chức ngày hiến máu tình nguyện theo hợp đồng đã ký.

d) Trường hợp đơn vị, cơ sở tổ chức ngày hiến máu tình nguyện không có nhu cầu sử dụng kinh phí hỗ trợ nêu tại điểm a khoản này, cơ sở thu gom máu được sử dụng số kinh phí cho các hoạt động tổ chức hiến máu tình nguyện, chăm sóc người hiến máu của các đợt khác hoặc sử dụng để thanh toán cho các trường hợp không có thẻ bảo hiểm y tế nhưng được miễn trả tiền máu theo quy định tại Điều 5 Thông tư này.

3. Để đảm bảo khuyến khích, tạo điều kiện cho người hiến máu tình nguyện, góp phần đẩy mạnh công tác hiến máu tình nguyện; căn cứ tình hình thực tế, Bộ Y tế quy định mức chi phí tối đa của các khoản chi quy định tại khoản 1 và 2 Điều này trong cơ cấu giá máu tối đa được Bộ Y tế quyết định.

Điều 4. Nội dung và mức chi từ nguồn ngân sách nhà nước cấp và các nguồn hợp pháp khác cho công tác vận động hiến máu tình nguyện

Ban Chỉ đạo Quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương được ngân sách nhà nước đảm bảo kinh phí để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành, gồm:

1. Chi hội thảo, hội nghị, sơ kết, tổng kết, lập kế hoạch và chỉ đạo triển khai công tác vận động hiến máu tình nguyện để đảm bảo máu cho nhu cầu điều trị, cứu chữa người bệnh trên toàn quốc. Nội dung và mức chi theo chế độ tổ chức hội nghị hiện hành.

2. Chi cập nhật thông tin về công tác vận động hiến máu tình nguyện. Nội dung và mức chi theo quy định hiện hành về tạo lập thông tin điện tử.

3. Chi mua sắm, in ấn các tài liệu, dụng cụ phục vụ cho các hoạt động truyền thông, vận động nhân dân tham gia hiến máu, thành phần máu tình nguyện theo các quy định hiện hành về đấu thầu mua sắm hàng hoá.

4. Chi tập huấn cán bộ, tuyên truyền viên thực hiện nhiệm vụ vận động nhân dân hiến máu, thành phần máu tình nguyện. Nội dung và mức chi theo chế độ chi đào tạo lại, tập huấn hiện hành.

5. Chi tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện:

a) Chi thuê phương tiện thông tin đại chúng theo hợp đồng thực tế để tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến máu, thành phần máu tình nguyện.

b) Chi cho các hoạt động, sự kiện nhằm chăm sóc, tôn vinh người hiến máu tình nguyện. Nội dung và mức chi theo chế độ hội nghị, chi khen thưởng hiện hành.

6. Chi in Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện theo quy định hiện hành về mua sắm hàng hoá bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Bộ Y tế quy định việc cấp, sử dụng và quản lý Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Các cơ sở thu gom máu có trách nhiệm vào sổ đăng ký quản lý và cấp giấy chứng nhận cho người đã hiến máu, thành phần máu tình nguyện theo quy định.

7. Chi khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác truyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện theo quy định hiện hành.

8. Chi hoạt động kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của công tác vận động hiến máu tình nguyện trên toàn quốc. Nội dung và mức chi theo quy định tại Thông tư số 06/2007/TT-BTC ngày 26/01/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn lập dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí bảo đảm cho công tác kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

9. Các khoản chi hợp lệ khác liên quan đến việc thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện.

Điều 5. Bồi hoàn máu, thành phần máu đối với người hiến máu tình nguyện

Người hiến máu tình nguyện trong trường hợp phải truyền máu tại các cơ sở y tế công lập, được miễn trả tiền máu, thành phần máu tối đa bằng số lượng máu, thành phần máu đã hiến theo Giấy chứng nhận hiến máu tình nguyện. Trường hợp người bệnh tham gia bảo hiểm y tế, cơ quan Bảo hiểm xã hội có trách nhiệm thanh toán khoản kinh phí này cho cơ sở y tế công lập; trường hợp người bệnh chưa tham gia bảo hiểm y tế thì ngân sách nhà nước cấp cho các cơ sở y tế công lập khoản chi này theo phân cấp quản lý ngân sách nhà nước hiện hành.

Điều 6. Công tác quản lý

1. Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ sở thu gom máu phối hợp với Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai thực hiện có hiệu quả công tác vận động hiến máu tình nguyện trên địa bàn đạt kết quả tốt.

2. Công tác lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí thực hiện tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia hiến máu tình nguyện thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

3. Thông tư này hướng dẫn thêm một số điểm về việc lập dự toán, chấp hành và quyết toán kinh phí cho công tác vận động hiến máu tình nguyện của Ban chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương như sau:

a) Hàng năm, cùng với thời gian lập dự toán chi ngân sách nhà nước, các cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ là Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm lập dự toán chi ngân sách nhà nước và các nguồn thu hợp pháp khác để thực hiện công tác tuyên truyền, vận động hiến máu tình nguyện và tổng hợp chung vào dự toán chi thường xuyên của các đơn vị để trình các cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí thực hiện theo quy định hiện hành.

b) Phân bổ và giao dự toán:

Căn cứ dự toán được cấp có thẩm quyền giao, cơ quan ,tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ là Văn phòng thường trực Ban Chỉ quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm đảm bảo kinh phí cho công tác vận động hiến máu tình nguyện.

c) Hạch toán, quyết toán kinh phí:

Kinh phí hoạt động vận động hiến máu tình nguyện được tổng hợp chung vào quyết toán ngân sách hàng năm của đơn vị được giao nhiệm vụ là Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia vận động hiến máu tình nguyện và Ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương theo quy định.

Mục III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 7. Điều khoản thi hành

Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 45 ngày kể từ ngày ký và thay thế Thông tư số 40/2007/TT-BTC ngày 23/4/2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi cho công tác tuyên truyền, vận động, thu gom, sàng lọc một đơn vị máu đạt tiêu chuẩn.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị phản ảnh kịp thời về Bộ Tài chính để sửa đổi và bổ sung cho phù hợp./.

 

 

Nơi nhận:
– Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
– Văn phòng Quốc hội;
– Văn phòng Chủ tịch nước;
– Văn phòng Chính phủ;
– Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng;
– Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
– Toà án nhân dân tối cao;
– Kiểm toán Nhà nước;
– Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương;
– Cơ quan TW các đoàn thể;
– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Ban Chỉ đạo QG hiến máu tình nguyện và Ban Chỉ đạo các tỉnh/thành phố;
– Sở Tài chính, KBNN các tỉnh, TP trực thuộc TW;
– Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
– Các đơn vị thuộc Bộ Tài chính;
– Công báo;
– Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
– Website Chính phủ;
– Website Bộ Tài chính;
– Lưu: VT, HCSN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG

Phạm Sỹ Danh

 

 

 

Tags: 

Comments are closed.