Thông tư 13/2010/TT-BGDĐT ngày 15/ 04/2010

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

—————————–

Số: 13/2010/TT-BGDĐT

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——————————

Hà Nội, ngày 15  tháng 4  năm 2010

 

THÔNG TƯ

Ban hành Quy định về xây dựng trường học an toàn,

phòng, chống tai nạn, thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non

—————————

 Căn cứ Nghị định số 178/2007/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ;

Căn cứ Nghị định số 32/2008/NĐ-CP ngày 19 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Quyết định số 197/2001/QĐ-TTg ngày 27 tháng 12 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt chính sách quốc gia phòng, chống tai nạn, thương tích giai đoạn 2002 – 2010;

Căn cứ chỉ thị số 1408 ngày 1 tháng 9 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non;

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định:

Điều 1. Ban hành kèm theo Thông tư này Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non.

Điều 2. Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 01tháng  6 năm 2010

Điều 3. Chánh văn phòng; Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Giám đốc các sở giáo dục và đào tạo và các cá nhân, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.

 

Nơi nhận:

– Văn phòng Chính Phủ (để b/c)

– Ủy ban VHGDTN,TN và NĐ của Quốc hội (để b/c);

– UBTWMTTQVN (để b/c);

– Bộ Trưởng (để b/c)

– Bộ Y tế (để phối hợp);

– UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW (để phối hợp)

– Cục KTrVB QPPL (Bộ Tư Pháp);

– Công báo;

– Như  Điều 3 (để thực hiện)

– Website Chính Phủ,

– Website Bộ GD&ĐT;

– Lưu: VT, Vụ PC,Vụ GDMN      

KT. BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

 

 

 

 

Nguyễn Thị Nghĩa

 

  

BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

————————–

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

——————————

 

 

QUY ĐỊNH

Về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích

trong cơ sở giáo dục mầm non

(Ban hành kèm theo Thông tư  số 13 /2010/TT- BGDĐT ngày 15 tháng 4 năm 2010

của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo)

­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­­

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

 

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

          1. Thông tư này quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non, bao gồm: tiêu chuẩn, nội dung xây dựng, hồ sơ thủ tục công nhận và tổ chức thực hiện.                      

         2. Thông tư này áp dụng đối với nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo, trường mẫu giáo, trường mầm non.

            Điều 2. Giải thích từ ngữ

            Trong Thông tư này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:     .

            1. Trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích là trường học mà các yếu tố nguy cơ gây tai nạn, thương tích cho trẻ được phòng, chống và giảm tối đa hoặc loại bỏ. Toàn bộ trẻ em trong trường được chăm sóc, nuôi dạy trong một môi trường an toàn. Quá trình xây dựng trường học an toàn phải có sự tham gia của trẻ em độ tuổi mầm non, các cán bộ quản lý, giáo viên của nhà trường, các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể của địa phương và các bậc phụ huynh của trẻ.

            2. Tai nạn là sự kiện xảy ra bất ngờ ngoài ý muốn, do tác nhân bên ngoài, gây nên thương tích cho cơ thể. Thương tích là tổn thương thực thể của cơ thể do phải chịu tác động đột ngột ngoài khả năng chịu đựng của cơ thể hoặc rối loạn chức năng do thiếu yếu tố cần thiết cho sự sống như không khí, nước, nhiệt độ phù hợp.

            3. Các nguyên nhân gây thương tích thường gặp đối với trẻ là: ngã, hóc, sặc, vật sắc nhọn đâm, cắt, đánh nhau, đuối nước, bỏng, điện giật, ngộ độc do hóa chất, thực phẩm, tai nạn giao thông.

Điều 3. Mục đích ban hành Quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non

          1. Là công cụ để cơ sở giáo dục mầm non tự đánh giá, nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ bảo đảm an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em.

          2. Là cơ sở để các cơ quan có thẩm quyền đánh giá, công nhận cơ sở giáo dục   mầm non đạt tiêu chuẩn quy định về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

          3. Để đảm bảo an toàn cho trẻ, khi trẻ được chăm sóc, nuôi, dạy tại cơ sở giáo dục mầm non.

 

Chương II

TIÊU CHUẨN, NỘI DUNG, HỒ SƠ, THỦ TỤC CÔNG NHẬN

TRƯỜNG HỌC AN TOÀN, PHÒNG, CHỐNG TAI NẠN THƯƠNG TÍCH

TRONG CƠ SỞ GIÁO DỤC MẦM NON

 

            Điều 4. Tiêu chuẩn trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích

            1. Nhà trường có Ban chỉ đạo công tác y tế trường học, hàng năm xây dựng và triển khai thực hiện kế hoạch phòng, chống tai nạn thương tích của nhà trường. Có cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm về công tác y tế trường học, được tập huấn để thực hiện tốt các hoạt động sơ cứu, cấp cứu tai nạn thương tích. Giáo viên, cán bộ công nhân viên được cung cấp những kiến thức cơ bản về các yếu tố nguy cơ và cách phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ.

2. Môi trường xung quanh trường an toàn và có hiệu quả.

            3. Giảm được các yếu tố nguy cơ gây thương tích cho trẻ trong nhà trường  (80 % nội dung theo bảng kiểm trường học an toàn được đánh giá là đạt).   

            4. Trong năm không có trẻ bị tử vong hay bị thương tích nặng phải nằm viện do tai nạn, thương tích xảy ra trong trường.

            Điều 5. Nội dung xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích

            1. Xây dựng kế hoạch hoạt động phòng, chống tai nạn thương tích cụ thể trên cơ sở thực tế của nhà trẻ, nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập, trường mẫu giáo, trường mầm non.

            2. Có các biện  pháp phòng, chống tai nạn thương tích, như tuyên truyền, giáo dục can thiệp, khắc phục, giảm thiểu nguy cơ gây tai nạn thương tích:

            a) Truyền thông giáo dục nâng cao nhận thức về xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích bằng nhiều hình thức như tờ rơi, băng rôn, áp phích, khẩu hiệu;

            b) Tổ chức thực hiện các hoạt động can thiệp, giảm nguy cơ gây tai nạn, thương tích;

            c) Cải tạo môi trường chăm sóc, nuôi, dạy an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích;

            d) Kiểm tra, phát hiện và khắc phục các nguy cơ gây thương tích, tập trung ưu tiên các loại thương tích thường gặp do: ngã, vật sắc nhọn đâm, cắt, đuối nước, tai nạn giao thông, bỏng, điện giật, ngộ độc;

            đ) Huy động sự tham gia của các thành viên trong cơ sở giáo dục mầm non, phụ huynh của trẻ và cộng đồng, phát hiện và báo cáo kịp thời các nguy cơ gây tai nạn, thương tích, để có các biện pháp phòng, chống tai nạn, thương tích tại cơ sở;

            e) Nâng cao năng lực cho các cấp lãnh đạo, cán bộ, giáo viên của ngành giáo dục về các nội dung phòng, chống tai nạn thương tích;

            f) Có tủ thuốc và các dụng cụ sơ cấp cứu theo quy định;

            g) Có quy định về phát hiện và xử lý tai nạn; có phương án khắc phục các yếu tố nguy cơ gây tai nạn và có phương án dự phòng xử lý tai nạn thương tích.

            3. Thiết lập hệ thống ghi chép, theo dõi, giám sát và báo cáo xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích.

            4. Tổ chức đánh giá quá trình triển khai và kết quả hoạt động xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích, đề nghị, công nhận trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích vào cuối năm học.

            Điều 6. Hồ sơ, thủ tục công nhận trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích

            1. Hồ sơ đề nghị:

            a) Bảng tự đánh giá của cơ sở giáo dục mầm non về kết quả phòng, chống tai nạn thương tích theo bảng kiểm trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong cơ sở giáo dục mầm non;

            b) Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận Trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích của cơ sở giáo dục mầm non và Uỷ ban nhân dân xã/ phường/ thị trấn;

            c) Biên bản nhận xét của phòng giáo dục và đào tạo về kết quả tự đánh giá của  cơ sở giáo dục mầm non.

            2. Thủ  tục công nhận:

          a) Có đầy đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 6 của Quy định này;

          b) Phòng giáo dục và đào tạo nhận hồ sơ và có ý kiến bằng văn bản, trình Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện xem xét, ra quyết định công nhận.

 

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

 

            Điều 7. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp

            1. Chỉ đạo việc xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích trong các cơ sở giáo dục mầm non của địa phương mình.

            2. Đầu tư kinh phí cho công tác phòng, chống tai nạn, thương tích của các cơ sở giáo dục mầm non.

            3. Tổ chức phối hợp giữa các cơ quan thuộc quyền quản lý, các tổ chức kinh tế, xã hội để thực hiện nhiệm vụ xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích.

            Điều 8. Trách nhiệm của sở giáo dục, phòng giáo dục và đào tạo

            1. Tham mưu với Uỷ ban nhân dân các cấp xây dựng kế hoạch hoạt động và dự toán ngân sách hàng năm cho công tác y tế trường học nói chung và công tác phòng, chống tai nạn thương tích trong  cơ sở giáo dục mầm non nói riêng.

            2. Chủ động xây dựng kế hoạch ngân sách cho các hoạt động xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích của các cơ sở giáo dục mầm non trong địa bàn.

            3. Đưa nội dung tiêu chuẩn xây dựng trường học an toàn phòng, chống tai nạn thương tích là một trong những tiêu chí thi đua về công tác y tế trường học ở các cơ sở giáo dục mầm non.

            4. Chỉ đạo, kiểm tra và đánh giá các cơ sở giáo dục mầm non trong việc triển khai thực hiện xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích.

            5. Báo cáo kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn, thương tích về Bộ Giáo dục và Đào tạo (đối với sở giáo dục và đào tạo), về sở giáo dục và đào tạo (đối với phòng giáo dục và đào tạo).

            Điều 9. Trách nhiệm của cơ sở giáo dục mầm non

            1. Thành lập Ban chỉ đạo công tác y tế trường học, gồm: Trưởng Ban chỉ đạo là hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, phó ban chỉ đạo là cán bộ y tế trường học, một số thành viên là giáo viên đại diện các nhóm, lớp, đại diện hội cha mẹ học sinh của nhà trường.

            2. Căn cứ kế hoạch của địa phương, hàng năm cơ sở giáo dục mầm non tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương lập và triển khai kế hoạch xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích của cơ sở.

            3. Hàng năm tổ chức tập huấn, tuyên truyền, giáo dục cho giáo viên, cán bộ công nhân viên những kiến thức cơ  bản về các yếu tố nguy cơ, cách phòng, chống tai nạn thương tích và đánh giá kết quả xây dựng trường học an toàn, phòng, chống tai nạn thương tích của cơ sở.

 

           

 

KT.BỘ TRƯỞNG

THỨ TRƯỞNG

(Đã ký)

 

 

 

 

Nguyễn Thị Nghĩa

                                                                                   

                                               

TT

Nội dung

Đạt

Chưa đạt

I

TỔ CHỨC NHÀ TRƯỜNG

 

 

1

Có ban chỉ đạo công tác y tế trường học.

 

 

2

Có cán bộ y tế chuyên trách hoặc cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm công tác y tế trường học.

 

 

3

Các thành viên trong nhà trường được cung cấp những kiến thức về yếu tố nguy cơ và cách phòng, chống tai nạn, thương tích.

 

 

4

Có kế hoạch xây dựng trường học an toàn.

 

 

5

Có các quy định về việc phát hiện và xử lý khi xảy ra  tai nạn thương tích.

 

 

6

Có lồng ghép nội dung phòng, chống  tai nạn thương tích vào chương trình chăm sóc, giáo dục trẻ.

 

 

7

Có các khẩu hiệu, tranh, áp phích, tài liệu về phòng chống tai nạn thương tích.

 

 

8

Có tủ thuốc và các dụng cụ sơ cứu ban đầu.

 

 

9

Thường xuyên kiểm tra phát hiện và khắc phục các  

yếu tố có nguy cơ thương tích.

 

 

10

Có hồ sơ, sổ sách ghi chép, giám sát lý do, cách phòng chống, xử lý khi  tai nạn thương tích xảy ra.

 

 

11

Số trẻ/ lớp theo quy định của Điều lệ trường mầm non.

 

 

12

Đón, trả trẻ đúng giờ quy định, người đón trẻ phải là người có trách nhiệm để tránh hiện tượng trẻ bị thất lạc.

 

 

II

CƠ SỞ VẬT CHẤT

 

 

a/

Vị trí.

 

 

13

Trường, lớp được đặt tại khu dân cư phù hợp với quy hoạch chung, thuận lợi cho trẻ em đến trường/lớp.

 

 

14

Đảm bảo các quy định về an toàn và vệ sinh môi trường.

 

 

15

Khuôn viên của cơ sở có tường bao ngăn cách với bên ngoài.

 

 

16

Cổng trường phải chắc chắn, đóng, mở theo quy định.

 

 

17

Ở vùng sông nước, trường, lớp có thuyền, phao cứu sinh.

 

 

18

Không có hàng quà, bánh bán trong trường.

 

 

19

Có biển báo giảm tốc độ ở đoạn đường gần cơ sở và có biện pháp chống ùn tắc giao thông vào  giờ đón và trả trẻ.

 

 

20

Cơ sở có số điện thoại của cơ quan y tế nơi gần nhất (hoặc bác sỹ nhi khoa).

 

 

b/

Khối các phòng  (phòng học, phòng ngủ, phòng chơi)

 

 

21

Không bị dột nát, được xây dựng kiên cố hoặc bán kiên cố, đảm bảo an toàn.

 

 

22

Đảm bảo lối thoát hiểm khi có sự cố.

 

 

23

Đảm bảo cho trẻ em khuyết tật thuận tiện khi  sử dụng.

 

 

24

Cửa sổ có chấn song chắc chắn và an toàn.

 

 

25

Nền nhà (phòng) luôn khô ráo, không bị trơn trựợt.

 

 

26

Cầu thang phải có tay vịn, có cửa chắn ở đầu hoặc cuối cầu thang.

 

 

27

Lan can có chấn song chắc chắn, đảm bảo kích thước quy định, trẻ không chui, trèo qua được.

 

 

28

Các vật sắc nhọn (dao, kéo…) phải để ở nơi quy định và trẻ không với tới.

 

 

29

Phích nước nóng được đặt ở nơi an toàn ngoài tầm với của trẻ.

 

 

30

Đồ dùng chăm sóc, dạy trẻ được sắp xếp gọn gàng, an toàn cho trẻ.

 

 

31

Hệ thống điện trong lớp học phải đảm bảo an toàn, Tất cả ổ cắm điện cố định và di động được đặt ở nơi trẻ không với tới.

 

 

c/

Nhà bếp (phòng bếp)

 

 

32

Những nơi có tổ chức ăn cho trẻ phải có bếp riêng,  bếp đặt xa lớp mẫu giáo, nhóm trẻ.

 

 

33

Bếp đun bằng than tổ ong không được gần phòng học, ngủ, chơi của trẻ.

 

 

34

Nhà bếp được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng, sạch sẽ.

 

 

35

Quy trình chế biến, nấu nướng, chia ăn được sắp xếp theo nguyên tắc bếp ăn một chiều.

 

 

36

Thực phẩm đảm bảo vệ sinh, rõ nguồn gốc, còn thời hạn sử dụng. 

 

 

37

Thực hiện lưu mẫu thức ăn hàng ngày theo quy định.

 

 

38

Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

 

 

39

Có đủ nước sạch sử dụng.

 

 

40

Đảm bảo việc xử lí các chất thải đúng quy định.

 

 

41

Nhân viên nấu ăn được tập huấn về an toàn vệ sinh thực phẩm và khám sức khỏe định kỳ theo quy định.

 

 

 

42

Trẻ em không được vào bếp.

 

 

43

Có phương án, dụng cụ, phương tiện để xử lý  khi    sự cố cháy, nổ  xảy ra.

 

 

d/

Sân vườn

 

 

44

Sân trường, bãi tập bằng phẳng, không trơn trượt, mấp mô.

 

 

45

Các cây cao, cây cổ thụ ở sân trường được chặt tỉa cành trước mùa mưa bão.

 

 

46

Chậu hoa, cây cảnh được đặt ở vị trí an toàn, chắc chắn.

 

 

47

Không trồng những cây có vỏ, lá, hoa chứa chất độc hại và mùi hôi thối.

 

 

48

Đường đi lại bằng phẳng, khô ráo, thuận tiện.

 

 

49

Lối đi ra suối, ao, hồ, hố sâu… phải có rào chắn.

 

 

e/

Công trình chứa nước, công trình vệ sinh

 

 

50

Giếng nước, bể nước, chum, vại nước cần phải có nắp đậy chắc chắn, độ cao phải đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng.

 

 

51

Công trình vệ sinh phù hợp với độ tuổi của trẻ (bậc lên, chỗ ngồi, tay vịn).

 

 

52

Nền nhà vệ sinh luôn khô ráo, dễ cọ rửa.

 

 

53

Công trình vệ sinh ở vị trí cô giáo quan sát được trẻ khi trẻ đi vệ sinh.

 

 

f/

Phương tiện phục vụ, vật nuôi (nếu có)

 

 

54

Không có những đồ chơi dễ gây ra tai nạn thương tích cho trẻ.

 

 

55

Bàn, ghế chắc chắn, mặt bàn không được trồi đinh, góc bàn nhẵn.

 

 

56

Giường, tủ, giá, kệ chắc chắn, kê xếp hợp lý, an toàn, thuận tiện cho trẻ khi sử dụng.

 

 

57

Đồ dùng, đồ chơi phù hợp với độ tuổi của trẻ.

 

 

58

Đồ dùng, đồ chơi làm bằng chất liệu không gây độc hại cho trẻ.

 

 

59

Đồ chơi ngoài trời phải thường xuyên được kiểm tra,  tu sửa, bảo dưỡng.

 

 

60

Đồ dùng chăm sóc dạy  trẻ được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, thuận tiện, hợp lý và an toàn cho trẻ khi sử dụng.

 

 

61

Dụng cụ đựng hoá chất (các chất tẩy rửa..), các loại thuốc phải có nhãn rõ ràng để đúng nơi quy định. Chỉ sử dụng các chất tẩy rửa trong danh mục quy định của Nhà nước.

 

 

62

Chó nuôi phải được tiêm phòng và được nhốt trong thời gian trẻ ở trường.

 

 

III

GIÁO VIÊN/ NGƯỜI TRÔNG TRẺ

 

 

63

Có chuyên môn về công tác chăm sóc, nuôi, dạy trẻ.

 

 

64

Được dự các lớp tập huấn về phòng, chống  tai nạn thương tích cho trẻ.

 

 

65

Luôn quan sát tới trẻ mọi lúc, mọi nơi, không làm việc riêng, không được bỏ lớp.

 

 

66

Biết cách sơ cứu, cấp cứu khi tai nạn xảy ra.

 

 

IV

QUAN HỆ GIỮA GIA  ĐÌNH VÀ NHÀ TRƯỜNG 

 

 

67

Cha mẹ/người chăm sóc trẻ được tuyên truyền về phòng, chống tai nạn, thương tích cho trẻ.

 

 

68

Thường xuyên có sự trao đổi giữa nhà trường và gia đình của trẻ về tình hình sức khỏe của trẻ nói chung và việc phòng, chống  tai nạn thương tích cho trẻ.

 

 

 

 Ghi chú: – Đạt: Thực hiện tốt nội dung trong bảng kiểm.

                Chưa đạt: Chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa tốt các nội dung trên.

 

Ngày     tháng        năm

XÁC  NHẬN CỦA PHÒNG GD ĐT

(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

Ngày      tháng      năm

T.M. BAN GIÁM HIỆU

(ký, ghi rõ họ tên và đóng dấu)

 

 

Phụ lục 2

MẪU GIẤY CHỨNG NHẬN

Trường học an tòan, phòng chống tai nạn, thương tích.

 

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

————————-

 

GIẤY CHỨNG NHẬN

Trường học an tòan phòng, chống tai nạn thương tích

 

Ủy ban nhân dân…………………………………….(*)

Chứng nhận…………………………………………………………

………………………………………………………………………….

Đạt tiêu chuẩn “ Trường học an tòan, phòng chống tai  nạn thương tích” năm học 20…………..20………..

 

 

………………………,ngày ……tháng……năm 20

ỦY BAN NHÂN DÂN……………………(*)

 

Quyết định số……………..

Ngày…… tháng…..năm 20

Sổ danh mục…………………

 

    Chú thích: (*) Ghi rõ tên UBND quận/ huyện/thị xã/TP (trực thuộc tỉnh)

 

 

 

Tags: , , , ,

Comments are closed.